Người giữ nhịp “giai điệu kết nối” doanh nghiệp – nhà trường

0
894
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh tại cuộc họp chuẩn bị cho cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019"

Nếu coi việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường là một bản nhạc, thì PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, giảng viên Bộ môn Gia công vật liệu và Dụng cụ công nghiệp Viện Cơ khí, ĐHBK Hà Nội – được ví như người giữ nhịp cho giai điệu đẹp ấy! Với sự góp sức của chị, thời gian gần đây, bản nhạc đặc biệt này giữa ĐHBK Hà Nội và các doanh nghiệp đang ngân vang rộn rã.

Cô giáo cá tính Trường Bách khoa Hà Nội

Lần đầu gặp mặt, PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh có vẻ ngoài rất cá tính: Tóc tém, làn da trắng hồng, đôi mắt ánh lên vẻ thông minh, phong cách ăn mặc như nghệ sĩ! Chị nói đùa rằng khi giới thiệu công tác ở ĐHBK Hà Nội – ngôi trường kỹ thuật nổi tiếng toàn nam sinh, người nghe… lùi một bước, giới thiệu tiếp hiện đang giảng dạy Bộ môn Gia công vật liệu và Dụng cụ công nghiệp Viện Cơ khí, người ta lại… lùi thêm bước nữa! Trộm nghĩ, chắc chắn là để ngắm trọn vẹn nữ PGS tài giỏi rồi thầm hỏi: Sao một người nữ tính như thế này lại làm việc trong môi trường máy móc, cơ khí vậy nhỉ?

Được biết, chị Hồng Minh theo học 5 năm tại ĐHBK Hà Nội theo “truyền thống” gia đình! Cùng lúc, chị hoàn thành chương trình của ĐH Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp đại học, với tấm bằng kỹ thuật và ngoại ngữ, chị đi làm tại các công ty liên quan đến kỹ thuật. “Bay nhảy” một thời gian, chị Minh học Thạc sỹ tại Học viện kỹ thuật Châu Á và Tiến sỹ tại Vương quốc Bỉ, rồi trở về “ngôi nhà Bách khoa” giảng dạy đến nay được 19 năm.

Mũi tên trúng nhiều đích

Nhìn từ bên ngoài, việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và kết nối doanh nghiệp tưởng như các công việc rời rạc. Nhưng theo chị Hồng Minh, về bản chất, các công việc này đều liên kết với nhau rất mật thiết với trụ cột là phát triển người học. Gần đây, chị tiếp cận với doanh nghiệp ở một góc nhìn mới – xã hội hóa các chương trình dành cho sinh viên. Có sự đỡ đầu của doanh nghiệp, áp lực tài chính được giảm bớt cho các nhà khoa học, thầy trò không phải lầm lũi nghiên cứu mà không ai biết đến, sức nóng của đam mê khoa học sẽ lan rộng hơn. Cụ thể, nhờ có nguồn vốn xã hội hóa, Ban tổ chức sẵn sàng tài trợ cho các ý tưởng tốt, đồng thời tổ chức những buổi đào tạo để các em hiểu hơn thị trường khoa học công nghệ, cách đáp ứng nhu cầu xã hội khi làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhờ đó, các bộ óc đam mê khoa học sáng tạo trẻ trung sẽ sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được cấp để phát triển sản phẩm một cách hữu hiệu. Song song với đó là các chiến dịch truyền thông dài kỳ để tạo sức lan toả, khiến mọi người cảm thấy gần gũi hơn với các hoạt động khoa học, sáng tạo.

“Một mũi tên” kết nối doanh nghiệp đã trúng nhiều đích! Song song với những lợi ích mang lại cho sinh viên và nhà trường, cái bắt tay đặc biệt này đã tạo điều kiện cho thông tin về công nghệ, sản phẩm, công tác tuyển dụng của doanh nghiệp được lan tỏa; doanh nghiệp và sinh viên biết thêm về nhau, đến gần nhau hơn. Từ những chương trình như vậy, thói quen sáng tạo nghiên cứu, ươm tạo ý tưởng, nghiên cứu sáng tạo trọn đời cho học sinh, sinh viên được nuôi dưỡng.

Chia sẻ về những lần kết nối doanh nghiệp, chị Hồng Minh kể nhiều về đối tác VNPT, doanh nghiệp tài trợ cho cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” vừa được tổ chức thành công cuối tháng 12/2019. Đó là ấn tượng về sự hỗ trợ nhiệt tình từ các lãnh đạo, chuyên viên, nhân viên kỹ thuật ở VNPT. Sự kết nối thành công còn trên nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau của các phòng ban trong trường, sự tin tưởng vào thương hiệu Bách Khoa từ phía đối tác. Dù có vài chi tiết lần đầu tiên triển khai còn ngỡ ngàng, nhưng tinh thần hợp tác là trên hết đã khiến mọi việc dần ăn khớp.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh phát biểu tại một hội nghị

Niềm vui từ công việc

Năm 2019, song song với Sáng tạo trẻ Bách khoa, chị Minh còn “chạy” một số chương trình khác. Nguồn cảm hứng để chị Hồng Minh luôn cố gắng “vượt qua chính mình” chính là sức trẻ, sự nhiệt huyết của sinh viên. “Nhiều người bảo sinh viên Bách khoa đầu to mắt cận, bỏ ăn bỏ chơi để làm việc. Không phải đâu, sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội cũng chơi rất hăng và cũng rất đáng yêu, tiếp thêm năng lượng cho các thầy/ cô”! Chị Minh kể về những lần đưa sinh viên ĐHBK Hà Nội sang Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương – hai trường điển hình trong các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo – để kết nối, giao lưu. Lúc đầu, các các nam sinh ĐHBK Hà Nội rất e dè, có lúc còn hơi… ngốc nghếch, rồi dần thể hiện sự tự tin đậm chất kỹ thuật. “Quan sát rồi tôi lại cười một mình. Hình như chính cái ngốc nghếch đấy là cái duyên của con trai Bách khoa Hà Nội!” – Chị Minh vui vẻ chia sẻ.

Sau các buổi gặp đó, thông qua hoạt động thảo luận phản biện rất hăng say, các nhóm tự hình thành, sinh viên các trường kết nối với nhau để tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển. Đó là chỉ số thành công từ các chuyến đưa sinh viên đi kết nối, giao lưu mà chị Minh không liệt kê trong các bản báo cáo.

“Ôm” nhiều việc, nhưng PGS. Hồng Minh xử lý công việc rất nhẹ nhàng, mỗi công việc tuy đầy thách thức nhưng đều mang lại niềm vui chứ không phải là gánh nặng. 10 năm nay, học hỏi cách làm của các đồng nghiệp nước ngoài, cập nhật những biến đổi của các thế hệ sinh viên, chị áp dụng phương pháp giáo dục giảm thiểu thời lượng nói của thầy cô, tăng cường trải nghiệm của sinh viên. Chị cũng hướng dẫn các nghiên cứu sinh cách thức để tự nghiên cứu, định hướng thông qua trao đổi, thảo luận. Riêng với các cuộc thi cho sinh viên, kết nối với doanh nghiệp, chị chăm sóc hàng ngày như chăm… em bé! Hài hước, chị tự nhận mình là người giữ nhịp, là bộ đệm kết nối hai bên, để làm sao doanh nghiệp và nhà trường cùng hài lòng và đưa lại những gì tốt nhất cho sinh viên, mang lại góc nhìn gần gũi hơn với khoa học sáng tạo.

“Chính sự mới lạ của các cuộc thi khoa học và sáng tạo cho sinh viên khiến công việc của tôi không bao giờ tẻ nhạt, cứ muốn gắn bó với sinh viên suốt là thế!” – PGS Hồng Minh phấn khởi chia sẻ.

Sau ba mùa thực hiện, Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2019 có nhiều điểm nhấn như mở rộng đối tượng tham gia tới các trường đại học kỹ thuật trong toàn quốc, tăng các hạng mục giải thưởng, tài trợ với mức 20 triệu đồng cho mỗi đề án tiềm năng để phát triển sản phẩm… Sang năm 2020, nhiều ý tưởng đột phá đang được PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh ấp ủ để tạo sức lan tỏa của “Sáng tạo trẻ Bách khoa” sâu rộng hơn nữa.

Mỹ Linh

Ảnh: Duy Thành – Ngọc Hải

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here