Những chiến sĩ Bách khoa trên mặt trận nghiên cứu khoa học – công nghệ sức khỏe 

0
639

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, mỗi giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang là những chiến sĩ trên mặt trận nghiên cứu khoa học – công nghệ sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2021, một số nghiên cứu, chế tạo của các nhà khoa học Bách khoa đã được ứng dụng trong thực tế, sản xuất ra những thiết bị hỗ trợ ngành y tế Việt Nam đối phó với tình hình dịch bệnh leo thang.  

“Hệ thống NOVAO2-Mobile System” tạo oxy và khí nén y tế  

Tháng 5/2021, làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, phức tạp. Khi ấy, nhiều nhóm chuyên gia của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tập hợp để nhanh chóng ứng dụng các kết quả nghiên cứu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.   

Nhóm nghiên cứu của PGS. Vũ Đình Tiến – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học – đã thiết kế, chế tạo trạm khí nén di động cỡ nhỏ và thiết bị tạo oxy, nay được tích hợp thành một container có tên gọi “Hệ thống NOVAO2-Mobile System” để tạo oxy và khí nén y tế. Hệ thống này có khả năng làm giàu oxy từ không khí theo công nghệ PSA (Pressure Swing Adsorption) gồm có hai cột vật liệu hấp phụ sàng phân tử. Hai cột làm việc luân phiên với khí cấp và xả vào các cột thông qua hệ thống van điều khiển tự động.   

Đến nay, PGS. Vũ Đình Tiến đang chuẩn bị bàn giao thiết bị thứ 4 và trong quá trình sản xuất thiết bị thứ 5. PGS. Vũ Đình Tiến chia sẻ: “Mỗi một thiết bị mới sau khi hoàn thành đều được cải tiến cả về tính năng và chất lượng. Ví dụ như hệ thống mới nhất được yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và tiêu chuẩn chế tạo thiết bị y tế theo ISO 13485. Chúng tôi cũng trang bị thêm bình oxy hỗ trợ cho bệnh nhân phòng trường hợp mất điện”. 

 Các sản phẩm được Bộ Y tế đánh giá cao và đặt hàng để giúp các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. Hiện hệ thống NOVAO2-Mobile System đang được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm y tế huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.  

Pha 2 của máy oxy dòng cao BKVM-HF1 

Trong năm 2021, PGS. Vũ Duy Hải – Giám đốc Trung tâm Điện tử y sinh, Phó phòng Tuyển sinh – chủ trì nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) ký hiệu BKVM-HF1. 

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37°C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp. 

Sau một thời gian thử nghiệm máy tại các cơ sở y tế, nhóm nghiên cứu của PGS. Vũ Duy Hải chuẩn bị phương án cho ra đời chiếc máy pha 2.   

“Pha 2 tập trung khắc phục vấn đề còn đang tồn tại của phiên bản một và nâng cấp một số tính năng cao cấp mới: Công nghệ tản nhiệt giúp máy không bị nóng khi chạy liên tục nhiều ngày; phát triển thêm thiết bị có thể tự đo lường chỉ số sống của bệnh nhân như nồng độ oxy trong máu, nhịp tim …; thêm tính năng kết nối với hệ thống theo dõi trung tâm bằng công nghệ không dây”, PGS. Vũ Duy Hải cho biết.  

Theo đó, bác sĩ có thể giám sát tình trạng máy, số lượng máy đang chạy, đồng thời kiểm soát chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, … Nếu có bất thường, máy sẽ bật cảnh báo để y/bác sĩ đến phòng bệnh can thiệp kịp thời.  

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 giúp bác sĩ và y tá hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh cho nhân viên y tế. Chiếc máy pha 2 sẽ được sản xuất trong năm 2022 để ứng phó với dịch bệnh còn đang phức tạp. 

Phát triển thiết bị tự động tạo ozone để bất hoạt các loại vi khuẩn 

TS. Nguyễn Phan Kiên – Giảng viên Trường Điện – Điện tử – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã chế tạo thành công thiết bị tự động tạo ozone để diệt khuẩn, trong đó có vi-rút gây bệnh COVID-19 trong không khí và bề mặt phòng kín.

Sản phẩm có cơ chế tương tự một máy điều hòa bao gồm một bàn phím, màn hình hiển thị, hệ thống vi điều khiển, modul tạo ozone, hệ thống tạo nhiệt, còi, đèn cảnh báo và màng lọc khí. 

Thiết bị được lắp đặt gọn gàng trên một hệ thống giá đỡ với bánh xe lăn, có thể dễ dàng di chuyển, phù hợp nhu cầu khử khuẩn các không gian trong phòng kín. 

TS. Nguyễn Phan Kiên thiết kế một chiết áp xoay để nhập dữ liệu kích thước phòng, từ đó thiết bị có thể tự động tính toán nồng độ ozone cần tạo tương ứng. Sau đó, quạt gió sẽ tạo luồng khí ozone phun vào trong phòng để làm sạch không khí, diệt vi khuẩn. Thời gian phun và nồng độ tạo ozone được tính toán theo độ rộng của phòng.

Khi thời gian diệt khuẩn kết thúc, thiết bị này sẽ sử dụng công nghệ nhiệt để hạ nồng độ ozone trong phòng, biến đổi ozone thành oxy, hoàn thành chu trình khử khuẩn và tự động ngắt điện.  

TS. Nguyễn Phan Kiên cho biết thêm, anh sẽ cùng hợp tác với một số bệnh viện để có thêm các dữ liệu về nhiều loại vi khuẩn khác. Sau đó, nghiên cứu tác dụng của ozone trong việc khử các loại vi khuẩn đó. Kết quả, dữ liệu sẽ được cập nhật vào thiết bị để diệt các loại vi khuẩn đã được nghiên cứu.

Theo dự kiến, TS. Nguyễn Phan Kiên sẽ thiết kế thêm các mẫu thiết bị khác phù hợp dùng cho trường học, xe buýt và chợ dân sinh. “Khi ozone bay ra không khí, môi trường không chỉ được làm sạch mà còn được khử các loại vi khuẩn, oxy hóa các hợp chất hữu cơ, giữ an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ”, TS. Nguyễn Phan Kiên giải thích. 

Chỉ với 3Kwh mỗi buổi tối, các không gian kín, trường học, chợ dân sinh, … sẽ được khử khuẩn, trở thành môi trường lý tưởng cho người dân học tập và làm việc vào ngày hôm sau. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here