Tri ân những thầy, cô khai đường, mở lối Bộ môn Hệ thống điện Bách khoa 

0
953

Bộ môn Hệ thống điện trước đây và ngày nay là khoa Điện, Trường Điện – Điện tử là một trong những bộ môn giàu truyền thống nhất của Bách khoa Hà Nội. Được Nhà trường quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi, năng động, tâm huyết với nghề suốt 65 năm qua, Bộ môn đã đạt được những thành công trong đào tạo và nghiên cứu hôm nay. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi – lớp cán bộ, giảng viên hậu bối Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội – xin được tri ân thế hệ những thầy cô giáo đầu tiên của bộ môn 

1. Có thể coi thế hệ thầy/cô tiền bối là nhóm kỹ sư điện trẻ tuổi tốt nghiệp Đại học Triết Giang (Trung Quốc) về trường năm 1957 gồm các thầy: Bùi Duyên, Hà Học Trạc, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Bình Thành, Vũ Gia Hanh, Võ Viết Đạn – Những người đặt nền móng cho việc hình thành Bộ môn Phát Dẫn Điện do thầy Bùi Duyên làm chủ nhiệm đầu tiên với nhiệm đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất và truyền tải điện năng.  

Các nhóm chuyên môn Nhà máy điện, Mạng điện, Kỹ thuật điện Cao áp, Bảo vệ rơle và Tự động hóa được hình thành trong giai đoạn này và hiện nay vẫn là những nhóm chuyên môn truyền thống của khoa Điện.  Sau này, do nhiệm vụ và yêu cầu, thầy Nguyễn Bình Thành trở thành Trưởng bộ môn Đo lường, thầy Vũ Gia Hanh là Trưởng bộ môn Máy điện. 

Thế hệ thầy/cô thứ hai là nhóm các kỹ sư tốt nghiệp các khoá đầu tiên được giữ lại trường gồm các thầy: Bùi Ngọc Thư, Nguyễn Bội Khuê, Huỳnh Nhơn, Nguyễn Quân, Nguyn Phiệt, Hoàng Việt, Nguyễn Việt An,  Trần Đình Chân (khoá 1), Trịnh Hùng Thám (khoá 2), Phan Kế Phúc, Nguyễn Hữu Khái (khoá 3), Nguyễn Quý Hùng (khoá 4)…  

Theo chủ trương của Trường, năm 1959, gần 100 sinh viên khoá 1 được chuyển sang học tiếp tại nước ngoài, trong đó là các thầy Trần Đình Long, Đặng Ngọc Dinh sang Trường Năng lượng Moscow Liên Xô và về nước năm 1963. Thầy Bùi Thiện Dụ, du học Liên Xô từ thời phổ thông, tốt nghiệp đại học Năng lượng Moscow, về nước năm 1963 và trở thành giảng viên của bộ môn. Thầy Phạm Văn Huân, tốt nghiệp Trường Đại học Thiên Tân (Trung Quốc), về bộ môn năm 1959. Thầy Tăng Thiên Tư về bộ môn năm 1963.  

2. Những giáo trình đầu tiên của Bộ môn chủ yếu được in rôneo từ bài giảng ban đầu được biên soạn từ các tài liệu nước ngoài, thiết bị thí nghiệm được tự tạo theo thiết kế của thầy, cô giáo phụ trách môn học. Rồi cũng chính tay thầy – trò, từ đủ các loại linh kiện, chi tiết và vật liệu “phi tiêu chuẩn” đã đục đẽo, hàn, gò, lắp ráp dựng nên. Nhóm cán bộ thí nghiệm và công nhân các phòng thí nghiệm cũng được hình thành trong giai đoạn này.  

Những năm 1963 – 1965 khi Liên Xô giúp xây dựng cơ sở học tập mới của trường, một số thầy giáo của Bộ môn được giao nhiệm vụ cùng chuyên gia lắp ráp, hiệu chỉnh tất cả thiết bị điện ở các phòng thí nghiệm trong toàn trường.  

Cuối năm 1965 khi công việc xây dựng, lắp ráp chưa kịp kết thúc thì cũng là lúc phải tháo gỡ những thứ vừa được lắp đặt để sơ tán chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn quyết liệt, Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, cả trường phải học tập tại các khu sơ tán, sẵn sàng giảng dạy trong điều kiện mới đầy khó khăn gian khổ. Năm 1967, thầy Nguyễn Phiệt đã hy sinh trên khu sơ tán.  

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Bộ môn vẫn liên hệ chặt chẽ với ngành điện, đưa sinh viên đi thực tập tại các nhà máy điện Hà Bắc, Uông Bí, Lào Cai theo phương châm học đi đôi với hành, đào tạo gắn liền với sản xuất. Chúng tôi thực sự tự hào và ngưỡng mộ về thế hệ các thầy đầu tiên ấy, những người đã đặt những viên gạch đầu tiên và đã đóng góp nhiều công sức xây dựng và phát triển bộ môn, góp phần to lớn  cho sự nghiệp đào tạo các kỹ sư Hệ thống điện của cả nước.  

Đó là: GS. NGND. Hà Học Trạc – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên trưởng Bộ môn, sau thầy làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS. Nguyễn Thế Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ đại học Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp;  

Đó còn là các thầy giáo: Thầy Phạm Văn Huân do nhà nước điều động chuyển sang Bộ Điện Than, sau là Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, hàm thứ trưởng, phụ trách công  nghiệp; PGS. Đặng Ngọc Dinh – nguyên Trưởng bộ môn, Trưởng khoa Điện – Điện tử, sau này là Giám đốc Viện Chiến lược, Bộ KHCN; PGS. Bùi Thiện Dụ – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT; Thầy Trần Đình Chân – nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT, thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Thầy Nguyễn Việt An – sau  công tác tại Vụ Lưu học sinh Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 

3. Sau năm 1975, nhóm các thầy: Bùi Ngọc Thư, Nguyễn Bội Khuê, Huỳnh Nhơn, Nguyễn Quân, Hoàng Việt, Phan Kế Phúc đã vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM xây dựng khoa Điện, Bộ môn Hệ thống điện và Bộ môn Cung cấp. Còn thầy Tăng Thiên Tư về xây dựng Bộ môn Hệ thống điện của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.  

Sau này, đội ngũ cán bộ được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, được cử đi đào tạo bậc sau đại học tại nhiều trường đại học uy tín trên thế giới. Các thầy, cô đã góp sức to lớn vào sự nghiệp chung của đất nước, là chủ nhiệm hoặc thành viên ban chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước về Năng lượng; trực tiếp thực hiện nhiều đề tài khoa học thuộc các cấp quản lý khác nhau; tư vấn, thẩm định, phản biện cho nhiều công trình điện lực trọng điểm của Nhà nước như: Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc – Trung – Nam, nhà máy thủy điện Sơn La, Yaly, nhiệt điện Phú Mỹ, Phả Lại, quy hoạch lưới điện của các địa phương; chủ trì dự án xây dựng Luật Điện lực đầu tiên của Việt Nam.  

Đến nay, theo thống kê đã có 101 thầy, cô đã và đang công tác tại Bộ môn Hệ thống điện trước đây và ngày nay là Khoa Điện, trong đó có 4 Giáo sư, 14 Phó giáo sư, 2 Tiến sĩ khoa học, 51 Tiến sĩ. 16 thầy cô tốt nghiệp bậc đại học ở nước ngoài, đa phần tốt nghiệp sau đại học, tu nghiệp ở các nước ngoài gồm các nước thuộc Liên Xô cũ, Đức, Tiệp Khc, Hungary, Pháp, Nhật, Mỹ, Canada…  

Công tác đào tạo Bộ môn Hệ thống điện 65 năm qua

* 14.068 người học tốt nghiệp, trong đó: 

4.462 hệ đại học chính quy; 

6.780 hệ vừa học vừa làm; 

1.922 hệ cao đẳng; 

675 học viên tốt nghiệp cao học; 

35 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. 

 

Trần Văn Tớp 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here