Phút giây ấm lòng ngày 20/11 của những giáo viên đặc biệt Bách khoa

0
879

Không nhiều quốc gia trên thế giới có một ngày đặc biệt dành để tri ân các nhà giáo như ở Việt Nam. Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là trải nghiệm rất mới mẻ và đáng nhớ đối với tất cả giảng viên quốc tế tại Bách khoa Hà Nội.

 

‘Chưa từng đến nơi nào giảng viên được kính trọng như ở Việt Nam’

Jakob Konrath là chuyên gia Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đang giảng dạy tiếng Đức cho sinh viên Bách khoa Hà Nội. Ông gắn bó với Bách khoa đến nay đã hơn 4 năm.

“Tôi biết Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật lớn nhất và danh tiếng nhất tại Việt Nam”, chuyên gia nước ngoài cho biết đó là một trong những lý do ông cảm thấy rất hào hứng khi có cơ hội sang Việt Nam làm việc, dù chuyến công tác dài hạn này không phải là lần đầu tiên ông đặt chân đến đây.

Thầy Jakob đến từ một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, với bố mẹ và anh trai đều là giáo viên và giảng viên. Đối với ông, sự nghiệp cầm sách đã ngấm vào máu như một lẽ tự nhiên, mặc dù ông cũng thừa nhận truyền thống gia đình là điều khá hiếm hoi trong xã hội phương Tây hiện đại. Với hơn 15 năm theo nghề, thầy giáo người Đức đã trải nghiệm dạy học ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Jakob ở Bách khoa là Liên hoan Văn nghệ truyền thống Công đoàn được Công đoàn Trường tổ chức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019. Rất nhiều cán bộ ở Trung tâm Ngôn ngữ và Hỗ trợ trao đổi học thuật (CLA) đã cùng tập trung và luyện tập tiết mục “Trống cơm” cho ngày hội ấy.

“Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy nhiều gương mặt thân quen tụ tập và dành thời gian cùng nhau. Chúng tôi đã luyện tập tiết mục ấy suốt mấy tuần”, Jakob cho biết các cán bộ nước ngoài đã dành nhiều công sức và tâm huyết cho phần biểu diễn của mình. Sau 3 năm, giảng viên người Đức vẫn nhớ rõ lời và giai điệu bài hát dân gian Việt Nam, cùng những nụ cười và kỷ niệm khó quên.

Cách đây vài năm, thầy Jakob cùng các cán bộ CLA tổ chức chuyến đi xuống bãi biển Sầm Sơn và tham gia các trò chơi hoạt động nhóm. “Chúng tôi không có những hoạt động như vậy ở châu Âu”, Jakob khẳng định người Việt Nam có lối sống đoàn kết và tập thể hơn phong cách của người phương Tây.

Theo chuyên gia người Đức, phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều không có ngày dành riêng cho giáo viên. Điều khiến chuyên gia quốc tế cảm thấy ấn tượng và ấm lòng nhất chính là thái độ tôn trọng và yêu mến của sinh viên Việt Nam đối với các giảng viên của mình. “Ngày Nhà giáo Việt Nam là cơ hội để sinh viên thể hiện lòng biết ơn đối với những người thầy trên bục giảng”, thầy Jakob khẳng định 20/11 là một truyền thống tốt đẹp và đáng trân trọng của người Việt Nam.

 

Sinh viên là đồng nghiệp

Jeff Edmonds là giảng viên dạy Khoa học máy tính của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông. Ông là giáo sư tại Đại học York (Canada) và đang trong năm tạm nghỉ (sabbatical year) của giảng viên.

Tại các trường đại học ở phương Tây, các giáo sư có quyền tạm nghỉ một thời gian ngắn (thường là một năm) cho mỗi 7 năm công tác trong khi vẫn thuộc biên chế và được trả lương bởi đại học của họ. Với thời gian tạm nghỉ này, ông quyết định sang Bách khoa Hà Nội để giảng dạy và trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Bố của thầy Jeff Edmonds cũng là một giáo sư rất nổi tiếng trong lĩnh vực tối ưu tổ hợp. Theo chân bố bước vào ngành giáo dục, Giáo sư Jeff bắt đầu giảng dạy từ năm 1995. Ông thích công việc kết nối với sinh viên và giúp đỡ xã hội.

Đối với một giảng viên nước ngoài, việc làm quen với sinh viên Việt Nam trong thời gian đầu không phải điều dễ dàng. Một tối thứ bảy của tháng 11, ông mời cả lớp về nhà thử các món ăn Ấn Độ. Giảng viên người Canada chia sẻ, “sau buổi liên hoan, tôi cảm thấy hiểu và gần gũi hơn với sinh viên của mình”.

Ở Canada không có ngày tri ân giáo viên, nên 20/11 năm nay tại Việt Nam sẽ là một trải nghiệm thú vị và mới mẻ với giáo sư Jeff. Dù vậy, đối với ông, sự đam mê làm việc và học tập ở sinh viên mới là điều quan trọng và đáng quý nhất. “Tôi cũng luôn muốn sinh viên coi tôi như một đồng nghiệp và sẵn sàng chia sẻ với tôi những gì họ đang nghĩ”, giáo sư Jeff Edmonds nói.

Triết lý dạy học của ông là phải hiểu cốt lõi vấn đề thay vì ghi nhớ và học thuộc. Ông cho rằng nếu người học không nhìn được nguyên nhân cốt lõi và bức tranh tổng thể, họ sẽ không hiểu vì sao họ phải làm những điều họ đang làm, như vậy sẽ không bền vững. “Tôi biến mỗi bài giảng của mình thành một câu chuyện. Tôi hi vọng sinh viên của mình có thể nhớ được những kiến thức và nguyên lý này kể cả là sau 20 năm nữa.”

 

Bách khoa Hà Nội là nơi bắt đầu sự nghiệp viết bảng

Fumitaka Torii là giảng viên tiếng Nhật tại Trung tâm Ngôn ngữ và Hỗ trợ trao đổi học thuật. Thầy Torii đã làm việc tại Bách khoa được gần 6 năm. Thầy giáo người Nhật Bản nhận việc làm tại Bách khoa Hà Nội chỉ ba ngày sau khi tốt nghiệp cử nhân. “Đây là công việc và nơi làm việc đầu tiên của tôi”, thầy Torii chia sẻ về mối quan hệ đặc biệt của mình với Bách khoa Hà Nội.

Khi còn học cấp ba, có một thời gian Torii ốm nặng, không thể đi học. Nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô, Torii có thể tiếp tục học và vào trường đại học mong muốn. “Từ đó, tôi muốn trở thành giáo viên để giúp đỡ người khác”, thầy giáo trẻ chiêm nghiệm. Torii có rất nhiều bạn bè người Việt ở Nhật Bản, đó là lý do ông muốn đến Việt Nam. “Trước khi đến đây, tôi chỉ biết đến thương hiệu Trường – Bách khoa Hà Nội là đại học rất nổi tiếng”.

Torii luôn muốn có thêm thời gian lên lớp để kích hoạt tính sáng tạo của sinh viên. Theo ông, kiến thức là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là ý tưởng. “Nếu chỉ học thuộc ngôn ngữ bằng cách ghi nhớ, người học không thể đọc và viết thành thạo”, giảng viên ngôn ngữ tâm huyết chia sẻ về phương pháp dạy học của mình. Ông luôn khuyến khích sinh viên chủ động tìm tòi kiến thức nâng cao thay vì chỉ phụ thuộc vào bài giảng trên lớp.

Món quà ý nghĩa nhất mà thầy giáo tiếng Nhật nhận được trong dịp 20/11 là chiếc bút chì khắc tên mình do chính sinh viên làm. Ông không khỏi vui mừng và xúc động mỗi khi được sinh viên tổ chức những bữa tiệc nhỏ nhân dịp tri ân nhà giáo. “Đây là một trải nghiệm mới mẻ với tôi”, ông cho biết ở Nhật Bản không có ngày Nhà giáo và cũng không có văn hóa như vậy.

Phần lớn những giảng viên ngôn ngữ từ Nhật Bản sẽ ở Việt Nam để dạy 1-2 năm trước khi về nước. Đối với thầy Torii, khoảng thời gian đó là quá ngắn để hiểu về văn hoá một ngôi trường, một đất nước. Giảng viên trẻ quyết định ở lại Bách khoa tối thiểu 3 năm. COVID-19 kéo dài quãng thời gian dự kiến của ông tại Việt Nam do các nước đóng biên trong đại dịch. Nhưng “6 năm ở đây là một quyết định đúng đắn của tôi”, giảng viên người Nhật cho biết. “Tôi sẽ luôn nhớ về quãng thời gian làm việc ở đây, giảng đường đầu tiên mà tôi đứng.”

Hà Kim. Ảnh: Hà Kim – Duy Thành

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here