Du học sinh Lào ngành IT đạt thành tích giỏi chỉ sau một kỳ học

0
5711

Kỳ học đầu tiên tại Bách khoa Hà Nội, nữ sinh Sida Ouphasakda, K66 ngành Khoa học máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông đạt GPA 3.38/4, cao nhất trong các du học sinh người Lào học tại Bách khoa. Gặp gỡ cô gái nhỏ người Lào đang học năm Nhất tại Bách khoa Hà Nội, tôi ngạc nhiên vì… tiếng Việt của cô tốt quá!

“Gia sư online” của các bạn trường khác

Cô gái sinh năm 2003 là con gái út trong một gia đình kinh doanh Internet tại một tỉnh miền Trung nước Lào. Được tiếp xúc với máy tính từ sớm, cô nuôi đam mê công nghệ, đặc biệt là Công nghệ thông tin (IT).

Được gia đình hậu thuẫn, Ouphasakda “luôn cố gắng học tốt để bố mẹ không thất vọng”. Cô chia sẻ bản thân rất chăm đăng ký tham gia các cuộc thi về IT và cố gắng hết mình để giành thành tích cao nhất.

Việc học tốt đem lại cho Ouphasakda nhiều giải thưởng và cơ hội đi nước ngoài. Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Microsof Excel tại nước Lào, năm lớp 10, nữ sinh đã đến Mỹ để tham gia kỳ thi cấp thế giới.

“Đi du học là mơ ước từ nhỏ của tôi”, Ouphasakda chia sẻ. Cô đã thực hiện hóa ước mơ ấy khi xin được học bổng từ chính phủ Việt Nam. Theo tìm hiểu của cô, ngành IT ở Việt Nam đang phát triển, ĐHBK Hà Nội lại là trường kỹ thuật hàng đầu về IT tại Việt Nam nên nữ sinh rất vui khi được theo học tại đây.

Ouphasakda nhận giấy khen đạt điểm tốt khi tốt nghiệp khóa học tiếng Việt tại Sơn Tây, Hà Nội năm 2021. Ảnh: NVCC.

Cô sinh viên năm Nhất cho biết chương trình học ở Việt Nam khó nhằn hơn ở quê nhà nên cô phải chăm chỉ hơn rất nhiều. “Học Khoa học máy tính tại Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông khá nặng nhưng tôi vẫn cố gắng chăm chỉ gấp đôi, vì như vậy tôi mới có thể hiểu biết sâu hơn về ngành này”, Ouphasakda nói.

Dù đã dành một năm để học tiếng Việt, cô vẫn gặp khó khăn khi học các môn chuyên ngành. “Đặc biệt là môn Toán và các môn chính trị, từ vựng rất khó”, cô chia sẻ. Rào cản ngôn ngữ chuyên ngành, lại thêm thời kỳ dịch bệnh khiến sinh viên phải học trực tuyến khiến cô gái nhỏ gặp không ít khó khăn để “vật lộn” với những môn học khó nhằn.

Thấu hiểu sự thiệt thòi của sinh viên, các thầy cô đã hỗ trợ, tạo phòng MS Team để phụ đạo, giải thích thêm trước khi thi cuối kỳ, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập, tâm lý cho các bạn sinh viên quốc tế. Kết quả, không chỉ Ouphasakda có thể qua môn với kết quả cao mà số lượng sinh viên quốc tế yếu kém cũng giảm đi đáng kể (giảm 4% so với năm học trước – theo thống kê của Phòng Công tác sinh viên).

Bên cạnh đó, cán bộ Nhà trường cũng liên tục cập nhật quy định, thông tin liên quan đến sinh viên quốc tế tại trường và bố trí cán bộ trao đổi trực tiếp hỗ trợ các bạn về các thủ tục hành chính, gia hạn thị thực, gỡ rối các vấn đề khó khăn và các thắc mắc từ xa, đảm bảo quyền lợi của sinh viên tốt nhất trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Đạt GPA 3.38 sau một kỳ học tại Bách khoa Hà Nội là cả quá trình rèn luyện chăm chỉ của Ouphasakda. “Khi ở Lào, tôi luôn thuộc top 1 của lớp, còn tại đây, tôi khá chật vật để đạt được GPA ấy”, nữ sinh tâm sự. Nói về cách học của mình, cô cho biết bản thân không thường xuyên lên thư viện mà thường hay tự học ở ký túc xá. “Sinh viên ở Bách khoa Hà Nội rất chủ động học. Bạn nào cũng tự học như những sinh viên xuất sắc ở Lào!”, cô cảm thán.

Phần lớn thời gian cô dành để đọc tài liệu và tra từ điển, xem các bài giảng trên Youtube và đăng ký học với các anh chị khóa trên. “Mọi người giảng lại rất dễ hiểu, giúp tôi hiểu bài sâu hơn”, cô nói. Bên cạnh đó, cô kết hợp làm nhiều bài tập để nhớ kiến thức lâu. Có lẽ cũng do vậy mà Ouphasakda luôn là “gia sư online” đáng tin cậy cho bạn bè khác trường và các bạn ở Lào.

“Tôi rất vui vì được học đúng ngành mình thích ở Bách khoa Hà Nội, trường kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Đây là cơ hội để tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức để sử dụng trong tương lai”, Ouphasakda bộc bạch.

Ghìm nỗi nhớ nhà để trải nghiệm điều mới lạ

Được sự ủng hộ của bố mẹ và ông ngoại từng là du học sinh Mỹ, gia đình Ouphasakda có hai chị em gái, đều sang Việt Nam du học. Chị gái lớn hơn Ouphasakda 2 tuổi, chọn học Khoa học máy tính ở Đại học Phú Yên, nên hai chị em chưa có dịp gặp nhau.

Xa nhà đã hai năm, Ouphasakda nhớ quê hương và gia đình da diết. “Nhiều lúc tủi thân, áp lực, tôi lại gọi về tâm sự với bố mẹ. Bố nói: “Không sao, con chọn học ở đây rồi thì sẽ cố gắng vượt qua được thôi!””, cô nghẹn ngào kể lại.

Cô nhớ tất cả các món ăn của mẹ, nhất là món canh xá xíu. Người Lào ăn khá cay nhưng cô gái nhỏ thì khác. Các món mẹ nấu đều nêm nếm theo khẩu vị của thành viên trong nhà. Ouphasakda có thể cảm nhận tình yêu của mẹ trong đó.

Sida Ouphasakda đến tham quan lăng Hồ Chủ tịch. Ảnh: NVCC

Ở Việt Nam, Ouphasakda từng đến quán ăn Khaolao để tìm lại hương vị quê hương. “Có thể cách nêm nếm đã được biến tấu để hợp với người Việt Nam hơn, không giống vị ở Lào lắm nhưng ăn để đỡ nhớ quê nhà thì cũng được”, nữ sinh chia sẻ.

“Tuy nhiên, ở Việt Nam có rất nhiều món dễ ăn và ngon như phở bò, bún chả, bún bò, miến, nem nướng, … Tôi rất thích!”, Ouphasakda hào hứng nói thêm.

Ouphasakda rất thích thú với việc khám phá văn hóa và các địa điểm du lịch của Việt Nam. Trước khi du học, cô có tìm hiểu các khu du tích lịch sử ở đất nước xinh đẹp này. Điểm đến ấn tượng nhất của cô là lăng Bác. Cô khá ngạc nhiên khi biết đó thực sự là Bác Hồ. Không khí trong lăng trang nghiêm và xúc động đến lạ. “Nhất định tôi sẽ đi thăm Bác lần nữa”, cô khẳng định.

Du học cho Ouphasakda những trải nghiệm mà cô khó có được trong đời. Sinh nhật vừa rồi, cô bất ngờ khi được các bạn người Lào ở Việt Nam tổ chức và đến chúc mừng. “Ngoài anh chị ở ký túc xá, các bạn ở trường đại học khác và cả các bạn ở Thái Bình cũng đến dự làm tôi rất vui và xúc động”, cô vui vẻ kể lại.

Trong số 25 sinh viên Lào đang theo học tại ĐHBK Hà Nội, Ouphasakda thân nhất với Silisone, một bạn cùng phòng ký túc xá. Silisone không chỉ là bạn, mà còn là người chị giúp Ouphasakda làm quen và hòa nhập với môi trường ở Việt Nam nói chung và ĐHBK Hà Nội nói riêng.

“Sida Ouphasakda là một người rất nhẹ nhàng, trưởng thành và đặc biệt hay giúp đỡ mọi người”, Silisone nhận xét. Theo cô, người em cùng phòng luôn quan tâm đến cảm nhận của các thành viên khác, sống chan hòa, vui vẻ với mọi người. Khi gặp vấn đề khó khăn gì, Ouphasakda cũng cố gắng vực lên, vượt qua để hoàn thành tốt nhất có thể. “Ví dụ như áp lực học rất nặng và khó khăn về ngôn ngữ nhưng Ouphasakda luôn chăm chỉ, luyện tập hàng ngày để đạt được kết quả như mong muốn”, Silisone giải thích.

Ouphasakda muốn nhắn nhủ đến những bạn đang có dự định du học, dù là ở Việt Nam hay bất cứ đất nước nào: Các bạn hãy cố gắng nỗ lực hết mình và hãy tin bản thân có thể làm được. Đây cũng chính là phương châm sống mà cô luôn hướng tới.

Hiện tại, cô sinh viên năm Nhất vẫn đang tập trung học, chưa có dự định đi làm thêm hay thực tập. Tương lai, cô muốn làm việc ở Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm trước khi về Lào. Theo cô, những người học ở nước ngoài thường được ưu tiên hơn và có cơ hội được tuyển ở các công ty lớn sau khi về nước làm việc. Mơ ước của cô là trở thành một lập trình viên tại Công ty FPT.

“Sự thật là thời tiết Việt Nam nóng hơn mùa nóng và lạnh hơn mùa lạnh ở quê hương tôi. Người Việt thường nói “nóng như gió Lào” nhưng ở Lào thực chất không có nóng như vậy”, Sida Ouphasakda giải thích.

2022 là năm ghi dấu mốc son kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).

Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa Việt Nam và Lào đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Trong quá trình vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, nâng cao chất lượng giáo dục hai nước được đôi bên cùng coi trọng.

Hạ San. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here