Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi
Cầm bức ảnh tập thể đồng đội đã hoen ố theo màu thời gian, cô dưng dưng nước mắt nói: “Trong số này người còn, người bị thương, có người đã về với đất mẹ”. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước quê hương đang vang khúc hát dựng xây no ấm yên bình nhưng những ký ức thời bom đạm ác liệt vẫn hằn sâu trong tim các cô – những nữ y tá quân y, chiến sĩ thông tin ngày nào. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của các cô vô cùng quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
“ƯỚC MƠ ĐƯỢC ĐI BỘ ĐỘI TỪ NHỎ ĐỂ ĐƯỢC ĐÁNH GIẶC MỸ”
Sinh ra khi đất nước còn chia cắt, chứng kiến tội ác mà đế quốc Mỹ đã gây ra, trong lòng cô Đồng Thị Hồng – cựu cán bộ Trung tâm Y tế Bách khoa luôn sục sôi dòng máu kháng chiến, căm thù quân giặc. Thấy các anh, chị cùng làng xung phong vào chiến trường, cô cũng viết đơn đi bộ đội nhưng bị từ chối vì… còn ít tuổi. “Mãi đến năm 1968, khi cô tròn 18 tuổi, trong một dịp người bác ở quân ngũ về thăm nhà và ngỏ ý hỏi cô có muốn đi bộ đội không? Không cần suy nghĩ cô đáp “có”. Vậy là ngay trong ngày hôm đó, cô trở thành bộ đội – ước mơ từ thuở bé đã trở thành hiện thực” – cô Hồng nhớ lại.
Vào bộ đội, cô được cử đi học y tá và rồi về công tác tại Bệnh viện Quân y 354 – nơi thường xuyên tiếp nhận thương binh từ chiến trường miền Nam chuyển ra. Nhìn các anh người mất tay, người mất chân, có người bị đạm găm trúng đầu, băng bó trắng toát, lòng cô quoặn đau và nhắc mình phải cố gắng cứu chữa, chăm sóc các anh chu đáo để họ sớm bình phục trở về với đơn vị, gia đình. Khi chiến tranh bước vào những ngày tháng ác liệt nhất, thương binh nhiều, có những ca bệnh phức tạp, cô cùng đồng đội quên ăn, quên ngủ hết lòng vì thương binh, cứu chữa nhanh, chính xác và kịp thời. Đôi khi cũng chính những nữ y tá như các cô còn là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh binh, tiếp thêm động lực để họ chiến đấu với nỗi đau thể xác để sớm bình phục.
Chiến tranh kết thúc, với những cống hiến của mình cô được Nhà nước trao tặng danh hiệu Huân chương kháng chiến hạng II, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III và được cấp nhà tại khu tập thể Bách khoa. Khi đó, với kinh nghiệm làm việc trong kháng chiến, cô có nhiều cơ hội lựa chọn các bệnh viện lớn, có điều kiện phát triển trong tương lai nhưng cô đã từ chối với một lý do hết sức đời thường: “Công tác ở đâu cũng vậy miễn là được làm công việc đúng chuyên môn, đam mê, sở thích của mình và gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình. Chính vì vậy, cô đã chọn Trung tâm Y tế Bách khoa là nơi công tác mà không phải băn khoăn, đắn đo gì” – cô Hồng chia sẻ.
Công tác tại Trung tâm hơn 20 năm, cô cùng đội ngũ y bác sĩ tại đây đã chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho tất cả cán bộ, giảng viên và biết bao thế hệ sinh viên của Trường. Với tinh thần “Anh bộ đội Cụ Hồ”, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp kính trọng, quý mến.
NỮ SINH XUNG PHONG ĐI BỘ ĐỘI
Cũng giống như cô Đồng Thị Hồng, nữ chiến sĩ thông tin Phạm Kim Linh – Cựu cán bộ quản lý sinh viên – Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông đã xung phong đi bộ đội khi tuổi đời còn rất trẻ. “Đó là đầu năm 1975, khi đó cô đang học lớp 10, với khí thế sục sôi kháng chiến vì miền Nam ruột thịt, cô cùng 50 nữ sinh quận Hai Bà Trưng đã xung phong vào bộ đội với mong muốn đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc” – cô Linh kể.
Vào quân ngũ, cô trở thành lính thông tin của Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không Không quân với nhiệm vụ đảm bảo thông tin tiên lạc. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Việc liên lạc quan trọng nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng, do đó bảo đảm thắng lợi”, cô cùng đồng đội luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặc dù, cơ sở vật chất, phương tiện vô cùng thiếu thốn nhưng các nữ chiến sĩ thông tin vẫn luôn làm chủ những chiếc máy to, trả lời điện thoại tác chiến, kết nối những cuộc gọi từ khắp các trận địa đến với bộ chỉ huy. Công việc không cho phép các cô mệt mỏi hay nhầm lẫn. Nhiều lúc, bom đạn cắt đứt đường dây thông tin, họ lại phải lao ra ngoài, với bó dây trên vai, leo lên cột điện và nối lại liên lạc…
“Chính những khó khăn đó cùng môi trường quân ngũ khắt khe đã rèn luyện cho cô tính kỷ luật rất cao. Hàng ngày, các cô phải dậy từ 5 giờ sáng, tập đội ngũ, điều lệnh… ngay cả động tác chào cũng phải tập đi tập lại hàng chục lần cho đúng rồi tập bắn súng… Còn những người chỉ huy thì lúc nào cũng rất nghiêm khắc. Đối với những đơn vị có nhiều nữ như Sư đoàn của cô thì người chỉ huy kiểm soát rất chặt những mối quan hệ nam nữ. Yêu đương khi đó là một chuyện nhạy cảm, vì nó có thể ảnh hưởng đến đơn vị” – cô Linh chia sẻ.
Dù không trực tiếp cầm súng nhưng với những đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ thông tin đã góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Đến năm 1979, cô xuất ngũ và về công tác tại Trung tâm máy tính – Trường ĐHBK Hà Nội. Khi Trường thành lập Khoa Công nghệ thông tin, cô chuyển sang làm nhiệm vụ quản lý sinh viên. Với tính kỷ luật được rèn luyện trong quân ngũ đã giúp cô hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận mới – giáo dục và đào tạo. Năm 2004, cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, giờ đây, các cô đã về nghỉ hưu, sống quây quần vui vẻ bên con cháu nhưng những tháng ngày hào hùng trong quân ngũ vẫn còn nguyên trong ký ước của các cô nữ y tá, chiến sĩ thông tin năm nào.