Nhắc tới lịch sử hình thành và phát triển của bộ môn Vô tuyến điện (nay là Viện Điện tử – Viễn thông), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, không thể không nhắc tới đóng góp của lớp cán bộ đầu tiên, trong đó có GS. Nguyễn Văn Ngọ.
Lá thư của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu
Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu (1958), các ông Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang được trường Nam Kinh Công học viện (Trung Quốc), thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, đề nghị Bộ Giáo dục Việt Nam cho tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh. Đề xuất của phía bạn đã được Bộ Giáo dục Việt Nam chấp nhận. Nhưng sau đó, do nhu cầu giáo viên giảng dạy các môn chuyên ngành cho lớp Vô tuyến điện, GS. Tạ Quang Bửu – khi ấy là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – gửi thư riêng đề nghị hai ông về nước giảng dạy năm thứ 3 lớp Vô tuyến điện khóa 1 của Trường.
Nhận được thư của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu, hai kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang cùng bàn bạc trong tâm trạng hết sức bối rối.
Theo ông Vũ Văn Sang, đề nghị của GS. Bửu không phải là mệnh lệnh nhưng cũng rất khó từ chối. Ông khuyên bạn: “Cậu học tốt, mình đề nghị cậu ở lại học tiếp, còn mình sẽ về đáp ứng nhu cầu ở nhà”.
Tuy nhiên, kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ cũng có suy nghĩ riêng: Đã xa nhà 8 năm, bố mẹ trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, đã già yếu, kinh tế khó khăn mà vẫn còn phải nuôi 2 em nhỏ ăn học, nên ông cũng muốn về để giúp đỡ gia đình. Vì vậy, cả hai ông đều thống nhất trở về nước nhận nhiệm vụ giảng dạy.
Xây dựng nhân lực, chương trình đào tạo
Trong quá trình xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với sự viện trợ của Liên Xô, không có chuyên ngành Vô tuyến điện trong kế hoạch thành lập, nhưng Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu vẫn quyết định thành lập thêm ngành Vô tuyến điện và lấy 30 sinh viên ngành Điện chuyển sang ngành mới này, đồng thời cho lập bộ môn Vô tuyến điện vào cuối tháng 9/1958.
Giảng viên ban đầu chỉ có 4 thầy: Nguyễn Như Kim (học Vật lý chân không ở Pháp về); Nguyễn Văn Ngọ, Vũ Văn Sang và Phương Xuân Nhàn (vốn là thuyền trưởng trong hải quân). Đến tháng 9/1959 bộ môn được bổ sung thêm giảng viên Bùi Minh Tiêu vừa tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa – Trung Quốc.
Những giảng viên đầu tiên của bộ môn vừa làm công tác giảng dạy, vừa phải lập kế hoạch xây dựng chương trình, giáo trình và các phòng thí nghiệm, xưởng thực tập.
Khi kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ về Trường thì Chủ nhiệm liên khoa Cơ – Điện Nguyễn Như Kim cũng vừa mời được ông Nguyễn Dực – người đã lắp đặt hệ thống truyền thanh để Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập – về xây dựng xưởng thực tập. Và chính ông Nguyễn Như Kim đã sang Bộ Tư lệnh Thông tin xin một số máy cũ về để ông Nguyễn Dực tháo linh kiện ra, cho sinh viên lắp ráp lại theo những sơ đồ mà ông Dực thiết kế.
Về cán bộ giảng dạy, những năm học sau, có thêm một số sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về bộ môn, nhưng phần lớn là hàng năm giữ lại những sinh viên do bộ môn đào tạo đã tốt nghiệp xuất sắc. Bộ môn tạo điều kiện tốt nhất cho những sinh viên này thực tập và bồi dưỡng để trở thành cán bộ giảng dạy, sau mấy năm công tác thì cho ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh hay thực tập sinh khoa học.
Riêng khóa 1 (ra trường năm 1959), ngành Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa có 5 người sau khi học xong năm thứ tư được gửi sang trường Đại học Năng lượng Matxcơva (MEI) học tiếp năm thứ 5. Trong số này có ông Trần Đức Hân về sau trở thành giáo sư.
Cũng có người học xong năm thứ ba thì được cử lên làm việc ngay ở bộ môn, một người về sau được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài đã trở thành GS.TSKH – ông Phan Anh.
Những người khác không có điều kiện được đi thực tập sinh, nghiên cứu sinh nhưng sau này nhờ tự học và nghiên cứu mà đã trở thành chuyên gia đầu ngành như: Kiều Vĩnh Khánh, Nguyễn Đức Phong, Ngô Đức Dũng.
GS. Nguyễn Văn Ngọ cho biết: Khi mới thành lập bộ môn, Chủ nhiệm Liên khoa Cơ – Điện Nguyễn Như Kim đã tốt nghiệp kỹ sư Điện từ chân không, là người có phong cách làm việc dân chủ, cởi mở. Một năm sau, với lợi thế nắm vững mô hình khoa Vô tuyến điện của trường Nam Kinh Công học viện và kế hoạch giảng dạy của trường MEI cùng những kinh nghiệm áp dụng và cải tiến của Bộ Giáo dục Trung Quốc, Kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ được ông Nguyễn Như Kim bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Vô tuyến điện.
Đến năm học 1961- 1962, số cán bộ giảng dạy của bộ môn đã khá đầy đủ, các giáo trình chính và các phòng thí nghiệm về những môn kỹ thuật cơ sở cũng như xưởng thực tập vô tuyến điện đã được xây dựng bước đầu. Cán bộ lên lớp đã khá thuần thục, Bộ Giáo dục đã cho xuất bản một số SGK về vô tuyến điện dịch từ tiếng Nga, tiếng Pháp.
“Ra ở riêng”, gặt hái thành công
Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên Xô Kachennhicop (kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nguyên lý vô tuyến điện ở trường Đại học Năng lượng Matxcơva) trong một lần sang thăm đã đánh giá tốt chất lượng giảng dạy của Bộ môn Vô tuyến điện. Những đề tài nghiên cứu phục vụ sản xuất có tính thăm dò do cán bộ môn thực hiện đã đạt được thành công bước đầu.
Trước tình hình ấy, Liên khoa Cơ – Điện quyết định chia bộ môn Vô tuyến điện thành ba: Bộ môn Cơ sở Vô tuyến điện (do KS Bùi Minh Tiêu làm chủ nhiệm); bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện (do KS Nguyễn Văn Ngọ làm chủ nhiệm); và bộ môn Vật lý Vô tuyến điện (do KS Vũ Văn Sang làm chủ nhiệm). Việc chia bộ môn nhằm phân công giảng dạy và xây dựng các phòng thí nghiệm, còn về công tác NCKH vẫn phối hợp với nhau.
Đến năm 1967, trên cơ sở 3 bộ môn đó, khoa Vô tuyến điện đã được thành lập và không còn trực thuộc khoa Cơ khí – Điện tử – Vô tuyến điện như trước. Từ khóa 4 (1962), Bộ Quốc phòng đặt vấn đề với Trường về yêu cầu tuyển sinh viên tốt nghiệp bộ môn Vô tuyến điện tử vào quân đội để đào tạo sĩ quan các binh chủng dùng vũ khí điện tử.
Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm về chiến tranh điện tử đã học được khi thực tập ở Sở Nghiên cứu rađa Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Ngọ đã đề xuất với khoa và trường đưa môn học rađa, điều khiển tên lửa và chống nhiễu vào chương trình giảng dạy. Bản thân ông Nguyễn Văn Ngọ trực tiếp lên lớp giảng cho sinh viên lớp chính quy và tại chức.
Kết quả là những sinh viên nhập ngũ được cử sang Liên Xô nhận vũ khí đã tiếp thu quá trình đào tạo tại hiện trường của nước bạn khá thuận lợi. Đây là lớp sĩ quan đầu tiên sử dụng vũ khí điện tử do Liên Xô tài trợ để đánh Mỹ và là những cán bộ cốt cán thành lập ra các chuyên ngành rađa, điều khiển tên lửa và điện tử hàng không của Quân đội Việt Nam, lập được nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, kể cả máy bay B52.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam