Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa có những thay đổi nhân sự quan trọng. Trước thềm Xuân mới, Đặc san Bách khoa Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với Tân Hiệu trưởng – PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, cùng lắng nghe những tâm sự, trăn trở của ông về trọng trách, nhiệm vụ đang gánh vác, những kế hoạch dự định cho ngôi trường đổi mới sáng tạo số 1 Việt Nam.
Cảm xúc “ghế nóng”
“Năm 2021 sẽ là một năm có nhiều thách thức với cả cán bộ và giảng viên. Chúng ta cũng kỳ vọng một năm mới, một kỳ Đại hội Đảng, một mùa xuân đến, kỳ vọng vào tương lai của đất nước, tương lai của Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiều thành công. Chúc tất cả các thầy cô, các em sinh viên nhiều sức khỏe, cùng chung sức làm việc hết mình, cống hiến hết mình vì sự phát triển của nhà trường, vì sự phát triển của xã hội, của đất nước.“ PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng
Thầy có thể chia sẻ cảm xúc của thầy khi ngồi “ghế nóng” Bách khoa?
Tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 9/2020. Đối với tôi, nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm và cũng có đôi chút lo lắng về những công việc mình cần phải làm.
Nhưng tôi cũng thật sự vui mừng khi cảm nhận thấy cán bộ viên chức trong Trường hồ hởi, phấn khởi, Trường vẫn giữ được đà phát triển. Một số kết quả hoạt động của quý IV năm 2020 như kết quả tuyển sinh, phát triển đổi mới sáng tạo đã tiếp tục củng cố niềm tin vào sự phát triển của Trường.
Hiện nay, chúng ta không chỉ cạnh tranh lành mạnh giữa các trường Đại học Việt Nam với nhau mà còn cạnh tranh với các trường quốc tế nữa. Cá nhân tôi thấy rằng mình cần phải làm hết sức, nỗ lực vượt bậc để đáp ứng được sự kỳ vọng của các thầy cô, của cán bộ và sinh viên trong Trường.
Người ta thường thấy thầy Phó Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng phong thái hiền hòa, hay cười, thân thiện. Vậy thầy Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng thì có khác gì không, thưa thầy?
Vai trò Hiệu trưởng có sự khác biệt lớn so với Phó Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng để thực hiện công việc quản lý thuộc một lĩnh vực nào đó. Trách nhiệm của người Phó Hiệu trưởng là làm thế nào để thực hiện được “mảng” công việc của mình tốt nhất, cùng với các Phó hiệu trưởng khác trong Ban Giám hiệu trợ giúp, giúp việc cho Hiệu trưởng.
Còn vai trò của Hiệu trưởng rất quan trọng, đặc biệt ở hai nhiệm vụ cốt lõi: Định hướng những công việc lớn toàn trường sẽ làm trong nhiệm kỳ, trong 5 năm tới và những công việc cụ thể sẽ làm trong ngắn hạn theo kế hoạch, ví dụ 6 tháng hay 1 năm. Từ những công việc ngắn hạn đấy, Ban Giám hiệu sẽ lập những kế hoạch thực hiện chi tiết với các mục tiêu, tiêu chí cụ thể.
Vào những thời điểm quan trọng, trách nhiệm của Hiệu trưởng là phải quyết liệt dẫn dắt đBB tập thể vượt qua những trở ng%Ai quan trọng, việc thực hiện đi đúng hướng, đúng mục tiêu và sau một thời gian nhất định phải đạt được mục tiêu đặt ra của giai đoạn. Có như vậy, thì mục tiêu nhiệm k%1 mới có thể hoàn thành tốt.
Thầy có thời gian biệt phái làm việc tại Bộ GD&ĐT. Theo thầy, quãng thời gian “hướng mắt ra ngoài” này có giúp ích gì cho thầy trong công việc quản lý không?
Tôi đánh giá rằng, 1 năm biệt phái làm việc tại Bộ GD&ĐT là quãng thời gian rất quý giá. Khi biệt phái ở Bộ, tôi làm việc tại Ban Chỉ đạo về CNTT, Bộ trưởng là Trưởng Ban, một Thứ trưởng là Phó Trưởng Ban; thành viên của Ban đa số là các Vụ trưởng. Qua những chỉ đạo điều hành, qua những kế hoạch lập ra, qua những cuộc họp cùa Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ trưởng, tôi học được rất nhiều điều, từ phân công công việc, kiểm tra đánh giá hiệu quả và cả những vấn đề khi triển khai một việc nào đó ở cấp Cục, Vụ có thể gặp phải, cách giải quyết vấn đề một cách khoa học và hiệu quả của Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Tôi nghĩ rằng 1 năm biệt phái công tác ở Bộ GD&ĐT đã giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản trị, xây dựng kế hoạch và điều hành công việc. Cùng đó là sự hiểu biết của cá nhân tôi về từng lĩnh vực của các Cục, Vụ, tạo ra mối liên hệ tốt trong công tác.
Quan điểm về đổi mới sáng tạo trong trường đại học
Khởi đầu, khái niệm đổi mới sáng tạo trong trường đại học được nhiều người hiểu là mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp. Đến bây giờ, quan điểm đó còn đúng không, thưa thầy?
Đổi mới sáng tạo trong trường đại học bao gồm nhiều hoạt động, trong đó quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm và then chốt. Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới sáng tạo ở các đại học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.
Mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo: Các em sinh viên và giảng viên sẽ có định hướng đào tạo, nghiên cứu phù hợp, với các mục tiêu rất rõ ràng và cụ thể. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ có những bài toán cụ thể đặt hàng nhà trường làm, tiết kiệm được nguồn lực. Trên cơ sở đó, hai bên có thể đưa ra những sáng tạo trong tư duy về công nghệ, sáng tạo trong kỹ thuật để áp dụng trong doanh nghiệp.
Với các em sinh viên, các giảng viên, những ý tưởng phát minh sáng chế lại đến từ những vấn đề thực tế như vậy, từ đó hình thành các nghiên cứu, xây dựng thành các sản phẩm của người Việt, bí quyết công nghệ của Việt Nam và khởi nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp khoa học công nghệ start-up.
Đó là câu chuyện tại sao hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường lại thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cho quốc gia.
Đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi có những sinh viên và giảng viên đặc biệt xuất sắc, say mê công nghệ, đam mê nghiên cứu, tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo sẽ là cơ hội lớn và cũng là thách thức của Trường.
Thầy từng chia sẻ tại một buổi tọa đàm, rằng thầy coi trường đại học là một doanh nghiệp khoa học công nghệ đặc thù. Vậy áp dụng cách quản lý doanh nghiệp vào trường đại học như thế nào để sản phẩm – các ý tưởng sáng tạo – không bị hạ giá?
Tại sao lại nói nhà trường là một doanh nghiệp khoa học công nghệ đặc thù? Từ Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có những định hướng chủ trương vể đổi mới quản trị đại học trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh rất cao của các trường, phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, tư duy quản trị trường đại học như một doanh nghiệp đặc thù để nâng cao hiệu quả hoạt động lại càng trở nên đúng đắn và cấp thiết.
Trong Đại học Bách khoa Hà Nội, một trường kỹ thuật và công nghệ, bên cạnh những triết lý về đào tạo, giảng dạy, bên cạnh việc đào tạo nhân cách, văn hóa cho sinh viên, văn hóa giảng dạy của giảng viên, thì còn có việc quản trị trường đại học sao cho hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhanh chóng, kịp thời những tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Tất nhiên, quản trị đại học sẽ có khác biệt ở một số điểm như văn hóa đại học, sản phẩm của đại học đặc thù hơn… Nhưng vẫn có thể coi quản trị đại học phần nhiều giống quản trị doanh nghiệp. Tư duy quản trị đại học làm sao hiệu quả: Tính bình ổn, hiệu quả đầu ra, tính toán KPI, phương pháp luận quản trị doanh nghiệp, những phương pháp để tối ưu của các doanh nghiệp… đều có thể áp dụng cho quản trị đại học.
Áp dụng cách quản lý doanh nghiệp vào trường đại học như thế nào để sản phẩm – các ý tưởng sáng tạo – không bị hạ giá, theo tôi, sản phẩm của đại học có hai nội dung quan trọng: Thứ nhất là người học – các em cử nhân, kỹ sư chất lượng như thế nào, chất lượng kiến thức, kỹ năng như thế nào. Thứ hai là các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng của giảng viên và sinh viên. Chúng ta cần nâng cao chất lượng hai sản phẩm này để xã hội đánh giá cao, chứng minh giá trị của các sản phẩm thương hiệu Bách khoa.
Đổi mới sáng tạo có cần khâu trung gian, kết nối nào không, thưa thầy?
Đổi mới sáng tạo là một hệ sinh thái, một chuỗi liên kết để tạo ra giá trị kết nối quá trình nghiên cứu, sáng tạo thực hiện trong nhà trường. Trường có hai chủ thể quan trọng là giảng viên và sinh viên. Với các em sinh viên, khi đến trường chúng tôi xây dựng mô hình các câu lạc bộ thu hút các em đến chia sẻ, hoạt động, nêu ra các ý tưởng, qua đó các em sẽ xem xét sự ham thích của mình theo các lĩnh vực tương ứng. Từ đó, các em có thể có mong muốn nghiên cứu.
Nâng cao hơn, các em có các Lab để nghiên cứu. Có 3 loại Lab: Lab nghiên cứu chuyên sâu, làm việc với các thầy cô giáo về công nghệ, ra các bài báo có hàm lượng khoa học cao. Mục tiêu hướng đến của các Lab này là các em sau này có thể đi học ở nước ngoài, đạt được các học bổng tốt học thạc sĩ, tiến sĩ. Lab thứ hai là ứng dụng về công nghệ. Công nghệ luôn đổi mới, nên việc học tập, ứng dụng công nghệ, có thể đưa ra thị trường ngay hoặc theo yêu cầu của các doanh nghiệp, các nhà máy. Thứ ba là các Lab phát triển sản phẩm, mang tính chất liên ngành hơn, đòi hỏi một vòng đời nghiên cứu đầy đủ hơn, có thể liên kết một số em từ các nghiên cứu khác nhau hình thành những sản phẩm giúp ích được cho cuộc sống. Chủ trì và dẫn dắt các Lab này sẽ là các giảng viên, thực hiện nghiên cứu theo đam mê, theo sở trường của các thầy cô.
Tùy theo khả năng, ham thích, mong muốn, sinh viên có thể tham gia 3 Lab trên để học tập, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, phát triển những ý tưởng của mình. Cùng với các thầy cô, các em có thể làm ra những sản phẩm trực tiếp chuyển giao doanh nghiệp; Các em có thể hình thành các doanh nghiệp Start-up sản xuất, bán sản phẩm mình sáng tạo ra. Lúc đó, các em cần những nhà tài trợ, cần một quy trình hình thành các công ty Start-up.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có BKHUP – nơi gặp gỡ của các nhà đầu tư và các sinh viên có ý tưởng. Cần có một quy trình chặt chẽ để phát triển các ý tưởng, đảm bảo lợi ích của nhà trường, sinh viên, giảng viên – người tạo ra các sản phẩm đó. Đại học Bách khoa Hà Nội còn có BK-Fund – Quỹ của các nhà đầu tư. Mục tiêu hiện nay của Quỹ là tìm kiếm khả năng đầu tư từ những ý tưởng Start-up của các giảng viên, sinh viên trong trường, từ đó đẩy nhanh hơn nữa các doanh nghiệp xuất phát từ sinh viên, giảng viên của trường.
Nhà trường sẽ xây dựng một Văn phòng Chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Office – TTO) là nơi thu nhận các thông tin về đổi mới sáng tạo của các giảng viên, kết nối theo mô hình TTO trên thế giới, giúp cho BKHUP làm việc tốt hơn, giúp đỡ cho BK-Fund có nhiều tài trợ hơn, tìm kiếm khả năng các hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các thầy cô giáo, các Viện với doanh nghiệp bên ngoài, hình thành nên các công ty Start-up.
Toàn bộ chuỗi liên kết đó gọi là hệ sinh thái của Đại học Bách khoa Hà Nội. Bộ phận trung gian có thể coi là TTO để chắp nối thông tin giữa các bên liên quan và hình thành ra lợi ích tốt nhất cho tất cả các bên.
Thầy có thể cho biết hệ sinh thái đó học hỏi kinh nghiệm của quốc gia nào?
Các thế hệ lãnh đạo trước đây của Trường đã trăn trở và thành lập BK-Holdings, một công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trong nhà trường. Vào thời điểm đó, đây cũng là tư duy rất đột phá, làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng đỡ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhà trường.
Các lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây đã đi học mô hình của Đại học Thanh Hoa, mô hình của các Trường ở Mỹ để hình thành nên hệ sinh thái ban đầu của Đại học Bách khoa Hà Nội. Qua hiệu chỉnh và phát triển hơn 10 năm nay, mô hình này ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích lũy và học tập thêm kinh nghiệm từ châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới. Năm 2018, nhà trường tham gia một dự án kết nối giữa Đại học Bách khoa Hà Nội, 3 trường đại học khác ở Việt Nam và 3 trường Đại học mạnh ở châu Âu, giúp xây dựng, hoàn thiện mô hình.
Thưa thầy, ta thì luôn thúc đẩy các thầy, cô giáo đổi mới, sáng tạo. Vậy với người lãnh đạo thì sao? Đổi mới sáng tạo ở người lãnh đạo nên hiểu như thế nào?
Theo tôi, đổi mới sáng tạo ở người lãnh đạo lại càng quan trọng và cần thiết. Tư tưởng phát triển của một trường đại học phải hình thành bởi những khát vọng lớn, ý tưởng phát triển lớn, với những mục tiêu lớn, dài hạn. Bên cạnh đó, nhà trường luôn cần thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của trường đại học: Giảng dạy, nghiên cứu với chất lượng tốt hơn, định hướng tốt hơn; Các mô hình chuyển giao công nghệ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhà trường và cho doanh nghiệp; Hình thành các công ty Start-up; Xã hội nhìn nhận đánh giá cao hơn trường Đại học của mình. Đó luôn là những định hướng nhiệm vụ mà lãnh đạo các trường đại học luôn cần hướng tới.
Từ đó, rất cần người lãnh đạo thực hiện đổi mới sáng tạo, trong định hướng phát triển, trong tư duy lãnh đạo, trong xây dựng bộ máy, trong dẫn dắt phát triển theo những hướng đi tiên phong và tạo dựng niềm tin của xã hội, đối tác.
Theo tôi, người lãnh đạo cần thực hiện đổi mới sáng tạo trong 3 nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng bộ máy của nhà trường làm thế nào để hoạt động hiệu quả nhất, triển khai những nhiệm vụ chiến lược của nhà trường; Hình thành những giải pháp để đo lường đánh giá được. Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên của nhà lãnh đạo là làm thế nào để phân chia thành các bộ phận có thể thúc đẩy nhiệm vụ của nhà trường một cách hiệu quả nhất và đo lường đánh giá được hiệu quả đấy.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo của người lãnh đạo là dẫn dắt nhà trường, xã hội đi theo những cái mới. Như Đại học Bách khoa Hà Nội phải đào tạo những kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Đại học Bách khoa làm gì, từ đó các trường khác có thể làm theo; Nhà trường đổi mới trong chuyển đổi số như thế nào, đổi mới trong việc xây dựng chương trình đào tạo ra sao… Vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo là phải làm được, thuyết phục được xã hội tin vào con đường đi của nhà trường là đúng. Việc đó mang tính chất truyền thông để bảo vệ quan điểm, sự phát triển của nhà trường.
Thứ ba, tạo nên niềm tin cho các đối tác là các doanh nghiệp, các tập đoàn, các trường đại học trong nước và trên thế giới. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phải cam kết, thực hiện được các cam kết với đối tác. Chúng ta có một truyền thống vẻ vang, luôn được xã hội tin cậy, đánh giá cao. Và trách nhiệm của chúng ta là luôn làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất để giữ vững và vun đắp thêm niềm tin của xã hội với chúng ta.
Người lãnh đạo luôn cần sự sáng tạo và đổi mới. Chúng ta cũng luôn phải học hỏi, nghiên cứu, vận dụng những mô hình hay, tốt của thế giới để áp dụng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Lãnh đạo chúng tôi nhận thức được rằng Đại học Bách khoa Hà Nội chấp nhận sự phát triển của Trường có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ. “Đất lành chim đậu”, và nếu “đất không lành” thì “chim” sẽ đi. Nếu Trường không hoạt động tốt thì không giữ được người giỏi. Ngược lại, phải có cơ chế để những người chưa tốt phải cảm thấy nên cống hiến nhiều hơn, hoạt động hết sức để mình tốt lên. Như thế tập thể mới mạnh. Đó là hai điểm tôi cho rằng sẽ có sự “rung lắc” với những ai làm việc chưa tốt, và với người giỏi, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tối đa để họ cống hiến và kỳ vọng những người đó sẽ chung sức, đồng hành để làm việc và phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” – PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng
Hình dung Đại học Bách khoa Hà Nội 5 năm tới
Có thể hình dung ra Đại học Bách khoa Hà Nội sau 5 năm là như thế nào, thưa thầy?
Đặc điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội là có một quy hoạch kiến trúc của các chuyên gia Liên Xô trước đây rất đẹp, có khuôn viên rộng, có cây xanh, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của châu Âu, Các thế hệ lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển và luôn giữ gìn quy hoạch.
Theo kế hoạch và mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, chúng ta có thể hình dung Đại học Bách khoa Hà Nội gồm có 6 trường chính, tập trung vào các lĩnh vực Điện-Điện tử, Cơ khí, Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường, Vật liệu, Công nghệ thông tin, Kinh tế xã hội. Nhà C7 đã được xây dựng xong, đẹp đẽ và hiện đại. Trường Điện, Điện tử, Cơ khí sẽ có chỗ làm việc khang trang. Trường CNTT sẽ nằm trọn vẹn ở tòa nhà B1 – tòa nhà được sơn sửa lại đẹp hơn.
Các trường còn lại sẽ được phân khu tập trung những tòa nhà để hoạt động và phát triển hiệu quả. Môi trường làm việc sẽ được cải thiện để đạt chuẩn, sẽ có hệ thống Internet mạnh, phòng học hiện đại, khang trang, mọi người sẽ làm việc trên nền tảng công nghệ nhiều hơn.
Chắc chắn lúc đó giấy tờ sẽ ít đi, ai cũng sẽ làm việc trên môi trường mạng của nhà trường, sử dụng các học liệu – bài giảng số. Ai cũng sẽ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để làm việc.
Tư duy giảng dạy, học tập và nghiên cứu sẽ thay đổi căn bản, ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ tối đa. Một số Labs sẽ làm việc 24/7, phục vụ cho sáng tạo, cho nghiên cứu. Khuôn viên II của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ dần hình thành, đi vào hoạt động và chúng ta có thêm cơ hội để phát triển, để góp phần xây dựng nền công nghiệp và khoa học công nghệ Việt Nam.
Một nhiệm kỳ 5 năm sẽ trôi qua rất là nhanh và có nhiều việc cần thực hiện. Nhà trường hiện đang chủ trương tiếp tục cải tạo môi trường phòng đọc của thư viện điện tử, để cho sinh viên có thể học tập được tốt hơn, học được nhiều hơn trong môi trường thư viện. Ký túc xá của nhà trường sẽ được cải thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên ăn ở.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có truyền thống kế thừa và phát triển. Nhiệm kỳ này của tôi đã được kế thừa những kết quả tốt, những thành công từ các nhiệm kỳ trước.
Phát triển trong giai đoạn 2020-2025 đúng là một thách thức với nhiều điều đặc biệt. Đó là sự thay đổi nhanh chóng, vũ bão của khoa học công nghệ. Đồng thời, nhiều cái mới cũng như những thiên tai, những biến cố đã làm thay đổi suy nghĩ của cả một thế hệ. Ví dụ như đại dịch Covid-19 chưa bao giờ có từ trước đến nay, ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn nữa trên nền tảng các công nghệ, các mô hình của đổi mới sáng tạo, vai trò của thanh niên… Tất cả những điều đó tạo nên động lực, tạo nên khát vọng làm việc và phấn đấu cho thầy và trò trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế từ một nước có thu nhập trung bình, trong quá trình phát triển có một ngưỡng gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, nếu lọt vào vòng xoáy của “bẫy” này thì khó thoát ra được và mãi sẽ là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đảng và Chính phủ đặt ra mục tiêu rất mạnh mẽ và quyết liệt là đến năm 2045 chúng ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, thế hệ trẻ – sinh viên hiện nay, những em ở độ tuổi 20-25, sẽ là những con người góp phần sức lực chính để trong 25 năm tới xây dựng đất nước đạt mục tiêu này. Đại học Bách khoa Hà Nội với vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học, càng cần phải nhận rõ trách nhiệm và có những kế hoạch thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Trách nhiệm lãnh đạo trường nhiệm kỳ 2020-2025 là thực hiện thật tốt giai đoạn 5 năm đầu tiên, tạo tiền đề cho những năm phát triển tiếp theo. Thực sự là rất vẻ vang nhưng cũng rất thách thức. Đó là đặc thù của nhiệm kỳ lần này.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Gia Hân. Ảnh: Duy Thành