Giảng viên 8X truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên

0
206

TS. Trần Quang Đức – Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, đồng thời là giảng viên tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường ĐHBK Hà Nội) vừa vinh dự nhận Giải Nhì Nhân tài đất Việt 2019. Giảng viên trẻ sinh năm 1982 ấp ủ dự định sẽ “truyền lửa” cho các sinh viên, để mỗi sinh viên trường Bách khoa đều có thể tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa!

Bước ngoặt suy nghĩ

Tốt nghiệp đại học, thạc sĩ tại Hungary, Trần Quang Đức về “đầu quân” cho Trường ĐHBK Hà Nội năm 2008. Noi gương các thế hệ đi trước, Quang Đức dành thời gian du học nước ngoài, hoàn thành luận án tiến sĩ tại Vương quốc Anh rồi quay trở về trường.

Đức chia sẻ: “Tôi đã thử làm việc ở môi trường khác, nhưng thấy không hợp nên lại về trường. Ở đây có cảm giác thân thương lắm: Được bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ, trao đổi chuyên môn, san sẻ những vấn đề trong cuộc sống; Được tiếp xúc với những SV thông minh, cảm giác như mình trẻ ra, năng động hơn. Thế nên tôi gắn bó với ngôi trường Bách khoa đã 11 năm rồi!”

Cách đây 3 năm, TS. Trần Quang Đức được BGH Trường ĐHBK Hà Nội tin tưởng và bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin. Đức nhớ lại cảm giác khi đó vui nhưng “ngợp” bởi áp lực của vị trí trưởng một đơn vị; áp lực từ những thành công của người tiền nhiệm. Đức đã tự đặt mục tiêu cho bản thân: Phải nỗ lực phấn đấu, đóng góp nhiều hơn. “Đó là bước chuyển rất quan trọng trong cuộc đời tôi” – Trần Quang Đức nhớ lại.

Nhìn lại chặng đường đã qua, TS. Trần Quang Đức có phần hài lòng vì những mục tiêu đặt ra cách đây 3 năm đã có những thành tựu nhất định. Giải Nhì cuộc thi Nhân tài đất Việt là kết quả của gần 2 năm làm việc nhóm, cho ra một sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Hiện tại, TS. Đức cũng đang làm chủ nhiệm một đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KC.01/16-20 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”. Đề tài đã nghiệm thu cấp cơ sở vào tháng 12/2019.

TS. Trần Quang Đức

Đột phá trong giải pháp bảo mật toàn diện hệ thống camera an ninh

Nói về sản phẩm vừa đoạt giải Nhì cuộc thi Nhân tài đất Việt, TS. Trần Quang Đức tự hào cho biết: Cùng với 3 giảng viên và các sinh viên, nhóm đã tập trung nghiên cứu giải pháp tăng cường bảo mật cho hệ thống camera an ninh – một hướng đi tương đối khó. TS. Đức và các cộng sự đã xây dựng lõi công nghệ có khả năng can thiệp sâu và thực hiện mã hóa tại tầng nén của video. Dựa trên cơ chế đó để bảo vệ dữ liệu không chỉ trong quá trình truyền mà cả quá trình lưu trữ, giúp giải quyết các lỗ hổng cửa hậu trong các camera không rõ nguồn gốc. Theo giới chuyên môn, đây là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đi đúng hướng về mặt quản lý nhà nước, rất sáng tạo về công nghệ. Sản phẩm đã được đăng ký sáng chế tại Việt Nam và tiến tới sẽ mở rộng bảo hộ ở nước ngoài.

Để có được thành công này, nhóm nghiên cứu đã có lúc bị “bầm giập” đến mức… sốc! Trần Quang Đức kể có lần giới thiệu sản phẩm (lúc này đã thành hình hài) với một khách hàng, bị vị khách đó nhận xét: “Sản phẩm phục vụ cho mạng nội bộ thì cũng không cần quá bảo mật!”. Nghe khách hàng nói TS. Đức lúc đó rất thất vọng. Những tưởng “đứa con tinh thần” chăm chút bao ngày tháng được hoan nghênh, ai dè lại bị “dội gáo nước lạnh”. Nhưng TS. Đức cùng các cộng sự “lắng” lại cảm xúc, tập trung phân tích tiềm năng ứng dụng, suy nghĩ cách tiếp cận và mở rộng phạm vi của sản phẩm không chỉ là mạng nội bộ mà cả mạng Internet. “Chính nhờ những góp ý đó mà sản phẩm của chúng tôi được hoàn thiện hơn” – TS. Đức cho biết.

Được biết, trước khi dự thi, sản phẩm của nhóm nghiên cứu đã tham gia vào một dự án, được nghiệm thu vào tháng 9/2019. Dù chỉ là một dự án nhỏ, nhưng qua quá trình sản xuất trong nhà máy, TS. Đức và các cộng sự đánh giá được chất lượng sản phẩm, giải quyết các vấn đề phát sinh, được khách hàng tin tưởng và khen ngợi.

“Truyền lửa” cho SV

Sau niềm vui nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt, TS Trần Quang Đức nói vui: “Hình như thầy giáo được giải quốc gia, các sinh viên nhìn thầy có vẻ… thiện cảm hơn!” Trên thực tế, để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học đòi hỏi các thầy/cô dành nhiều thời gian, tâm sức. Và để chuyển đổi từ một công trình nghiên cứu ra một sản phẩm là một quãng đường tương đối dài. Vì vậy, khi các giảng viên chuyển tải được NCKH ra thành phẩm cũng sẽ được SV nhìn bằng con mắt khác, hiểu rõ hơn những vất vả, gian lao của thầy/cô.

Niềm hạnh phúc nhất của TS. Trần Quang Đức là gia đình luôn thấu hiểu, động viên, tạo điều kiện cho anh toàn tâm toàn ý với công việc. Điều anh luôn nhắc SV là làm gì cũng cần có đam mê, kiên nhẫn theo đuổi. Làm gì cũng cần cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo, tổ chức làm việc nhóm một cách khoa học.

Xuân mới, anh Đức lên kế hoạch sẽ tổ chức những buổi seminar để giới thiệu cho sinh viên về sản phẩm, động viên các em tinh thần “đã là sinh viên Bách khoa thì phải tạo ra được một cái gì đó có ý nghĩa”. Mục tiêu trước mắt của TS. Trần Quang Đức là cố gắng phấn đấu để đạt được học hàm PGS. Cùng đó nỗ lực để “đứa con tinh thần” được chuyển giao công nghệ, đến với người tiêu dùng.

“Người thầy có ảnh hưởng nhất đến tôi là thầy Ngọc Anh – Trường THPT Việt Đức. Trước tôi làm bài cẩu thả, chủ quan, nhưng nhờ thầy rèn dũa, tôi đã trở nên cẩn thận hơn. Đức tính này đã theo tôi từ đó đến nay. Tôi cũng luôn biết ơn PGS. TS Hoàng Lan, người đã luôn động viên, theo sát tôi từ những ngày đầu làm việc tại trường ĐHBK Hà Nội. Đề tài NCKH đầu tiên tôi tham gia chính là đề tài của cô. Khi đó, tôi được sống trong môi trường tập thể gồm các SV, giảng viên, cùng mọi người nghiên cứu, làm việc. Và tôi biết rằng để đạt được thành công phải có nhiều người chung sức, không thể đi một mình được.” –  TS. TRẦN QUANG ĐỨC.

Tuấn Phong

Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here