Tân Giáo sư Bách khoa Hà Nội năm 2021 và niềm vui song trùng

0
3963

Năm Nhâm Dần, người tuổi Dần Nguyễn Hữu Lâm – Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã nhận được hai niềm vui cùng lúc: Được phong hàm Giáo sư và đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học-công nghệ. Bạn bè chia vui với anh đều bảo: Song hỷ lâm môn.

Trò chuyện với anh sau niềm vui đầu năm mới, tân GS. Bách khoa Nguyễn Hữu Lâm không nói nhiều về mình, anh hay kể về các đồng nghiệp, sinh viên của Bách khoa – những người truyền cảm hứng cho anh hàng ngày giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo cái mới. Như kể về công trình đạt giải thưởng Nhà nước mới đây, anh khiêm tốn nói: “Đó là thành tựu chung của các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội trong 10 năm dưới sự dẫn dắt của người thầy chúng tôi yêu quí – NGND. GS. Nguyễn Đức Chiến”.

GS. Nguyễn Hữu Lâm làm việc trong phòng lab

 Hiếm có nơi nào mà vừa có tình cảm, vừa có điều kiện như Bách khoa 

* Học Bách khoa thường hiếm ai nghĩ sẽ theo ngành giáo. Vậy với anh, ngã rẽ nào khiến anh quyết định gắn bó với nghề dạy học?

Sau khi tốt nghiệp Đại học loại Xuất sắc, tôi được tuyển thẳng học tiếp Thạc sĩ và được các thầy cô giáo khuyến khích, động viên ở lại Trường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Năm 1999 tôi trở thành cán bộ của Nhà trường và đến năm 2001 tôi đi học tiến sĩ tại Trường Đại học Paris 11 (nay là Paris Saclay), Pháp. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giáo và có nhiều người dạy đại học, riêng tôi chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đó là cơ duyên của tôi! 

* Anh có thể kể một số công trình NCKH gần đây anh tham gia và công trình nào mà anh ấn tượng?

Đó là những hướng nghiên cứu về vật liệu thấp chiều, cấu trúc nano bao gồm dây nano, chấm lượng tử của vật liệu kim loại, oxit kim loại và bán dẫn, ống nano cácbon… Bên cạnh việc tìm hiểu những tính chất mới lạ thì các vật liệu này được ứng dụng trong chế tạo các cảm biến khí, làm xúc tác quang, nguồn phát ánh sáng… và một số tiềm năng ứng dụng khác.

Tôi tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và có một số công bố khoa học, nhưng có lẽ cái tôi nhớ nhất lại là bài báo khoa học đầu tiên làm thực nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ. Bài báo được công bố quốc tế, đến nay đã có hơn 100 trích dẫn. Đó là kết quả đầu tiên, là tiền đề để có những thành tựu nghiên cứu sau này. Nhiều công trình NCKH của tôi có sự tham gia của đồng nghiệp, sinh viên và sự hợp tác với các nhà khoa học ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác trong và ngoài nước.

* Những nghiên cứu của anh đang là xu hướng “hot”, vậy chắc hẳn anh nhận được nhiều lời mời đi làm nơi khác?

Tôi cũng nhận được một số lời mời, nhưng hiếm có nơi nào vừa có tình cảm, vừa có điều kiện như Bách khoa. Có những nơi trả lương cao, hợp tác, vị trí làm việc hấp dẫn nhưng tôi vẫn muốn gắn bó với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thôi.

Tôi là cựu sinh viên Bách khoa K37 ngành Vật lý Kỹ thuật. Tốt nghiệp ra trường là tôi chỉ làm việc ở Bách khoa – làm giảng viên, nghiên cứu. Tôi làm tiến sĩ ở Pháp giai đoạn 2001-2004. Sau đó đi thực tập, postdoc ở nước ngoài một thời gian, nghiên cứu ngắn hạn… Tôi cũng tham gia chương trình trao đổi về phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình tiên tiến tại Mỹ. Tựu trung, Bách khoa vẫn là ngôi nhà thứ hai của tôi. Bách khoa có nhiều điều kiện thuận lợi: Phòng thí nghiệm hiện đại, đồng nghiệp, sinh viên hòa đồng, môi trường làm việc tốt…

GS. Nguyễn Hữu Lâm tự hào về các đồng nghiệp đoàn kết, sáng tạo tại Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội

Ở Bách khoa, người tâm huyết luôn được ủng hộ và đón nhận

* Người ảnh hưởng nhất tới anh trong nghề giáo là ai?

Trong quá trình làm việc, tôi gặp rất nhiều thầy cô, đồng nghiệp nhưng người ảnh hưởng đến tác phong, phương pháp giảng dạy của tôi là thầy tôi – NGND. GS. Nguyễn Đức Chiến. Thầy hướng dẫn tôi trong quá trình học ĐH và ThS, sau này tôi lại được công tác tại bộ môn của thầy. Đạo đức, tác phong, lối sống, phương pháp làm việc của thầy là tấm gương để chúng tôi noi theo. Đến nay, thầy có 2 trò được phong GS, còn PGS thì rất nhiều.

* Anh làm thế nào để cân bằng giữa việc nghiên cứu khoa học và gánh nặng cơm áo gạo tiền?

Hiện nay thu nhập của tôi tại Đại học Bách khoa Hà Nội tương đối ổn định. Điều đó giúp tôi vẫn duy trì nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Bên cạnh đó, trên cương vị quản lý, tôi luôn cố gắng trong việc đảm bảo đời sống cho cán bộ trong đơn vị, khuyến khích, động viên cán bộ không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ thông qua các chương trình thực tập, các khóa đào tạo, tham gia các đề tài nghiên cứu và hợp tác trong và ngoài nước.

* Hạnh phúc nhất khi làm việc ở Bách khoa, theo anh là gì?

Với tôi, hạnh phúc nhất khi làm việc tại Bách khoa, đó chính là những cơ hội được làm việc với đồng nghiệp và sinh viên. Sinh viên trẻ và nhiều ý tưởng hay, mình tôn trọng và làm sao để các bạn chủ động triển khai được.

* Anh có thể kể một kỷ niệm với sinh viên?

– Tôi có khá nhiều kỷ niệm với các bạn sinh viên, trong đó ấn tượng nhất với một bạn sinh viên lớp Kỹ sư tài năng K47. Bạn có rất nhiều ý tưởng để triển khai. Chúng tôi đã dành cả mùa hè cùng nhau xây dựng hệ thí nghiệm về chế tạo ống nano cácbon.

Sau đó với kết quả học tập tốt, tôi giới thiệu bạn đi học tại Hàn Quốc và sau đó là Mỹ. Sau khi về nước, bạn đã vào làm ở khu công nghệ cao TP. HCM và được cơ quan, đồng nghiệp đánh giá cao. Những thành quả nghiên cứu của bạn trong lĩnh vực xử lý nước bằng công nghệ siêu tụ đã được đưa vào ứng dụng thực tế. Hai thầy trò chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ, đến bây giờ mỗi khi bạn ra Hà Nội, hai thầy trò chúng tôi lại gặp nhau.

Viện Vật lý kỹ thuật đang hướng tới hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khác để đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu trong thực tế

Đẩy mạnh ứng dụng thực tế

* Anh có thể phác thảo một số kế hoạch cho tương lai?

– Song song với các nghiên cứu cơ bản triển khai trong các phòng thí nghiệm, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tạo ra sản phẩm có thể phục vụ đời sống và cộng đồng. Để làm được điều đó, Viện Vật lý kỹ thuật đang hướng tới hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khác.

Trong Viện có nhiều bạn trẻ năng động, giỏi giang nhiều ý tưởng mới. Chúng tôi bước đầu cũng đã hợp tác với một số doanh nghiệp, ví dụ với Công ty Rạng Đông trong nghiên cứu về chiếu sáng, cùng với các cán bộ Trường cơ khí thiết kế hệ phun khử khuẩn trong đợt dịch Covid 19, hợp tác Viện khoa học vật liệu thuộc Viện KH-CN Việt Nam trong nghiên cứu lĩnh vực quang điện tử, với Viện Khoa học địa chất khoáng sản trong thiết kế chế tạo các thiết bị cảm biến sạt lở đất, hợp tác với Công ty Haesung-Vina (Hàn quốc) trong nghiên cứu về quang học, hợp tác với công ty JINED (Nhật bản) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – VINATOM về tổ chức các khóa đào tạo Nhà máy điện hạt nhân…

Bên cạnh ngành Vật lý kỹ thuật và Kỹ thuật hạt nhân, Viện còn có ngành Vật lý y khoa. Đây là một ngành học mới đào tạo các Kỹ sư, Cử nhân làm việc trong lĩnh vực y tế như xạ trị, hóa trị, điện quang, chẩn đoán hình ảnh… Chúng tôi đã hợp tác với các Bệnh viện 108, Bạch Mai, Bệnh viên K, ĐH Y Hà Nội… với mong muốn đào tạo nhân lực có chất lượng tốt.

Trân trọng cảm ơn GS đã chia sẻ nhiều tâm huyết và chúc anh sẽ tiếp tục có nhiều niềm vui trong cuộc sống và sự nghiệp khoa học!    

GS. Nguyễn Hữu Lâm tốt nghiệp Đại học và Cao học ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó hoàn thành luận án Tiến sỹ về lĩnh vực Công nghệ nano, vi điện tử và quang điện tử tại ĐH Paris 11 (Paris-Saclay), Cộng hòa Pháp năm 2004.
GS. Nguyễn Hữu Lâm là Trưởng Bộ môn Vật liệu điện tử từ năm 2008-2018, phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật từ năm 2008-4/2020 và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐHBK Hà Nội từ 5/2020.

Gia Hân (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here