Một trong ba giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020: Tự hào được học tập, giảng dạy, nghiên cứu ở Bách khoa

0
4901

Ở tuổi 40, thầy giáo Nguyễn Đức Toàn, Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa được phong hàm Giáo sư, trở thành Giáo sư trẻ nhất của liên ngành Cơ khí – Động lực. Anh bắt đầu theo con đường học thuật từ khi còn là sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trong bộ môn, cho đến nay đã là 23 năm gắn bó với Bách khoa Hà Nội.

‘Tôi sẵn sàng đi cùng học trò đến bất kỳ nơi nào…’

Bài toán tạo động lực nghiên cứu là bài toán khó nhất, bởi thất bại trong nghiên cứu là điều không tránh khỏi, theo GS. Đức Toàn. Mới sang Hàn Quốc, chàng nghiên cứu sinh khi ấy gặp nhiều thử thách khi chập chững những bước đi đầu tiên vào một lĩnh vực mới mà chưa có đủ kiến thức chuyên môn và công cụ hỗ trợ cần thiết.

“Thất bại sẽ đến một cách rất tự nhiên trong giai đoạn này, và nó thường ăn sâu vào trong tiềm thức của người làm khoa học”, anh cho biết.

Như các nghiên cứu sinh khác, anh cảm thấy “ngại” giáo sư của mình bởi rào cản về học hàm tại một đất nước giàu truyền thống. Sau nhiều đêm cân nhắc, anh quyết định chia sẻ suy nghĩ của mình với thầy.

Chính sự chân thành của anh đã khiến giáo sư mở lòng, đưa ra định hướng cụ thể, đồng thời thường xuyên cùng nhóm nghiên cứu đến các cơ sở nhà máy để giải quyết các vấn đề còn chưa rõ ràng. Qua đó, anh nhận thấy, để vượt qua những khó khăn đầu cần có sự đồng lòng từ những người đi trước.

Trong nghiên cứu, cũng không có một con đường duy nhất, mà người làm khoa học phải biết tìm hướng khác khi gặp khó khăn. “Mình phải thử nghiệm, phải thất bại, phải làm lại và trình bày rõ ràng, sau đó mới đón nhận được những lời nhận xét có giá trị của những người đi trước”, thầy Toàn đúc kết.

Trải qua quá trình trưởng thành như vậy, nên khi đứng trên cương vị của người thầy, anh không đặt nặng khoảng cách về học hàm, học vị. Đối với anh, điều quan trọng là sự chia sẻ công việc với sinh viên, nghiên cứu sinh, những người đồng nghiệp, để cùng vượt qua câu hỏi nghiên cứu đặt ra.

Anh Toàn không câu nệ việc khó, việc vất vả, “tôi sẵn sàng đi cùng học trò đến bất kỳ nơi nào để có thể giải quyết trọn vẹn công việc”. Nghiên cứu sinh của anh cũng vì vậy mà không “ngại” trao đổi cùng thầy khi gặp khó khăn, tình cảm thầy trò gắn bó như người trong gia đình.

GS. Nguyễn Đức Toàn (bìa trái ảnh) cùng 2 GS trẻ Hàn Quốc từ Đại học Kyungpook tại Hội nghị quốc tế Vật liệu, Máy móc và Phương pháp cho Phát triển bền vững 2018

Người Bách khoa là nguồn năng lượng sáng tạo bất tận

Tốt nghiệp đại học, anh nộp hồ sơ xin ở lại trường Bách khoa Hà Nội. Thầy trưởng bộ môn – GS. Bành Tiến Long – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – khi ấy đã lên Bộ làm việc. Thầy đã gọi anh lên Bộ nói chuyện, động viên và chia sẻ cơ hội làm việc ở Trường.

“Tôi xúc động lắm vì khi ấy mình còn chưa là thành viên chính thức của bộ môn mà đã được quan tâm như vậy. Dù đang bận bịu ở một vị trí cao nhưng Thầy vẫn nhiệt tình với các thế hệ đi sau”, anh nhớ lại. Anh vì thế mà càng quyết tâm được ở lại Bách khoa Hà Nội.

Theo GS. Nguyễn Đức Toàn, Bách khoa đã đạt được rất thành tựu to lớn trong 65 năm qua, với chiến lược rõ ràng cho đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học cộng đồng.

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, anh nhận định Bách khoa Hà Nội luôn có chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu và sẵn sàng giao nhiệm vụ quan trọng cho các nhà khoa học của Trường.

Các nhà khoa học trẻ khi mới về Bách khoa Hà Nội đều được động viên, khích lệ thực hiện các đề tài nghiên cứu mới. Với những nhà nghiên cứu đã có thành tích công bố Quốc tế tốt, Trường thường giao những đề tài có “chuẩn đầu ra” cao hơn, như đề tài cơ sở trọng điểm với yêu cầu kết quả nghiên cứu là phải công bố được ít nhất một bài ISI.

Đề tài nghiên cứu đầu tiên của GS. Toàn có nguồn kinh phí chỉ 6 – 7 triệu đồng, nhưng đối với anh, đó là cơ hội. Từ những đề tài nhỏ, các nhà khoa học trẻ sẽ phát triển từng bước các nghiên cứu, công trình của mình, tạo tiền đề cho những đề tài lớn hơn, cấp cao hơn hay có nguồn kinh phí tốt hơn.

Là người đi trước, anh luôn trăn trở làm thế nào để lan tỏa được đam mê khoa học đến thế hệ trẻ.

Với vai trò Phó chủ tịch Hội nghiên cứu biên tập công trình Khoa học Công nghiệp Việt Nam (VASE), anh cho rằng việc tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế chuyên ngành có thể kết nối các nhà khoa học, tăng cường cơ hội giao lưu học thuật với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, và nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là cách mà anh đồng hành với các đội ngũ khoa học để phát huy khả năng sáng tạo, đồng thời khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ quyết tâm hơn nữa theo con đường học thuật.

GS. Nguyễn Đức Toàn (bìa trái ảnh) tại đồng nghiệp dự Hội nghị quốc tế Vật liệu, Máy móc và Phương pháp cho Phát triển bền vững 2018

Không ngủ quên trên chiến thắng

Khi mới về Trường, kỷ niệm của anh là những ngày tháng không ngủ làm thí nghiệm ở C8 cùng một tập thể sinh viên, giảng viên trẻ và đầy nhiệt huyết. “Hồi đó, bộ môn có nhiều nhóm nghiên cứu nhỏ. Hệ thống máy mới được đưa vào sử dụng có rất nhiều thứ để nghiên cứu, nên mình mải mê lập trình, chạy thử…”, anh kể lại.

Tất cả các đề tài nghiên cứu của anh sau đó đều được biên tập và công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Giáo sư cho biết, các kết quả khoa học được công bố cũng chính là những đứa con tinh thần của một nhà khoa học. Khi các kết quả đó được các đồng nghiệp đón nhận, trích dẫn, thảo luận và chia sẻ sẽ là động lực cho nhóm nghiên cứu thực hiện các đề tài tiếp theo.

“Tính ứng dụng và phổ biến từ các kết quả, công bố khoa học và đề tài nghiên cứu vào thực tế chính là điều tôi thấy tâm đắc”, anh Toàn nói.

Cho đến bây giờ, GS. Nguyễn Đức Toàn luôn bắt đầu ngày mới với danh sách mục tiêu công việc trong ngày. Anh vẫn giữ thói quen làm việc đến đêm khuya từ hồi còn là nghiên cứu sinh. “Nếu không còn áp lực làm việc, tôi sẽ cảm thấy mọi việc hàng ngày thật nhàm chán”, thầy Toàn chia sẻ.

Hà Kim. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here