Tài sản quý giá của Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu 

0
788

30 năm xây dựng và trưởng thành, ký ức tươi đẹp nhất của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) là niềm hạnh phúc khi nhiều sinh viên, học viên đào tạo từ nơi đây là người thành đạt, cán bộ chủ chốt của các cơ quan nghiên cứu và đào tạo lớn của quốc gia, là những nhà nghiên cứu, nhà quản lý có kiến thức và kỹ năng cao đang đóng góp tích cực vào sự phát triển GD&ĐT, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của đất nước; cùng đó, nhiều công trình  của Viện có tầm ảnh hưởng lớn, nhiều sáng chế thiết thực cho cuộc sống…  

Địa chỉ đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao về Khoa học vật liệu  

Dựa trên đề xuất từ phía Việt Nam, tháng 10/1992, Chính phủ Hà Lan chính thức phê duyệt dự án thành lập Trung tâm Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS).  

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng ra quyết định thành lập Trung tâm Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu, trực thuộc Bộ GD&ĐT. Ngoài kiến thức về khoa học vật liệu, học viên cao học tốt nghiệp ở ITIMS thông thạo Tin học ứng dụng và Anh ngữ, tạo thuận lợi cho các thạc sĩ chọn lựa công việc hoặc tiếp tục học lên ở trong nước và nước ngoài. 

Về đào tạo tiến sĩ, các đề tài luận án của NCS nằm trong các hướng nghiên cứu của ITIMS thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ. ITIMS triển khai hình thức đào tạo kết hợp (sandwich) với các phòng thí nghiệm mạnh trên thế giới để đào tạo NCS, hạn chế được việc “chảy máu chất xám”, tăng cường được mối quan hệ hợp tác quốc tế. 

Sau gần 10 năm hoạt động, Trung tâm ITIMS đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao về lĩnh vực khoa học vật liệu. Tháng 2/2004, Trung tâm ITIMS được chuyển về trực thuộc Trường ĐHBK Hà Nội và được đổi tên thành Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS).  

Trong suốt thời gian 18 năm hoạt động dưới mái trường Bách khoa cho đến nay, toàn thể cán bộ viên chức viện đã luôn không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo gắn kết với nghiên cứu khoa học công nghệ mà nhà trường giao phó.  

Hiện nay ITIMS đang chủ trì và quản lý 2 Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành “Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu điện tử” và “Khoa học và Công nghệ nano; 2 Chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành “Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu điện tử” và “Công nghệ Vật liệu Quang học, Quang điện tử và Quang tử. 

Chương trình đào tạo luôn được cập nhật hàng năm, có tham khảo các chương trình tương đương của các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, theo từng chuyên đề, hàng năm ITIMS mời các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu điện tử từ các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản sang giảng bài cho các học viên và NCS, cử các cán bộ của Viện sang thực tập ngắn hạn tại các nước bạn. Các học viên theo định hướng nghiên cứu đều được đào tạo theo “Chương trình hợp tác giữa Trường ĐHTH Amsterdam, Hà Lan và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, được hỗ trợ học bổng và có cơ hội tiếp tục hoàn thành luận văn thạc sỹ tại nước bạn và tiếp tục làm NCS.  

Bên cạnh đào tạo sau đại học, Viện ITIMS đã phối hợp với Viện Vật lý kỹ thuật, Viện Khoa học và công nghệ vật liệu, Trung tâm điện tử y sinh trong đào tạo ở bậc cử nhân và kỹ sư về lĩnh vực vật liệu điện tử. Viện cũng phối hợp với Viện Điện tử viễn thông mở định hướng “Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano” cho sinh viên ngành Điện tử Viễn thông. 

Đến nay ITIMS đã đào tạo được 29 khóa cao học với 450 thạc sỹ và hơn 60 tiến sĩ đã tốt nghiệp.  Phần lớn trong số họ hiện đang công tác tại các cơ sở đào tạo (41%) và doanh nghiệp (38%). Phần còn lại làm việc tại các viện nghiên cứu trong nước (10%) và nước ngoài (7%) và các cơ quan hành chính nhà nước (4%).  

Góp phần đưa nhóm ngành Khoa học vật liệu Bách khoa đứng vị trí cao trong các bảng xếp hạng ĐH  

Trong thời gian 10 năm, Viện ITIMS đạt trên 850 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/Scopus. Bình quân mỗi một cán bộ nghiên cứu công bố 1,3 bài báo ISI/năm (có năm lên đến 3 bài/năm/TS). Trong 5 năm trở lại đây, Viện ITIMS chủ trì 78 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có 31 đề tài cơ sở, 21 đề tài Quỹ Nafosted, 2 đề tài cấp Nhà nước (trong đó 1 đề tài hợp tác quốc tế), 18 đề tài cấp B, 2 Chương trình nghiên cứu cấp Bộ và 1 đề tài Hợp tác doanh nghiệp. Tổng số giải pháp hữu ích và độc quyền sáng chế của Viện là 17 trong đó có 9 bằng độc quyền sáng chế và 8 giải pháp hữu ích. 

Hiện Viện đang triển khai các hướng nghiên cứu: Công nghệ vi cơ điện tử, Vật liệu từ, Từ-điện tử và siêu dẫn, Cảm biến và thiết bị thông minh, Quang điện tử và quang tử nano, Vật liệu năng lượng sạch và xử lý môi trường, Mô phỏng vật liệu và linh kiện, LED và chiếu sáng tiên tiến, Vật liệu Y sinh và các hướng nghiên cứu ứng dụng liên ngành vật lý – vật liệu – điện tử – cơ điện tử – công nghệ thông tin … 

Với những nỗ lực của mình, Viện đã góp phần đưa nhóm ngành Khoa học Vật liệu của trường ĐHBK Hà Nội đứng vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam và nằm trong nhóm 401-410 thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds năm 2022.  

ITIMS – Trung tâm xuất sắc của Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ 3 

Viện ITIMS ngay từ đầu không chỉ hợp tác với hai “đối tác chiến lược” ở Hà Lan là Trường ĐH Tổng hợp Amsterdam và Trường ĐH Twente mà còn thiết lập quan hệ khoa học của mình thông qua Hội đồng Tư vấn Quốc tế bao gồm 14 giáo sư có danh tiếng từ nhiều nước cả ở châu Á lẫn châu Âu.  

Chương trình đào tạo và nghiên cứu của ITIMS được tham mưu xây dựng bởi một Hội đồng Tư vấn Quốc tế gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng và các nhà quản lý liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực khoa học vật liệu, thông qua đó các thạc sĩ do ITIMS đào tạo sẽ được tuyển thẳng làm NCS các Trường Đại học có uy tín ở các nước như Hà Lan, Đức, Pháp, Bỉ, Mỹ, 

Tháng 10/2002, Trung tâm ITIMS đã được công nhận Trung tâm xuất sắc của Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ 3. 

4 mục tiêu của Viện trong hành trình tiếp theo 

  1. Đổi mới các hoạt động của Viện theo xu thế chuyển đổi số, bảo đảm mang lại cho cán bộ viên chức và giảng viên một môi trường thuận lợi, phát huy toàn bộ năng lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp đào tạo và NCKH, mang lại cho người học một môi trường học tập và nghiên cứu khang trang hiện đại, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng với những kiến thức tiên tiến và các kỹ năng cần thiết để tiến thân và khởi nghiệp. 
  2. Tạo dựng được “thương hiệu” có uy tín, quan hệ rộng rãi đa phương, đa dạng đủ sức cạnh tranh, hợp tác bình đẳng và chủ động hội nhập. 
  3. Là nơi quy tụ các chuyên gia, giảng viên có trình độ cao, có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp của Thủ đô và trong cả nước. 
  4. Phát triển mạnh mẽ hơn nữa các hướng nghiên cứu về vật liệu điện tử và linh kiện phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học vật liệu và Công nghiệp 4.0. Cung cấp hiệu quả và kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp Vật liệu điện tử và linh kiện ở Việt Nam. Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam, thúc đẩy sự ra đời các sản phẩm linh kiện điện tử “Make in Vietnam”.
Những phẩm chất quý báu của cán bộ, giảng viên Viện ITIMS

Đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ nghiên cứu của Viện thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy, không ngừng học tập nâng cao trình độ, thương yêu học viên, sinh viên, NCS và tận tụy với nghề nghiệp, tiên phong, vượt khó để dạy tốt…  

Đội ngũ cán bộ viên chức Viện từ 3 người (năm 1995) là cán bộ cơ hữu còn lại là các cán bộ kiêm nhiệm nay đã tăng lên 44 người. Trong số đó có 36 giảng viên, 5 cán bộ phục vụ giảng dạy và 3 cán bộ hành chính. Đội ngũ cán bộ viên chức của Viện có 38 TS, 2 ThS; 90% đạt chuẩn tiếng Anh; 100% có chứng chỉ tin học, nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy, 12 giảng viên cao cấp, 3 giảng viên có trình độ LLCT cao cấp, 2 giảng viên có trình độ LLCT trung cấp. 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here