Câu chuyện GS.TS.NGƯT Đào Văn Tường kể về cuộc đời mình thật là giản dị, như ông nói là “nó bằng lặng lắm”, vậy mà nghe sao cứ thấy ấn tượng dễ thương. Và cảm nhận bao tình yêu mến khôn nguôi của người con núi Hồng Lĩnh, sông La gửi gắm trong những lời kể mộc mạc, nhân từ. Nghe những thủng thẳng hoài niệm của một thầy giáo già trong cái lạnh đông muộn sắp sang xuân mới, thật ấm lòng.
Chuyện tiểu thư tư sản cầm tay ông nông dân!
“Nhà mình ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nghèo lắm, bần cố nông mà, không một tấc đất. Nhưng hai anh em đều được cha mẹ cho đi học, một lớp 7, một lớp 9. Học ở quê nghèo, khổ, áo không có mà mặc.
Nhà trường tổ chức hai cơ sở: Em học bổ túc công nông lớp 7, anh học lớp 9 vào bổ túc văn hóa – học để đi nước ngoài đấy, các thầy bảo thế.
Mình học bổ túc văn hóa, học xong rồi, trèo lên cân thì thiếu 0,5kg, phải đủ 50 kg mới được đi nước ngoài. Thế là vào Đại học Bách khoa Hà Nội học. Hai anh em cùng học khóa 1. Em học Xây dựng, anh học Hóa.
Chính phủ cấp cho 23 đồng/tháng. Rét mướt không có gì cả. Sau một năm tích lũy mới mua được cái áo bông. Nghĩ cũng buồn tủi. Em còn chê anh học dốt vì học trước em 2 lớp mà cùng vào một khóa đại học.
Hồi đấy ông Phạm Đồng Điện cất nhắc mình làm tổ trưởng tổ 33. Kể ra em chê thì chê chứ mình học cũng được, chỉ có điều con nhà nghèo thì tự ti thôi.
Buổi học đầu tiên lên lớp chả có lớp, chả có gì cả, ngồi tranh nhau. Chia tổ nhóm mình học với Hoàng Bảo Diễm, con nhà tư sản 122 Hàng Bông. Mình học giỏi Toán, có lần bài khó giải được, được bạn là cô gái con nhà tư sản cầm tay ông nông dân mới ra, cảm giác thật khó nói…
Tết mới buồn. Hai anh em chỉ đủ tiền cho một người về quê. Mình là anh, ở lại. Mà năm đó cưới vợ rồi chứ. Mình sinh năm 1936, ghi trong lý lịch thế, nhưng thực tuổi là 1934, tuổi con Chó đấy. Hồi ở nhà, các cụ bảo phải cưới vợ mới cho đi học. Nên mình cưới vợ năm 22 tuổi. Khi tiễn mình đi Liên Xô thì cứ vẫy tay nhau rồi đi thôi.
Tết mọi người về quê hết rồi thì mình nằm đọc sách. Khi mọi người trở lại thì tranh thủ leo lên giường tầng 2, cũng nằm đọc sách. Như bây giờ gọi là tự kỷ.
Những dấu mốc cùng Bách khoa
Năm 1958, lúc đó mình là sinh viên năm thứ hai, Bác Hồ đến thăm trường, mình lần đầu tiên được gặp Bác. Tất cả bọn mình tập trung vào đấy nghe Bác Hồ dặn dò, như nuốt từng lời.
Năm 1959 tốt nghiệp đại học. Mình được ưu tiên đi Nga đợt đầu. Hồi học bên Nga không nhớ nhà. Đầu tiên được vào trường Lômônôxốp ngay. Tiếng Nga thì học bập bẹ. Sang đó phải kèm thêm tiếng Nga. Mình và Trần Vinh – hiện công tác tại TP.HCM, học cùng trường. Đầu tiên cũng bỡ ngỡ, sau đó cũng quen dần. 3 năm thì học xong. Sau đó làm đồ án tốt nghiệp, được loại ưu, bằng đỏ.
Về nước, lại được giảng dạy ở trường mình đã học. Vừa chân ướt chân ráo về, mình được làm trưởng bộ môn luôn. Động học xúc tác là môn khá mới mẻ của Việt Nam. Mình đã kế thừa những gì mình học bên Nga để viết giáo trình.
Lên lớp buổi đầu tiên, học trò ngó thầy, thấy cũng lúng túng. Giờ dạy đầu tiên run thật. Mình bắt chước các thầy ở Nga, viết ý lên tập tờ giấy nhỏ bìa cứng, để trong túi quần hai bên. Cứ rút lần lượt, không nhầm, rồi cứ thế tay bo giảng trực tiếp. Hồi học ở Nga những bài đó mình học thuộc làu rồi, nên cũng không có khó khăn gì.
Sau 3 năm giảng dạy tại Bách khoa, lại đi Nga làm phó tiến sĩ, học đúng trường cũ. Cứ tuần tự như thế.
May mắn mình được nhiều thầy cô giáo Nga giúp đỡ. GS. Kubaxov là người có ảnh hưởng nhất đến mình.
Học xong 3 năm tốt nghiệp phó tiến sĩ.
Sau 3 năm giảng dạy lại được cử đi Pháp học 1 năm trường Hóa xúc tác ở Lion.
Cuộc đời cứ bằng phẳng thế. Mọi thứ đến với mình rất thuận lợi. Nếu tài như người khác mình cũng có thể có cuốn sách tự truyện dày. Nhưng mình ít nhớ lại, nên chịu.
Thời còn là sinh viên Bách khoa, không bao giờ mình nghĩ sau này trở thành giáo viên. Nhưng cuộc đời có nhiều người giúp đỡ, như ông Phạm Đồng Điện. Đấy là người bạn thân của mình. Sau khi ông Điện về hưu, sáng nào ông cũng đến nói chuyện với mình. Nói chung hai thầy trò trở thành bạn thân, ai tặng kẹo thì ông lại cho mình. Đến khi ông mất mình lại đi nước ngoài, không gặp được lần cuối. Nhưng mình có dạy Phạm Văn Thiêm – K9, là em của ông Phạm Đồng Điện, giờ cũng là một giáo sư.
Thích giảng dạy hơn làm việc khác
Về nghiên cứu khoa học à? Nổi bật nhất của mình cũng chỉ có mấy đề tài thôi. Chất mạ bóng BK 1 được lên báo nhiều lần. Sau đó mình với một đồng nghiệp Viện Hóa vào Đà Nẵng xây dựng một xưởng sản xuất BK1 trong đó.
Mình là người say sưa thực tế. Ngoài BK 1 mình còn nghiên cứu khác chưa công bố. Ví dụ, con thoi dệt bằng gỗ nhưng phải nặng. Mình nghĩ ra cách thêm hóa chất vào con thoi gỗ đó. Bỏ con thoi vào thùng hút chân không cho không khí ở khắp ngõ ngách đi ra ngoài, sau đó thêm hóa chất vào – hóa chất phenol-fomanđehit. Mình tự điều chế hóa chất rồi sau đấy ứng dụng cho nhà máy dệt Nam Định – ông Trần Ngọc Diệu là bạn thân của mình là giám đốc ở đấy. Còn triển khai ở một xí nghiệp tư nhân khu Đống Đa…
Nhiều nơi mời mình đi làm, lương cao, như cơ sở mạ bóng ở Đà Nẵng, Nam Định. Nhưng mình không đi mà vẫn gắn bó với Bách khoa Hà Nội, không có ý thức kiếm nhiều tiền, ở Bách khoa mình được ưu đãi lắm rồi. Mình là người đầu tiên ở Bách khoa đi Pháp đấy. Ông Phạm Đồng Điện bảo mình thế nào thì mình làm thế đấy thôi. Mình thích giảng dạy hơn làm việc khác.
Học trò mình toàn người ngoan. Đã gặp mình là phải ngoan. Sinh viên không sợ mình. Chúng nó bảo thầy điều hòa được ánh mắt. Học sinh mình nhớ nhất, là một cô học giỏi lắm, được học bổng đi nước ngoài. Nhưng mình gọi điện thoại sang bảo về mà lấy chồng, thế là lấy được chồng đấy!
Hay là Bích Ngọc được 5 giải thưởng. Mà kể thì nhiều lắm.
Tự hào nhất giảng dạy nhiều khóa, sinh viên ngoan, ở lại trường nhiều, đều bái phục thầy vừa giảng dạy, vừa NCKH, có 2 công trình áp dụng trong thực tế khá dài, được nhiều tiền. Vợ mình ở nhà được tiếng là giàu nhất xã đấy. Mình và vợ xa nhau 30 năm. Mãi năm 89, con mới quyết tâm đưa mẹ ra ở cùng.
Tất cả đều là số phận. Được bằng lặng và yêu thương là may mắn lắm rồi”.
Trâm Anh (ghi)