“Năm 1971, chúng tôi cùng hơn 600 thầy giáo, sinh viên thủ đô lên đường ra chiến trường theo lời kêu gọi của Tổ quốc. Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm, cũng như các bạn sinh viên năm thứ 2, thứ 3 bây giờ chỉ với một mong muốn sau chiến tranh được trở lại tiếp tục công tác và học tập tại mái trường Bách Khoa”. Mong ước giản dị ấy, có người trở về thực hiện tiếp, có người mãi mãi không bao giờ có thể thực hiện được. Nỗi đau chiến tranh đi qua, Trường ĐHBK Hà Nội hôm nay đã trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu của đất nước, “người lính” năm xưa nay tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới – nhiệm vụ của người lính thời bình.

Nhớ về những ngày tháng đất nước còn trong khói lửa, để bảo vệ nền độc lập, hàng triệu thanh niên Việt Nam với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã khoác ba lô thẳng tiến ra chiến trường với thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với tinh thần ấy, nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội đã hăng hái lên đường nhập ngũ, mong muốn được đóng góp một phần công sức của mình đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Rời khỏi mái trường, thầy cô, bạn bè, những người lính sinh viên Bách Khoa làm quen với súng ống, lựu đạn, với những đêm hành quân, báo động. Qua thời gian tân binh, họ vào thẳng chiến trường, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh. Nhưng với tinh thần, “Ra đi chỉ một lời thề/ Chiến thắng giặc Mỹ mới về Bách Khoa”, các anh đã anh dũng chiến đấu, có người còn sống nhưng cũng có người nằm lại với đất mẹ thân yêu. Nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ. Một trong số đó có “Cánh đại bàng đêm” Vũ Xuân Thiều. Năm 1965, khi đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Vô tuyến điện, chàng trai trẻ ấy đã tình nguyện nhập ngũ rồi trúng tuyển phi công. Sau 3 năm đào tạo tại Liên Xô, anh được điều về công tác tại Đoàn không quân Sao Đỏ. Đêm 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều tham gia vào đội bay đêm, mục tiêu là hạ máy bay B52 của Mỹ, anh đã anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi.

Trong chặng đường đấu tranh gian khổ và oanh liệt ấy, nhiều người trong số các thầy giáo và sinh viên của Trường đã bỏ một phần xương máu ở chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh như: Liệt sỹ Bùi Ngọc Dương, Phạm Văn Cán (Anh hùng binh chủng tăng thiết giáp), Trần Thanh Hải (Anh hùng pháo binh)… Cũng bởi chiến tranh ác liệt đã cướp đi người con, người chồng, người cha của biết bao người. Có những người con chưa một lần được gặp bố, họ chỉ có thể tưởng tượng bố qua hình ảnh, lời kể của mẹ như bác Nguyễn Đức Thuận – Viện Điện tử – Viễn thông; bác Phạm Hoàng Thể – Viện Cơ khí động lực…

Sau cuộc chiến tranh gian khổ ấy, những người lính còn lại lại trở về với cuộc đời sinh viên. Không một chút phàn nàn, họ đã học tập giữa những trận sốt rét, giữa những cơn đau của vết thương, giữa những khó khăn của đời thường nhưng với một tinh thần mới, họ làm việc và cống hiến cho xã hội với trách nhiệm của những người lính. Trong số họ nhiều người đã trở thành những nhà khoa học giỏi, nhà giáo chân chính, nhà quản lý tài năng. Điển hình như, cựu chiến binh TS Lê Hải Hưng – giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật – là một trong những thương binh nặng nhất đang công tác tại Trường. Bị những vết thương nặng ở sọ não và cột sống nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã trở thành động lực giúp TS vượt qua thương tật, khó khăn đời thường. Nhờ vào những nỗ lực trong nghiên cứu, người thương binh ấy là chủ nhân của rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế, phát minh đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của biết bao thế hệ người dân Việt, trong đó có Thầy và trò Bách Khoa để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Hôm nay Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, trước tượng đài “sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc”, Thầy và trò Bách Khoa đặt bông hoa nghĩa tình thể hiện lòng tri ân sâu sắc nhất đến những người lính đã chiến đấu hết mình cho Tổ quốc.

Vũ Thơm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here