Đầu tháng 12/2019, đề tài nghiên cứu khoa học nhóm sinh viên Viện Điện tử Viễn thông, Trường ĐHBK Hà Nội đã vượt qua hơn 400 đề tài dự thi, là 1 trong 10 nhóm đạt giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc. Được biết đây là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm dự thi một sân chơi quy mô nhưng với tài năng, sáng tạo và sự tự tin, nhóm đã “rinh” luôn giải cao nhất!
Đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn
Giới thiệu về đề tài dự thi “Giải pháp tối ưu công suất phát thời gian thực cho hệ thống D2D” của nhóm, Nguyễn Xuân Tùng và Trương Anh Quân cho biết: Truyền thông từ thiết bị đến thiết bị D2D, là mắt xích quan trọng trong hệ thống thông tin 5G và phát triển hệ thống thông tin trong tương lai. Cùng với tham vọng của Việt Nam tự xây dựng hệ thống 5G, nhóm muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình với một đề tài nghiên cứu thực sự có giá trị khoa học và thực tiễn. Khó khăn về kinh phí dường như đã có giải pháp, khi cùng thời gian đó, thầy giáo hướng dẫn – TS. Nguyễn Tiến Hòa – nhận được kinh phí từ đề tài của Bộ GD&ĐT.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm có nhiều thuận lợi đến từ việc hợp tác rất gần gũi của Viện Điện tử – Viễn thông với các công ty viễn thông lớn của Việt Nam và quốc tế. Vì vậy thông qua các buổi thảo luận kỹ thuật chi tiết cùng các kỹ sư của Viettel, VinSmart, và tham vấn các nhà khoa học, nhóm đã đưa ra mục tiêu cụ thể: Điều khiển công suất thời gian thực cho các Ăng-ten phát của hệ thống 5G, từ đó tạo ra những búp sóng giúp tối ưu lưu lượng thông tin cho người dùng.
Để phục vụ cho việc nghiên cứu cũng như mục đích kế thừa cho giảng dạy, nhóm đã đầu tư hai bo mạch khả trình (USRP) có giá trị hơn 100 triệu đồng/ cái để xử lý tín hiệu và lập trình nhúng. Trên thế giới, các trường ĐH nổi tiếng như Lund, Thụy Điển, hay Briston, Anh quốc, đều sử dụng những thiết bị tương tự để xây dựng hệ thống truyền thông 5G phục vụ cho nghiên cứu. Kết quả nhóm đạt được sau khi áp dụng giải pháp trên là một hệ thống D2D, được thực hiện trong khuôn viên trường Bách khoa, có khả năng tự động điều khiển công suất thích ứng theo thời gian thực, được lập trình ở phía phát. Mô hình này có những đặc điểm chính của hệ thống 5G và hơn thế nữa.
Nhóm sinh viên đã có 2 bài tạp chí ISI trong nhóm Q1 thuộc top 25% tạp chí uy tín nhất thế giới. Tuy nhiên những gì nhóm đạt được không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu mà là sự trải nghiệm, làm đầy kiến thức, sự tự tin và khả năng nghiên cứu cũng như ứng dụng thực tế dựa trên kiến thức học được trong Trường.
Tự hào sinh viên ĐHBK Hà Nội
Hiện tại, hai thành viên Nguyễn Xuân Tùng và Trương Anh Quân đã nhận được học bổng toàn phần của hai trường ĐH danh tiếng tại Canada và Hàn Quốc, Vũ Gia Phúc tiếp tục tham gia nghiên cứu và làm việc tại Viettel về hệ thống 5G, và Lê Quang Huy là kỹ sư lập trình của công ty công nghệ Dolphin.
Được biết, cả nhóm vốn là những người bạn thân thiết nên việc phối hợp làm cùng nhau có nhiều thuận lợi. Cũng có lúc tranh luận nảy lửa nhưng rồi sau thời gian nghiên cứu, những chàng trai Bách khoa lại là nhóm bạn thân. Nhìn lại quãng thời gian nhóm nghiên cứu, Xuân Tùng và Anh Quân nhớ nhất cả tuần liên tiếp tối nào cũng “đóng quân” tại nhà Huy làm việc. Nhiều lúc bí quá, cả đội lại “đóng quân”… nhà Thầy.
Nguồn động viên, truyền cảm hứng lớn nhất cho các thành viên trong nhóm chính là thầy giáo hướng dẫn – TS. Nguyễn Tiến Hòa! Cả nhóm coi thầy như một người anh lớn, để khi “ngồi đồng” phòng Lab mấy tiếng, thầy lại “khua” cả nhóm đi chạy bộ để giữ gìn sức khỏe. Thầy luôn nói “khỏe mạnh mới nghiên cứu tốt”. Trương Anh Quân chia sẻ: Thầy Hòa với chất “Đức” của Thầy, đã truyền cảm hứng cho tôi để cố gắng vừa học kỹ thuật, vừa theo đuổi đam mê học sư phạm. Tôi mong sau này được giống như thầy, luôn tâm huyết, yêu thương, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho các sinh viên.
Ngay sau cuộc thi Sinh viên NCKH toàn quốc, Gia Phúc và Quang Huy lại quay về guồng công việc bận bịu nhưng vẫn dành thời gian để qua Lab thăm và trao đổi với thầy giáo. Xuân Tùng và Anh Quân đang chuẩn bị hồ sơ đi học thạc sỹ ở nước ngoài. Hai bạn trẻ đều được giáo sư nước bạn đánh giá cao và tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về hệ thống thông tin di động thế hệ mới.
Hỏi Tùng và Quân nhớ gì nhất trong quãng thời gian học ở ĐHBK Hà Nội, cả hai cùng đồng thanh: Nhớ nhất mùa thi! Có lẽ vì nhớ, nên giờ ra trường rồi, nhưng có thời gian rảnh, hai cựu sinh viên lại nối tiếp truyền thống, qua phòng Lab, ngồi bàn việc với thầy giáo, giúp đỡ các sinh viên khóa dưới. Đó cũng là bài học các bạn nhận được từ thầy giáo – trách nhiệm của mỗi người là để lại sự kế thừa tốt đẹp cho mai sau.
Nhóm nghiên cứu còn mang theo bên mình giây phút tự hào cùng thầy giáo lên bục nhận giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học. Lúc đó, một góc hội trường đỏ rực màu áo đồng phục ĐHBK Hà Nội của các thí sinh đi thi, của khán giả hò reo cổ vũ. Thầy trò tự hào nhìn nhau, ngầm hẹn tiếp tục bền bỉ chinh phục những đỉnh cao khoa học mới
“Tôi tin rằng các sinh viên của ĐH BKHN không chỉ là những kỹ sư được các công ty, tập đoàn công nghệ Việt Nam săn đón mà còn có khả năng làm việc tại các Tập đoàn Công nghệ nổi tiếng thế giới như Google, Facebook, Amazon… Sẽ có nhiều người nói tôi “mơ xa”, nhưng không phải là mơ đâu, sinh viên phòng Lab chúng tôi có những Tiến sỹ và cả Giáo sư tại nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Có bạn đang làm việc tại Qualcomm, Mỹ. Nhóm sinh viên như Tùng, Quân, Phúc, Huy là những sinh viên thực sự giỏi. Tôi tự hào về các em. Và tôi cũng tự hào về sinh viên ĐHBK. Các em đang ở đúng nơi để có những bước tiến xa.” – TS. NGUYỄN TIẾN HÒA
Tuấn Phong
Ảnh: NVCC