Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thời gian học tập tại trường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, 100% đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đến năm 2025, mỗi trường đại học phải có ít nhất 5 dự án khởi nghiệp của sinh viên được cấp kinh phí.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin, truyền thông; Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Không gian sáng tạo BKHUP

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO KHỞI NGHIỆP

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thực hiện Đề án là hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp. Cụ thể, hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp trong cả nước và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ này; khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các nhà trường.

Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; biên soạn và ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tài liệu đào tạo giáo viên hướng nghiệp. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường; khuyến khích các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp xây dựng các chuyên đề về khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn để phù hợp với thực tiễn; tăng cường tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

TẠO MÔI TRƯỜNG HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP

Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ bộ phận hoặc trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên; Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: Khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo; các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu, tự động hóa,…;

Bên cạnh đó, Nhà trường cần sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để hình thành môi trường dịch vụ cung cấp, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tạo không gian chung cho học sinh, sinh viên của các trường trên cùng địa bàn, khu vực; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; cung cấp dữ liệu, tài liệu, thông tin về các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp cho cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường liên kết hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hiệp hội Doanh nhân trẻ, cựu sinh viên để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt các vấn đề về đổi mới, sáng tạo đối với học sinh, sinh viên để học sinh, sinh viên có định hướng xây dựng dự án, ý tưởng khởi nghiệp; Xây dựng nội dung, chương trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo, các học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp

Đối với việc hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Đề án nêu rõ các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên,…) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường.

Xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp như hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ bộ phận hoặc trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: Khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo; các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu, tự động hóa,…

Hy vọng, với Đề án này sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong cả nước, từ đó hình thành và thực hiện hóa các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Đề án có hiệu lực kể từ ngày 30/10/2017.

Trong những năm gần đây, Trường ĐHBK Hà Nội đã tạo ra nhiều sân chơi sáng tạo bổ ích nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên như: Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức, Cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa…Đặc biệt, năm 2016, không gian sáng tạo BKHUP được khai trương, trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhóm nghiên cứu trẻ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp; đồng thời, đây cũng là nơi làm việc, gặp gỡ, kết nối giữa các nhóm nghiên cứu trẻ, nhà sáng chế, nhà đầu tư, các tổ chức doanh nghiệp.

Nhằm tạo một sân chơi mới mẻ giúp sinh viên vận dụng các kiến thức khoa học vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới mẻ, năm 2017 – lần đầu tiên Trường tổ chức Cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa. Sau một thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được trên 70 ý tưởng sáng tạo. Dự kiến Chung kết Cuộc thi diễn ra vào trung tuần tháng 12/2017

Với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cơ chế khuyến khích của Trường, hy vọng rằng trong thời gian tới, sinh viên Bách khoa Hà Nội sẽ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công.

Vũ Thơm (tổng hợp)
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here