Với thiết kế độc đáo, quy mô rộng lớn, khang trang, thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội không chỉ được biết đến là thư viện hiện đại nhất trong các trường đại học ở Việt Nam mà còn để lại ấn tượng với nhiều người lần đầu đến Bách khoa bởi hình ảnh chiếc đồng hồ lớn ở mặt trước của tòa nhà này. Bao năm qua, chiếc đồng hồ ấy vẫn hoạt động “miệt mài” không ngừng nghỉ và trở thành hình ảnh quen thuộc của thầy trò Bách khoa. Nhưng chiếc đồng hồ ấy được lắp đặt từ bao giờ? Vận hành ra sao? Làm bằng chất liệu gì?… thì không phải ai cũng có câu trả lời.
MÓN QUÀ Ý NGHĨA CỦA CỰU SINH VIÊN BÁCH KHOA
Trong những ngày tháng Tám mùa thu, khi thầy trò Bách khoa đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới 2017- 2018, tôi may mắn được gặp “tổng công trình sư” của chiếc đồng hồ thư viện Tạ Quang Bửu – anh Nguyễn Tứ Trí – cựu sinh viên ngành Cơ khí máy chính xác K16 – Tổng Giám đốc Công ty đồng hồ ASIA. Anh đã “bật mí” với tôi về chiếc đồng hồ chất chứa bao tình cảm với những “ẩn số” không phải ai cũng biết. Anh chia sẻ: “Đồng hồ ở mặt trước tòa nhà Tạ Quang Bửu là món quà ý nghĩa, thể hiện tình cảm, lời tri ân sâu sắc của Hội Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân anh đối với Trường nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Trường, năm 2011”.
Sáu năm qua, mặc cho nắng mưa, chiếc đồng hồ ấy vẫn luôn “đứng vững” như “biểu tượng tình cảm đáng quý” của những cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội miền Nam dành cho ngôi trường mến yêu. Để hoàn thành công trình ấy, bên cạnh tình cảm và vật chất của cựu sinh viên Bách khoa còn có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trường. Anh Trí kể: “Năm 2006, tòa nhà Tạ Quang Bửu khang trang, hiện đại được khánh thành đúng dịp Trường tròn 50 tuổi, tuy nhiên, khi đứng từ tòa nhà đối diện (C10) thì thấy mặt trước của toà nhà thư viện có một khoảng trống. Lúc đó, ý tưởng về việc lắp một chiếc đồng hồ cỡ lớn đã được GS Nguyễn Khắc Xương – Nguyên Bí thư Đảng ủy hình thành trong suy nghĩ của mình, song vì nhiều lý do mà thời điểm đó chưa thực hiện được. Đến năm 2011, GS Nguyễn Trọng Giảng lúc bấy giờ đang là Hiệu trưởng của Trường cũng có cùng ý tưởng với GS Nguyễn Khắc Xương. Một cuộc họp giữa lãnh đạo Trường, đơn vị cung cấp đồng hồ – Công ty đồng hồ ASIA, Hội Cựu sinh viên Bách khoa tại thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các nhà khoa học trong lĩnh vực Cơ khí, Máy chính xác, Điện tử… diễn ra khẩn trương, cùng bàn bạc và thống nhất việc thiết kế, lắp ráp đồng hồ tại vị trí trống trên mặt trước của tòa nhà Tạ Quang Bửu”.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa bão liên tiếp và thời gian đến Lễ kỷ niệm rất gấp rút, nhưng bằng cả tấm lòng đối với Trường, anh Trí cùng đại diện Hội Cựu Sinh viên ĐHBK Hà Nội khu vực phía Nam đã không quản ngại đường xa để dành thời gian cho công trình này. Anh còn cử cán bộ kỹ thuật ra Hà Nội trực tiếp thực hiện việc lắp đặt, xử lý các tình huống kỹ thuật qua điện thoại không kể ngày đêm. Từ đó, việc tìm phương án kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật và phối hợp triển khai lắp đặt phù hợp với công trình sẵn có để đảm bảo chất lượng và tiến độ được giải quyết một cách nhanh chóng. Sau 10 ngày làm việc khẩn trương trong thời tiết không thuận lợi, công trình đã hoàn thành đúng yêu cầu để chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường. Mọi kinh phí đều do Hội Cựu sinh viên Bách khoa tại thành phố Hồ Chí Minh đóng góp, thể hiện tấm lòng, lời tri ân sâu sắc đối với ngôi trường Bách khoa thân yêu.
Đồng hồ có đường kính 4 mét, nặng 300 kg, sử dụng năng lượng mặt trời; gồm hai phần: máy và vỏ. Đồng hồ chạy theo nguyên lý cứ đến giây thứ 56s bộ vi xử lý điều khiển kim phút đồng hồ quay một góc 6 độ ( tương ứng 1 phút) và dừng lại, thời gian quay 6 độ là 4 giây. Như vậy, mỗi ngày đồng hồ chỉ làm việc 1 giờ 36 phút, thời gian nghỉ là 22 giờ 14 phút. Với hệ thống giảm tốc một triệu lần nên năng lượng tiêu thụ rất nhỏ, đồng hồ tự cập nhật giờ GMT nên sai số bộ điều khiển coi như không có. Trong trường hợp có sự sai lệch giữa giờ GMT và giờ kim về thời gian, người dùng chỉ cần bật tắt công tắc đồng hồ sẽ tự động đồng bộ đúng giờ.
THAY THẾ ĐỒNG HỒ MỚI – ĐẸP VÀ CHẤT LƯỢNG HƠN
Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động, đồng hồ với lớp vỏ bằng nhôm đã bị oxy hóa, những con số bằng mica lại giòn và dễ vỡ; tại vị trí lắp đồng hồ không có buồng kỹ thuật nên mỗi lần bảo trì rất phức tạp, phải dùng đến giàn giáo nên rất tốn kém. Hơn nữa, nếu bảo trì thì cũng chỉ sửa được một phần của mặt số, không sửa được phần máy bên trong. Bài toán đặt ra, làm thế nào để tăng tuổi thọ cũng như mỹ quan của chiếc đồng hồ này? Với mong muốn ấy, Hội Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội Miền Nam đã tặng Trường chiếc đồng hồ mới, thay thế chiếc đồng hồ cũ với nhiều ưu điểm vượt trội để giải quyết bài toán trên. Chiếc đồng hồ mới cũng vẫn do anh Trí và Công ty đồng hồ ASIA thiết kế, chế tạo.

Đồng hồ mới có đường kính giống như đồng hồ cũ, nặng 420 kg. Để tránh hiện tượng han gỉ, oxy hóa, phần vỏ đồng hồ được thay thế bằng inox 304 từ khung bên ngoài đến bên trong. Phần máy cũng được thay mới với khả năng vận hành bộ kim nặng hàng trăm cân. Trong khi đó, hai kim giờ và phút nặng 50kg nên thời gian vận hành, duy trì được 10-15 năm mà không phải bảo trì. Đặc biệt, đồng hồ còn được lắp 5000 đèn led trên kim và số, tạo ra điểm nhấn cho tòa nhà Tạ Quang Bửu mỗi khi màn đêm buông xuống. “Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống thắp sáng này là bài toán rất khó, bởi kim giờ và kim phút có tốc độ chuyển động khác nhau. Vì vậy, đơn vị cung cấp đồng hồ đã tìm ra giải pháp tối ưu để nối điện cho hai chuyển động này với tiếp điểm ở ngoài trời, song phải đảm bảo độ an toàn khi sử dụng” – anh Trí cho biết.
Ngoài ra, trên đồng hồ còn được lắp hai bộ điều khiển điện tử kiểm soát vị trí của kim trên diện tích rất nhỏ với đường kính 4m. Trong trường hợp hỏng bộ này thì còn bộ khác thay thế, mà không phải trực tiếp trèo lên đồng hồ sửa như trước đây, gây tốn kém. Với nhiều ưu điểm vượt trội như tình trạng chạy ổn định, công suất tiêu thụ nhỏ, hình thức bắt mắt, thời gian bảo trì đến 15 năm, đồng hồ Tạ Quang Bửu là món quà ý nghĩa của Hội Cựu sinh viên Bách khoa dành cho Trường nhân dịp năm học mới 2017-2018 và hướng tới kỷ niệm 61 năm thành lập Trường. “Chiếc đồng hồ này không chỉ thể hiện tấm lòng, tình cảm của các thế hệ sinh viên đã được đào tạo tại ngôi trường Bách khoa thân yêu mà còn muốn nhắc nhở các thế hệ sau rằng: Thời gian là thứ quý giá nhất của mỗi người, hãy cố gắng tu luyện, học tập trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, các em hãy lan tỏa thương hiệu Bách khoa bằng chính tri thức của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc” – anh Nguyễn Văn Hòa – Thường trực Văn phòng Hội Cựu sinh viên Bách khoa tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi