Nhớ thời đi học mất…tên

0
1473

Sau gần 40 năm ra trường, chị Đinh Hoài Giang – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin Việt Nam – cựu sinh viên khóa 24 ngành Vật lí chất rắn – Viện Vật lý Kỹ thuật mỗi lần trở về ngôi trường ĐHBK Hà Nội vẫn không sao quên được từng giảng đường, góc lớp, tiếng giảng bài của thầy, cô. Chị luôn tâm niệm, ngôi trường thân yêu tuổi thanh xuân đã truyền cho chị ngọn lửa tri thức, đam mê và khí chất Bách khoa Hà Nội, để chị vượt qua bao sóng gió thương trường, đạt được thành công như ngày hôm nay.

Chị Đinh Hoài Giang trong một lần về thăm Trường ĐHBK Hà Nội. Ảnh: NVCC

Lớn lên từ cái nôi Bách khoa

Chị Đinh Hoài Giang rất tự hào giới thiệu về “gia đình Bách khoa” của mình. Bố chị là GS. Đinh Xuân Bá – nguyên Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Tin học ĐHBK Hà Nội. Mẹ chị là cựu sinh viên ngành Hóa, em trai chị là cựu sinh viên K28 ngành Tự động hóa, khoa Điện. Từ thuở ấu thơ, chị Giang đã được người bố mẫn tuệ mà nghiêm khắc và người mẹ hiền hậu, cần cù hun đúc tình yêu, niềm tự hào về thương hiệu Bách khoa Hà Nội!

Chị Hoài Giang vốn có năng khiếu về các môn tự nhiên và theo đuổi các lớp chuyên Toán từ những ngày đầu đi học. Tốt nghiệp THPT, chị vào thi và học ĐHBK Hà Nội như một lẽ đương nhiên mà không hề gợn chút lăn tăn suy vấn! Lúc đó không ít người thắc mắc: “Sao con gái lại chọn ngành Vật lí chất rắn?” Thật ra, lúc đó nữ sinh giỏi khối A nghe theo lời khuyên của bố, vui vẻ học ngành là sở trường của mình.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, chị Hoài Giang vinh dự là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc được Nhà trường chọn chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh (NCS). Thời gian học NCS, chị may mắn được các GS.TS đầu ngành về lĩnh vực Vật lí chất rắn hướng dẫn. Thời gian làm NCS chị Hoài Giang đã có một bài viết cùng với thầy hướng dẫn được đăng trên Tạp chí Vật lí quốc tế. Bài báo này là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời đi học của chị Hoài Giang.

Với bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí Vật lí quốc tế, chị hoàn toàn đủ điều kiện bảo vệ luận án, nhưng hồi đó, Bộ GD&ĐT lại cho những chuyển tiếp sinh như chị đi thực tập tại Nga. Chị đã chọn sang Nga với mong muốn xem ngành học của mình bên đó họ làm như thế nào đồng thời cũng muốn có thêm kinh nghiệm để bổ sung vào luận án. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác, chị không được tiếp tục làm những công việc như đã làm với các thầy Việt Nam. Lúc đó nước Nga bắt đầu rơi vào khủng hoảng, các giáo sư tại trường của chị học tập (Trường Thép và Hợp kim), phải quan tâm đến cuộc sống nhiều hơn là chú tâm truyền dạy cho những NCS nước ngoài. Vậy là 2 năm ở Nga, chị Hoài Giang vẫn chưa đạt được những điều mình ấp ủ, mong muốn…

Một số hình ảnh chị Hoài Giang và lớp Toàn Lý K24 chụp tại Trường ĐHBK Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm ngày vào trường 10/1979 – 10/2019. Ảnh: NVCC

Kí ức tươi đẹp

Là một doanh nhân chèo lái doanh nghiệp lớn, mỗi ngày với chị Hoài Giang là guồng quay căng thẳng của các hợp đồng, thương vụ, của gánh nặng làm sao để có tiền trả lương, thưởng cho hàng trăm cán bộ nhân viên. Nhưng ngơi lúc nào, được hỏi về thời đi học, chị lại như bông hoa được tưới nước, đón nắng mai cho tươi thắm hơn. Chị nhớ, thời học BKHN, là con của một cán bộ lâu năm, có uy tín và nổi tiếng trong trường nên chị luôn ý thức và cố gắng để đạt thành tích học tập tốt nhất. Chị không muốn mình phải nương nhờ cái bóng của bố. Rất nhiều thầy cô, bạn bè khi gặp chị hay hỏi: “Có phải em là con thầy Bá không?” – Khi đó chị cũng vừa cười vừa nói: Em tự ái quá… Em có tên hẳn hoi vì sao anh (chị) cứ hỏi em là con thầy Bá?… Ấn tượng về con thầy Bá ăn sâu vào những thế hệ thầy – trò trường BKHN nhiều hơn là mọi người biết đến cô sinh viên có thành tích học tập xuất sắc Đinh Hoài Giang.

Vào năm thứ nhất, có hai môn học chị không chinh phục được là Hình họa và Vẽ kỹ thuật. Chỉ vì hai “hung thần” này mà thành tích học tập kỳ đó của chị không được đánh giá cao. Trong một cuộc họp Khoa thầy chủ nhiệm lớp đã nhắc trường hợp của chị. Tuy thầy không chỉ đích danh, nhưng chị cảm tưởng mặt mình nóng ran, như nghe tên Hoài Giang vang khắp khoa phòng. Ngay ngày hôm sau, bố chị đã biết chuyện. Chị nghe ngóng được tình hình và cũng đã rất lo lắng. Thế nhưng, khi chị về nhà, bố chị không mắng, chỉ hỏi han tình hình học tập của chị rồi nhẹ nhàng dặn: Con cố gắng học tập chăm chỉ để kỳ sau đạt điểm cao hơn.

Đi học, chị cũng giống như nhiều bạn sinh viên khác, tuy là rất chăm chỉ học nhưng cũng rất mừng khi nghe tin thầy, cô giáo… ốm. Khi đó, chị và các bạn trong lớp vui mừng reo lên, mặc dù ai cũng biết reo lên như thế là rất buồn cười… Được nghỉ, cả lớp rủ nhau đi ra công viên chơi (Trường chỉ cách công viên có một con đường). Sang bên đó, mọi người cùng ngồi chơi vui, hát hò hết tiết xong lại quay về đi học…

Giờ đây, mỗi dịp được trở về ĐHBK Hà Nội hay Viện Vật lí Kỹ thuật chị cảm thấy vô cùng sung sướng, cảm giác như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, được các thầy, cô, các em reo lên “A! Chị Hoài Giang…!” – nghe như có một dòng chảy ấm áp khiến trái tim đập lại những nhịp thuở nữ sinh mười tám đôi mươi năm nào.

Chị Hoài Giang cùng đoàn khách Nhật Bản thăm nhà máy của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin Việt Nam. Ảnh: NVCC

Động lực thành công

Nhiều người hỏi chị Hoài Giang ngành đào tạo có liên quan gì đề công việc sản xuất đâu mà sao vẫn cứ thành công? Theo chị Hoài Giang, làm gì thì cũng cần có một nền kiến thức, đó là cơ sở, là chỗ dựa để ta có thể làm bất cứ việc gì sau này. Hơn nữa, công việc có thành công hay không lại đòi hỏi chí hướng và lòng quyết tâm của mỗi người. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình chị Giang không theo ngành chị hay của em trai chị đã học ở trường ĐH, càng không phải ngành của bố mẹ chị. Thế nhưng tư duy logic và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất của doanh nghiệp hiện nay đều có gốc từ thời Bách khoa Hà Nội. Những tưởng kiến thức trái ngành trái nghề không giúp ích cho công việc nhưng các thầy/cô giáo ĐHBK Hà Nội đã truyền cho chị không chỉ kiến thức mà còn là niềm tin, sự kiên định theo đuổi mục tiêu, sự quyết tâm đạt được đích đến!

Con đường đến thành công không trải thảm hoa hồng mà rất nhiều chông gai. Vượt qua được những chông gai đó đòi hỏi mỗi chúng ta cần có tri thức, sự kiên định và lòng can đảm. Tôi có được khí chất này để vượt qua khó khăn là các thầy cô ĐHBK Hà Nội đã truyền dạy”Chị Đinh Hoài Giang.

Việt Nga

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here