Chuyện những “công thần mở lối”

0
1025
GS. Thái Thanh Sơn (bên trái ảnh)

Đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những con người “rất Bách khoa” nhưng lại không hề tốt nghiệp tại bất kỳ một khóa đào tạo nào tại Trường – thường được gán cho cái tên trìu mến: “Khóa 0” của Đại học Bách khoa.

Cái tên không giống ai

Bất kỳ một tổ chức huấn luyện, đào tạo nào cũng thường đánh số thứ tự những thành viên đã trưởng thành từ cái nôi đào tạo của tổ chức mình. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vậy: Từ những Cụ sinh viên khóa 1, khóa 2 vào trường từ những năm 1956, 1957… cho đến các khóa cháu chắt như khóa 64, 65 đang ríu rít chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thành lập Trường và cả mấy nghìn cô cậu đang náo nức chờ khoác cho mình danh hiệu: Sinh viên Bách khoa Hà Nội khóa 66. Thế nhưng ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn có một lớp người đặc biệt: Các cụ khóa không – KHÓA 0. Thế là thế nào?

Trước hết, phải nói rằng tên gọi khóa 0 có hai điểm sai cơ bản.

Điểm sai thứ nhất là: Khóa 0 gồm và chỉ gồm những người được cử về công tác giảng dạy Thái Thanh Sơn. Ảnh CCPR, NVCC Lễ khai giảng thời kỳ đầu và nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước ngày 15/10/1956, nghĩa là trước lễ khai giảng đầu tiên khóa 1 của nhà trường. Vậy rõ ràng họ đều không được đào tạo từ Đại học Bách khoa Hà Nội và không thể xem là một “khóa” nào của Đại học Bách khoa Hà Nội cả.

Điểm sai thứ hai là về mặt Toán học: Trong tập hợp số nguyên thì số 0 liền kề trước số 1. Nếu khóa 1 tốt nghiệp ra trường năm 1961 thì khóa 0 tốt nghiệp ra trường năm…1960 (?), và đương nhiên các giảng viên khóa 0 không thể nào lên lớp dạy cho sinh viên khóa 1 từ năm 1956.

Cái tên gọi sai lè lè như vậy, vô lý như vậy nhưng đã 65 năm qua mọi người – cả trong Trường Bách khoa Hà Nội và cả ngoài xã hội – đều chấp nhận và sử dụng một cách vui vẻ, trân trọng và có chút tự hào.

Lễ khai giảng thời kỳ đầu

Những con người gắn với khóa 0

Vậy khóa 0 Đại học Bách khoa Hà Nội dùng để chỉ những ai? Kể ra cũng không nhiều lắm, và đến nay còn lại cũng rất ít, có thể đếm trên 10 đầu ngón tay.

Sau khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc năm 1954, cùng với việc củng cố xây dựng lại hai trường ĐH Y – Dược và ĐH Sư phạm trên cơ sở những tổ chức đào tạo đã có trong vùng kháng chiến cũ và mới tiếp quản từ vùng tạm chiếm, Đảng và Nhà nước chủ trương chuẩn bị thành lập một số trường đại học: Bách khoa, Tổng hợp, Nông Lâm và Kinh tế Tài chính.

Ngày 6/3/1956, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập Ban Tổ chức trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, trực thuộc Vụ Giáo dục Đại học và chuyên nghiệp, do Ông Hoàng Xuân Tùy, một sĩ quan chính trị cao cấp đã có qua đào tạo về kỹ thuật, làm Trưởng ban. Bộ phận công tác gồm 9 người đảm nhiệm mọi việc tổ chức, hành chính, tài vụ – chưa hề có cán bộ, nhân viên nào thuộc mảng công tác chuyên môn, giảng dạy.

Mãi đến ngày 1/7/1956, Bộ Giáo dục mới quyết định cử 28 giảng viên đầu tiên về chuẩn bị thành lập các Bộ môn: Toán (13 người – sau đó 3 người chuyển đi), Vật lý (8 người – 4 người chuyển đi), Hóa (5 người – 1 chuyển đi) và Địa chất (2 người – đều chuyển đi).

Họ là sinh viên từ các nguồn: Sư phạm Cao cấp và Khoa học cơ bản ở Nam Ninh, Dự bị đại học rồi Sư phạm cao cấp Liên khu IV vùng kháng chiến cũ, Đại học sư phạm và Đại học khoa học trong vùng tạm chiếm cũ,… Họ tốt nghiệp năm 1955 nhưng Bộ không phân công công tác ngay như các bạn cùng khóa.

Các giáo sư tốt nhất trong nước có thể huy động trong thời đó được mời về để bồi dưỡng liên tục cho các cán bộ này ba kỳ học trong một năm về nhiều lĩnh vực: Triết học Mác Lê Nin – GS. Trần Văn Giàu và GS. Hoàng Xuân Nhị, Nguyên lý Giáo dục học – GS. Cao Xuân Huy, Toán – GS. Lê Văn Thiêm và GS. Nguyễn Thúc Hào, Vật lý – GS. Vũ Như Canh và GS. Ngụy Như Kontum… Một vài cán bộ cao cấp trong chính phủ đồng thời là những nhà khoa học, sử học lớn như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Trần Huy Liệu… cũng tổ chức hội thảo và báo cáo chuyên đề cho khóa đào tạo đặc biệt đó.

Tiếp ngay sau đó, nguồn cán bộ được bổ sung thêm 1 kỹ sư ở Cục công binh (Nguyễn Sanh Dạn – sau chuyển đi), 1 kỹ sư ở Tổng Cục địa chất (Nguyễn Văn Chiển – sau chuyển đi), 3 kỹ sư Việt kiều ở Pháp (Lê Tâm, Nguyễn Như Kim, Lê Bảo – sau đều chuyển đi), 2 kỹ sư được cử đi đào tạo ở Liên Xô cũ mới về (Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa) và 1 phiên dịch tiếng Nga (Nguyễn Bá Hưng – từ Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh – sau cũng chuyển đi). Còn có 4 cán bộ chính trị quân đội được chuyển ngành về, chuẩn bị cho các môn Giáo dục chính trị (nhưng sau đã chuyển đi nơi khác).

Những người trong số này ở lại lâu dài công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến khi qua đời hoặc về hưu tại trường lập thành đội ngũ cán bộ giảng dạy Khóa 0 (thời đó chưa có hệ thống chức danh giảng viên nên người đi dạy gọi chung là cán bộ giảng dạy) – và chỉ có họ mới đúng là Khóa 0 của Đại học Bách khoa (Hà Nội) – tức là những người về công tác giảng dạy TRƯỚC NGÀY LỄ KHAI GIẢNG ĐẦU TIÊN của Trường.

Cuối năm 1956 và sang 1957, 1958, rất nhiều người tốt nghiệp đại học trong nước, cùng nhiều kỹ sư và cả một số cán bộ kỹ thuật trung cấp ở Trung Quốc về, đều tham gia giảng dạy và hướng dẫn thí nghiệm ngay cho sinh viên Khóa 1 trong mấy năm học cuối nhưng họ đều không được xếp vào lớp cán bộ giảng dạy Khóa 0.

Tháng 8/1956 những cán bộ giảng dạy và công nhân viên Khóa 0 đó – bao gồm cả 2 đồng chí bảo vệ và 3 cô cấp dưỡng, đã đóng cửa niêm phong khu vực Trường (khi đó chỉ gồm nhà D, nhà E và nhà F) để cơm đùm cơm nắm, bắt tuyến xe điện leng keng lên tổ chức thi tuyển sinh Khóa 1 tại trường Trung học Trưng Vương ở Phố Hàng Bài. Vậy là, tháng 9/1956, Khóa 1 bắt đầu học tập.

Lễ khai giảng Trường lần đầu tiên tổ chức vào ngày 15/10/1956 và ngày 15/10 hàng năm được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Trường.

Tên gọi Khóa 0 đã gắn chặt những người cán bộ Khóa 0 với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thân yêu, thể hiện sự trân trọng đối với nhứng “công thần mở lối” của Trường, xem họ là một bộ phận gắn liền không thể tách rời của Nhà trường.

Thái Thanh Sơn. Ảnh: CCPR, NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here