Một lần trong Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vị lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam “tiết lộ” rất thú vị: TS. Bùi Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn Trường Bách khoa Hà Nội là một bậc thầy tâm lý! Với tâm thế háo hức được nghe kể những câu chuyện gỡ rối, tư vấn về tâm tư tình cảm các Công đoàn viên Bách khoa, đặc biệt trong giai đoạn Bách khoa chuyển đổi mô hình từ Trường Đại học sang Đại học, chúng tôi đã… vỡ mộng! Tiến sĩ Bùi Đức Hùng nói cười rổn rảng, nhưng ông… rất kín chuyện!
Bí quyết của Chủ tịch Công đoàn: Sẵn sàng lắng nghe!
– Thưa thầy, thầy có thể cho biết vai trò Công đoàn trong việc Trường Đại học Bách khoa thành lập 3 Trường: Cơ khí, Công nghệ Thông tin và Truyền thông và Điện – Điện tử trong năm 2021?
* Việc thành lập 3 Trường là mong muốn của nhiều thế hệ cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới đủ điều kiện để thực hiện việc đó. Bất kỳ việc gì cũng cần phải có sức mạnh tập thể. Khi đã có sự đồng lòng, hợp sức của toàn thể cán bộ viên chức (CBVC), công việc chắc chắn sẽ thành công một cách tốt nhất.
Công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội trong Trường dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên, chính là đội ngũ đông đảo CBVC của Trường. Việc thành lập 3 Trường nêu trên là một bước quan trọng trong quá trình Trường chuyển đổi mô hình thành Đại học, tăng thêm quyền tự chủ – chắc chắn đời sống cán bộ được sẽ được nâng lên so với hiện nay cả về vật chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tổ chức lại nhiều đơn vị nhỏ, ghép hữu cơ thành một tập thể lớn để phát huy tốt hơn mọi nguồn lực, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ để Trường phát triển. Công đoàn cần phải sát sao, đặt ra và giải quyết những vấn đề phát sinh mới, dự đoán sự vận động, diễn biến có thể diễn ra, tuyên truyền để đoàn viên công đoàn thấu hiểu và ủng hộ.
Khi tổ chức lại các đơn vị sẽ xảy ra sự biến động về công tác tổ chức như sắp xếp nhân sự, vị trí việc làm… Công đoàn cần nắm vững và thực hiện tuyên truyền phù hợp để các đoàn viên công đoàn nắm được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định, quy chế của Nhà trường để cán bộ yên tâm rằng mọi vấn đề sẽ được thực hiện giải quyết tận gốc rễ.
Tuy nhiên mọi việc cần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, cần làm hạn chế những thay đổi tiêu cực, thúc đẩy những thay đổi tích cực. Như vậy mọi người sẽ đồng lòng.
– Công đoàn viên có đến gặp thầy để chia sẻ lo lắng trước những thay đổi của Trường không, thưa thầy?
* Có người đến gặp chỉ kể câu chuyện và bày tỏ lo lắng. Cán bộ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đều có trình độ rất cao và là những người thẳng thắn, trách nhiệm. Tôi cho rằng cần phải lắng nghe họ. Chính những người ở những vị trí cụ thể đó mới có những cách nhìn, giải pháp tốt hơn rất nhiều. Qua trao đổi, mình học được nhiều cách giải quyết hay của đồng nghiệp.
Cũng có những vấn đề họ chỉ nhìn được trong phạm vi một đơn vị, chưa nắm hết được bao quát rộng ra toàn Trường. Lúc này, người làm công tác Công đoàn cần tranh thủ phổ biến những cái hay, những cái chưa làm được, những vướng mắc của các đơn vị khác. Qua đó họ sẽ có so sánh và thấy được đơn vị của mình đang ở đâu, đang làm tốt cái gì, có những gì chưa được cần tiếp tục cố gắng… và chính những công đoàn viên này sẽ là tuyên truyền viên rất tốt cho những chủ trương, chính sách mới của Nhà trường.
– Thời điểm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập 3 Trường, trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, nếu tính thời gian lắng nghe tâm tư tình cảm thì như thế nào, thưa thầy?
* Ngắn nhất có thể là ngồi với nhau trao đổi vài ba câu. Lâu nhất có thể là cả một buổi. Tất cả ý kiến đều ngắn gọn, súc tích, nhưng khi trao đổi, phân tích thì dài thôi!
Có người lên gặp Chủ tịch Công đoàn nhiều lần, nhưng mỗi lần là một việc khác nhau. Họ rất tâm huyết, trách nhiệm. Người trẻ thì tâm tư việc sắp xếp vị trí, những vấn đề ảnh hưởng đến nhiệm vụ của họ sau này như phòng thí nghiệm, nhóm chuyên môn… Các thầy đã nghỉ hưu cũng rất quan tâm hỏi han và có nhiều ý kiến góp ý.
Việc chuyển đổi mô hình thành đại học thứ nhất là theo luật; thứ hai, đó là mong ước của nhiều thế hệ ở trường từ lâu rồi. Họ góp ý chỉ là những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thôi. Khi giải thích để các thầy cô thấu hiểu, họ rất vui và tích cực ủng hộ chủ trương của Nhà trường.
Gặp riêng nhiều người để giải quyết việc chung
– Bao năm lắng nghe mọi người chia sẻ tâm tư, tình cảm, có thể nói thầy là người nắm giữ bí mật của nhiều người Bách khoa?
* Tôi may mắn được gặp riêng nhiều người nhưng là để giải quyết việc chung. Thường mọi người đều quan tâm đến cái chung và rất thẳng thắn, không ngại va chạm. Quan trọng nhất là phải cho họ niềm tin. Nếu công đoàn viên có băn khoăn mà không được tự do nói ra, lãnh đạo không lắng nghe, không cùng trao đổi để giải quyết thì đơn vị không thể phát triển được.
Với Bách khoa Hà Nội, các cuộc trao đổi diễn ra như những người bạn, đồng nghiệp chân thành, thẳng thắn, cùng nhau giải quyết. Lúc nào muốn gặp Chủ tịch Công đoàn cũng được. Nếu để người ta xa cách, thì mình rất khó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Để hiểu họ thì mình cũng phải đặt mình vào vị trí của họ thì mới thảo luận, trao đổi với họ được.
Công việc công đoàn chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Nhưng tôi đều có kế hoạch. Về nhà cũng phải làm việc nhà giúp vợ. Nói chung mình trước tiên phải là người bình thường đã!
– Thầy chuyên tư vấn, hóa giải những khúc mắc cho mọi người. Vậy nếu thầy có khúc mắc thì ai tư vấn cho thầy?
* Tôi có những người bạn của mình chứ. Rất may là tôi chưa bao giờ bị stress, áp lực quá lớn.
Tôi làm Chủ tịch Công đoàn trường được 9 năm. Công việc Công đoàn phong phú lắm, ấn tượng nhất là chuyện về xử lý các vấn đề với cấp trên, với công đoàn ngành.
Hiện tôi còn là ủy viên của BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Có rất nhiều vấn đề trong BCH tôi có những phát biểu thẳng thắn khiến một số người không vừa lòng. Nhưng tính mình là vậy, chia sẻ nội bộ để bảo vệ công đoàn viên của mình. Tránh những việc chỉ mang tính chất lý thuyết, sáo rỗng. Đôi khi nhiều nơi họ không dám nói, ngại va chạm.
– Gần Tết, mọi người hay quan tâm đến vấn đề phúc lợi. Xin hỏi, phúc lợi Tết năm nay của Đại học Bách khoa như thế nào, thưa ông?
* Trường có quy chế chi tiêu nội bộ và có quy định phúc lợi chung cho tất cả các cán bộ. Trên cơ sở phân tích của các đơn vị, Trường sẽ xây dựng một mức thống nhất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Trường và tình hình chung của đất nước. Hiện dịch bệnh vẫn phức tạp, kinh tế chung khó khăn, mọi chi tiêu cần phải tính toán phù hợp.
Theo tôi, việc phúc lợi không có gì phải suy nghĩ! Trăn trở nhất chính là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy cho hoạt động trơn tru và hiệu quả.
– Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Luôn vui vẻ, gặp ông là nghe tiếng cười, nhiều người vẫn nghĩ TS. Bùi Đức Hùng – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Công đoàn, cựu sinh viên Điện K29 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã làm việc ở Bách khoa từ lâu lắm rồi. Thật bất ngờ khi biết ông làm việc ở Trường từ năm 2001, chuyển về từ một công ty của Bộ Công thương. Thử sức làm bên ngoài 10 năm, trải nghiệm làm Bí thư Đoàn Thanh niên, Trưởng phòng thiết kế kỹ thuật…, TS Bùi Đức Hùng cuối cùng nhận ra điều ông thích nhất là làm chuyên môn, làm thầy giáo.
Hùng Phong