Giáo sư Tạ Quang Bửu: Giáo dục là tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội

0
1763
GS. Tạ Quang Bửu và phu nhân. Ảnh tư liệu

Sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội gắn với công lao to lớn của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu.

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông lớn lên trong một gia đình truyền thống Nho học.

Từ khi còn nhỏ, giáo sư Tạ Quang Bửu đã nổi trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Năm 1917, ông đã đứng đầu cuộc thi Toán, chữ Hán, chữ Quốc ngữ do phủ Tam Kỳ tổ chức. Năm 1922, ông đỗ vào Quốc học Huế. Năm 1926, sau khi đỗ Thành Chung, ông ra học ở trường Bưởi Hà Nội.

Năm 19 tuổi, Tạ Quang Bửu sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng sang Pháp học lớp toán đặc biệt của trường Louis Le Grand. Sau đó, ông học cử nhân Toán ở Viện Henri Poincaré, tiếp đó theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne và học Vật lý Lượng tử tại Đại học Oxford.

Năm 1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Từ đó Giáo sư Tạ Quang Bửu bắt đầu đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Ông từng giữ chức Tham Nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước và bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học, công nghệ.

Bác Hồ cùng một số thành viên Hội đồng Chính phủ kháng chiến năm 1947 (GS Tạ Quang Bửu ở hàng đứng, thứ 2 từ phải sang). Ảnh tư liệu

Giáo sư Tạ Quang Bửu, không chỉ có kiến thức uyên thâm ở nhiều lĩnh vực như Toán, Lý, Hoá, Triết, Sinh học, v…v… mà còn là nhà ngoại giao bản lĩnh, nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”.

Trong hồi ký “Chuyện gia đình và ngoài đời”, GS. Bùi Trọng Liễu, Đại học Paris, kể: “Vào khoảng năm đầu thập niên 1960, cái thời xa xăm ấy, lúc mà tâm trí đông đảo bà con Việt kiều hầu như còn dồn cả vào tình hình chính trị miền Nam, và chỉ lẻ tẻ vài cá nhân tự nguyện gửi sách báo, dụng cụ khoa học về một vài cơ sở ở miền Bắc, bỗng một bữa tôi nhận được một cuốn từ điển khoa học in trong nước do anh Tạ Quang Bửu gửi tặng. Sự việc thật đơn giản này gợi cho tôi câu hỏi: Đây là đường lối ‘chiêu hiền đãi sĩ’ của cách mạng Việt Nam mà anh là một trong những người góp phần vạch ra và thực hiện, hay là một dấu hiệu trong nước không từ chối sự đóng góp “tri thức” của kiều bào nước ngoài? Chắc là cả hai”.

Hay như lời kể của GS. Ngô Việt Trung, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, Viện trưởng Viện Toán học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Tôi cảm thấy ngành khoa học và giáo dục nước ta, vào thời điểm ấy, đã có một nhà lãnh đạo tài, đức tuyệt vời. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ khoa học toán học ở nước bạn, tôi vui vẻ trở về nước phục vụ, mặc dù biết rằng mình sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn”, theo tác giả Hàm Châu ghi lại trên Văn hóa Nghệ An.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Hiệu trưởng đầu tiên của Bách khoa Hà Nội, là một trong số những những trí thức Việt Nam sống ở Pháp được tiến cử trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và người đứng ra giới thiệu ông chính là Giáo sư Tạ Quang Bửu. Mối nhân duyên giữa hai vị hiệu trưởng đặt nền móng cho Bách khoa Hà Nội bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của tri thức, của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là việc gắn khoa học với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1956, GS Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Tư liệu

Sau khi miền Bắc được giải phóng, giáo sư Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước và giữ chức Giám đốc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ 1956 đến 1961, thay Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu không chỉ đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của Bách khoa Hà Nội mà trong chính thời kỳ này, ông đặt nền tảng phát triển cho các ngành khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Giáo sư Tạ Quang Bửu rất coi trọng việc gắn kết giữa giáo dục đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất. Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, Đại học Bách khoa Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư Tạ Quang Bửu, thực hiện thành công dự án phá thủy lôi bằng từ trường và được tặng thưởng Huân chương Quân công.

Giáo sư Tạ Quang Bửu chủ trương giáo dục phải đi trước để chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, dưới sự lãnh đạo của ông, đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh và sinh viên du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có sẵn một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý phục vụ công cuộc tái thiết và phát triển đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, khi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những cuốn sách của Giáo sư Tạ Quang Bửu đã giúp nhiều nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ. Trong hoàn cảnh Việt Nam cách ly hầu như hoàn toàn với khoa học và kỹ thuật thế giới, những cuốn sách mà Giáo sư Tạ Quang Bửu chủ biên trở thành cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam. Giáo sư để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị, đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật ngành quân sự nói riêng và sự phát triển khoa học, công nghệ Việt Nam nói chung.

Quan niệm sống của Giáo sư Tạ Quang Bửu là: “Điều cốt yếu không phải sống là gì, mà là làm gì trong lúc sống”. Trong lịch sử, không nhiều người có thể đảm đương nhiều vai trò trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật, quốc phòng quân sự, ngoại giao đến giáo dục như thầy hiệu trưởng thứ hai của Bách khoa Hà Nội.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt tên quảng trường trước cửa thư viện của Trường, thư viện đại học lớn nhất Đông Nam Á, là Quảng trường Tạ Quang Bửu để vinh danh thầy hiệu trưởng thứ hai của Bách khoa Hà Nội.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here