Bách khoa Hà Nội và những lần đầu tiên

0
668
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và sinh viên Bách khoa Hà Nội tại nhà ở sinh viên sáng mùng 1 Tết Mậu Tuất (1958)

Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã bước sang tuổi 65. Hãy cùng đặc san Bách khoa điểm qua những “lần đầu” của ngôi trường kỹ thuật số 1 Việt Nam, cùng nhìn lại những dấu mốc quá khứ và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai.

Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm

Là một trong những ngôi trường đầu tiên được thành lập sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Bác Hồ kính yêu.

Mặc dù bận rộn với nhiều công việc trọng đại của đất nước nhưng Người vẫn luôn dành cho thầy và trò Nhà trường tình cảm yêu thương, chăm lo đặc biệt. Ba lần vinh dự đón Bác về thăm đã trở thành những dấu son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường.

Lần thứ nhất, Người đến thăm Trường vào ngày mồng Một Tết Mậu Tuất (1958) mà không hề báo trước. Sau khi chủ động đi thăm các nơi học tập và sinh hoạt của Trường, Người đã gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ và sinh viên ngay tại nhà ở của sinh viên. Do không báo trước, số người được gặp Bác không nhiều vì đa số đã về gia đình ăn Tết, chỉ còn lại những người không có điều kiện như sinh viên miền Nam, miền núi, vùng xa,.. phải ở lại ăn Tết tại Trường.

Với tình cảm ấm áp của vị cha già đối với con cháu, Người đã hỏi thăm tình hình công tác, sinh hoạt, học tập của cán bộ và sinh viên. Người động viên cán bộ, sinh viên phấn đấu khắc phục khó khăn, gian khổ, đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau học tập và công tác. Người đã ân cần căn dặn: “Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, lý luận phải gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, nhà trường phải gắn liền với xã hội”.

Lời căn dặn ấy của Người đã trở thành phương châm, nguyên lý của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ sinh viên Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu trong mọi mặt công tác.

Sau ngày Bác Hồ đến thăm, Đảng ủy và chính quyền Nhà trường đã khẩn trương tổ chức cho cán bộ và sinh viên học tập, quán triệt những lời dạy của Bác vì đó là những nguyên lý, phương châm đào tạo giáo dục của Nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Trường đã phát động một đợt thi đua thực hiện lời Bác dặn, đẩy mạnh các hoạt động giảng dạy, học tập và xây dựng Nhà trường.

Khi sinh viên khóa 1 lên năm thứ 3, Trường đứng trước rất nhiều khó khăn: Thiếu trang biết bị thí nghiệm; thiếu thầy giáo dạy chuyên môn, chuyên ngành, hướng dẫn đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp. Vận dụng lời dạy của Bác, lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn đưa sinh viên xuống nhà máy, xí nghiệp,công trường thực tế sản xuất, vừa học vừa làm, làm luận án tốt nghiệp tại chỗ với những đề tài lấy ngay từ thực tiễn sản xuất.

Sau hơn 2 năm, 633 sinh viên đã quay trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp, cùng khoảng 200 sinh viên khóa 1 khác được cử đi Liên Xô kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu, tạo ra bước phát triển vượt bậc của Nhà trường.

GS. Trần Đại Nghĩa

Hiệu trưởng đầu tiên

GS. Trần Đại Nghĩa là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956). Ông là người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Tên của ông đã được đặt cho Tàu Khảo sát và đo đạc biển đầu tiên, hiện đại nhất của Việt Nam. Trần Đại Nghĩa cũng là tên con đường đi qua Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tên tuổi, công trạng của ông được lưu danh vào sử sách, luôn được nhắc tới và là tấm gương cho nhiều người noi theo.

Từ năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Học bổng Trần Đại Nghĩa. Học bổng nhằm thực hiện trách nhiệm đối với xã hội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình CNHHĐH đất nước và hỗ trợ cho những sinh viên của Trường có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập và thu hút những học sinh xuất sắc vào học tại Trường.

Học bổng mang tên Cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường, người thầy đáng kính, một tấm gương nỗ lực vươn lên trong học tập sẽ là lời nhắc nhở các em sinh viên luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Logo hiện tại của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Logo đầu tiên

Từ chủ trương Khoá 1 – “đứa con” kỹ sư đầu đàn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp phải có cái gì đó làm kỷ niệm, mùa thu năm 1960, Ban Giám hiệu đã phát động toàn trường cuộc thi vẽ huy hiệu của Trường. Mẫu huy hiệu do giảng viên trẻ Trần Hữu Quế (khoa Xây dựng) đã được chọn từ hơn 200 mẫu vẽ.

Huy hiệu có dạng hình chữ nhật; gồm phần hình ở trên và phần chữ ở dưới, bố cục hài hòa. Phần hình là cuốn sách đang mở rộng, có tỉ lệ gần với tỉ lệ khổ giấy tiêu chuẩn; còn huy hiệu có tỉ lệ gần với tỉ lệ vàng kiến trúc.

Trang sách bên trái màu đỏ với ý nghĩa màu cờ Tổ quốc; trang sách bên phải màu trắng thể hiện sự trong trắng của sinh viên. Hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho sự soi sáng, dẫn đường của Đảng. Tên trường được viết tắt là ĐHBK đặt phía dưới cuốn sách nhưng sau khi Ban Giám hiệu góp ý được viết rõ là ĐẠI HỌC BÁCH KHOA.

Chính giữa huy hiệu nổi bật lên hình bánh răng và compa màu vàng, tượng trưng cho lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghiệp. Compa ở đây là compa kỹ thuật nói chung, gồm compa đo và compa vẽ, thể hiện sự chính xác trong thiết kế và sáng tạo. Ý tưởng lấy compa và bánh răng xuất phát từ chủ đề công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa tại Đai hội Đảng lần thứ III (năm 1960).

Vì sao chiếc compa đặt nghiêng? Thời kì đó, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào không gian năm 1957. Lấy cảm hứng từ sự kiện kì vĩ đó, tác giả đã vẽ cách điệu bánh răng dáng mảnh giống hình tượng của Trái đất, và compa được vẽ thuôn nhọn với góc nghiêng 30 độ tạo dáng giống vệ tinh nhân tạo từ Trái đất bay lên. “Hình ảnh này làm ta liên tưởng đến khát vọng của con người từ Trái đất vươn ra ngoài không gian bao la”.

Những ý tưởng thiết kế đó đã tạo nên mẫu huy hiệu đẹp, một biểu tượng hoàn chỉnh tượng trưng cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày ấy. Sau nhiều lần hiệu chỉnh, những ý tưởng đó vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Lê Ngọc Hải (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here