Sinh viên Viện Điện Trường ĐHBK Hà Nội thường kháo nhau rằng giờ dạy của thầy Tùng bộ môn Hệ thống Điện rất… mạnh mẽ. Hỏi TS. trẻ Lê Đức Tùng, làm thế nào để có giờ dạy đặc biệt như vậy? Tùng cười hiền: Cách tiếp cận bài giảng của tôi có phần mạnh mẽ, nhanh gọn, nhưng tôi cố gắng học các thầy giáo thời tôi còn học ĐHBK Hà Nội sự tận tâm, hết lòng vì sinh viên…
Đừng buông xuôi!
Vốn là học sinh giỏi các môn tự nhiên, thích học Toán và các môn kỹ thuật, nghe tư vấn từ người cậu là một cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội, Đức Tùng chọn Trường Bách khoa là bến
đậu thanh xuân.
Vượt qua những bỡ ngỡ về môi trường, về phương pháp dạy/học khác hẳn hồi THPT, vốn tính chăm chỉ, ham tìm tòi, học ở Bách khoa Hà Nội, Tùng thấy mình như con cá nhỏ
được bơi ra biển cả, háo hức với bao điều mới lạ. Các môn học khối tự nhiên không làm khó cậu sinh viên Đức Tùng, nhưng các môn xã hội lại làm cậu… choáng váng. Kỳ đầu môn Triết học, Tùng chỉ đạt 5 điểm. Quyết tâm cải tiến điểm số, thay đổi phương pháp học – chắt lọc các nội dung từ bài giảng của thầy cô giáo, mở rộng kiến thức thông qua sách tham khảo, kỳ sau thi môn Chủ nghĩa xã hội khoa học cậu đã đạt điểm 10 tuyệt đối.
Tính chăm chỉ nhưng Đức Tùng không phải là con mọt sách, cậu cũng tham gia các hoạt động Đoàn/Hội, đi chơi cùng bạn bè, nghịch ngợm các trò mà chỉ sinh viên ở ký túc xá mới có! Và như bao sinh viên ĐHBK Hà Nội, Tùng cũng có lúc lơ là, thi trượt! Các kỳ trước,
môn Toán của Tùng toàn 10 điểm, nhưng đến Giải tích 2 thì bị thi lại.
Hôm biết kết quả thi, Tùng sốc. Nhưng sau đấy xốc lại tinh thần, động viên bản thân tiếp tục học tập để có thành tích cao. Sau này, thỉnh thoảng thầy giáo Tùng vẫn kể câu chuyện thi lại năm nào cho các sinh viên, nhắn nhủ các em: Trong cuộc sống, trong học tập cũng sẽ có lúc không đạt được như ý muốn. Nhưng đừng vì thế mà buông xuôi, cần biết rút kinh
nghiệm, biết đứng lên, tiếp tục vững tin ắt thành công sẽ đến.
Vì được học thầy, tôi chọn nghề giáo!
Thời sinh viên, Lê Đức Tùng nhớ nhất những giờ học môn Đại số và Xác suất thống kê với thầy Kim Cương. Ở bậc đại học, thầy trò không gần gũi như hồi cấp 2, cấp 3, nhưng sự
tận tụy, tận tâm với sinh viên của thầy khiến Tùng vô cùng kính phục. Tùng nhớ như in những lúc giảng đường cuối chiều vào mùa đông lạnh lẽo, trời bên ngoài thì tối đen, nhưng nếu sinh viên còn thắc mắc, đặt câu hỏi thì thầy vẫn không nề hà nán lại, trao đổi cặn kẽ với sinh viên. Những kiến thức thầy truyền dạy đã giúp Tùng có nền tảng vững chắc và những bài thi điểm cao. Và hơn cả, phương pháp dạy học, phong cách vì sinh viên của thầy đã truyền cảm hứng cho Đức Tùng quyết định lựa chọn nghề thầy giáo.
Tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, Lê Đức Tùng sang Pháp học tập và nghiên cứu 5 năm. Ở nước Pháp xa xôi, Tùng kể sinh viên ĐHBK Hà Nội rất được yêu mến và tin tưởng. Các giáo sư thường trao đổi với nhau: Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội chỉ cần đạt 7.0 là theo học được chương trình ở đây, trong khi các trường khác dù 8.0 hay 9.0 vẫn cứ phải vừa dạy vừa “nghe ngóng” vì không biết có học được hay không! Xem điểm của Tùng khi ra trường là 8.7, các thầy phấn khởi lắm!
Từ Pháp trở về với tấm bằng tiến sĩ, nhiều cơ hội mở ra nhưng Tùng cảm thấy những trải nghiệm anh có được phù hợp nhất với môi trường ĐH. Việc truyền thụ tri thức cho sinh viên, cùng sinh viên nghiên cứu, giúp sinh viên trưởng thành… mang lại cho Tùng niềm vui, động lực mỗi ngày.
Tình yêu với ngôi trường gắn bó thời đại học đã khiến cậu lại chọn Bách khoa làm bến đậu hạnh phúc. Từ Pháp về, cô dâu tiến sĩ giỏi giang vốn học Trường ĐHBK Đà Nẵng đã theo
Tùng về dinh, “đầu quân” cho bộ môn Hệ thống điện, Viện Điện, Trường ĐHBK Hà Nội!
Nhìn thấy hình ảnh mình trong các sinh viên
Tính đến nay, đã 18 năm kể từ khi bước chân vào Bách khoa Hà Nội, nhìn lại các cô cậu sinh viên non tơ, Tùng vẫn thấy “chất Bách khoa” rõ nét, thấy một phần hình ảnh cậu
sinh viên Lê Đức Tùng ngày xưa – học miệt mài nhưng vẫn dành thời gian vui chơi, gặp gỡ bạn bè và cả… yêu đương! Những gương mặt thông minh, ham tìm tòi, đam mê nghiên
cứu đó đã kích thích thầy giáo Đức Tùng và các đồng nghiệp trau dồi kiến thức hơn nữa, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu từ sinh viên.
Nhìn lại một năm đã qua, Đức Tùng hài lòng nhất đã sắp xếp phù hợp và linh hoạt nhiệm vụ giảng dạy nghiên cứu ở bộ môn, ở Viện và cả nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn Trường. Tùng chia sẻ: “Sinh viên Bách khoa Hà Nội rất ngoan, nhưng tôi không chủ quan. Tôi luôn nhắc cán bộ Đoàn cần sát sao, tiếp cận nhiều luồng thông tin, trao đổi với nhau để kịp thời có các biện pháp giải quyết tình huống phát sinh; đồng thời cũng chú trọng tạo nhiều không gian, sân chơi văn minh, lành mạnh để sinh viên tham gia sinh hoạt ngoài giờ học tập”.
TS. Lê Đức Tùng là chủ nhiệm một đề tài Nafosted đã nghiệm thu, đang triển khai một đề tài cấp Bộ và ấp ủ phát triển dự án hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhiều người hay trêu Tùng rằng “nhớ vợ thì chạy vài bước chân là được gặp, hơn bao người”! Tùng cũng thấy hạnh phúc của mình được nhân đôi hơn người khác, khi tình yêu riêng hai vợ chồng nằm trong tình yêu chung ĐHBK Hà Nội. “Cuộc sống lúc đầu có vất vả, nhưng sau ổn định dần. Hiện giờ, có thể tự tin để cống hiến đóng góp cho Trường, cho sự phát triển của đất nước.” – Đức Tùng chia sẻ.
“Hãy mở to đôi mắt nhìn ra xung quanh, đừng làm con mọt sách! Sinh viên cần sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng. Như vậy các em sẽ hoàn thiện được kỹ năng, phát triển toàn diện và chắc chắn sẽ thành công trong tương lai.” – TS. Lê Đức Tùng