Vũ Thơm (thực hiện)
Ảnh: Viện CNSH&CNTP
Liên kết trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến hiện nay và được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (CNSH&CNTP), Trường ĐHBK Hà Nội đã chủ động tăng cường liên kết hợp tác với doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
HAI BÊN CÙNG CÓ LỢI
Liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp không chỉ là chủ trương, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ mà còn là nhu cầu của nhiều trường đại học và doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc liên kết hợp tác này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với trường đại học, liên kết với doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu và là phương thức để huy động được các nguồn lực từ doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động của trường. Còn đối với doanh nghiệp, trường đại học không chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng mà còn góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn, giúp doanh nghiệp nắm bắt và đổi mới công nghệ. “Chính vì lợi ích đó, nhiều năm qua, Viện CN- SH&CNTP luôn chú trọng phát triển hợp tác với doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc vì sự phát triển chung và đảm bảo lợi ích của hai bên nhằm tạo môi trường đào tạo năng động, hội nhập, nâng cao chất lượng đào tạo; gắn liền đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất” – PGS Chu Kỳ Sơn – Phó Viện trưởng Viện CN- SH&CNTP cho biết.
Với lợi thế là một đơn vị có uy tín cùng bề dày về thành tích trong đào tạo và nghiên cứu, Viện CNSH&CNTP là địa chỉ tin cậy thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết hợp tác. Hiện nay, Viện đang hợp tác với gần 40 đối tác trong nước, trong đó có hơn 20 doanh ng- hiệp sản xuất kinh doanh như: Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội, Công ty Cổ phần Sữa Hanoimilk, Công ty TNHH Hải Hà – Kotobuki; Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (VINASOY); Công ty TNHH thực phẩm FARINA … Ngoài ra, Viện CNSH&CNTP còn hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài như: Trung tâm quốc tế nghiên cứu nông nghiệp phục vụ cho phát triển (CIRAD), Đại học Montpellier SupAgro (Pháp), Viện Tài nguyên thiên nhiên (Anh Quốc), Đại học tài nguyên và khoa học ứng dụng sự sống (Áo); Đại học Gent (Bỉ), Đại học Kochi (Nhật Bản), Đại học Wage- ningen (Hà Lan),…
Sự liên kết hợp tác giữa Viện CN- SH&CNTP và doanh nghiệp được thể hiện ở hai lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo. Nhằm tạo ra diễn đàn, sân chơi để các doanh ng- hiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, Viện thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giới thiệu các đề tài, sản phẩm nghiên cứu của Viện nhằm tìm kiếm sự hợp tác với doanh nghiệp. Năm 2016, Viện có khoảng 30 đề tài nghiên cứu các cấp, trong đó có nhiều đề tài phối hợp với doanh nghiệp cùng triển khai. Tiêu biểu như hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh áp dụng Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm thâm canh; Áp dụng sáng chế “Bể tích hợp năm chức năng và điều chỉnh được để xử lý nước thải” để xây dựng mô hình xử lý nước thải cho làng nghề sản xuất bánh đa và miến tại thôn Me, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường; hay các dự án sản xuất thử nghiệm như: “Sản xuất thử nghiệm xúc xích khô và bán khô bằng công nghệ vi sinh”; “Sản xuất một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm”,… Bên cạnh đó, Viện còn chủ động và tích cực tham gia các dự án quốc tế do Cộng đồng châu Âu tài trợ (FoodSeg, Gratitude, AsiFood, NutriSEA…) để tận dụng và học hỏi các kinh nghiệm về nghiên cứu, đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp của các đối tác quốc tế.
Không chỉ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, Viện còn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. “Chúng tôi luôn đẩy mạnh phát triển hợp tác với các doanh nghiệp như đào tạo nâng cao chuyên môn và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh” – PGS Chu Kỳ Sơn nhấn mạnh. Điển hình của mô hình này là việc hợp tác với Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Viện đã phối hợp với HABECO và VINABECO tổ chức 03 khóa đào tạo về kỹ thuật sản xuất bia; mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu các công nghệ mới nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, HABECO còn hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm phân tích chất lượng thực phẩm đặt tại Viện CN- SH&CNTP. Việc xây dựng phòng thí nghiệm này có ý nghĩa rất lớn đối với hai bên. Nó không chỉ nâng cao năng lực phân tích và đánh giá chất lượng sản phẩm, đặc biệt sản phẩm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp mà còn cải thiện, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Đánh giá về sự hợp tác này, ông Nguyễn Hồng Linh – Tổng Giám đốc HABECO nhấn mạnh: “Đa phần cán bộ kỹ thuật của HABECO đều được đào tạo tại ĐHBK Hà Nội. Đây là trường đại học đào tạo kỹ thuật hàng đầu của đất nước. Vì vậy, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa HABECO và ĐHBK Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu một cách bền vững của hai bên”.
Cũng chính nhờ sự hợp tác với doanh nghiệp mà sinh viên Viện CN- SH&CNTP có nhiều cơ hội được thăm quan và thực tập tại các đơn vị sản xuất kinh doanh để nâng cao khả năng thực hành cũng như kinh nghiệm trước khi ra trường. Ngoài ra, nhằm khuyến khích, động viên sinh viên có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học; sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp như: Ajinomotor Việt Nam, Công ty Trúc Anh, Công ty FARINA, VINASOY, Ben Computer, Alpha Corp… đã trao tặng các suất học bổng và phần thưởng cho sinh viên của Viện.
ĐỂ MÔ HÌNH TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN
Rõ ràng, việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp đã đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên. Để mô hình liên kết hợp tác này tiếp tục phát triển và được nhân rộng đòi hỏi sự chủ động từ hai phía. Trong thời gian gần đây, Viện CNSH&CNTP đã có những giải pháp tích cực nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua việc cử các đoàn công tác đến doanh nghiệp để thăm quan, tìm hiểu nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; từ đó, xây dựng các dự án, nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Viện đã chủ động liên hệ mời doanh nghiệp tham dự các buổi bảo vệ đồ án tốt ng- hiệp và Hội nghị NCKH thường niên của sinh viên. Thông qua, buổi bảo vệ này, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được ngay sinh viên. Về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động đề xuất với trường đại học đào tạo sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp sinh viên thực hành, thực tập, đến các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào công việc sản xuất, từ đó các em có được những kinh ng- hiệm thực tế, đúc rút được nhiều bài học quý báu cho bản thân.
Việc tăng cường liên kết hợp tác với doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình thực tập cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm khi ra trường.