TS. Lê Trung Kiên – Trưởng bộ môn Gia công áp lực, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội – là cựu sinh viên K41 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Niềm vui nghề nghiệp đến với thầy Kiên khi năm 2021, thầy được nhận danh hiệu Giảng viên tiêu biểu của Trường. Với thầy giáo trẻ, vinh dự đó vừa là áp lực, vừa là động lực để anh tiếp tục phấn đấu.
Sáng kiến nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến
Tham gia công tác giảng dạy tại bộ môn Gia công áp lực, TS. Lê Trung Kiên đã có nhiều sáng tạo để hoạt động dạy học hiệu quả và chất lượng. Theo thầy Kiên, việc giảng dạy trực tuyến sử dụng MS Team đang được ứng dụng tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian dịch Covid-19 là phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, sinh viên có xu hướng không hào hứng theo dõi, tham gia vào bài giảng so với phương pháp học offline truyền thống, cá biệt có trường hợp sinh viên mở Team sau đó làm việc khác và đưa ra rất nhiều lý do như mất mạng internet, máy tính khỏng hoặc không có thiết bị ngoại vi … Thầy Kiên trăn trở câu hỏi làm thế nào để khắc phục các hạn chế này, giúp bài giảng đến với sinh viên tốt hơn và sinh viên cảm thấy hấp dẫn hơn trong mỗi tiết học.
TS. Lê Trung Kiên cho biết: Khi đại dịch diễn ra và các em phải học online, tôi nhận thấy sinh viên học ở nhà dễ xao nhãng. Thêm nữa, dạy online mệt hơn nhiều so với dạy offline, nhất là khi dạy các môn học kỹ thuật, công nghệ do cần phải vẽ và giải thích các kết cấu máy, khuôn để nâng hiệu quả truyền đạt cho người học. Khi dạy và ra bài thi, giáo viên cũng phải dành nhiều công sức hơn để giám sát sinh viên, phải sát sao hơn so với dạy học trực tiếp. Ngay như trong giờ học online, nhiều sinh viên được gọi phải mất một lúc mới phản hồi thầy.
“Với các đặc thù của hình thức dạy online, giáo viên phải rất linh hoạt trong giảng dạy truyền đạt kiến thức cũng như khi đánh giá kết quả học tập. Tôi nghĩ phải làm thế nào để tương tác liên tục, từ đó nâng khả năng thuyết trình và các kỹ năng khác của một kỹ sư sau khi ra trường. Mỗi môn học của chuyên ngành có những kiến thức đặc thù điển hình cho sinh viên làm bài tập, qua đó nâng cao khả năng tính toán, thiết kế vẽ kết cấu một cỗ máy, hay một bộ khuôn hoàn chỉnh.
Sau mỗi phần đã học, từng nhóm phải làm báo cáo dưới dạng trình chiếu nên các em hào hứng, tập trung hơn để có thể trả bài cho thầy. Kết quả sinh viên thực hiện trong hoạt động này sẽ được đánh giá và chấm điểm chuyên cần. Việc tìm ra một phương pháp dạy học mới hiệu quả, trong việc dạy học theo hình thức online hiện nay là điều hết sức cần thiết” – Thầy Kiên nói.
Quá trình đi chuyển giao công nghệ và đi tư vấn, đào tạo ở các doanh nghiệp, đó cũng là quá trình tự học từ thực tế của người thầy, vì doanh nghiệp du nhập công nghệ mới rất nhiều. Đó cũng là cách thầy Kiên và các giảng viên Bách khoa cập nhật kiến thức mới để truyền đạt và tạo sự hấp dẫn đối với sinh viên. Nếu chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà trường thì kiến thức sẽ bị hạn chế, trong khi sinh viên luôn mong muốn tiếp cận thực tế nhiều nhất để các em có thể sẵn sàng tham gia thị trường lao động chất lượng cao sau khi tốt nghiệp đại học.
Mãi một tình yêu với Bách khoa
Điều khiến thầy Kiên tự hào nhất chính là thương hiệu “Người Bách khoa” – những người thuần chất về kỹ thuật, rất tâm huyết, nhiệt tình với công việc. Với các thầy cô giáo Bách khoa như TS. Kiên, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các thầy cô còn tham gia chuyển giao công nghệ. Có thể nói, đó là trái ngọt từ những mối quan hệ chặt chẽ giữa người thầy và sinh viên, vì sau khi ra trường, các cựu sinh viên lại tiếp tục quay lại hỗ trợ nhà trường trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, hỗ trợ học bổng, chuyển giao công nghệ; còn các thầy lại tư vấn ngược lại cho các doanh nghiệp do các cựu sinh viên Bách khoa điều hành. Tận dụng và phát huy các quan hệ này cũng là truyền lửa cho các bạn sinh viên để họ có được đam mê học tập, nghiên cứu và cống hiến.
Bách khoa Hà Nội với thầy Kiên càng thêm bền chặt khi người bạn đời của thầy cùng làm việc tại đây. Hai vợ chồng làm cùng đơn vị, thấu hiểu và chia sẻ với nhau những áp lực, tạo điều kiện về thời gian để thầy trọn vẹn đam mê với công việc, nghiên cứu.
Hết lòng yêu thương sinh viên cũng là đặc điểm chung của các thầy cô ở Bách khoa. Các cán bộ Bách khoa Hà Nội đa số đều xuất phát từ sinh viên của Trường, nên họ rất thấu hiểu cuộc sống sinh viên. Thầy Kiên kể về mình và đồng nghiệp:
“Phương châm của chúng tôi là đưa tất cả các em sinh viên đi thực tập tại nhà máy và doanh nghiệp. Chúng tôi thường hỗ trợ các em sinh viên trong quá trình học tập bằng tình thương và trách nhiệm, như khi đưa các em đi thực tập, tìm kiếm những cơ sở, doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành đào tạo và các cơ sở đó cũng tạo điều kiện, giúp đỡ sinh viên cả về chuyên môn và chi phí tài chính trong thời gian thực tập. Tôi cũng thường động viên, khuyến khích sinh viên bằng cách xin học bổng từ doanh nghiệp cho sinh viên. Năm ngoái và năm nay, năm nào tôi cũng xin được khoảng 6, 7 suất học bổng từ doanh nghiệp cho các em”.
Hiện có nhiều cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội ra trường mở công ty, nhà máy hoặc họ nắm giữ những vị trí chủ chốt ở những công ty Nhà nước, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài. Chính những nơi đó đã trở thành những địa chỉ tuyệt vời để TS. Kiên và các đồng nghiệp tiếp tục liên hệ đưa các sinh viên các khóa đến thực tập. Đi thực tế cho các em cơ hội ra ngoài làm việc, đồng thời giúp các em tìm được đề tài tốt nghiệp hoặc nghiên cứu về sau này. Việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất chặt chẽ. “Nếu chúng tôi không tạo ra mối quan hệ tốt giữa thầy và sinh viên khi các em còn ở ghế nhà trường, thì sau này chúng tôi cũng khó có sự hỗ trợ từ các cựu sinh viên. Đó là niềm vui và cũng là quả ngọt đối với chúng tôi, khi chúng tôi có thể đưa sinh viên đi thực tập, hoặc nhận chuyển giao công nghệ…” – TS. Lê Trung Kiên chia sẻ.
Người thầy có nhiều ảnh hưởng nhất với thầy Kiên là PGS.TS. Phạm Văn Nghệ – nguyên trưởng bộ môn Gia công áp lực. Thầy thực sự rất tâm huyết, được sinh viên vô cùng yêu mến. “Tôi may mắn được thầy dìu dắt trong việc tham gia các thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cùng thầy tới các nhà máy, đi đến đâu tôi cũng thấy thầy có học trò cũ. Họ gặp thầy như gặp người thân, vì thầy cực kỳ tâm huyết với học trò. Nhiều sinh viên vào Nam hoặc đi nước ngoài, nhưng vẫn giữ liên lạc với thầy. Nhìn những tình cảm trân quý các sinh viên cũ dành cho thầy cũng là sự định hướng cho tôi, vì tôi cũng mong muốn khi gặp cựu sinh viên của mình cũng như gặp người thân” – TS. Kiên xúc động nhớ về thầy giáo của mình.
Gia Hân