“Biết ơn thầy, cô giáo Bách khoa dìu dắt chúng em nên người”

0
733

Tốt nghiệp từ ngôi trường đại học hàng đầu Việt Nam về khoa học và kỹ thuật, Người Bách khoa có nhiều ngã rẽ riêng. Tuy nhiên, họ vẫn chung một niềm tự hào và ngôi nhà chung mình từng gắn bó những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất. Sắp tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội lại hướng về Trường, về thầy cô, những người đã trang bị hành trang tri thức và cả phong cách, thái độ trong cuộc sống, dìu dắt họ nên người. Cựu sinh viên cùng chung lời tri ân: “Biết ơn thầy, cô giáo Bách khoa rèn chúng em nên người”

CSV Ngô Thúy Quỳnh – Phó Vụ trưởng  Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương 

Chị Quỳnh là cựu sinh viên K39, ngành Lọc Hóa dầu, Viện Kỹ  thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù đã tốt nghiệp gần  30 năm nhưng khi được hỏi về giảng viên chị yêu mến nhất, chị  không chần chừ trả lời ngay: Thầy Trần Công Khanh, giảng viên  ngành Lọc – Hóa dầu, người hướng dẫn chị làm đồ án tốt nghiệp. 

“Tôi còn nhớ hôm đó hai thầy trò đang cùng thí nghiệm trên một  thiết bị mới toanh của bộ môn. Đột nhiên, chiếc máy bốc khói.  Lúc ấy, thầy Khanh rất hoảng, bắt tôi chuyển đề tài luôn, trong  khi đồ án đã gần kết thúc”, chị Quỳnh hồi tưởng. 

Chuyển đề tài gấp gáp trong những ngày tháng cuối sát thời hạn  nộp đồ án nhưng thầy Công Khanh vẫn luôn theo sát học trò,  nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn. 

Cựu sinh viên K39 hồi nhớ: “Thầy Công Khanh là một nhà giáo  mẫu mực, là kim chỉ nam của tôi trong suốt những bậc học tiếp  theo và cả hành trình công việc sau này. Thầy là nhà giáo, nhà  khoa học chân chính, luôn nghiên cứu miệt mài, hướng dẫn các  thế hệ sinh viên bằng cả tâm huyết của mình!”. 

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, chị Quỳnh  gửi lời chúc tới thầy Khanh: “Em rất biết ơn thầy! Tôi kính mong  thầy luôn mạnh khỏe!” 

CSV Vũ Hồng Công – Giám đốc công ty cổ phần sáng tạo trẻ Việt Nam Miichisoft 

Anh Công từng là sinh viên khóa đầu tiên Chương trình Việt – Nhật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh chia sẻ, hồi học năm I, II, chương trình học của anh khá nặng: Học cả buổi sáng đến trưa, nghỉ ăn một tiếng rồi lại vào ca học chiều. “Nếu hỏi thèm gì nhất vào giai đoạn đó có lẽ ai trong chương trình cũng sẽ nói là thèm ngủ nhất”, anh Công dí dỏm kể. Việc “thèm ngủ” đã khiến anh có một kỷ niệm “nhớ như in” với một cô giáo người Nhật Bản dạy tiếng Nhật cho lớp hồi ấy. 

Theo trí nhớ của anh, cô là một trong nhiều giáo viên người Nhật tham gia vào dự án Việt – Nhật, sang Việt Nam dạy tiếng Nhật. Các  thầy cô rất tâm huyết với học trò, các buổi đứng lớp đều được chuẩn  bị kỹ càng từ hình ảnh tới đạo cụ.  

“Có một hôm, đầu buổi trưa, khi cô vào lớp dạy bài tập nghe tiếng  Nhật, sinh viên đã buồn ngủ sẵn nên chỉ sau 5 phút, khoảng 1/2 lớp  đã ngủ gật luôn”. Vậy là bên trên cô giáo dạy còn ở dưới thì sinh viên  ngủ ngon lành. Khi cô đến đánh thức từng bạn, do ai cũng mệt nên  hầu như sau đó lại ngủ tiếp. “Tôi cũng xin cô là bọn em mệt quá nên  xin phép cô cho em ngủ một chút”, anh Công thật thà.  

Cô cũng hiểu sinh viên nhưng có lẽ một phần vì thương học trò, một  phần vì bất lực mà cô khóc ngon lành. “Chúng tôi rất hối hận và cả  lớp đã đứng dậy xin lỗi cô, hứa sẽ học hành nghiêm túc”, anh Công  chia sẻ.  

Sau này cô không dạy lớp nữa nhưng mỗi khi gặp cô, lớp anh Công  vẫn hay nhắc lại. Đã quá lâu rồi anh không gặp cô và cũng không  có phương thức nào liên lạc với cô những anh vẫn luôn biết ơn  và chúc các thầy cô khoẻ mạnh, hạnh phúc trong cuộc sống. 

CSV Vũ Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng  Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam 

“PGS. TS Nguyễn Đăng Quang không chỉ truyền đạt những giờ  giảng vô cùng cuốn hút mà còn truyền cả động lực, niềm đam mê  nghiên cứu khoa học cho tôi”, chị Hà bộc bạch. 

Ấn tượng của chị Thu Hà về thầy Quang là những giảng bài cực  kỳ truyền cảm và luôn được lồng rất nhiều câu chuyện thực tế  thú vị. Chị thích những câu chuyện của thầy về công việc của  thầy cô khi học tập, làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, các  trường đại học ở nước ngoài. 

Thời điểm đó, chị Hà là cô sinh viên duy nhất của lớp được học  bổng toàn phần. Nhưng điều ấy không khiến chị tự hào bằng việc  được nhận những món quà ý nghĩa do chính thầy Quang tự mua  và tặng. Thầy là người đã ảnh hưởng đến chị rất nhiều. 

Chị Hà còn nhớ, thời đi học, chị từng tròn xoe mắt trước khả  năng tiếng Pháp của thầy Quang. Khi ấy, có một bài báo khoa học  chị cần đọc nhưng không đọc được vì viết bằng tiếng Pháp. Chị  vừa gặp hỏi thầy là thầy cầm bài đọc vanh vách từ đầu đến cuối.  “Nhờ điều này mà sau này tôi cũng thành người nói tiếng Pháp,  học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Pháp và phát triển nhiều quan hệ hợp tác  nghiên cứu khoa học, đạo tạo với Pháp”, chị Hà chia sẻ. 

Dù đã tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà  Nội 35 năm, nếu có cơ hội gặp lại và trò chuyện cùng thầy, chị Hà  chỉ muốn nói: “Em kính chúc thầy luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc!” 

Cựu học viên Nguyễn Công Truyền – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam – Hàn Quốc, Thành phố Hà Nội 

Là Cựu học viên Cao học Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Truyền vẫn nhớ những ngày tháng gắn bó với lớp Thạc sĩ năm ấy: “Tất cả chúng tôi đều trong diện đang giảng dạy và đi học Thạc sĩ nên rất vất vả”. Dẫu vậy, cả lớp ông vẫn rất gắn bó và thân thiết với nhau. Đặc biệt, lớp nhận được sự giúp đỡ tận tình của các thầy/cô Bách khoa Hà Nội. 

“Tôi nhớ nhất cô Nhu, người đã hướng dẫn tôi rất chi tiết”, ông  Truyền kể. Ông nhớ lại những buổi học đã kết thúc nhưng một  cô một trò vẫn ở lại thêm nửa tiếng đồng hồ để truyền tải thêm  

những kiến thức bổ ích. Cô Nhu dạy cậu học viên Cao học không  chỉ về kỹ năng giảng dạy mà còn về kỹ năng quản lý, lãnh đạo.  

Có lẽ những buổi học thêm ngoài giờ ấy đã truyền động lực cho  ông Nguyễn Công Truyền, giúp ông vững tin vào bản thân, trở  thành một người lãnh đạo như ngày nay. 

Bên cạnh đó, ông Truyền gửi lời chúc sức khỏe đến các Giáo  sư, Tiến sĩ và các thầy cô cũng như các bạn sinh viên Viện Sư  phạm Kỹ thuật, mong rằng mọi người sẽ tiếp tục phát huy những  truyền thống tốt đẹp, xây dựng Viện ngày một thành công và  phát triển hơn; có được sự gắn bó, cộng tác với các trường dạy  nghề nhiều hơn nữa. “Chúng tôi luôn sẵn lòng hợp tác với Viện  mình trên con đường sắp tới”, ông khẳng định. 

Trần Trang

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here