Vũ Thơm
Ảnh: nhân vật cung cấp
Dù chưa tốt nghiệp đại học nhưng có rất nhiều sinh viên ĐHBK Hà Nội đã được các công ty nước ngoài tuyển dụng với mức lương khởi điểm khá cao 40 – 60 triệu đồng/tháng. Đây là con số đáng mơ ước của không ít sinh viên vừa mới ra trường, nhất là trong bối cảnh thừa nhân lực đại học như hiện nay tại Việt Nam.
LÀM VIỆC TRONG MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ
Khi đang là sinh viên năm cuối nhưng Đỗ Văn Duy – cựu sinh viên lớp Công nghệ kỹ thuật ô tô K57 (Viện Cơ khí Động lực) đã được Công ty Daihatsu (Nhật Bản) tuyển dụng cho vị trí thiết kế linh kiện ô tô, nội ngoại thất ô tô, phát triển phần mềm… với mức lương khởi điểm khoảng 200.000 Yên Nhật/tháng (tương đương 40 triệu đồng). Được làm việc tại nước ngoài, tiếp xúc với nền công nghệ tiên tiến và có điều kiện phát triển bản thân là điều mơ ước của không ít sinh viên.
Kể về quá trình “săn” việc ở nước ngoài, Duy cho biết, đó là cả một hành trình phấn đấu không mệt mỏi. “Ngay từ khi bước chân vào đại học, em đã nung nấu kế hoạch ra nước ngoài làm việc hoặc chí ít cũng phải làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài ở trong nước. Vì vậy, em luôn cố gắng học tập thật tốt và tìm kiếm cơ hội việc làm từ năm thứ 3 đại học” – Duy chia sẻ.
May mắn đã đến với chàng trai sinh năm 1993 này, khi chuẩn bị tốt nghiệp thì đúng dịp Công ty Daihatsu tổ chức hội thảo tuyển dụng. Nắm bắt ngay cơ hội, Duy đã mạnh dạn nộp hồ sơ, trải qua các vòng phỏng vấn gắt gao. Duy đã may mắn trở ứng viên được Công ty Daihatsu tuyển dụng. Sau một năm tập trung học tiếng Nhật (mọi kinh phí đều do Công ty tài trợ), hiện nay, Duy đang làm việc tại trụ sở chính của Công ty Daihatsu ở Tokyo (Nhật Bản).
Bằng nỗ lực của bản thân, Ngô Ngọc Thành – cựu sinh viên lớp Công nghệ Thông tin ICT-54B (Viện CNTT&TT) đã tìm được việc làm tại Cộng hòa Liên bang Đức với mức lương hơn 3.000 Euro/tháng (tương đương 90 triệu đồng/tháng). Chia sẻ bí quyết học tập, Thành cho biết: “Ngay trong quá trình học đại học, em có thói quen là đọc các tin tuyển dụng của các công ty ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Các mẩu tin đó thường sẽ nêu rõ thông tin về các công nghệ mà nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên có được. Qua đó, em chọn lọc ra các công nghệ và hướng phát triển liên quan để tìm hiểu và học tập. Bên cạnh đó, nhờ việc đi thực tập sớm từ năm thứ 2 giúp em có cái nhìn rõ ràng hơn về môi trường làm việc và sớm có định hướng phát triển bản thân”. Chính bí quyết này đã giúp Thành tìm được công việc phù hợp khi tốt nghiệp. Hiện nay, Thành đang là kỹ sư phần mềm tại Công ty SAB Engineering GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức).
TÌM VIỆC TẠI NƯỚC NGOÀI KHÔNG KHÓ
Đó là nhận định của Phạm Bình – cựu sinh viên lớp IS2, Chương trình Việt – Nhật K55 (Viện CNTT&TT). Bởi, theo Bình: “Mục tiêu tìm việc làm ở nước ngoài không khó, nhất là trong thời đại “thế giới phẳng” như hiện nay. Nhưng đích đó chỉ đạt được khi bạn có một quá trình chuẩn bị kỹ: từ ngôn ngữ, trình độ chuyên môn đến kỹ năng. Vì vậy, quan trọng bạn phải có kế hoạch và quyết tâm để thực hiện nó đến cùng”.
Chăm chỉ học tập, rèn luyện kỹ năng, đọc nhiều sách là phương pháp mà Bình đã thực hiện trong 5 năm học tập tại Trường. Nhờ đó, chàng trai 9x này đã trở thành Giám đốc SEO cho doanh nghiệp có tiếng tại Nhật Bản.
Trở thành kỹ sư toàn cầu, Bình đã tích luỹ cho mình những kinh nghiệm vượt qua các vòng thi của nhà tuyển dụng Nhật Bản khó tính. “Đầu tiên, bạn cần phải tự tin, đam mê và thực sự muốn gắn bó với chuyên ngành cũng như công việc mà mình dự tuyển. Trong quá trình học, các bạn nên tham gia nghiên cứu khoa học, chăm chỉ thực hành, học tốt ngoại ngữ… là một lợi thế. Trước khi tham gia phỏng vấn, các bạn nên tìm hiểu thông tin về công ty như: lịch sử, các vị trí ứng tuyển, sản phẩm, văn hóa Nhật…”- Bình cho biết.
Theo Bình, khó khăn nhất khi ra làm việc ở nước ngoài là bắt kịp với môi trường làm việc quốc tế. “Khi làm ở các công ty nước ngoài, chúng ta thường xuyên phải làm việc nhóm, trao đổi công việc với đồng nghiệp, áp lực công việc lớn. Vì vậy, việc sắp xếp công việc một cách khoa học, ngoại ngữ tốt thì chỉ sau vài tháng, chúng ta có thể hòa nhập với các đồng nghiệp”.
Đánh giá về cơ hội việc làm tại nước ngoài, TS Phạm Huy Hoàng – Phó Viện trưởng Viện CNTT&TT cho rằng, sinh viên Bách khoa Hà Nội có rất nhiều cơ hội làm việc tại môi trường quốc tế. Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản mà doanh nghiệp từ nhiều nước khác cũng muốn tìm kiếm và tuyển dụng. Bởi, các bạn có lợi thế về kỹ thuật, khả năng làm việc cũng như các kỹ năng mềm. Vì thế, các công ty nước ngoài thường “săn đón” sinh viên từ năm thứ 4, bởi nếu chờ các em ra trường thì cơ hội tuyển được người giỏi không có nhiều.
“Để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế, trong những năm qua, Viện CNTT&TT đã luôn chủ động đổi mới chương trình đào tạo, lồng ghép nhiều hội thảo chuyên đề của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo của Trường, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài,… Nhờ đó, chỉ tính riêng Chương trình Việt-Nhật, hàng năm có tới 70% sinh viên tốt nghiệp chương trình này tìm được việc làm tại nước ngoài với mức lương 2.500 – 3.000 USD/tháng” – TS Hoàng cho biết.