Trong Lễ trao giải “Nhân tài Đất Việt 2019”, GS.TS. NGND Đặng Thị Kim Chi đã xuất sắc nhận giải nhất lĩnh vực môi trường. Đây là sự ghi nhận về những đóng góp của bà về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, đánh dấu quá trình lao động miệt mài của GS và các cộng sự dưới mái trường ĐHBK Hà Nội.
Cái duyên đến với Bách khoa Hà Nội
Gặp bà vào buổi chiều cuối năm, ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh một cô giáo, một nhà khoa học đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn miệt mài với những trang sách, những nghiên cứu. Bà bắt đầu câu chuyện bằng những kí ức từ gần 50 năm trước. Ngày ấy bà là một cô học sinh từ trường học tạm sơ tán trở về Hà Nội thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Khi đi qua ĐHBK Hà Nội bà bị ấn tượng ngay bởi chiếc cổng Parabol của trường và mong muốn được bước chân vào học tập tại đó.
Thế là từ một cô gái được cử đi thi học sinh giỏi Văn năm ấy, bà đã chọn cho mình mái trường Bách khoa. Bà muốn trở thành Kĩ sư ngành Kĩ thuật Hóa học để được tìm hiểu nghiên cứu và các hợp chất hoá học mới phục vụ cho đời sống dân sinh. Tốt nghiệp loại xuất sắc bà được giữ lại Trường để giảng dạy và nghiên cứu. Chính ngôi trường này đã hun đúc nên tâm hồn và trí tuệ của một nhà khoa học, một nhân cách lớn.
Khoa học không đơn giản dễ dàng nên phải cố gắng cả đời
Sinh ra trong gia đình truyền thống khoa học, bà luôn nhớ lời người cha của mình và muốn gửi lại lời ấy cho những bạn sinh viên trẻ: “Việc học là suốt cả cuộc đời, hãy luôn cố gắng”. Làm khoa học không đơn giản, nhất là phụ nữ làm khoa học thì lại phải cố gắng hơn rất nhiều. Có những lúc tưởng chừng những khó khăn khiến bà gục ngã, nhưng với niềm tin yêu khoa học, bà lại tiếp tục bước tiếp trên con đường của mình.
Sau một thời gian nghiên cứu giảng dạy ở Trường, để đáp ứng nhu cầu phát triển xây dựng đất nước, bà được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Chồng bà là bộ đội đóng quân ngoài đảo xa, ngày ấy bà vừa chăm con, vừa học để thi nghiên cứu sinh nên cũng vất vả. Nhưng bà luôn tự nhủ “hãy luôn cố gắng và cố gắng …”
Đam mê với Khoa học và Công nghệ bảo vệ môi trường, bà tạm xa chồng, để lại con thơ ở Việt Nam, một thân một mình với chiếc vali nhỏ sang Đức để lĩnh hội những tri thức tiên tiến của nhân loại. Bà không bao giờ quên hình ảnh người chồng bộ đội của mình năm ấy bế đứa con trai vẫy tay chào. “Lúc ấy tôi cảm giác như là người có lỗi. Sao tôi lại bỏ lại chồng con ở lại để ra đi?” Bà chia sẻ.
Suốt bốn năm làm nghiên cứu sinh ở Đức, bà vượt qua biết bao khó khăn thử thách. Những ngày tuyết trắng trong thời gian thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhiều ngày liền bà ra khỏi kí túc xá từ khi đèn đường chưa tắt và trở về khi đèn đường đã bật.Vượt lên trên những khó khăn ấy, bà vẫn cố gắng phấn đấu nghiên cứu học tập để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.’
Đặt nền móng cho Viện KH&CN Môi trường
Là người tận tâm và nhiệt huyết với nghề, sau khi trở về nước, GS Kim Chi đã cùng nhóm cán bộ gồm 6 người đứng ra thành lập nhóm nghiên cứu môi trường – tiền thân của Viện KH&CN Môi trường của ĐHBK Hà Nội ngày nay. Đến nay Viện đã có gần 100 cán bộ nghiên cứu và giảng dạy và trở thành một trong những Viện hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Bảo vệ Môi trường. Những thành công của Viện hôm nay có được là nhờ sự động viên giúp đỡ, ủng hộ rất lớn của Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội, và sự đoàn kết nhất trí của cả một tập thể cán bộ khoa học thuộc viện Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Ở Viện khi ấy có nhiều cán bộ trẻ, vừa mới ra trường vài năm và cả các cán bộ lớn tuổi đã tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường làng nghề ở Việt Nam. Từ ngày đầu rất bỡ ngỡ đến các làng nghề, nhưng sau này các cán bộ của Viện dần dần thích thú, dẫn đến việc yêu nghề, gắn bó với các hoạt động bảo vệ môi trường.
Có những kí ức về cán bộ nghiên cứu của Viện mà GS Kim Chi không thể nào quên. Khi đưa cán bộ về một làng nghề để chuẩn bị nghiên cứu mô hình xử lí nước thải trong quá trình tái chế giấy, chủ cơ sở ban đầu chưa tin tưởng vì thấy cán bộ còn trẻ quá, nhưng khi hoàn thành công trình và vận hành có hiệu quả tốt thì lại rất yêu quý, cứ muốn giữ lại để làm việc tiếp tục cùng với gia đình.
Hay khi đến điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường một số làng nghề, người dân ở địa phương không muốn hợp tác, những cán bộ trẻ đã phải chủ động xin giúp đỡ bà con trong các hoạt động vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Chính vì hành động ấy mà người dân thêm yêu quý và cung cấp thông tin về hoạt động của cơ sở sản xuất để có thể đánh giá thực trạng môi trường ở đó. “Những người làm khoa học như tôi và những cán bộ của Viện lúc ấy đã rất vui khi người dân hiểu và ủng hộ công việc mình làm” GS Kim Chi chia sẻ.
Một lần, khi bảo vệ xong đề tài bảo vệ môi trường làng nghề, có vị Giáo sư già chân tình nhận xét về GS Kim Chi: “Phụ nữ làm được như thế này là khá đấy!”. Nhưng nữ GS đã trả lời: Những công trình khoa học ngày hôm nay không phải chỉ là công sức của cá nhân mà đó là kết quả của cả một tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên các thế hệ của Viện KH&CN Môi trường, ĐHBK Hà Nội!
Ngọc Nam