Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp “trồng người”, dùng cái tâm sáng của mình để thổi bùng ngọn lửa ước mơ cho sự thành đạt của biết bao thế hệ học trò, PGS Trần Liên Hà (Viện CNSH&CNTP) vinh dự là một trong năm nhà giáo của Trường ĐHBK Hà Nội vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Suốt 30 năm gắn bó với bục giảng, bảng đen phấn trắng, tình yêu với nghề giáo chưa bao giờ tắt trong trái tim cô.

Hẹn gặp PGS Trần Liên Hà tại văn phòng làm việc Bộ môn Vi sinh – Hóa sinh – Sinh học phân tử (Viện CNSH&CNTP) – nơi cô gắn bó cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người. Nét mặt rạng ngời, toát lên niềm hạnh phúc bởi đúng ngày Hiến chương Nhà giáo năm nay, bên cạnh những lời chúc tốt đẹp của các thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, PGS Trần Liên Hà còn được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Niềm vui như được nhân đôi vì những nỗ lực, cố gắng được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đồng thời đó cũng là động lực để cô tiếp tục cố gắng cho sự nghiệp “trồng người”.

VIẾT TIẾP TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, cả bố và mẹ đều công tác trong ngành giáo dục nên từ nhỏ cô học trò Trần Liên Hà đã nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt với sự nghiệp “trồng người”. Bố mẹ là những người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của cô sau này, đặc biệt là bố – NGƯT. PGS Trần Hữu Quế (nguyên giảng viên Viện Cơ khí), người đã truyền cảm hứng đam mê với ngành khoa học kỹ thuật và tình yêu với nghề giáo cho cô con gái đầu lòng. Vì vậy, cô lựa chọn học ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐHBK Hà Nội để thực hiện ước mơ của mình. Tốt nghiệp đại học năm 1986, cô được giữ lại Trường công tác, tham gia giảng dạy tại chính nơi mình học tập – Viện CNSH&CNTP. “Thật hạnh phúc biết bao khi ước mơ ngày nào của tôi đã trở thành hiện thực và nối tiếp truyền thống gia đình. Cảm giác hạnh phúc xen lẫn sự lo lắng, hồi hộp khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng với biết bao ánh mắt chăm chú theo dõi của các em sinh viên đang hướng về phía mình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên ngày đầu bỡ ngỡ ấy” – cô Hà tâm sự.

Tham gia giảng dạy các môn học vi sinh vật thực phẩm, kỹ thuật gen, công nghệ vi sinh vật, xu hướng phát triển công nghệ sinh học, cô luôn tìm tòi, sáng tạo, cập nhật những kiến thức mới trong các bài giảng nhằm tạo sự hứng thú, niềm đam mê với ngành học cho sinh viên. Cô chia sẻ: “Kiến thức là vô biên và luôn có sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới, vì thế, bản thân mỗi người thầy cũng phải vận động để cập nhật cái mới”. Thông qua việc đọc tài liệu trên mạng, đọc sách, tham gia các buổi hội thảo, gặp gỡ những giáo sư đầu ngành… là cách mà cô Hà nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để có những bài giảng hay, cuốn hút sinh viên.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như phát triển định hướng nghiên cứu, từ năm 1993 đến 1995, cô theo học chương trình cao học tại Trường Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) với chuyên ngành Kỹ thuật môi trường. Vài năm sau, cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Gifu (Nhật Bản), chuyên ngành Công nghệ sinh học. Những năm tháng tu nghiệp tại nước ngoài, bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn, thực hiện các định hướng nghiên cứu, cô còn học hỏi rất nhiều điều từ các giáo sư đầu ngành như việc quản lý công việc, sắp xếp thời gian… Việc thường xuyên trao đổi với các Giáo sư đã giúp ích rất nhiều cho công việc của cô.

                                   NGƯT. GS Nguyễn Văn Cách và NGƯT. GS Trần Liên Hà

“CHÁY” HẾT MÌNH CHO CÔNG VIỆC

30 năm trong nghề, bằng nhiệt huyết, tình yêu, sự tận tụy, tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao, PGS Trần Liên Hà luôn nỗ lực hết mình cho công việc. Cô tham gia giảng dạy cả ba hệ đào tạo (đại học, cao học và tiến sĩ) của Trường ĐHBK Hà Nội. Ngoài ra, cô còn tham gia đào tạo ở một số trường đại học khác như: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Thủy lợi, Viện Đại học Mở, Đại học Phương Đông. Cô luôn được đồng nghiệp và các thế hệ học trò quý mến. “Trong mỗi bài giảng của cô Hà luôn mang đến sự thích thú, kích thích sự sáng tạo của sinh viên. Cô không “cầm tay chỉ việc” mà luôn định hướng để chúng em tự nghiên cứu và tìm tòi. Không chỉ là người truyền kiến thức chuyên môn mà cô còn là người thổi bùng ngọn lửa đam mê với ngành nghề chúng em lựa chọn” – Nguyễn Thị Linh – sinh viên lớp Kỹ thuật sinh học K58 chia sẻ.

Bên cạnh công tác giảng dạy, PGS Trần Liên Hà luôn nỗ lực và dành tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay, cô đang tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính là xử lý môi trường và kỹ thuật gen. Đằng sau những nhọc nhằn, gian nan, vất vả, trái ngọt mà PGS Trần Liên Hà nhận lại là các công trình, sản phẩm khoa học, các bằng sáng chế được công bố. Tính đến thời điểm hiện tại, cô đã tham gia nghiên cứu 19 đề tài khoa học các cấp, được cấp 02 bằng sáng chế, 61 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế…

Con đường nghiên cứu khoa học vốn rất vất vả và không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với phụ nữ như PGS Trần Liên Hà. Để có được kết quả trên, cô đã phải cố gắng, nỗ lực hết mình, sắp xếp công việc một cách khoa học để cân bằng giữa công việc và gia đình. Điều may mắn đối với cô là luôn nhận được ủng hộ và hỗ trợ tối đa của người bạn đời – NGƯT. GS Trần Văn Cách. “Hai vợ chồng công tác cùng Bộ môn, cùng lĩnh vực nghiên cứu, cùng có chung đam mê, quả thực là một điều may mắn và thuận lợi rất nhiều. Chúng tôi dễ dàng trao đổi, tranh luận về vấn đề chuyên môn để tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất” – cô Hà tâm sự.

Cô cũng không ngần ngại bật mí về những kế hoạch, dự định trong thời gian tới: “Giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã cho tôi rất nhiều điều ý nghĩa. Vì thế, tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này, đặc biệt sẽ dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện đề tài cấp Nhà nước mà tôi đang triển khai là “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ dong đao làng nghề”. Hy vọng, nghiên cứu này sẽ cho kết quả tốt và sớm được ứng dụng trong thực tế” – PGS Trần Liên Hà cho biết.

Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS Trần Liên Hà được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Đảng, Nhà nước và Trường ĐHBK Hà Nội. Với cô những giải thưởng ấy là sự ghi nhận cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục. Nhưng điều hạnh phúc nhất với cô chính là sự thành công của các thế hệ học trò. Mỗi khóa ra trường thông báo đã tìm được công việc phù hợp và được doanh nghiệp đánh giá cao; hay một số sinh viên học lên các bậc cao hơn được các trường tiếp nhận phản hồi chất lượng đầu vào tốt… đó là niềm vui, hạnh phúc vô bờ như tâm niệm về nghề giáo của cô “mình cho đi những điều nhỏ bé nhưng nhận lại được là những điều lớn lao mà không thể đong đếm được”. Đối với cô hạnh phúc lớn nhất là được làm nghề giáo.

MỘT SỐ THÀNH TÍCH CỦA NGƯT.PGS TRẦN LIÊN HÀ

– 02 bằng sáng chế
– 19 đề tài nghiên cứu khoa học (9 đề tài cấp Nhà nước và 10 đề tài cấp Bộ, Thành phố)
– 12 bài báo, công bố quốc tế
– 49 bài báo trong nước
– Viết và biên soạn 02 đầu sách
– Hướng dẫn thành công 4 Tiến sĩ
– Hướng dẫn 19 học viên cao học
– 7 năm liền (từ năm 2010 đến 2016) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở;
– Năm 2012: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
– Năm 2016: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KH&CN
– Năm 2017: được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú

Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here