Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động quan trọng trong đào tạo và NCKH của Trường ĐHBK Hà Nội với phương châm “học tập, sáng tạo gắn liền với thực tế”. NCKH không những giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập, hình thành phương pháp và tư duy, cách thức phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề mà còn là môi trường tốt để sinh viên trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, cách làm việc nhóm, thuyết trình – thuyết phục, quản lý thời gian, quản lý dự án,…. Tuy nhiên, NCKH sinh viên là chặng đường gặp muôn vàn khó khăn, căm go và đầy thử thách. Để giúp sinh viên có những hình dung về hoạt động NCKH, các lưu ý trong hành trình khám phá đỉnh cao trí thức, phóng viên Đặc san Bách khoa đã có cuộc trao đổi với các nhóm đoạt giải sinh viên NCKH năn 2016 để nghe “người trong cuộc” chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia NCKH.
Nguyễn Thị Diệu Huyền – Lớp Kỹ thuật Vật liệu K57: NCKH sinh viên đòi hỏi tính chủ động cao
Với đề tài “Tận dụng sản phẩm phụ quá trình sản xuất than hoạt tính chế tạo xà phòng đen”, Nhóm sinh viên đến từ Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu do Nguyễn Thị Diệu Huyền là trưởng nhóm đã đoạt giải Nhì Cuộc thi BK-NEBULA năm 2016. Bắt đầu NCKH từ năm thứ ba, cô sinh viên nhỏ nhắn này đã tích lũy được vốn kinh ng- hiệm không nhỏ cho bản thân mình. Huyền chia sẻ: “Theo em, học đại học đòi hỏi sự độc lập và tự giác cao thì NCKH lại đòi hỏi mức độ chủ động cao hơn rất nhiều. Các bạn không nên trông chờ ai đó nói với mình phải làm về chủ đề gì, trong đó phải có những phần nào, phải đọc những tài liệu gì,… Mỗi sinh viên khi tham gia NCKH phải hoàn toàn chủ động mày mò để tìm ra hướng đi, phương pháp nghiên cứu cho mình”.
Để thành công trong NCKH, mỗi sinh viên cần chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức tương đối vững chắc. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành thì ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa tri thức. Vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trong quá trình NCKH. Với điều kiện số lượng các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt còn hạn chế, khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt sẽ giúp các bạn tham khảo được một lượng lớn tài liệu chất lượng đăng tải ở các tạp chí đầu ngành của thế giới.
NCKH đòi hỏi sinh viên phải làm việc hết sức độc lập và tự giác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khi gặp khó khăn, khúc mắc thì giảng viên hướng dẫn sẽ là người giúp đỡ và “tiếp lửa” cho các bạn. Thực tế cho thấy, các nhóm nghiên cứu đạt thành tích cao thường tìm hiểu vấn đề và liên hệ trước với các giảng viên từ rất sớm. Đến khi trường phát động phong trào NCKH thì các bạn đã hình dung tương đối rõ về đề tài mà mình sẽ thực hiện và đã có những chuẩn bị cho đề tài nghiên cứu của mình.
Cuối cùng, một điều quan trọng không kém đó là việc các bạn phải biết sắp xếp thời gian hợp lý và phải có trách nhiệm với đề tài của mình.
Vũ Duy Hưng – Lớp Kỹ thuật Hóa học 7, K57: Xây dựng nhóm nghiên cứu có cùng đam mê
Vui mừng, sung sướng và hạnh phúc là tâm trạng của ba chàng trai đến từ Viện Kỹ thuật Hóa học gồm: Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Việt Hưng (lớp Máy hóa K56) và Vũ Duy Hưng (lớp Kỹ thuật Hóa học K57) khi Ban tổ chức xướng tên Nhóm giành giải Nhất sinh viên NCKH năm 2016. Thành công này không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên, động lực để các em tiếp tục cố gắng mà còn tích lũy cho bản thân mỗi thành viên kinh nghiệm khi tham gia NCKH.
Vũ Duy Hưng cho biết: Trong NCKH sinh viên điều quan trọng nhất phải xây dựng được Nhóm nghiên cứu có cùng đam mê. Các thành viên trong nhóm có thể là sinh viên khác lớp khác khóa, miễn là các bạn có cùng đam mê NCKH và quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng. Điều này không hề đơn giản chút nào. Vì NCKH là cả một quá trình, trải qua rất nhiều khó khăn. Nếu nhóm không hiểu nhau, không thông cảm và động viên nhau thì rất dễ “gãy gánh giữa đường”. Nếu mỗi thành viên không có chung niềm đam mê NCKH thì khó lòng giữ được lửa nhiệt tình của cả nhóm.
“NCKH cũng là chuỗi ngày tìm kiếm tài liệu ở khắp mọi nơi đến mỏi cả mắt, có những lúc nản lòng khi thí nghiệm không thành công, rồi có lần bất đồng quan điểm đến mức các thành viên “không đứa nào nói chuyện với đứa nào”, nhưng tình bạn, trách nhiệm… đã khiến chúng em gạt đi những cái tôi cá nhân để có thể tiếp tục công việc” – Hưng kể.
Lê Khánh Toàn – Điều khiển và tự động hóa 05, K58: Phải có môi trường nghiên cứu khoa học
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của PGS Hoàng Sỹ Hồng, Nhóm nghiên cứu của Lê Khánh Toàn đã xuất sắc đoạt giải Nhất sinh viên NCKH năm 2016 với đề tài “Nghiên cứu và chế tạo thiết bị đo độ ẩm thóc gạo bằng phương pháp điện dung”.
Bắt đầu NCKH sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã giúp Toàn đúc rút cho bản thân mình được “vốn” kinh nghiệm kha khá. Toàn chia sẻ: Đầu tiên và cũng quan trọng nhất là phải có môi trường để hoạt động nghiên cứu, nếu được làm việc với những người có kinh nghiệm là thầy, cô và các anh/ chị khóa trước là tốt nhất. Họ là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm và sẽ hỗ trợ mình rất nhiều trong quá trình nghiên cứu, đặc biệt là khi gặp khó khăn.
Một lưu ý là khi NCKH hãy tương tác thật tốt với thầy cô hướng dẫn. Trên thực tế, thầy cô rất bận rộn nhưng các thầy cô không những giỏi chuyên môn mà còn nhiệt huyết với sinh viên. Vì thế, hãy thông minh và chủ động khi nhận sự hướng dẫn của thầy cô trong nghiên cứu. Thầy cô sẽ là người tháo gỡ những khó khăn cho chúng ta.
Ngoài ra, các bạn cần nghiêm khắc với bản thân, đó là tiền đề để chúng ta vượt qua những trở ngại trong quá trình nghiên cứu. Hay nói cách khác, sinh viên khi NCKH không được tự mãn và cần tự rút kinh nghiệm, làm việc nghiêm túc và từng bước hoàn thiện nghiên cứu ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, sinh viên cần có cái nhìn tổng thể và thực tế bằng việc biến ng- hiên cứu của mình thành những sản phẩm cụ thể, hữu ích như các bài báo khoa học hay báo cáo ở các hội thảo. Điều này không những đóng góp cho thực tiễn mà còn giúp cho các bạn rất nhiều trên con đường học tập sau này. Có thể nói, NCKH sinh viên là một sân chơi mà ở đó các bạn được cùng nhau giao lưu, học hỏi để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Sau này, không phải ai tham gia NCKH sinh viên cũng đi theo con đường nghiên cứu nhưng NCKH sinh viên sẽ là một trải nghiệm ý nghĩa và thiết thực trong quãng đời sinh viên.
Vũ Thơm (thực hiện)
Ảnh: Kim Chi