Trường ĐHBK Hà Nội với hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, có biết bao thế hệ sinh viên tốt nghiệp đã và đang đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Toán – Lý (1968-2018), phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội có dịp được gặp và nghe câu chuyện về một người lính, một người thầy, một nhà khoa học xuất sắc với lòng kính phục – đó là GS.TSKH Hồ Tú Bảo – cựu sinh viên Khoa Toán – Lý, Trường ĐHBK Hà Nội.
Xung phong lên đường nhập ngũ
Sinh ra khi đất nước vẫn còn chiến tranh nên tuổi thơ của Hồ Tú Bảo là những năm tháng khó khăn vất vả. Ông sinh năm 1952 tại Việt Bắc khi cuộc chiến tranh chống Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu, bố mẹ đưa ông trở về Thủ đô Hà Nội, quê hương ông. Đó là những tháng ngày bình yên, được sống gần gia đình. Thế nhưng, đến năm ông học lớp 6, chiến tranh lan ra Hà Nội, ông sơ tán về vùng quê quan họ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Tuy phải sống xa gia đình, nhưng cậu học trò ấy đã luôn cố gắng, ý thức tự lập và bộc lộ một tư chất thông minh, năng lực học tập xuất sắc. Hết cấp II, Hồ Tú Bảo thi đỗ vào lớp chuyên Toán khoá I của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1966-1969). Năm đó, Bộ Giáo dục bắt đầu tổ chức hai lớp chuyên Toán ở hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Vinh. Tháng 9/1971, vừa học hết hai năm đại học, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Hồ Tú Bảo xung phong nhập ngũ lên đường chiến đấu. Tạm biệt giảng đường, thầy cô, bạn bè, chàng sinh viên bắt đầu một hành trình mới – hành trình của người lính Cụ Hồ.
Sau ba tháng huấn luyện ở Hà Bắc, anh lính binh nhì Hồ Tú Bảo được chuyển về Đại đội trinh sát sư đoàn 325. Đến cuốitháng 6/1972, sư đoàn 325 tham chiến tại Quảng Trị, và tiểu đội trinh sát sư đoàn do Bảo phụ trách đã tham gia chiến đấu bảo vệ thị xã và thành cổ cho đến sáng 16/9 – ngày cuối của 81 ngày đêm bão lửa ấy. Với sự gan dạ, bình tĩnh và quyết đoán, anh lính trinh sát Bảo luôn được giao đi đầu trong những nhiệm vụ khó của đại đội. Đấy là những lần bí mật vượt sông Thạch Hãn để điều tra trận địa địch bên kia sông hoặc nắm tin các trận đánh. Hai tháng cuối năm 1972, Bảo là trưởng nhóm trinh sát sư đoàn nhiều lần bí mật vượt sông điều tra trận địa địch phía Bắc thị xã Quảng Trị. Đêm 25/12/1972, tiểu đội trưởng trinh sát Bảo dẫn đường đưa một đại đội đặc công sư đoàn qua sông đánh thắng một trận lớn.
Mùa thu 1973, sư đoàn thành lập phân đội A74 với nhiệm vụ huấn luyện để luồn sâu sang phía đối phương điều tra cho những mục tiêu chiến lược. Tám chiến sĩ ưu tú của đại đội được tuyển chọn và trung đội trưởng Bảo được giao nhiệm vụ phụ trách phân đội. Gần nửa năm luyện tập chuẩn bị cho ngày lên đường. Ngày 5/01/1974, Bảo và đại đội trưởng lên nhận lệnh trực tiếp từ sư đoàn trưởng cho chuyến đi địch hậu. Không may, ngày 8/01/1974 trên đường đi về phía địch, chiếc xe ô-tô chở phân đội A74 bị lật đổ ở cao điểm 365, huyện Ba Lòng. Hầu hết chiến sĩ của phân đội đã hy sinh hoặc bị thương, và Hồ Tú Bảo cũng trong số bị thương nặng nhất.
Bị thương nặng và được chuyển ra Bắc điều trị, tháng 9/1974, Hồ Tú Bảo được trở về trường đại học. Vết thương chính ở vùng mặt và hàm dưới bị gãy nên việc ăn nói rất khó khăn, Bảo được chuyển về Khoa Toán – Lý, ĐHBK Hà Nội, theo học ngành Toán điều khiển, một ngành mới vừa được xây dựng với sự định hướng của Bộ trưởng Giáo dục Tạ Quang Bửu.
Sau gần ba năm trong quân ngũ nhưngkhi gặp lại các thầy cô, bạn bè đều cho là Bảo đã thật sự trưởng thành trong bão táp. Chàng lính sinh viên đã hai năm liền (1972, 1973) là chiến sĩ thi đua sư đoàn 325 và được thưởng một huân chương chiến công hạng Hai.
Một nhà khoa học xuất sắc
Làm trọn nghĩa vụ của người trai thời chiến, trở về trường với thương tật nhưng những người sinh viên vừa qua đời lính càng nhiều khao khát học tập, học cho những người bạn không trở về, học vì có những ngày hoà bình được ngồi học, học để có thể làm được gì đấy cho quê hương đã phải chịu nhiều khổ đau của mình.
Sau bốn năm học tập tháng 10/1978, ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán Điều khiển, Khoa Toán Lý – Trường ĐHBK Hà Nội. Với kết quả học tập tốt cùng với niềm đam mê nghiên cứu, ông được nhận về làm việc ở Viện Tin học của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Sau ba năm làm việc và vượt qua một kỳ thi tuyển chọn, năm 1983, ông được nhận học bổng đi học thạc sĩ và tiến sĩ ngành Tin học ở Paris. Làm nghiên cứu khi ở Việt Nam và học xong thạc sĩ đều về Xử lý ảnh, nhưng một bước ngoặt đã đến với ông khi Giáo sư Phan Đình Diệu, khi đó là Viện trưởng, đã viết thư gợi ý “Nếu có thể Bảo nên chuyển qua làm về Trí tuệ nhân tạo vì đấy là tương lai của Tin học”. Chuyển qua lĩnh vực mới cũng có nghĩa phải tự học lấy kiến thức cơ bản mới, tìm hướng đi mới khi thời gian còn lại có hai năm rưỡi. Làm nghiên cứu về xây dựng một hệ thống lập luận tự động được một năm tại INRIA, Viện nghiên cứu Quốc gia Pháp về Tin học và Tự động hóa. Ông chuyển qua làm thêm phần thứ hai không định trước của luận án theo một gợi ý ngắn gọn của Giáo sư Edwin Diday, là làm sao tạo ra được các luật suy diễn từ dữ liệu để dùng cho các hệ để dùng các hệ lập luận. Đây chính là bài toán cơ bản của lĩnh vực Học Máy, được giới nghiên cứu quan tâm phát triển vào đầu những năm 1980 – lĩnh vực ông sẽ theo đuổi suốt những năm tháng sau này, và ngày nay đang là một trong những ngành sôi động nhất của Công nghệ Thông tin (CNTT).
Ngay sau khi trở về làm việc ở Viện Tin học ông cùng các đồng nghiệp theo đuổi suốt ba năm một công việc đầy thách thức: làm phần mềm xuất khẩu. Khi ấy Công ty CINOTEC của CHLB Đức về tìm cách tài trợ và hợp tác với một số nhóm nghiên cứu làm phần mềm để xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Bốn nhóm ở Hà Nội và hai nhóm ở thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và ông là người đại diện cho các nhóm ở Việt Nam. Đấy là một gian đoạn rất khó khăn cho việc phát triển phần mềm, vì mấy người mới được chung nhau dùng một máy PC, vì điện không đủ để máy chạy ban ngày nên toàn làm qua đêm, và vì liên lạc giữa Việt Nam và CHLB Đức chỉ có thể gửi bằng thư qua bưu điện. Sau gần ba năm, các sản phẩm đã ra đời, trong đó có sản phẩm về hệ nhận dạng chữ viết của nhóm GS Hoàng Kiếm và hệ chuyên gia của nhóm thầy Bảo đã được tham gia hội chợ Hannover – hội chợ lớn nhất châu Âu giới thiệu các sản phẩm tin học.
Vừa làm phần mềm xuất khẩu cho CHLB Đức, ông vẫn sắp xếp thời gian theo đuổi nghiên cứu về học máy và tiếp tục có kết quả mới như bài báo ở hội nghị Châu Á – Thái Bình dương về Trí tuệ nhân tạo lần thứ nhất (PRICAI 1990) tổ chức ở Nagoya, Nhật Bản. Những kết quả này cho phép ông trao đổi khoa học bình đẳng với các đồng nghiệp ở Nhật Bản, và nhận được sự đánh giá cao của GS Setsuo Ohsuga của Trường Đại học Tokyo, lúc đó là Chủ tịch Hội Trí tuệ nhân tạo Nhật Bản. Đầu năm 1993, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) mới thành lập và nhờ Giáo sư Ohsuga giới thiệu một Phó giáo sư người nước ngoài để mời đến làm việc. Giáo sư Ohsuga đã giới thiệu Hồ Tú Bảo. Năm 1992, ông được phong hàm Phó Giáo sư ở Việt Nam. Từ tháng 7/1993, ông bắt đầu giai đoạn làm nghiên cứu và giảng dạy vừa ở Nhật Bản vừa ở Việt Nam.
JAIST là Viện Đại học Quốc gia đầu tiên ở Nhật chỉ đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở các ngành Khoa học Thông tin (từ 1992), Khoa học Vật Liệu (từ 1993) và Khoa học Tri thức (từ 1998). Được chính phủ tài trợ để thành một cơ sở hiện đại, JAIST hướng đến nghiên cứu và đào tạo ở đẳng cấp quốc tế cao.
Đến JAIST, ông là người Việt đầu tiên và duy nhất ở đây trong một thời gian dài. Qua năm tháng, JAIST đã là một cơ sở nghiên cứu và đào tạo ở Nhật có nhiều quan hệ hợp tác với Việt Nam, và cộng đồng người Việt ở đây có lúc lên đến gần trăm người (số sinh viên tối đa ở JAIST là 1000).Đến nay đã có gần 100 người Việt bảo vệ tiến sĩ và nhiều hơn con số đó bải vệ thạc sĩ ở JAIST. Những kết quả này có phần đóng gớp gây dựng lớn của ông.
Ông hiểu rằng muốn đóng góp được cho Việt Nam thì trước hết phải làm thật tốt việc nghiên cứu và đào tạo ở JAIST. Những năm đầu ở JAIST ông luôn đắm mình vào nghiên cứu về Máy học và lĩnh vực mới về Khai phá Dữ liệu (Data Mining). Nhiều bài toán đã được theo đuổi và thực hiện, tiêu biểu là phương pháp OSHAM để học và tự động xây dựng từ dữ liệu một hệ phân cấp các khái niệm, hay độ đo R-measure và phương pháp CABRO để học các tri thức ra quyết định dưới dạng cấu trúc cây. Tháng 4/1998, khi JAIST thành lập Trường Khoa học Tri thức, ông được nhận làm Giáo Sư phụ trách Phòng thí nghiệm về Phương pháp luận sáng tạo tri thức, với mục tiêu nghiên cứu tìm ra tri thức từ dữ liệu và phân tích dữ liệu cho các quá trình ra quyết định.
Những kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học tích cực ở Nhật cho phép ông làm nhiều việc cho Việt Nam. Ngoài những lúc ở JAIST, ông luôn dành nhiều thời gian về Việt Nam vaf có những đóng góp tích cực cho khoa học nước nhà.Ông phụ trách xây dựng công cụ và tài nguyên cho xử lý tiếng Việt trong đề tài nhà nước VLSP 2006-2010; tham gia hai đề tài của Quỹ Nafosted từ 2009; đưa về và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế chất lượng cao; tạo cầu nối hợp tác khoa học giữa JAIST và nhiều cơ quan nghiên cứu, đại học lớn ở Việt Nam (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHBK Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…). Ông còn trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhiều đoàn cán bộ Việt Nam qau thăm JAIST, giúp nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam qua JAIST học với học bổng của chính phủ Nhật và học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam.
Thời gian cứ không ngừng trôi, nhưng câu chuyện về một người lính, một người thầy, một nhà khoa học đối với nhiều thế hệ sinh viên và cán bộ nghiên cứu dường như vẫn là một chuyện dài kể mãi không hết. Người lính chống Mỹ ngày nào với quyết tâm và lòng dũng cảm vẫn còn sâu đậm trong ký ức một thời, để rồi đến nay nhà khoa học ấy vẫn miệt mài trên con đường nghiên cứu.
Từ tháng 4.2018, sau khi thôi việc ở JAIST GS Hồ Tú Bảo đã về Việt Nam dành hầu hết thời gian của mình cho công việc ở quê hương. Ông tham gia đào tạo, nghiên cứu và phát triển về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo với cương vị Giám đốc Phòng thí nghiệm về Khoa học Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), nơi GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học, và Giám đốc Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông làm Chủ nhiệm chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2014 về Khoa học Dữ liệu.
Vũ Thơm