“Nếu tuổi trẻ không phát ra ánh sáng rực rỡ, mọi thứ sẽ mất đi sức hút” – Thầy giáo trẻ Phạm Minh Hiếu – Viện Ngoại ngữ luôn tâm niệm như thế và với tuổi trẻ của mình, Minh Hiếu đã là thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất trong hành trình thanh xuân với Bách khoa Hà Nội.
Vừa tốt nghiệp, Thầy đã được tin tưởng giữ lại làm giảng viên tại Viện Ngoại ngữ, Trường ĐHBK Hà Nội, đứng trên vai trò mới, Hiếu có cảm nhận như thế nào?
Ngay từ khi đặt chân đến giảng đường đại học, mình đã quyết tâm sẽ có ngày được trở thành giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội. Đến hôm nay, khi thực sự đã trở thành một người thầy đứng trên bục giảng, mình vẫn rất hồi hộp. Mình cảm thấy rất vui và hãnh diện! Những ngày đầu đứng lớp, khi cách đây mấy tháng vẫn còn là sinh viên, nay vai trò đổi khác mình thực sự đã rất run, nhưng nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các thầy cô, anh chị trong Viện, sự yêu quý của các bạn sinh viên nên mình đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cũng như tự tin hơn sau mỗi giờ lên lớp.
Nhân đây, mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô, các anh chị ở Viện Ngoại ngữ và Bộ môn Tiếng Anh Kỹ thuật đã tạo điều kiện và giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình công tác, đồng thời cảm ơn các bạn đã, đang và sẽ là sinh viên đã luôn yêu quý và ủng hộ mình trong suốt thời gian chúng ta đồng hành cùng nhau!
Mặc dù đã trở thành giảng viên nhưng trong các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Bách khoa vẫn thấy Hiếu thường xuyên xuất hiện, có phải Thầy vẫn chưa bỏ được màu áo xanh tình nguyện?
Nói là thường xuyên thì cũng không hẳn, vì thời gian gần đây, do có một số kế hoạch nên mình không còn tham gia nhiều các hoạt động dành cho sinh viên nữa.
Khi có các chương trình tình nguyện lớn, mình và một số “đồng đội” đã gắn bó suốt những năm tháng sinh viên mới có dịp gặp gỡ, hàn huyên. Đây cũng là cơ hội để chúng mình, những người đi trước “truyền lửa” cho các mình sinh viên khóa sau.
Bốn năm học ở Bách khoa là bốn năm mình và các đồng đội đã cống hiến hết mình cho hoạt động của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Trường. Giờ đây, khi đã đứng trên vai trò mới, phải từ bỏ một thói quen đã đi theo mình trong suốt những năm tháng tuổi trẻ quả không phải là điều dễ dàng. Hy vọng trong tương lai gần mình sẽ có cơ hội quay trở lại với hoạt động Đoàn – Hội, để tiếp tục cống hiến sức mình cho các bạn sinh viên.
Là một người trẻ khá đa tài, vừa đàn hay, hát giỏi lại thông thạo một vài ngoại ngữ, bí quyết của Thầy là gì?
(Cười) Có nhiều người đã từng nói: “Cứ gặp Hiếu ở đâu là thấy Hiếu đang ôm đàn hát nghêu ngao”, nhưng để nói đàn hay, hát giỏi thì mình không dám nhận. Đó chỉ là sở thích ngoài giờ làm việc của mình thôi. Đối với bản thân mình, âm nhạc và ngoại ngữ luôn là những người bạn thân thiết cả trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Khi bạn làm những điều mình yêu thích với những người bạn thân thì mọi điều sẽ trở nên đơn giản, như hơi thở vậy.
Bí quyết của mình cũng không có gì nhiều, mình chỉ luôn tâm niệm rằng luôn phải sống hết mình, và để sống hết mình cho những điều mình yêu thì phải biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý và quan trọng nhất là làm việc gì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn, làm tốt nhất trong khả năng có thể.
Với đa số các bạn sinh viên Bách khoa, ngoại ngữ là môn học “khó nhằn”, đứng trên vai trò của một giảng viên trẻ, Thầy có quan điểm về phương pháp giảng dạy như thế nào để các bạn sinh viên tiếp thu tốt nhất?
Đây cũng là điều trăn trở mà mình muốn truyền đạt đến các bạn sinh viên Bách Khoa nói riêng và các bạn học ngoại ngữ nói chung. Mình nhận thấy đa phần các bạn sinh viên ngày nay dành thời gian không nhiều cho môn ngoại ngữ (mà cụ thể ở đây là tiếng Anh), nghiêm trọng hơn, các bạn đang học tiếng Anh như một môn học chứ không học tiếng Anh như một ngôn ngữ.
Theo quan sát của mình, hiện nay, các bạn đang học tiếng Anh với mục đích để thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, thi TOEIC để ra trường… nhưng các bạn đang quên mất một điều: bản chất của tiếng Anh là một ngôn ngữ và ngôn ngữ là công cụ để con người giao tiếp với nhau. Từ trước đến nay, chúng ta đã quá lệ thuộc vào sách giáo khoa, sách bài tập, vào những giờ giảng của thầy cô trên lớp mà quên mất rằng tiếng Anh có thể ở khắp mọi nơi: trên giao diện của điện thoại, máy tính, tivi, trong sách, truyện, phim ảnh, âm nhạc, mạng xã hội…
Với mình, bằng cách tiếp xúc với tiếng Anh thông qua các hoạt động giải trí hàng ngày, các bạn sẽ dần dần làm quen với cách sử dụng tiếng Anh ở nhiều khía cạnh, trong nhiều trường hợp, từ đó tự tin hơn trong giao tiếp cũng như giữ cho mình một “vốn” tiếng Anh để có thể dễ dàng hơn trong học tập và làm việc.
Quan điểm của Thầy về những yếu tố cần có của giảng viên trong thời đại 4.0 đặc biệt là các giảng viên trẻ?
Theo mình, một trong những yếu tố để có thể giảng dạy hiệu quả trong thời đại 4.0 chính là việc giảng viên cần nắm bắt và làm chủ các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Rất nhiều công nghệ trong tương lai có tiềm năng được ứng dụng trong giảng dạy, nhất là giảng dạy ngoại ngữ như thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo. Khi sinh viên và giảng viên có thể ở nhà và trao đổi trực tuyến với nhau thông qua các lớp học ảo, hoặc sinh viên có thể giao tiếp với máy tính/điện thoại có cài đặt sẵn các trợ lý ảo có trí thông minh nhân tạo để trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh; nội dung bài học cũng có thể phong phú hơn nhờ nguồn tài nguyên vô tận từ internet.
Thêm vào đó, khi nguồn tài liệu học tập đã trở nên sẵn có và dễ dàng tiếp cận nhờ internet, khi sinh viên hoàn toàn có khả năng tự chủ động tìm kiếm thông tin về nội dung bài học, lúc này vai trò của giảng viên sẽ thay đổi, không còn là “người truyền đạt kiến thức” nữa mà nên trở thành “người hướng dẫn”, giúp đỡ, định hướng sinh viên trong quá trình tìm kiếm tài liệu học và xử lý các thông tin học được.
Đối với bản thân mình, Thầy đã trang bị những yếu tố đó như thế nào?
Là một thành viên của “thế hệ 9X”, thế hệ mình cho là rất năng động và nhạy bén với công nghệ nhất, mình đã và đang ứng dụng một số công nghệ sẵn có vào trong giảng dạy: số hóa giáo trình, tài liệu giảng dạy, trao đổi và hướng dẫn sinh viên thông qua thư điện tử, mạng xã hội, cũng như bước đầu giới thiệu sinh viên với cách học mới thông qua đa phương tiện và trợ lý ảo trên máy tính/ điện thoại. Ngoài ra, mình cũng khuyến khích sinh viên tìm hiểu nội dung bài học trước khi đến lớp, tránh tình trạng “thầy đọc, trò chép”, “thầy chỉ nói và trò chỉ nghe”, để mỗi buổi học thực sự là một buổi trao đổi kiến thức hai chiều giữa cả giảng viên và sinh viên.
Từ năm 2011 – 2013: Học bổng khuyến học “Thắp sáng ước mơ” do Hội Khuyến học Việt Nam và VietNamobile trao tặng Từ năm 2012 -2015: Tham gia các chiến dịch Tiếp sức mùa thi và Mùa hè xanh Năm 2013: Đại biểu Trung ương Đoàn TNCS HCM tham dự Trại Thanh niên Đông Nam Á tại Thái Lan Đại biểu Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội tham gia ngày hội SV vì biển đảo Tổ quốc tại Đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi Năm học 2014 – 2015: Sinh viên 5 tốt cấp Trường Năm 2015: Học bổng Erasmus Mundus – Dự án Lotus Unlimited trao đổi sinh viên 6 tháng tại ĐH Uppsala (Thụy Điển) 10 lần tham gia hiến máu tình nguyện tại các đợt vận động hiến máu |
Sáng Nguyễn (thực hiện)
Ảnh: Trung Kiên