Người thầm lặng đi tìm đồng đội

0
678

“Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cùng các thầy giáo và sinh viên thủ đô lên đường chiến đấu. Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm, cũng như các bạn sinh viên năm thứ 2, thứ 3 bây giờ, chỉ với một mong muốn sau chiến tranh được trở lại tiếp tục công tác và học tập tại mái trường Bách khoa. Mong ước giản dị ấy, có người trở về thực hiện tiếp, có người mãi mãi không bao giờ quay về” – cựu sinh viên lớp Chế tạo máy K15 Nguyễn Dũng xúc động nhớ lại. Là một trong những người may mắn trở về sau chiến tranh, thầy Nguyễn Dũng về công tác tại PTN Bộ môn Hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường ĐHBK Hà Nội. Với phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, binh Nhì Nguyễn Dũng tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

XUNG PHONG “XẾP BÚT NGHIÊN LÊN ĐƯỜNG CHIẾN ĐẤU”

Sinh ra khi đất nước còn chia cắt, chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ, trong lòng chàng trai Nguyễn Dũng luôn sôi sục dòng máu kháng chiến, căm thù quân giặc. Năm 1971, cũng như nhiều sinh viên khác, ông đã xung phong “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Khi đó, sinh viên Nguyễn Dũng vừa học xong năm thứ nhất, bước sang năm thứ hai. Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân diễn ra ngay tại quảng trường C1. Toàn bộ sinh viên Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế, Mỏ địa chất… nhập ngũ đợt ấy đều được đưa lên huấn luyện tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ). “Ở đây, chúng tôi được học về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20 kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân bộ vào miền Nam” – thầy Dũng nhớ lại.

Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại theo trường, những người lính sinh viên được xếp vào binh chủng cho phù hợp: ĐH Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; ĐH Y vào quân y; ĐH Mỏ địa chất vào công binh; ĐH Kinh tế, ĐH Tổng hợp vào bộ binh… Nhưng phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các Trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình – Trị – Thiên.

Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh sinh viên đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh (Nghệ An) để hành quân vào chiến trường. “Ngày chúng tôi lên đường, trong chiếc ba lô ngoài quân tư trang thì nhiều người còn đem theo một vài cuốn sách, sách tiếng Nga, giáo trình cơ khí, sổ tay làm nhật ký… Ai cũng hy vọng có ngày trở về để được tiếp tục đi học”, thầy Nguyễn Dũng kể.

Sau thời gian huấn luyện, ông trở thành lính thông tin của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị – một trong những nơi chiến tranh xảy ra ác liệt nhất. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh đến nhường nào. Mỗi ngày đế quốc Mỹ thả trực tiếp hơn 4.000 tấn bom vào Thành cổ, dọc theo hai bờ sông Thạch Hãn. Với nhiệm vụ đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, ông cùng đồng đội không biết đã bao lần đối mặt với cái chết chỉ trong gang tấc. “Hồi đó chúng tôi coi cái chết nhẹ như lông hồng. Chiến tranh khốc liệt quá khiến mỗi người trở nên bản lĩnh và chai sạn trước bom đạn” – thầy Dũng trải lòng. Sau 81 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã bảo vệ được Thành cổ Quảng Trị.

Khi được hỏi về những kỷ niệm của mình cùng các đồng đội trong những ngày tham gia chiến đấu, nét mặt ông thay đổi, đôi mắt đượm buồn rơi lệ và nghẹn ngào: “Chuyện chiến trường thì nhiều, với tôi mỗi câu chuyện là một nỗi niềm sâu nặng, đau đáu đến tận bây giờ và chắc sẽ theo tôi đến hết cuộc đời này. Nhưng có một chuyện mà mỗi khi nhớ lại, tôi không thể cầm được nước mắt. Đó là ngày 16/9/1972, một trận oanh liệt giữa ta và địch đã xảy ra, rất nhiều chiến sĩ đã bị thương và hy sinh trong trận chiến ấy. Trong đó có binh Nhất Lương Hồng Thủy – cựu sinh viên khóa 15, Khoa Điện của Trường đã bị thương. Chúng tôi muốn đưa đồng chí Thủy vượt sông để điều trị vết thương nhưng anh đã từ chối, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng giữ trận địa và bảo vệ thương binh”.

Sau ngày thống nhất, là một trong những người may mắn trở về, thầy Dũng nhận nhiệm vụ mới tại phòng thí nghiệm Bộ môn Hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường ĐHBK Hà Nội vào năm 1976. Trong 37 năm (1976-2013) công tác tại phòng thí nghiệm, thầy là người truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ học trò. Thầy luôn nhắc nhở sinh viên: “Hãy sống cố gắng học tập để phát triển”.

THẦM LẶNG ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ký ức của thời bom đạm vẫn không bao giờ nguôi trong trái tim người lính Nguyễn Dũng. Có biết bao đồng đội của ông đã hy sinh và nằm lại chiến trường, biết bao gia đình không tìm thấy hài cốt của người thân. Với mong muốn đưa đồng đội trở về với gia đình, quê hương, 40 năm qua, ông cùng đồng đội vẫn lặng lẽ đi tìm hài cốt. “Đồng đội” hai tiếng thiêng liêng khiến đôi chân ông chưa bao giờ chùn bước, ý nghĩ chưa bao giờ nhụt chí đã giúp ông tìm thấy hơn 100 hài cốt đồng đội trở về với người thân của họ.

Dù đã ngoài lục tuần, nhưng chỉ cần một thông tin về đồng đội là thầy Dũng lại “xách ba lô lên và đi” không quản thời tiết. Việc đi tìm hài cốt liệt sĩ không hề đơn giản, đặc biệt là phải có thông tin. Với trí nhớ cùng các mối quan hệ của mình, thầy Dũng chủ động thu thập, phân tích, chọn lọc nguồn thông tin, sau đó mới lên đường đi tìm đồng đội để hạn chế chi phí cũng như khả năng chính xác cao nhất. “Trong hành trình đi tìm đồng đội, có những lần cả đoàn phải trèo đèo lội suối, băng qua rừng nhưng không phải lần nào cũng tìm được. Có liệt sĩ, tôi phải đi cả chục lần mà vẫn không tìm được, nhiều lúc cũng thấy nản, nhưng rồi hình ảnh đồng đội vẫn chưa được trở về với gia đình, tôi lại đứng dậy tiếp tục hành trình mới” – thầy Dũng tâm sự.

Với những đóng góp trên mặt trận chiến trường cũng như mặt trận đào tạo, ông đã được nhận Kỷ niệm chương Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm 1972, Huân chương Chiến sỹ giải phóng, Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2011… và nhiều phần thưởng cao quý khác. Dẫu chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, người lính Nguyễn Dũng năm xưa tóc đã điểm bạc nhưng hành trình đi tìm hài cốt đồng đội vẫn được thầy Dũng duy trì và thực hiện. Bởi với ông đó là sự thành công lớn, mãn nguyện trước lời hứa với đồng đội.

Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here