Giảng viên Bách khoa góp chất xám xây dựng hệ thống thông minh hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người Việt

0
404
TS. Nguyễn Thanh Hùng, TS. Nguyễn Phi Lê (thứ hai và thứ 3 hàng đầu, từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu Dự án VAIPE những ngày đầu tiên

TS. Nguyễn Phi Lê – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI) và TS. Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã cùng 4 nhà khoa học thuộc 3 trường ĐH Hoa Kỳ: ĐH Illinois, ĐH Massachusetts, ĐH Florida xây dựng một hệ thống thông minh có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người Việt (VAIPE). Dự án được Quỹ VinIF tài trợ nghiên cứu trong 3 năm, từ 10/2021 đến 10/2024. Sau 1 năm nghiên cứu, dự kiến hệ thống sẽ được thử nghiệm thực tế vào cuối năm 2022 và đánh giá thử nghiệm trong vòng 6 tháng.  

Chăm sóc sức khỏe chỉ với một chiếc điện thoại thông minh 

Dự án VAIPE hướng tới xây dựng một nền tảng thông minh cho phép thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu sức khoẻ của các cá nhân. Dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như thói quen sử dụng thuốc, nhịp tim, huyết áp và các chỉ số sức khoẻ khác được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc và chẩn đoán sớm các bệnh lý.

VAIPE được tích hợp các công nghệ học máy tiên tiến cho phép phân tích dữ liệu tự động và chính xác, đồng thời nền tảng học phân tán (Federated Learning) cho phép bảo vệ dữ liệu người dùng. Mục tiêu cuối cùng của VAIPE là cung cấp một giải pháp đơn giản, dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho đại đa số người dùng nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tích hợp những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực học máy và phân tích dữ liệu.

TS. Phi Lê rất tự hào khẳng định trên thế giới chưa có nhóm khoa học nào nghiên cứu đề tài này. “Có nhiều ứng dụng nhắc người dùng uống thuốc, nhưng đều bắt buộc phải nhập dữ liệu thủ công; nếu chụp ảnh viên thuốc, phải sắp xếp thuốc trên mặt phẳng trong điều kiện ánh sáng chuẩn của phòng lab. VAIPE chỉ cần chụp đơn thuốc, ứng dụng sẽ tự động hiểu nội dung. Với chức năng nhận diện viên thuốc, cứ để thuốc trên tay – có thể để chồng lấn – chụp ảnh bằng VAIPE là nhận diện được thuốc”.

“Hiện không ít công ty, tập đoàn trong lĩnh vực y dược đã liên hệ với nhóm để đặt vấn đề hợp tác, tích hợp công nghệ đã phát triển vào các nền tảng y tế thông minh, y tế từ xa bằng cách cung cấp công nghệ lõi để các đối tác triển khai ở quy mô lớn” – TS. Phi Lê cho biết.

Tham gia cùng TS. Phi Lê và TS. Thanh Hùng vào dự án VAIPE không chỉ có các nhà nghiên cứu uy tín tại các trường đại học hàng đầu, mà còn có đội ngũ đông đảo các sinh viên tài năng của Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội. Bằng việc tham gia vào dự án, các em đã được thầy/cô truyền lửa đam mê nghiên cứu, lĩnh hội được ý nghĩa của việc nghiên cứu phụng sự cộng đồng. Các em sẽ là nguồn lực nghiên cứu kế cận tiềm năng trong tương lai!

TS. Nguyễn Phi Lê

“Tôi tự hào được học tập, làm việc tại Bách khoa!” 

Nhẹ nhàng, xinh xắn, vẻ ngoài của TS. Nguyễn Phi Lê – một “nữ cường” trong giới khoa học về trí tuệ nhân tạo Việt Nam – dễ đánh lừa người đối diện khi tìm hiểu về dự án VAIPE vì cứ ngỡ đang trò chuyện cùng một cô giáo trẻ mới ra trường! Nhưng nếu đọc lý lịch trích ngang của cô giáo Bách khoa, bạn sẽ phải ngả mũ thán phục!

Năm 2000, Nguyễn Phi Lê trở thành sinh viên năm nhất lớp kỹ sư tài năng Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng trong năm này, cô đoạt huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 41 tổ chức tại Hàn Quốc, trở thành nữ sinh thứ 11 của Việt Nam đoạt huy chương trong lịch sử IMO. Phi Lê một trong số ít sinh viên Việt giành được học bổng của chính phủ Nhật Bản học thạc sĩ và làm tiến sĩ.

Năm 2019, Phi Lê có cơ hội trở thành giảng viên tại trường đại học nổi tiếng Nhật Bản nhưng cô lắc đầu. Theo TS. Phi Lê, Việt Nam có rất nhiều bài toán cần giải quyết: Ô nhiễm môi trường, tình trạng y tế, nông nghiệp… Cô rất quan tâm đến những bài toán có tính ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đến đất nước, những gì rất cấp thiết mà chưa giải quyết được…

TS. Phi Lê quyết tâm trở về Việt Nam, trở về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác, dìu dắt, truyền cảm hứng cho các sinh viên, giống như các thầy cô giáo Bách khoa đã hỗ trợ, thổi lửa NCKH năm xưa cho cô vậy. Sức làm việc, nghiên cứu của nữ tiến sĩ trẻ được đồng nghiệp, bạn bè trong giới bình chọn là “khủng”! Hiện trung tâm BK.AI do cô dẫn đầu có 8 nhóm nghiên cứu, tập trung vào 8 lĩnh vực trọng điểm của trí tuệ nhân tạo. Trung tâm có đội ngũ hơn 40 nghiên cứu viên trải hầu hết các lĩnh vực và khoảng 150 sinh viên ưu tú, tham gia nghiên cứu. Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, TS. Phi Lê cùng các cộng sự tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới cộng đồng.

Phi Lê tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được học tập và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở đây tôi luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp; sự giúp đỡ, chia sẻ của các đồng nghiệp; có nhiều bạn bè – những người giỏi, say mê khoa học ở khắp nơi trên thế giới – giúp đỡ… Xung quanh tôi còn có các sinh viên chia sẻ niềm đam mê NCKH. Được làm việc trong môi trường như thế, tôi được tiếp thêm năng lượng để có thể làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng”.

Giảng viên Nguyễn Phi Lê cùng các sinh viên Trường CNTT&TT, Trường ĐHBK Hà Nội

Trực tiếp cùng thầy cô tham gia NCKH, được thầy cô truyền cảm hứng, khơi gợi ra những tiềm năng chính bản thân các em chưa hề biết, nhiều sinh viên Bách khoa trước đây chưa có định hướng học sau đại học đã chuyển hướng suy nghĩ, quyết tâm theo đuổi con đường học thuật. TS. Nguyễn Phi Lê hạnh phúc kể: Tôi thật sự vui khi nghe sinh viên tâm sự: Sau này học xong em sẽ về Bách khoa đi dạy, trở thành đồng nghiệp của cô!

Trong môi trường làm việc lý tưởng ở Bách khoa Hà Nội, Phi Lê cùng các đồng nghiệp lúc nào cũng hăng say truyền lửa cho sinh viên và luôn cảm thấy mình cần phải cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Với bất kỳ vấn đề nào, cô giáo hạnh phúc Nguyễn Phi Lê luôn đặt ra cho bản thân câu hỏi: Tại sao lại như thế? Liệu mình có thể làm tốt hơn được không? Mình có thể làm gì để giải quyết bài toán đấy không?…

Và ý tưởng cho nghiên cứu khoa học mới của nhà khoa học Nguyễn Phi Lê lại bắt đầu!

Sau 1 năm nghiên cứu, dự án VAIPE đã có 9 công trình được công bố trên các tạp chí và hội thảo uy tín, trong đó có 4 bài tạp chí Q1, 1 bài hội thảo rank A đồng thời Chiến thắng thuyết phục trong cuộc đua giành giải thưởng AI Awards 2022 – Giải thưởng nằm trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2022), do báo VnExpress tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo và hàm lượng công nghệ.  

Tuấn Phong

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here