Trong buổi họp, thấy đồng nghiệp cùng trường dùng từ điển Anh – Việt trên máy tính Mac do mình viết App, anh Nguyễn Việt Khoa ướm hỏi: “Ông thấy từ điển này được không?” Đồng nghiệp (vốn là người khó tính) gật gù: “Cũng tàm tạm! Nhưng mà cũng chả có cái nào tốt hơn!” Nghe vậy, anh Khoa… sướng lắm. Cho đến tận bây giờ, rất ít người biết tác giả của từ điển điện tử Kadict hơn 10.000 người sử dụng lại là một giảng viên Ngoại ngữ Trường ĐHBK Hà Nội!
Sở thích… tréo ngoe!
Anh Nguyễn Việt Khoa là “dân” ngoại ngữ nhưng rất đam mê công nghệ. Anh học “một lèo” cử nhân tiếng Anh tại ĐH Tổng hợp, học thạc sĩ tại ĐH KHXH&NV và học tiến sĩ ngôn ngữ tại Vương quốc Anh. Quãng thời gian học tiến sĩ ở nước ngoài được chủ động về thời gian nên anh Khoa tự học lập trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, mày mò viết phần mềm từ điển điện tử.
Gặp khó khăn về bài toán lập trình, anh lại lên mạng, vào website của những người có kinh nghiệm để hỏi. Họ không bao giờ cho anh đáp án mà chỉ hướng dẫn cách thức để đi đến đích, nhưng chính con đường “tự lực cánh sinh” đó lại là khóa học thực tiễn hiệu quả nhất với anh Khoa.
Anh Khoa bắt đầu thu thập, biên tập chỉnh sửa cơ sở dữ liệu cho các từ điển từ năm 2007, viết code chương trình VIETTIEN Dictionary for Mac và Kadict cho Android từ khoảng đầu năm 2011. Cứ lọ mọ một mình, dành thời gian nghỉ để nâng cấp phần mềm, anh Khoa coi phần mềm điện tử của mình như đứa con tinh thần của mình vậy. Để rồi khi nhận phản hồi từ người dùng đề nghị team tăng thêm tính năng này kia, anh lại dí dỏm viết lại: Team có một người thôi, mà người đó phải đến hè hoặc nghỉ Tết mới rỗi được!
Hiện từ điển Kadict của anh Khoa đang để miễn phí và không quảng cáo. Duy nhất phần mềm VIETTIEN Dictionary for Mac anh để hỗ trợ tự nguyện bằng một… cốc bia. Hỏi tại sao anh không kinh doanh phần mềm này, anh Khoa chân thành chia sẻ: Mình là dân ngoại ngữ nên luôn mong muốn mọi người có công cụ để học ngoại ngữ thuận lợi, hiệu quả. Thế là vui rồi!
“Phá băng” suy nghĩ dân kỹ thuật kém tiếng Anh!
Hỏi về công việc hiện tại, anh Khoa hào hứng kể vể những cô cậu sinh viên Bách khoa thông minh, thầy dạy 1 mà trò hiểu 2. Viện Ngoại ngữ anh Khoa đang làm Viện trưởng có nhiệm vụ giảng dạy tiếng Anh cho khối chuyên ngữ và dạy tiếng Anh cơ bản cho các SV của các Khoa/Viện khác. Điểm khác biệt của Viện Ngoại ngữ Trường ĐHBK Hà Nội so với các đơn vị đào tạo ngoại ngữ khác là nhấn mạnh định hướng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập…
Một điều làm anh Khoa trăn trở bao lâu nay là làm sao “phá băng” được suy nghĩ của nhiều SV khối kỹ thuật. Cứ thấy thầy cô dạy ngoại ngữ là gãi đầu gãi tai: “Em thi khối A nên tiếng Anh dốt lắm thầy/ cô ạ”. “Tại sao cứ tự gán mác cho mình thế? Các em không biết rằng dân kỹ thuật luôn có khả năng học ngoại ngữ tốt. Những lớp tôi dạy đã thoát được tư duy này. Dần dần, SV toàn trường Bách khoa cũng cần thay đổi suy nghĩ để tự tin làm chủ được tiếng Anh” – Anh Khoa nhắn nhủ.
Mật ong hạnh phúc
Trong cuộc đời giảng dạy, anh Khoa có nhiều kỷ niệm thú vị. Một trong số đó là câu chuyện về một nữ sinh viên bỏ thi nên không đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp. Theo lý thì anh chỉ cần ký quyết định là xong, nhưng anh Khoa nghĩ đằng sau mỗi con người đều có một câu chuyện, và anh đã mời nữ sinh lên để trao đổi trực tiếp.
Thì ra sinh viên quê ở Điện Biên, ông ngoại ở Hà Đông (Hà Nội). Ông đã thay bố mẹ chăm nuôi em từ bé. Đúng hôm em đi thi thì ông bị ốm, phải cấp cứu. Nữ sinh đã bỏ thi để đưa ông đi viện. Lắng nghe câu chuyện, tìm hiểu kỹ thông tin, anh Khoa đã quyết định đề nghị phòng đào tạo cho SV thi lại môn ngay kịp thi để tốt nghiệp đúng hạn.
Cũng có ý kiến không đồng ý, thắc mắc lên BGH. Ngay sau đó, lãnh đạo nhà trường gọi anh Khoa để trực tiếp trao đổi. Đến bây giờ nhớ lại, anh Khoa vẫn bày tỏ sự tri ân lãnh đạo nhà trường đã ngồi từ 4.30 đến 5.30 chiều, tra hết các quy chế để xem có chỗ nào được “du di” như thế không. Đúng là cái gì cũng cần sự nhân văn, khoan dung, linh hoạt trong khả năng có thể . Sau đó nữ sinh viên được thi lại môn và làm tốt nghiệp thành công, ra trường đúng hạn.
Bẵng đi khoảng 5 – 6 tháng, anh Khoa nhận được một chai mật ong cùng tờ giấy nhắn ghi đơn giản: “Kính gửi thầy chai mật ong nhà em làm ở Điện Biên. Em cảm ơn thầy”! Anh Khoa chợt nhớ ra nữ sinh viên quê Điện Biên hôm nào. Tối về nhà anh Khoa vẫn dâng
trào hạnh phúc, cảm nhận sâu sắc rằng làm giáo dục quan trọng nhất là giúp được người!
“Tôi gắn bó với Bách khoa vì tình yêu ngầm với khoa học kỹ thuật. Với bản thân tôi, “One love” đã mang lại “One future”. Tôi luôn biết ơn Bách khoa đã cho tôi vị trí, kiến thức, tầm hiểu biết, cơ hội như hiện nay. Có câu hát vui “độ ta không độ nàng”, kể cả Bách khoa không “độ” thì tôi vẫn mãi gắn bó với Bách khoa. Ngoài tình yêu với Trường còn là sự biết ơn với đồng nghiệp, với sinh viên, với bạn bè!” – TS NGUYỄN VIỆT KHOA – Viện trưởng Viện Ngoại ngữ, Trường ĐHBK Hà Nội.
Tuấn Phong. Ảnh: NVCC