Thầy giáo mang phong cách… nông dân!

0
4745

“Thầy ơi, thầy đến đem em về đi!” – Cuộc gọi điện thoại lúc 11 giờ đêm của học trò khiến thầy Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Trưởng bộ môn Công nghệ Chế tạo máy – Viện Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ray rứt mãi. Học trò anh lúc đó ốm nằm viện, gọi thầy đón về để mong được đi học tiếp cùng bạn bè. “Tôi xót lắm, muốn bay lên đó ngay, nhưng…” – Thầy Kiên xúc động kể lại câu chuyện cách đây chục năm.

Cậu sinh viên đặc biệt

Thầy Kiên nhớ một ngày hè, anh đi trong sân trường cứ thấy có một sinh viên lẽo đẽo theo mình. Anh đi lên phòng làm việc rồi, thấy sinh viên đi thẳng thì nghĩ chắc là đi cùng đường thôi. Một lúc sau, mở cửa phòng lại thấy cậu sinh viên đứng thập thò ở cửa, nhìn anh rụt rè nói: “Thầy ơi, thầy cho em theo thầy”.

Anh Kiên thử việc, giao cho em sinh viên thiết kế máy buộc hoa ly, hạn trong 1 tuần phải xong. Cậu sinh viên hoàn thành nhiệm vụ và được anh Kiên nhận. Thấy học trò tính cách khá đặc biệt, anh Kiên tìm hiểu thì biết cậu rất thiếu thốn tình cảm. Bố mẹ cậu mải mê kiếm tiền, không quan tâm đến con cái, cậu mải chơi, bỏ bê việc học. Lúc tìm đến anh Kiên, cậu đang mấp mé báo động đỏ bị nhà trường đình chỉ học tập.

Có lần cậu bị ốm. Cứ co ro một mình trong viện, bố cậu thì mải việc, không để ý con cái, mẹ cậu thì đi nước ngoài lao động.

Một đêm nọ, cậu học trò gọi anh Kiên. “Đến bây giờ nhắc lại tôi vẫn thấy thương mãi câu nói của em: Thầy ơi, thầy đến đem em về đi!” – Anh Kiên xúc động nhớ lại. Lúc đó anh một mặt động viên học trò yên tâm chữa bệnh, mặt khác dặn mấy sinh viên ở lab chăm sóc cho bạn, chờ bố mẹ bạn lên.

Thương học trò, anh Kiên cứ nghĩ mãi cách làm sao để giúp cậu học tiếp, ra trường được. Mẹ cậu gọi từ nước ngoài về, anh Kiên bực lắm nhưng vẫn bình tĩnh động viên vị phụ huynh thu xếp công việc về Việt Nam chăm con. “Tôi là thầy, tôi không thể thay được bố mẹ. Nếu chị về Việt Nam chăm sóc cháu, tôi nhận dìu dắt cháu cho đến khi nó ra trường” – Anh Kiên nói.

Có lẽ sự chân thành của thầy giáo đã khiến bố mẹ cậu sinh viên nghĩ lại mà quan tâm, chăm sóc con hơn. Mẹ cậu đã về Việt Nam để chăm con. Anh Kiên giữ lời hứa dìu dắt cậu cho đến khi ra trường. Sau này, cậu sinh viên làm ở xưởng ô tô của gia đình.

Thầy Nguyễn Ngọc Kiên cùng học trò tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020

Thầy giáo đặc biệt

Cậu sinh viên trên là một trong những học trò đặc biệt của thầy Nguyễn Ngọc Kiên – thầy giáo chuyên nhận những sinh viên hoặc giỏi nhất, hoặc…cá biệt nhất của Bách khoa để hướng dẫn.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kiên trong mắt các sinh viên cũng là một thầy giáo khá đặc biệt. Sinh viên hay gọi thầy là “thầy giáo mang phong cách nông dân”; các giảng viên thì gọi “ông bầu mát tay” vì học trò của thầy năm nào cũng thắng lớn cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa, giải thưởng các cuộc thi nhiều anh Kiên nhớ không xuể. Còn anh Kiên thì luôn tự nhận mình là “nông dân có tri thức!”.

Thầy Kiên quê ở Hưng Yên. Tuổi 17-18, nam sinh Trường THPT Thiện Phiến ngày học nửa buổi, buổi còn lại đi cấy lúa giúp bố mẹ đến nhăn nheo cả tay. Anh quyết tâm học để thoát ly, và học cái gì để giúp cho người nông dân đỡ vất vả. Anh Kiên thi đỗ Bách khoa Hà Nội, và đam mê máy móc cơ khí từ đó.

Sinh viên Bách khoa Hà Nội đa phần từ nông thôn. Anh Kiên thường dặn các sinh viên về xem đời thường có thể làm máy móc giúp ích người nông dân, tăng chất lượng sản phẩm cho họ thì nêu ý tưởng, rồi thầy trò cùng nghiên cứu làm, có điều kiện thì khởi nghiệp.

Thế nên các sản phẩm làm ra đều mang đậm tính vùng miền như: Máy tơ sen – sản phẩm phục vụ quê lụa Hà Tây, máy làm bánh giò cổ truyền Hải Dương; máy đan giỏ là ý tưởng tận dụng cây sả sau khi làm tinh dầu ở Hòa Bình…

Anh Kiên cho rằng quan trọng nhất là tư duy, rồi định hướng, sau đó ứng dụng nghiên cứu. Năm 2009, anh Kiên lập ra nhóm nghiên cứu Cim Lab, hướng dẫn sinh viên từ lúc hình thành ý tưởng đến khi cho ra sản phẩm hoàn thiện.

Thầy Nguyễn Ngọc Kiên cùng các sinh viên Bách khoa Hà Nội

Thầy trò ở Cimlab như một gia đình, ở bên nhau ít thì 2-3 năm, nhiều thì 5 năm. Truyền thống Cim Lab là nâng đỡ, gồng gánh nhau. Mỗi khóa cố gắng được 1 – 2 doanh nghiệp. Giờ từ Lab trưởng thành đã có 17 doanh nghiệp.

Những năm trước không có tiền, có khóa anh Kiên ứng nửa năm lương cho học trò mua thiết bị chế tạo máy móc, làm ra sản phẩm hoàn thiện để thuyết phục doanh nghiệp tin tưởng đầu tư.

Từ đó, anh Kiên nảy sinh ý tưởng triển khai Quỹ phát triển Cim Lab, rồi ngày doanh nhân Cim Lab để kết nối các thế hệ sinh viên, kết nối sinh viên – doanh nghiệp.

Ý tưởng này được sinh viên rất ủng hộ, đặc biệt là những sinh viên đã tốt nghiệp. Quỹ cũng hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các sản phẩm nghiên cứu có quỹ hỗ trợ sẽ được hoàn thiện nhanh hơn, có điều kiện ra mắt thị trường, doanh nghiệp.

Anh Kiên thường nói với sinh viên: “Các em bận không đi làm từ thiện được. Thầy sẽ thay mặt các em làm ra những máy móc giúp ích cho xã hội”. Đợt dịch Covid năm 2020, cảm động hình ảnh các anh bộ đội biên phòng, bác sĩ ở bệnh viện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, anh Kiên và nhóm sinh viên K63 nghiên cứu làm máy sát khuẩn tay tự động, tặng một số bệnh viện, trường học. Nơi nào đặt nhiều, thầy trò không có tiền làm tặng thì sẽ lấy đúng giá sản phẩm.

Có doanh nghiệp đề nghị phối hợp để thương mại hóa sản phẩm nhưng anh Kiên không đồng ý. “Thầy trò Bách khoa không giàu tiền, nhưng giàu trí tuệ nên làm sản phẩm tặng cho xã hội.” – Anh Kiên chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Phúc – người dìu dắt, truyền cảm hứng làm nghề giáo cho anh Nguyễn Ngọc Kiên

“Mình nhận mãi rồi, giờ phải cho đi…”

Hỏi anh Kiên vì sao anh chọn nghề giáo. Anh Kiên suy nghĩ một lúc rồi thú thật: “Đúng là hồi học Bách khoa, chưa bao giờ tôi nghĩ mình làm giáo viên. Bước ngoặt trong cuộc đời tôi là được gặp thầy Nguyễn Văn Phúc”.

Thầy Nguyễn Văn Phúc rất giỏi, thầy coi anh như con, cho anh đi các nhà máy, dìu dắt anh từ hồi anh mới vào trường. Có hôm, 10 giờ đêm, cậu sinh viên năm 4 Nguyễn Ngọc Kiên đạp xe lóc cóc đến nhà tặng thầy bó hoa lay ơn đỏ. Thầy cô nhận hoa rồi kéo cậu học trò vào nhà, cho ăn sữa chua. “Đó là thứ duy nhất tôi biếu được thầy. Cũng ước mong sau này đi làm có tiền để biếu thầy, nhưng chưa kịp thì thầy đã đi xa…” – anh Kiên xúc động chia sẻ.

Tình cảm, sự tận tâm của thầy Phúc với sinh viên đã truyền cảm hứng cho anh Kiên làm nghề giáo; truyền cho anh đam mê cơ khí, chế tạo. Một ngày không nhìn thấy máy móc là anh cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm. Cứ được “lượn” qua Lab, nhìn thấy máy móc là thích, là sướng!

Vợ thầy Kiên và gia đình nội ngoại biết tính anh nên rất thông cảm, để anh chuyên tâm vào công việc. Nhưng nhiều khi bạn bè cũng có người trách móc, thỉnh thoảng “mát mẻ”: Gặp ông khó quá! Vip mà…  “Làm kỹ thuật đang làm dở mà bỏ đi khó chịu lắm. Đang vào guồng, máu điên tiết lên là phải làm cho xong” – anh Kiên phân trần.

Ngày dạy học, tối có khi thức khuya lọ mọ nghiên cứu cùng học trò. Với anh Kiên, mệt nhọc vật lý có khi chỉ thoáng qua thôi, nhưng tinh thần lúc nào cũng vui. Thế nên nom thầy Kiên rất trẻ trung, “thanh niên tính” so với tuổi 41.

Luôn tâm niệm “mình đã nhận mãi rồi, giờ phải cho đi…” – TS. Nguyễn Ngọc Kiên thấy rất hạnh phúc với nghề “trồng người” ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để hàng ngày dìu dắt học trò, cố gắng “cứu” những cậu sinh viên đang mấp mé báo động đỏ.

Gia tài thời sinh viên có cái hòm tôn bố anh cho trong đựng sách với ít quần áo, theo anh đến tận năm 2016, sau anh tặng cho một học trò K56. Cậu học trò này cũng dùng hòm tôn đến khi học xong tiến sĩ, rồi lại tặng lại sinh viên lứa sau. Cứ truyền nhau như thế, sinh viên gọi đó là hòm tiến sĩ.

Có lẽ không chỉ là kế thừa ý chí ham học hỏi của thầy, không ít sinh viên đã được truyền cảm hứng từ thầy Kiên mà theo nghề giáo, như ngày xưa thầy Phúc khiến cậu học trò Nguyễn Ngọc Kiên thích được làm giáo viên, được yêu thương nâng đỡ học trò.

Thầy Phúc, thầy Kiên… – những thầy giáo Bách khoa Hà Nội đã tận tâm, hết lòng vì sinh viên, giống như cánh hoa bồ công anh, âm thầm lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp, làm những việc ý nghĩa cho xã hội. Điều họ mong nhận lại nhất chính là tương lai tươi đẹp của học trò, còn lại, cứ theo gió cuốn đi…

Gia Hân. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here