“Tôi không muốn bất cứ ai đi vào vết xe đổ của mình!”, TS. Phùng Xuân Lan, giảng viên tiêu biểu năm 2020 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Khiêm tốn như cá nhỏ giữa đại dương
Sau nhiều lần hẹn gặp, TS. Phùng Xuân Lan, giảng viên Viện Cơ khí, cũng là một trong 9 giảng viên tiêu biểu năm 2020 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đồng ý bật mí đôi câu chuyện về bản thân mình.
Với thành tích đáng ngưỡng mộ ngay từ khi học cấp 3, cô Phùng Xuân Lan được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại môi trường đại học, cô vẫn không ngừng nỗ lực, khẳng định bản thân và trở thành thủ khoa tốt nghiệp Viện Cơ khí năm 2004.
“Bí kíp” học tốt, nhớ lâu của cô là biết cách hệ thống kiến thức. Cô Lan muốn sinh viên học được cách hình thành sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức trọng tâm trong toàn bộ hệ thống bài học. Đối với cô, ghi chú trong quá trình nghe giảng cần phải có sự chắt lọc, tránh dàn trải để “tóm được cái quan trọng”. Ngoài ra, cô luôn khuyến khích sinh viên tận dụng một tuần trước kỳ thi để “xào” lại toàn bộ kiến thức đã tổng hợp trong suốt quá trình học. Cô Lan cho rằng đây là “tuần quan trọng và căng thẳng nhất”.
TS. Xuân Lan hồi tưởng lại thời đi học, chính nhờ có sự tổng hợp thông tin, ý chính tốt mà bạn bè ai nấy đều ngỡ cô “biết trước đề thi” khi xem bộ đề cương khoa học và đầy đủ kiến thức mà cô tự làm, một trong số đó là chồng của cô. Bách khoa Hà Nội đã đưa cô và chồng đến bên nhau, tạo nên những kỷ niệm và thắp lửa cho tình yêu cô nở rộ.
“Gia đình có nhiều thành viên làm nghề giáo” là một trong những yếu tố ươm mầm sự nghiệp giảng dạy trong cô. Cô Lan khẳng định: “Giáo viên không hề nhàn!” Cô đùa rằng: “Bọn trẻ con nhà tôi rất thiệt thòi vì ít khi được chơi với mẹ.” Hình ảnh TS. Lan cặm cụi làm việc các buổi tối, thậm chí tới đêm muộn khiến các con cô thốt lên: “Sau này con không muốn làm giảng viên như mẹ vì phải làm việc “quần quật” suốt ngày!”
Cô Lan có những cải tiến và sáng kiến trong giảng dạy, thu hút được sự yêu thích và hứng thú của sinh viên. Chia sẻ về việc áp dụng các trang web tạo và thực hiện các câu hỏi trắc nghiệm như Quizizz, Kahoot, cô Lan cười: “Tôi học từ con!” trong quá trình theo dõi các con học trực tuyến tại nhà. Với cách dạy này, cô có thể biết được sinh viên đã hiểu bài chưa, các em còn đang vướng mắc ở những phần kiến thức nào nhờ vào kết quả tổng hợp ngay trên trang web.
Đối với các phần học lý thuyết, cô Lan cùng sinh viên làm sơ đồ tư duy để thống kê lại những kiến thức quan trọng trong từng chương học. TS cũng thiết kế các bài tập ngay từ sơ đồ đó để sinh viên đa dạng trong cách ghi nhớ hơn.
TS. Xuân Lan luôn khuyến khích sinh viên chủ động giao tiếp với thầy cô, đưa ra câu hỏi và trả lời theo ý hiểu của mình, bất kể đúng sai. Cô cho rằng “học từ cái sai mới nhớ lâu, nhớ kỹ.” Mục tiêu của cô Lan là “phải làm cho sinh viên nói nhiều hơn” và “tương tác lại với giảng viên”.
Cô Lan chia sẻ: “Tôi thấy được hình ảnh bản thân mình trong các bạn sinh viên” vì hồi còn đi học, cô cũng e dè, ngại ngùng, không dám phát biểu ý kiến mà chỉ thu nhận kiến thức một cách thụ động. Cô mong sinh viên của mình sẽ “không đi vào vết xe đổ” của mình vì “chính sự nhút nhát sẽ cản trở và khiến các bạn đánh mất nhiều cơ hội lớn trong đời.”
TS tự nhận bản thân “không có khiếu hài hước” nên luôn tìm tòi, cải tiến cách dạy và học để sinh viên “thích, đỡ cảm thấy chán”. Bên cạnh đó, cô cùng sinh viên thống nhất những chính sách “thưởng” điểm cho thành viên tích cực, hăng hái phát biểu và xây dựng bài.
Theo TS. Lan, công đoạn mất thời gian nhất là chuẩn bị bài tập và chấm bài cho sinh viên. Tuy vậy, cô luôn cố gắng trả bài kiểm tra giữa kỳ sớm cho sinh viên, giúp các bạn nắm được tình hình học tập của mình và nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh vào nửa kỳ học sau.
Không ngại sẻ chia kiến thức
Mong muốn của cô Xuân Lan là sinh viên có thể hiểu được tầm quan trọng của môn học và lắng nghe những bài giảng tâm huyết của mình vì “sinh viên hăng say học tập cũng khiến tôi say mê với nghề hơn.”
Động lực giúp cô cống hiến cho giảng dạy là những phải hồi tích cực của sinh viên như “Đây là một trong những môn học online em thấy hiệu quả nhất!” hay có một số bạn khác lớp cũng xin được “nghe ké” bài giảng của cô.
TS. Lan muốn truyền đạt tất cả kiến thức mình có trong mọi bài giảng với sinh viên. Cô mong sinh viên sẽ “tận dụng” thời gian làm việc cùng cô để hiểu bài ngay trên lớp, “không rõ đoạn nào phải hỏi ngay, không để tồn đọng”.
Thậm chí, cô tự nhận mình “kiên nhẫn với sinh viên hơn với con”. “Nếu con hỏi nhiều tôi có thể sẽ nổi nóng nhưng sinh viên càng hỏi tôi càng thích!” Mọi nhiệt huyết với nghề được cô gửi gắm vào mỗi bài giảng, truyền tải những kiến thức mình đã và đang tìm hiểu tới sinh viên Bách khoa Hà Nội.
Cô Lan tạo riêng một fanpage trên Facebook để chia sẻ tất cả các bài giảng và tài liệu của mình, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc, hỗ trợ học tập cho sinh viên. Nhiều đêm, sinh viên Bách khoa Hà Nội ôn thi muộn, nhắn tin nhờ cô giảng lại những phần chưa hiểu sâu, TS vẫn vui vẻ giúp đỡ.
Đam mê “làm chủ công nghệ”
Không chỉ là giảng viên tiêu biểu của Trường, năm 2020, TS. Phùng Xuân Lan là một trong ba nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội có đề tài nhận được tài trợ từ quỹ VINIF liên quan đến in 3D sinh học. Đây là đề tài mà cô nung nấu từ khi học Thạc sĩ tại Hàn Quốc.
Để giải thích rõ hơn về dự án này, TS. Lan lấy ví dụ về mô da: “Trước đây có bệnh nhân bị bỏng da, phải cấy da ở chỗ khác để đắp lên phần da hỏng đó. Nhưng nhờ công nghệ này, tôi sẽ làm mô kỹ thuật, giống một cái khung để cấy ghép tế bào da của người bệnh. Tế bào đó sẽ tự phát triển và lớn lên, trở thành da và sử dụng trực tiếp cho bệnh nhân.” Cô Lan cho biết thêm, nhóm nghiên của cô sẽ đào sâu về mô xương.
Giải đáp cho những thắc mắc về lý do không đặt mua chiếc máy này từ nước ngoài mà lại tự mình chế tạo, cô Lan nói: “Nếu mua máy, tất cả linh kiện và công nghệ đều được bảo mật nên khi gặp sự cố hỏng hóc sẽ khó có biện pháp khắc phục ngay. Nhưng khi mình tự tạo ra nó tức là mình đang “làm chủ công nghệ”, tức là mình làm chủ sản phẩm của mình, nếu có vấn đề gì mình sẽ dễ dàng tìm ra phương án sửa chữa, giải quyết.”
Để chế tạo ra chiếc máy đó cô cần ứng dụng cơ khí chế tạo, y sinh và tự động hóa. Học và làm việc chuyên ngành Cơ khí nhưng TS. Lan có niềm đam mê với lập trình và phần mềm. Cô hướng dẫn sinh viên tạo ra phần mềm để hỗ trợ làm đồ án công nghệ chế tạo máy. Vì vậy, TS có thể tự mình tìm tòi và nghiên cứu dựa trên vốn kiến thức đa dạng của mình. Đặc biệt, đề tài này cũng là một cơ hội cho sinh viên, học viên cao học làm việc với các thiết bị chính xác, hiện đại để chế tạo ra một sản phẩm máy có ý nghĩa nền tảng trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mô kỹ thuật ở Việt Nam và vươn tầm ra quốc tế.
Luôn đặt lợi ích sinh viên lên hàng đầu nhưng TS. Phùng Xuân Lan cũng có những quy tắc rất “nghiêm”. Theo cô, giảng viên là người nên lắng nghe, định hướng, và dẫn sinh viên đến con đường đúng đắn. TS thừa nhận bản thân “khó tính và nghiêm nhất trong coi thi” và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Cô luôn muốn sinh viên học thật, thi thật vì vốn dĩ, “sinh viên Bách khoa Hà Nội có nền tảng rất tốt”.
Trần Trang – Ảnh: Duy Thành