Không chỉ đam mê với giảng dạy, PGS. Nguyễn Bình Minh, giảng viên cao cấp Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, cũng có cái nhìn tương tự với nghiên cứu. Có lẽ vì thế mà thầy giáo trẻ trở thành một trong những giảng viên tiêu biểu năm 2021 của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Một “gia đình giảng viên”
PGS. Bình Minh được vinh danh Giảng viên tiêu biểu năm học 2021 ở hạng mục “Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng”. Nghiên cứu khoa học của PGS. Minh hướng đến ứng dụng sát với thực tế, cải tiến những giải thuật tối ưu. “Lấy hầm đèo Hải Vân là ví dụ. Nếu có đám cháy hoặc tai nạn trong hầm, bộ phận cảm biến, cảnh báo sẽ ưu tiên dữ liệu nào cần xử lý ngay, dữ liệu nào sẽ được gửi đến trung tâm chờ giải quyết.”, anh giải thích.
Khi làm nghiên cứu, anh Minh tập trung nghĩ về việc tạo ra giá trị cho cuộc sống. “Có những nghiên cứu đi trước thời đại 3, 5 hay 10 năm. Tôi không kỳ vọng mình làm được những điều to lớn, tôi chỉ nghĩ thực hiện và giải quyết vấn đề theo một cách thật… “trong sáng” và thực tế”. Có lẽ đó là lý do khiến bài báo của phó giáo sư dễ hiểu cho người đọc, nhanh chóng mang lại giá trị cho cộng đồng.
Lướt bình luận trên fanpage của Đại học Bách khoa Hà Nội, không khó để thấy những bình luận của sinh viên Nhà trường với nội dung tựa như: “Giảng viên Bách khoa Hà Nội chỉ dạy vì đam mê”. PGS. Nguyễn Bình Minh là một ví dụ điển hình để chứng minh.
Trước khi trở về Bách khoa Hà Nội, thầy Minh đã có chuỗi thời gian 11 năm học tập và sinh sống tại nước ngoài. Năm 2002, PGS. Bình Minh sang Nga du học, sau đó làm việc tại Viện Tin học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Slovak (Slovakia) với vai trò nghiên cứu sinh.
Tại đây, thầy Viện trưởng Viện Tin học động viên anh tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một nước khác khoảng 3-5 năm, rồi có thể quay lại làm việc tiếp. Khi ấy, anh Minh chỉ nghĩ: “Ở Việt Nam có gia đình, có môi trường phù hợp”, nên anh chọn quay về.
“Cá nhân tôi thích những thứ năng động, mạnh mẽ. Ở nước ngoài thì bằng phẳng, ổn định quá!”, anh chia sẻ. Anh Minh chọn Bách khoa Hà Nội để làm việc cũng do nhiều “duyên nợ”, một trong số đó là “truyền thống gia đình” anh.
Được hỏi về lợi thế khi có phụ huynh từng làm cùng trường, PGS. Bình Minh ngẫm nghĩ rồi nói: “Những gì tôi kế thừa là giá trị không đo đếm được. Khi tiếp xúc, nói chuyện với người Bách khoa, họ luôn toát ra chất Bách khoa: Sự chân chất, mộc mạc. Tôi đâu đó thừa hưởng được tinh thần Bách khoa từ bố mẹ, mang nó vào trong công việc: Làm mọi việc với tâm thế cố gắng nhất, tốt nhất với năng lực của mình. Cái bố mẹ cho là tinh thần, văn hóa làm việc, chứ không có thêm đặc quyền gì”.
Được biết, chị gái anh cũng là sinh viên K35 của Bách khoa Hà Nội, hiện nay là giáo sư tại một trường đại học nước ngoài. “Dù là trong hay ngoài nước, gia đình tôi vẫn gắn với nghiệp giảng viên”, anh Minh hóm hỉnh nói.
Trong gia đình giảng viên đại học ấy không bao giờ xuất hiện các câu chuyện trường lớp nhưng luôn có một sợi dây vô hình kết nối các thành viên lại với nhau.
Ngày đầu tiên đứng trên giảng đường Bách khoa Hà Nội, thầy Minh được bố dặn: “Sẽ vất vả đấy!”. “Tôi không nghĩ vậy. Tôi tự tin mình có kiến thức, bài giảng thì có thể lấy từ một trường đại học quốc tế nổi tiếng nào đó, … Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã lầm”, thầy Minh bộc bạch.
Thầy muốn mang lại kiến thức, mang lại giá trị cho sinh viên, muốn biết sinh viên nhận được những gì sau bài giảng và có áp dụng được vào thực tế hay không, … Những trăn trở ấy làm dấy lên trong thầy giáo Minh những nỗi lo vô hình: Sợ bài giảng tràn lan, sợ sinh viên không rút ra được kết luận, không hiểu kiến thức ấy sẽ được ứng dụng vào đâu, …
Thay đổi cách giảng bài và lượng kiến thức đưa vào mỗi tiết học giúp PGS. Minh cải thiện chất lượng làm việc hơn nhiều. Có những hôm, thầy trò như chạy đua với thời gian vỏn vẹn 45 phút trên lớp nhưng kết quả mang lại có giá trị, thầy lại truyền được lửa đam mê tới sinh viên.
Đối với thầy Minh, giảng dạy và nghiên cứu và công việc song hành và mỗi công việc lại mang một sắc màu riêng. Việc đứng lớp cho anh cơ hội tiếp xúc với thế hệ trẻ đầy tài năng, “truyền đạt kiến thức cho sinh viên tức là thầy cũng được học lại những cái mới của giới trẻ và nhận được phản hồi của các trò đối với bài giảng của mình”.
Hiện tại, PGS. Nguyễn Bình Minh rất hạnh phúc vì được làm những điều mình thích, được trải nghiệm những cái mới trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống. “Hồi bé, tôi thích được mua máy tính, đồ chơi điện tử, giờ thì chỉ có tham vọng giúp sinh viên trưởng thành hơn, những người đi cùng mình ngày càng phát triển.
Có những nhà giáo muốn đào tạo sinh viên trở thành nhà khoa học, nghiên cứu, tôi chỉ muốn sinh viên của mình được hạnh phúc, vui vẻ với đam mê, từ thầy trò có thể trở thành đồng nghiệp, cùng mang lại giá trị cho cuộc sống và xã hội”, anh Minh cười.
“Dòng chảy truyền thống” từ “cái nôi khoa học công nghệ”
Thầy Minh tạo ra một “dòng chảy riêng” cho phòng lab của mình. Ở “ngôi nhà chung” ấy có những sinh viên tham gia 1 – 2 năm rồi ra trường, có những học viên cao học và cả những người đã đi làm. Thầy Minh tự hào khi các thế hệ đi trước hướng dẫn, chỉ dạy thế hệ măng non, các thế hệ cứ nối tiếp nhau tạo thành một “dòng chảy truyền thống”.
Anh Minh ấn tượng những ngày 20/11, trò cũ về thăm thầy và lab, có đến 50 – 70 người, ngồi chật kín quán cà phê. Mọi người cùng nhau chia sẻ về công việc, nói về các dự án còn dang dở, … Những câu chuyện thường nhật nhưng vô cùng tình cảm là thứ gắn kết thầy trò hơn nửa thập kỷ nay.
“Tất cả hoạt động của Bách khoa Hà Nội đều là những điểm sáng”, thầy Minh nói. Theo thầy, Trường luôn là “lá cờ đầu, luôn đi trước, mang lại lợi ích cho sinh viên”. PGS. Bình Minh nhớ nhất một buổi chào tân sinh viên, anh đã ở lại đến tận tối, ngắm nhìn các bạn sinh viên tấp nập cười nói, xem những màn trình diễn sôi động từ tầng 6 thư viện Tạ Quang Bửu. Đối với anh, không phải ai cũng tổ chức được các hoạt động như thế.
“Bách khoa Hà Nội là cốt lõi, là cái nôi nuôi dưỡng và tạo ra một số trường khu vực miền Bắc”, thầy Minh bày tỏ quan điểm. Không chỉ đóng góp những con số, thứ hạng cho các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế, Bách khoa Hà Nội còn đóng góp cả giá trị về tinh thần.
Nhắc đến đại học về công nghệ, “tầm ngắm” của các sĩ tử khối A, B, … là nhắc đến Bách khoa. Không chỉ vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có các ngành kinh tế, ngoại ngữ, … xây dựng nên tính đa ngành, xu hướng đa ngành phục vụ cho kỹ thuật, bắt kịp xu hướng giao thoa giữa các ngành.
Theo thầy Minh, “dân kinh tế” bổ sung góc nhìn thú vị cho “dân kỹ thuật”. Anh lấy ví dụ: “Sinh viên kỹ thuật thường tìm cách xử lý vấn đề, trong khi đó sinh viên khối xã hội lại có suy nghĩ “Nếu không làm tốt bài toán này thì sẽ thế nào?””. Chính những suy nghĩ ấy làm nên nét đặc sắc, riêng biệt cho ngành kinh tế ở Bách khoa Hà Nội.
Tự hào về hậu phương vững chãi
Năm 2011, PGS. Bình Minh lập gia đình khi còn đang là nghiên cứu sinh. Anh chia sẻ về vợ với niềm tự hào xen lẫn sự biết ơn, trân trọng. Vợ anh là hậu phương vững chãi giúp anh rất nhiều trong cả cuộc sống và công việc. Chị là người luôn bên cạnh, ủng hộ anh từ khi cả hai còn ở nước ngoài.
Khi anh trở thành tiến sĩ, có kế hoạch về Việt Nam, chị cũng bằng lòng theo anh trở về, làm nghiên cứu sinh trong nước. Anh cho rằng gia đình là một xã hội thu nhỏ mà những người sống ở đó cần hỗ trợ lẫn nhau.
Anh chia sẻ vợ mình đã hy sinh rất nhiều để vừa hoàn thành công việc tại Đại học Kiến trúc, vừa đảm đương việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc chồng. “Cùng là giảng viên nhưng mỗi khi tôi về là đã thấy vợ ở nhà, chăm sóc các con rất chu đáo!”, ánh mắt anh long lanh khi nhắc đến hậu phương của mình.
Chủ trương nuôi dạy con của hai giảng viên là làm bạn với con. Anh Minh không muốn đặt áp lực gì lên các con vì con còn nhỏ, anh chỉ mong con thừa kế được những điều anh trân quý như những gì anh được kế thừa từ bố mẹ.
“Theo tôi, bố mẹ và con cái có thể nói chuyện thoải mái là một cách giáo dục hiệu quả, hoặc chí ít, tôi mong nó hiệu quả”, PGS. Nguyễn Minh hóm hỉnh chia sẻ.
Trần Trang. Ảnh: NVCC