Truyền thông KHCN chưa tốt: Trách nhiệm thuộc về ai

0
86

Sự kết nối chặt chẽ của ba nhà (nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp) nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ KHCN đạt chất lượng cao phục vụ đời sống con người là vấn đề được đặt ra từ lâu và luôn bức thiết. Song, nỗ lực này chẳng thể kết nối thông suốt nếu sự kết nối tiếp theo – cũng của ba nhà (nhà khoa học – nhà quản lý và nhà truyền thông) không được chú trọng đúng mức.

NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Dưới góc nhìn của những nhà truyền thông, cái khó nhất của truyền thông KHCN chính là nằm ở đặc thù của ngành, bởi KHCN trước nay vốn khô khan, và nhiệm vụ của truyền thông là phải biến những mớ kiến thức vốn khô khan này trở thành dễ hiểu, gần gũi với người dân nhất. Hiện nay, các viện, trường đang là lực lượng nòng cốt trong phong trào NCKH. Thế nhưng, hoạt động truyền thông của các đơn vị này đang ở mức rất thấp kể cả về số lượng thông tin, lực lượng triển khai và kinh phí đầu tư. Điều này dẫn đến việc các công trình khoa học sau khi nghiên cứu xong không được nhiều người biết đến, khó chuyển giao và không nắm bắt được nhu cầu của thị trường.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhiều hoạt động, sự kiện KHCN nổi bật trong nước như Chợ công nghệ và Thiết bị (Techmart), hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ, ngày KHCN Việt Nam… đều được quan tâm và thông tin mạnh mẽ từ phía các báo đài từ Trung ương đến địa phương. Điều này cho thấy, nhiệm vụ truyền thông KHCN bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và xã hội về vai trò và tác động của KHCN; đồng thời, tôn vinh các thành tựu KHCN, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu ứng dụng tại các địa phương, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng… Tuy nhiên, so với kỳ vọng những kết quả này chưa đáng bao nhiêu.

Vậy làm thế nào để những công trình, sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học ra khỏi “tháp ngà” đi vào đời sống xã hội? Đây là câu hỏi đặt ra từ lâu nhưng hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó vẫn còn lắm gian nan.

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI

Thông tin KHCN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó càng khiến mảng thông tin này không hấp dẫn như những thông tin khác trong đời sống xã hội. Trong khi đó, hầu hết các thông tin này lại được biên soạn ở dạng thức các báo cáo khoa học nên phần lớn công chúng khó tiếp nhận. Như vậy, việc tuyên truyền KHCN là một lĩnh vực không dễ, thậm chí khô khan bởi thông tin cần đảm bảo tính đầy đủ, chuyên sâu và thận trọng.

Yếu tố đầu tiên và rất quan trọng là đội ngũ các nhà khoa học phải coi trọng công tác truyền thông KHCN. Đã đến lúc các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KHCN. Thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì bản thân các nhà khoa học nên quảng bá sâu rộng hơn những gì mình làm được. Hiện nay, có một bộ phận các nhà khoa học chưa ý thức cho công tác tuyên truyền KHCN, phần lớn các nhà khoa học thường không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những kết quả mình làm. Một số nhà khoa học rất ngại các phóng viên trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện có thể làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ. Tâm lý này đã gây không ít khó khăn cho các phóng viên trong việc tiếp cận các nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhà khoa học có ý thức song lại vấp phải vấn đề về kinh phí. Kinh phí đề tài hạn hẹp, chỉ đủ phục vụ cho nghiên cứu, làm báo cáo, họ không biết lấy kinh phí cho công tác truyền thông ở đâu.

Thứ nữa, công tác tuyên truyền KHCN không chỉ là ý thức của mỗi nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của tổ chức KHCN, trong đó, các viện, trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức và tuyên truyền thành quả nghiên cứu. Sẽ quá lãng phí nếu như nhiều trường, viện có đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng không đến được với xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Các tổ chức KHCN phải quan tâm, nhận thức cao về vai trò của công tác tuyên truyền KHCN, không ngại tiếp xúc với cơ quan báo chí, để từ đó, cơ quan truyền thông có thể đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất về KHCN.

Việc thể chế hóa pháp quy về hoạt động thông tin tuyên truyền KHCN, đồng thời đưa dự toán kinh phí dành cho tuyên truyền KHCN vào trong các đề tài, dự án là hết sức cần thiết để các nhà khoa học, các tổ chức KHCN có cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền cho KHCN. Bên cạnh đó các tổ chức này cần tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí. Hiện nay, số lượng ấn phẩm, kênh thông tin truyền thông cho KHCN không nhiều, tính lan tỏa và hiệu quả xã hội không cao, chủ yếu để tặng, phát hành trong ngành nên cũng thiếu tính lôi cuốn, hấp dẫn.

Kết thúc bài viết này, xin mượn lời của bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó Tổng biên tập Báo Khoa học Phổ thông – Thường trực Câu lạc bộ phóng viên KHCN, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho hành trình kết nối các nhà để KHCN trở thành mảnh đất giàu giá trị: “Có ba hình thức hợp tác giữa các nhà khoa học và nhà báo (nhà báo – nhà khoa học có quan hệ đồng tác giả; nhà khoa học viết – nhà báo sửa đổi bổ sung cho phù hợp; nhà báo viết – nhà khoa học cung cấp thông tin), tùy thuộc vào quỹ thời gian, quy mô vấn đề và các cá nhân tham gia mà chọn tính chất hợp tác trong từng trường hợp cụ thể”. Theo đó, ngay từ bây giờ các nhà khoa học hãy bước ra khỏi “tháp ngà”, cùng tham gia vào guồng máy của truyền thông để các sản phẩm của mình không chỉ nằm trên giấy.

Sáng Nguyễn (tổng hợp)
Ảnh: minh họa

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here