Thanh ơi! Đã qua “trà đá” tiết kiệm chưa? Trần Hoài Linh, cô sinh viên năm Nhất Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm gọi bạn mình khi vừa ôm cặp chạy xuống từ Thư viện Tạ Quang Bửu. Đó là thói quen của cô bạn từ hơn một tháng nay vào mỗi Thứ Năm hàng tuần: “Mình thấy chương trình rất ý nghĩa, các bạn tình nguyện viên cũng rất dễ thương và thông điệp thì gần gũi và cực kỳ cool”.

8 năm…

Học tập phong trào “Hũ gạo cứu đói” của Bác Hồ năm xưa, Đoàn Thanh niên Trường ĐHBK Hà Nội đã xây dựng và triển khai “Cốc trà đá vì cộng đồng” từ tháng 4/2010. Hình ảnh “Cốc trà đá” vô cùng thân thuộc, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều thế hệ sinh viên, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm. Gặp gỡ bạn bè – uống trà đá, nghỉ giải lao giữa các tiết học – uống trà đá, tập thể thao xong – uống trà đá… Từ hình ảnh thân thuộc đó, đến nay sau 8 năm, “Cốc trà đá vì cộng đồng” thực sự trở thành một thương hiệu đẹp của sinh viên Bách khoa.

“Mặc dù cũng có lúc thăng trầm nhưng nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng tôi, những người thực hiện chương trình cảm thấy thật tự hào vì đã góp phần tạo nên một thói quen đẹp, lối suy nghĩ tích cực và hình thành trách nhiệm cộng đồng của tuổi trẻ Bách khoa” – ThS Trần Ngọc Lân – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên Tình nguyện, Đoàn Thanh niên Trường chia sẻ. Tại mỗi buổi quyên góp, mỗi sinh viên tham gia đều được đăng ký, viết số lượng cốc trà đá mà mình ủng hộ, đồng thời ghi lại lời nhắn cho chương trình, cho bạn bè, người thân… Những thông điệp đó sẽ được “cây trà đá” chuyên chở đến những người các bạn nhắn nhủ.

… và hành trình chưa kết thúc

Phạm Minh Thành – cựu sinh viên K56, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông nhớ lại: “Lúc còn học tại Trường, cứ thứ Năm hàng tuần mình lại thấy gian “Trà đá” tại Sảnh D3, với những thông điệp nhẹ nhàng, những nụ cười và những tờ 1000 đồng đầy ý nghĩa. “Cốc trà đá vì cộng đồng” thực sự đã trở thành điểm hẹn của chúng mình mỗi sáng Thứ Năm. Mỗi bạn chỉ góp một số tiền nhỏ nhưng nếu tổng hợp lại của nhiều bạn thì sẽ được một số tiền lớn có thể giúp đỡ được nhiều người.”

“Mình biết chương trình này từ khi là sinh viên năm thứ nhất, hằng tuần mình đều tham gia tiết kiệm. Bản thân mình biết có rất nhiều các bạn sinh viên đã biết đến chương trình nhưng chưa một lần tiết kiệm. Có thể các bạn chưa hiểu hết được ý nghĩa của chương trình. Qua đây, mình muốn gửi đến các bạn một thông điệp. Giá trị của một cốc trà đá mỗi tuần đôi khi là rất nhỏ so với số tiền các bạn bỏ ra để đi chơi game, sẽ là rất nhỏ nếu như bạn mua một đôi giày mới chỉ vì thấy thần tượng của mình đang mang nó, nhưng với nhiều cốc trà đá nhỏ bé đó, chúng ta sẽ tạo nên được những điều kỳ diệu. Chúng ta có thể giúp đỡ ngay bạn bè trong lớp đang gặp khó khăn, xa hơn chúng ta có thể giúp các em nhỏ vùng cao có thêm áo ấm… Hơn hết, qua việc tiết kiệm các bạn sẽ hình thành được ý thức tiêu dùng hợp lý và trách nhiệm cộng đồng đối với những người trẻ”- Nguyễn Thành Đạt, sinh viên K59, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho hay.

Chính bản thân Đạt cũng dần đổi thay cách nghĩ về tiền lẻ khi vài lần tiết kiệm trà đá cho đến khi trở thành tình nguyện viên của phong trào. “Trước đây, mình ít khi tiết kiệm, thường không coi trọng tiền lẻ. Nhưng trải qua thời sinh viên rồi mới biết 2.000 đồng có thể bơm được chiếc bánh xe đạp để đến trường, 5.000 đồng có thể mua được mớ rau chia đôi, thêm được món canh ăn cả ngày, rất nhiều 1.000 đồng góp lại giúp cho bạn bè mình có thêm phần học bổng vượt qua những ngày gian khó nhất”.

Tám năm qua, chương trình “Cốc trà đá vì cộng đồng” đã và đang lan tỏa và nhận được sự ủng hộ, đồng hành của nhiều thế hệ sinh viên. Từ mô hình “Cốc trà đá vì cộng đồng”, đến nay chương trình đã huy động được hơn 500 triệu đồng vào Quỹ Tuổi trẻ Bách khoa Nhân ái. Số tiền này được dành để trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, gửi tặng những gia đình chính sách, các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, trao quà đến người dân vùng lũ… Những hoạt động ấy đã chứng minh sức mạnh, lòng nhân ái cũng như trách nhiệm cộng đồng của sinh viên Bách khoa.

Với ý nghĩa nhân văn, “Cốc trà đá vì cộng đồng” đã tạo được bản sắc riêng, trở thành một nét đẹp văn hóa của sinh viên Bách khoa, đồng thời lan tỏa và nhận được sự ủng hộ, đồng hành cùng bao thế hệ sinh viên Bách Khoa nói riêng và những bạn trẻ, thầy cô của các trường đại học quanh khu vực Hà Nội nói chung.

Hạ Minh
Ảnh: Ban Thanh niên tình nguyện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here