Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái – Phạm Đình Đoàn: ‘Người thành công phải đem tới thành công cho nhiều người khác’

0
796
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, là một nhân vật quen thuộc của nhiều thế hệ Người Bách khoa. Năm 2022, ông được vinh danh Tốp 10 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam cho nhiều đóng góp về kinh tế và xã hội. Trong gần 30 năm lập nghiệp, ông luôn theo đuổi triết lý kinh doanh “3 chữ win”: lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của đối tác phải gắn liền với lợi ích xã hội.

Ông Phạm Đình Đoàn, cựu sinh viên K27 Viện Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, hiện nay là Chủ tịch Quỹ BK Fund, Phó Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên, và thành viên Hội đồng Trường Bách khoa Hà Nội.

 

‘Tính cách Người Bách khoa đem lại sự chắc chắn trong công việc’

Năm 1987, ông Đoàn được phân về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Công nghiệp thực phẩm trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương). “Người thân trong gia đình đều rất tự hào khi tôi có được vị trí trong cơ quan nhà nước với một công việc ổn định, đặc biệt là vào giai đoạn đất nước đang có nhiều chuyển biến”, ông Đoàn nhớ lại.

Ông nhanh chóng trở thành một cán bộ trong “tầng lớp kế cận”, được cử đi học tập ở Thái Lan và Pháp. Chính những chuyến đi này đã cho ông một góc nhìn mới để ông đưa ra một quyết định lớn và mạo hiểm – Khởi nghiệp.

Ông Đoàn chiêm nghiệm, những ai khởi nghiệp giai đoạn ấy đều là người rất dũng cảm: “Nhiều người cũng gàn, kể cả lãnh đạo của tôi khi ấy, bởi cơ hội thăng tiến vẫn đang rộng mở. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phát huy đúng năng lực, sở trường của mình, dù là làm việc ở nhà nước hay doanh nghiệp, chỉ cần đó là việc tốt cho cá nhân, gia đình và xã hội.”

Khởi nghiệp cũng cần thiên thời – địa lợi – nhân hòa. “Nghĩ lại, nếu tôi chọn ra ngoài lập nghiệp chỉ sau 5 – 10 năm, chắc sẽ không có thành công như ngày hôm nay”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings cho rằng quyết định rời đi năm ấy là đúng đắn và hợp lý.

Xuất phát điểm không có nền tảng về kinh tế, ông Đoàn phải vừa học vừa làm, cũng trải qua nhiều thành công, thất bại. Có những khó khăn cảm tưởng không thể vượt qua, nhưng sau khi đã bước qua các bước thăng trầm, người lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm thương trường nay đã tự tin đưa Phú Thái lên một tầm cao mới để phát triển vững chắc và bền vững.

Ông cho biết, cách làm việc bài bản, khoa học, cùng với tính cách chân chất, thẳng thắn và minh bạch được trau dồi trong thời gian học đại học đã đem lại nhiều sự chắc chắn trong trong gần 30 năm sự nghiệp.

“Trên hết, điều giá trị nhất tôi nhận được ở Bách khoa không phải tấm bằng mà là khả năng chịu áp lực. Quá trình học tập ở Bách khoa rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để đối mặt với khó khăn mà sau này có thể áp dụng trong bất kỳ ngành nghề nào, dù là nghiên cứu, kỹ thuật hay kinh doanh…”, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.

 

Thành công phải bắt đầu từ giấc mơ lớn

Thời sinh viên, Phạm Đình Đoàn là một chàng thanh niên hoà đồng, nhiệt huyết, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội.  Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông vẫn gắn liền với những ngày tháng ôn thi nơi giảng đường. Từng có thời gian học tập tại nước ngoài, ông Đoàn cho rằng điểm giống nhau giữa sinh viên Bách khoa Hà Nội và các trường đại học lớn trên thế giới là tính độc lập trong tư duy, nghiên cứu.

Ông Phạm Đình Đoàn (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ Khánh thành Tòa nhà BK

“Kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp từ Bách khoa có nhiều cơ sở để thành công, thậm chí là trở thành những người thành công hàng đầu tại Việt Nam”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings nhận định sinh viên Bách khoa Hà Nội đang được học tập trong một môi trường tốt. “Nhưng muốn thành công, cần phải tự trau dồi để phát triển toàn diện, không chỉ học tập mà còn về đạo đức, sức khoẻ, tư duy, kỹ năng, khát vọng,… Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế”, ông Đoàn nói thêm.

Trong một cuộc giao lưu với sinh viên Bách Khoa Hà Nội đầu năm nay, ông Đoàn đã truyền đi một thông điệp đầy cảm hứng: “Các bạn trẻ nên nuôi dưỡng giấc mơ trở thành tỷ phú USD”.

“Muốn thành công trước hết phải nghĩ lớn, khát vọng lớn”, doanh nhân Phạm Đình Đoàn khẳng định giấc mơ rất quan trọng bởi nó định hình kế hoạch hành động.

“Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi cứ nghĩ làm sao để có một triệu đô”. Thời gian trôi qua, ông nhận thấy bản thân có những mục tiêu khác. “Còn giấc mơ của tôi bây giờ không chỉ nghĩ đến bản thân, mà làm sao giúp ích được cho nhiều người khác.”

Đây cũng là lý do ông tiếp tục đóng góp cho Trường với vai trò Chủ tịch Quỹ đầu tư BK Fund – Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa. BK Fund huy động nguồn vốn và kinh nghiệm từ các cựu sinh viên thành công để đầu tư vào các dự án, công ty khởi nghiệp của sinh viên, cựu sinh viên, và nhà khoa học xuất thân từ Bách khoa Hà Nội.

Ông cho biết điểm đặc biệt của Quỹ nằm ở mục đích cuối cùng không phải lợi nhuận mà là mong muốn tạo cho sinh viên, nhà nghiên cứu Bách khoa “một điểm tựa” để phát triển ý tưởng của mình.

“Tôi cho rằng, người thành công không chỉ dừng ở thành công cá nhân mà phải đem lại thành công cho nhiều người khác”, ông tâm niệm.

 

Để phát triển bền vững cần đề cao đạo đức và liêm chính

Năm 2022, doanh nhân Phạm Đình Đoàn được vinh danh tốp 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Năm nay, tiêu chí hàng đầu để bình xét và trao tặng danh hiệu là văn hoá kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Các doanh nhân tiêu biểu phải là những người hợp tác, liêm chính, tuân thủ pháp luật, có tư duy phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước.

Với việc được bình chọn trong tốp 10, doanh nhân Phạm Đình Đoàn cảm thấy đầy tự hào và trách nhiệm: “Tôi càng ý thức hơn trong việc làm gương cho các doanh nghiệp khác và cả tầng lớp thế hệ trẻ để mọi người hiểu: Doanh nhân liêm chính vẫn thành công, và đấy mới là con đường đúng đắn nhất.”

Ông cho rằng với xu hướng hội nhập quốc tế, các doanh nhân sẽ phải chuyển dần chuyên nghiệp và quốc tế hoá, phải phát triển minh bạch và rõ ràng, bởi các doanh nghiệp nước ngoài rất đề cao tính liêm chính trong kinh doanh.

“Điều này lại càng phù hợp với phong cách Người Bách khoa”, ông Đoàn khẳng định. Bách khoa Hà Nội cũng là trường đại học duy nhất có đến 3 cựu sinh viên được bình xét và trao tặng danh hiệu Tốp 10 doanh nhân tiêu biểu năm nay.

Cho đến bây giờ, cựu sinh viên Bách khoa vẫn còn nhớ về những buổi đi thực tập lên các nhà máy sữa. “Đi lại bằng xe khách, ở nhà trọ, điều kiện rất khó khăn, nhưng tôi cảm nhận được tâm huyết của các giảng viên khi ấy. Các thầy cô đã hỗ trợ sinh viên bằng cả trái tim”, ông nhớ lại.

“Với tất cả lòng ngưỡng mộ, chúng tôi xin chân thành ghi nhận những công lao to lớn của các giảng viên đối với cộng đồng sinh viên Nhà trường, và hi vọng có thể đóng góp phần nào những thành công của các thế hệ cựu sinh viên tới sự phát triển chung của Bách khoa Hà Nội”, Phó Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên Phạm Đình Đoàn gửi lời chúc đến các giảng viên Bách khoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cùng với ông Phạm Đình Đoàn, hai cựu sinh viên Nhà trường trong tốp 10 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022:

  • Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
  • Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC

 

Hà Kim

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here