“Thế nào, hôm nay thi làm được mấy bài? Sao thầy ra đề gì mà khó thế nhỉ? Tao làm được có ba câu mà chưa chắc đã chính xác hết. Bây giờ thì phải tin lời các anh chị khóa trước nói rồi. Con đường ra “Giải Phóng” còn gian nan lắm!”. Đó là đoạn hội thoại của hai anh chàng tân sinh viên K62 khi vừa hoàn thành môn thi đầu tiên của quãng đời sinh viên ở Bách khoa.
NƯỚC ĐẾN CHÂN… CHƯA NHẢY
Nhiều anh chàng, cô nàng sinh viên năm nhất cho rằng lên đại học là sẽ được xả hơi sau những ngày tháng miệt mài ôn thi, nhưng sự thật lại không như vậy. Đặc biệt là với sinh viên kỹ thuật nói chung và sinh viên Bách khoa nói riêng.
Vừa xa nhà đi học đại học, tiếp cận với cách học mới, môi trường học tập mới, khá nhiều tân sinh viên “choáng váng” khi vừa nhập học được hơn hai tháng đã bước ngay vào kỳ thi đầu tiên. Nguyễn Trung Hiếu – Lớp Điện tử Viễn thông K62 bộc bạch: “Chưa kịp ổn định khi bước vào môi trường học tập mới, mặc dù bản thân đã chuẩn bị tâm lý rằng phải thay đổi cách học, nhưng sau những tuần học đầu tiên mình mới thấy đúng là không học hành nghiêm túc ngay từ đầu thì khó lòng vượt qua những kỳ thi đầy khó khăn sắp tới. Trên lớp thầy cô giảng rất nhanh, còn yêu cầu sinh viên tự học. Khi được thông báo bắt đầu thi, chúng mình mới “ngã ngửa” kiến thức mình chưa có gì, nên nhiều bạn vẫn áp dụng chiêu “học tủ” để đối phó với kỳ thi đang đến rất gần”.
“Vừa bước vào học kì đầu tiên của năm học thứ nhất, chúng mình đã phải học khối lượng kiến thức khá nhiều, hơn nữa, môi trường đại học không yêu cầu kiểm tra bài cũ, không bắt buộc làm bài tập về nhà, chủ yếu học trên tinh thần tự giác, nên gần hết kỳ học đầu tiên rồi mà nhiều bạn vẫn chẳng biết mình học cái gì. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ngại ôn tập. Nội dung thì nhiều, lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, cứ giở sách vở ra là hoa hết cả mắt. Thôi thì cứ may rủi vậy, học được đến đâu hay đến đó” – Nguyễn Văn Tâm – Lớp Cơ điện tử K62 phân trần.
Chu Minh Hường – Lớp Kỹ thuật may K62 cho hay: “Mình mới vào học chưa quen với cách học mới, cũng chưa biết sắp xếp thời gian ôn tập cho hợp lý nên đến kì thi đành áp dụng cách ôn tập truyền thống của bậc học phổ thông là… học tủ. Trước ngày thi 3-4 ngày, mình xem đề của các khóa trước hay thi vào phần nào, hay hỏi câu nào thì mình học phần đấy, chỉ mong sao trúng chứ bây giờ không biết học từ đâu, nhất là phần lí thuyết”.
NHỮNG “ÁM ẢNH” ĐẦU TIÊN
Trước khi bước vào kỳ thi đầu tiên, các “tân binh” K62 đã kịp nghe các đàn anh, đàn chị chia sẻ câu nói bất hủ: “Yên tâm đi, không học lại thì không phải là sinh viên”. Nguyễn Văn An – anh chàng sinh viên Lớp Cơ điện tử K62 cho biết: “Trước kì thi khoảng hai tuần mình được các anh khóa trên vỗ vai: “Yên tâm, cứ từ từ trải nghiệm, anh đang phải học lại ba môn đây!” Mình hoảng quá!”. Có một thực tế rằng, các bạn tân sinh viên vừa nhập học là những cá nhân xuất sắc ở các bậc học dưới, thế nhưng trong một môi trường đa phần đều là những người xuất sắc, thì học, thi thế nào để không bị cuốn đi trong guồng máy học tập nặng và khó như ở Bách khoa.
“Không như các bạn khác, cá nhân mình xác định học tập nghiêm túc ngay từ đầu. Nhưng cùng là kiến thức toán học mà tại sao ở môi trường đại học lại khác và khó đến thế. Mình đã ôn tập rất kỹ nhưng khi nhìn thấy đề thi mình thực sự choáng! Ôi! Sao đề thì chẳng liên quan gì đến kiến thức trên lớp nhỉ? Mặc dù đã vận dụng tối đa kiến thức nhưng theo mình dự đoán chắc kết quả chỉ trên trung bình chút thôi. Chưa bao giờ mình thấy kiếm điểm 5 môn toán lại khó đến thế!” – Trần Văn Trung – Lớp Kỹ thuật Cơ khí hụt hẫng.
Còn Nguyễn Văn Tính, Lớp Kỹ thuật Vật liêu, sau kỳ thi đầu tiên ở Bách khoa anh chàng đã rút ra được những bài học đầu tiên: “Mình cứ nghĩ đơn giản là bậc học nào cũng chỉ cần chăm chỉ, trên lớp lắng nghe các thầy cô giảng bài và ôn tập thêm ở những tài liệu khác thì sẽ đạt được kết quả tốt. Nhưng ở Bách khoa, có tất cả nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Mình vừa hoàn thành môn thi đầu tiên, kết quả đã khiến mình khá thất vọng. Mình chỉ hoàn thành được chưa tới 60% bài thi. Mình nhận ra một điều là với Bách khoa Hà Nội cần vận dụng kiến thức linh hoạt và sáng tạo, nên kỳ thi đầu tiên này chính là trải nghiệm đầu tiên cho hành trình chinh phục Bách khoa”.
Sáng Nguyễn
Ảnh: nhân vật cung cấp