Tôi về Bách khoa Hà Nội cách đây 35 năm. Có thể, ban đầu chỉ là một sự tình cờ, may mắn nhưng tình yêu cứ thế lớn lên. Và đến giờ, tôi lại “mang tiếng” là yêu trường quá. 35 năm gắn bó, ngày nào cũng đến trường sớm và rời trường khá muộn. Chỉ vài ngày không được đến trường là… nhớ!
1.
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường ĐHBK Kharcov về nước, khi làm thủ tục tại bộ phận quản lý lưu học sinh thì được biết Bộ Đại học và THCN phân công tôi về làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội (hồi đó sinh viên tốt nghiệp ra trường được Nhà nước phân công công tác). Đó là một sự tình cờ, ngoài mong đợi của tôi vì vốn trong thâm tâm tôi nghĩ là chắc mình sẽ đi đến một vùng nào đó của Tổ quốc như các công trình thế kỷ của tuổi trẻ thời đó như nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Trị An…
Với tôi, Đại học Bách khoa Hà Nội là ngôi trường vô cùng đẹp, đặc biệt là khuôn viên Trường – một môi trường sống xanh, sống chậm giữa đô thị náo nhiệt. Nhiệm kỳ qua có thầy Nguyễn Văn Khang – nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất – đã rất quan tâm, làm cho Trường đẹp hơn bằng cách trồng hoa súng ở Hồ Tiền, các dãy hoa mẫu đơn nhiều màu sắc, trồng hàng cau ở C1, C2, hàng tường vi C1, C9, đường đôi, hàng cây muồng Osaka, bố trí nhiều hàng ghế rất đẹp cho sinh viên… Trong nhiều “công trình” đó có đóng góp ý tưởng của tôi.
Năm 2015, tôi được giao phụ trách mảng đào tạo – vị trí công tác mà tôi có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện với rất nhiều sinh viên và các sinh viên tương lai của Trường. Tôi chợt nhận ra rằng cần phải “tương tác”nhiều với sinh viên, không chỉ cung cấp thông tin, tư vấn… mà còn cần lắng nghe sinh viên nữa. Vì thế Facebook của tôi vốn ban đầu sử dụng chỉ với mục đích cá nhân, trong những nhóm kín. Nhưng sau đó tôi đã để facebook mở và công khai, hướng tới các bạn trẻ. Tôi ưu tiên “kết bạn” với sinh viên và sinh viên tương lai.
Năm 2019, tôi được phân công sang phụ trách cơ sở vật chất của Trường. Thời gian chỉ có 11 tháng, tôi nghĩ việc tiếp tục làm cho Trường trở lên XANH hơn – SẠCH hơn – ĐẸP hơn, ngoài việc chăm chút khuôn viên Trường nhưng cũng cần truyền tải đến cán bộ và sinh viên những thông điệp đó về môi trường quanh ta.
Tôi cũng là người kêu gọi sinh viên và cán bộ thay vì tặng những lẵng hoa đắt tiền nhưng vô cùng lãng phí và gây ô nhiêm môi trường, hãy tặng cho các thầy cô những chậu cây cảnh và hãy trồng cho nhà trường những cây đẹp, có ý nghĩa. Đây cũng là cách mà chúng ta có được một vườn cây rất đáng yêu ở ngã 5, nơi có … cây gỗ lát hoa, nơi ươm những cây Lipa.
Với cây Lipa, tôi luôn có một câu hỏi: Cây này đến từ đâu? Khi nào? Ai là người trồng? Khi tôi về công tác ở trường ngay trước bộ môn Hệ thống điện của tôi đã có 1 cây. Sau này ai đó đã trồng thêm một cây nữa ở bên trái? Có người gọi nó là cây sồi Nga. Tình cờ tôi được nghe về một tên gọi đó là cây Lipa, có nguồn gốc từ vùng ôn đới. Tôi tìm hiểu thông tin về cây Lipa trên mạng và không nghi ngờ gì nữa, hai cây trước nhà C1 là cây Lipa. Cây này hoàn toàn có thể ươm bằng hạt. Trong khuôn viên Trường hiện nay đã có hàng chục cây. Chắc chắn sau này chúng ta có cả một mùa vàng.
Nhân sự kiện 7 trường đại học kỹ thuật hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tôi đề xuất tặng cho mỗi trường một cây Lipa như một sự lan toả tinh thần Bách khoa.
2.
Hơn 30 năm gắn bó với Trường Bách khoa Hà Nội, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng tôi luôn nghĩ Bách khoa cho tôi rất nhiều. Mặc dù không có cơ hội được là sinh viên Bách khoa, nhưng tôi đã trưởng thành từ Bách khoa, cùng Bách khoa và là người Bách khoa.
Bách khoa cho tôi cơ hội được tiếp tục học hành, được làm nghề trọn cả đời, cho tôi cơ hội làm công tác xã hội và tham gia công tác quản lý, cho tôi cơ hội để nhận một số giấy khen, bằng khen, một số danh hiệu. Và trong những dư vị của ngọt – bùi – đắng – cay, tôi luôn cảm thấy tình đồng nghiệp, tình thầy trò và trên cả là tình người của những con người Bách khoa.
Biến cố lớn, chuyện thị phi và đôi khi là ghen ghét vì tôi thẳng tính và nóng tính cũng là điều mà tôi từng trải, nhưng tôi thấy thật ấm lòng khi có những người bạn, những người đồng nghiệp, những đồng chí trong tập thể và lãnh đạo Trường chia sẻ, hiểu tôi. Vì vậy tôi thấy bức ảnh nguyên Hiệu trưởng và tôi ôm nhau nói lên tất cả. Tôi đã dùng ảnh đó làm avatar facebook một thời gian. Không chỉ là một bức ảnh đẹp mà còn là một tình cảm chân thành.
3.
Câu chuyện về Bách khoa rất nhiều, không có đầu và chẳng có cuối. Tuy nhiên nếu phải chọn một chuyện để kể thì tôi sẽ kế về tinh thần tương thân, tương ái của Người Bách khoa.
Chuyện thứ nhất xảy ra lâu lắm rồi, khi có một tờ báo viết về một sinh viên Bách khoa sau khi nhập học đã bị bệnh. Hiệu trưởng, tôi, Trưởng phòng công tác sinh viên và Bí thư Đoàn trường khi đó đã vào thăm, động viên em và có chút quà để em điều trị bệnh. Trên đường về, tôi nói chuyện với Bí thư Đoàn trường xem có cách nào để phản ứng hết sức nhanh với những hoàn cảnh như vậy. Và thế là Quỹ tuổi trẻ Bách khoa nhân ái và Chương trình cốc trà đá ra đời.
Câu chuyện thứ hai: Năm 2010, tôi được Ban Giám hiệu phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Trước đó tôi được Đảng uỷ phân công phụ trách công tác thanh niên. Muốn cho phong trào này trở thành một hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn thì phải làm thế nào để đông đảo cán bộ, sinh viên hưởng ứng. Phong trào đã có Đoàn trường làm nòng cốt nhưng người lãnh đạo cũng phải “xắn tay áo”, thế là tôi tham gia hiến máu. Và sau này trở thành “nghiện”. Mỗi lần có thông tin cần máu, nếu đủ điều kiện các thành viên của gia đình chúng tôi đều tham gia.
Bách khoa đã thay đổi rất nhiều. Có những thứ còn nguyên vẹn, có nhiều công trình mới khang trang hơn, hiện đại hơn, điều kiện học tập cho sinh viên, môi trường làm việc cho cán bộ đã tốt hơn rất nhiều.
Cuộc sống cũng trở lên hối hả và bận rộn hơn. Đôi khi sự gắn bó thế hệ trước – thế hệ sau, đồng nghiệp cũng không còn “tri âm, tri kỷ” như xưa.
Nhưng rất may, các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ, nhất là gần đây nhà trường cấp kinh phí để các đơn vị tổ chức các hoạt động chung, Team Building, cùng nhau dã ngoại, vui chơi, cùng nhau chia sẻ và tận hưởng những cảm giác bên ngoài công việc đã gắn bó thế hệ, gắn kết đồng nghiệp với nhau, để khi bắt tay vào công việc năng suất hơn, hiệu quả hơn. Âm thầm, bền bỉ, dòng chảy tinh thần sẻ chia, đoàn kết của thầy trò, của người Bách khoa được lan tỏa, duy trì từ những điều giản dị như thế.
“…Trong những dư vị của ngọt – bùi – đắng – cay, tôi luôn cảm thấy tình đồng nghiệp, tình thầy trò và trên cả là tình người của những con người Bách khoa.” – PGS.Trần Văn Tớp – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trần Văn Tớp. Ảnh: Kim Chi – Duy Thành