» Chào các em! Chúc mừng các em vừa hoàn thành chặng đường chinh phục đỉnh núi tri thức của Bách khoa Hà Nội, hơn thế các em là những “chiến binh” mạnh mẽ nhất trong chặng đường nhiều thức thách đó, cảm xúc của các em lúc này thế nào?
Bùi Thu Lê: Phải chia sẻ thành thật rằng, cá nhân em và gia đình có suy nghĩ rất tích cực về thành tích trong quá trình học tập. Lúc nhận tin mình là thủ khoa tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân của Trường em cảm thấy… bình thường. Thậm chí, ngày nhận bằng tốt nghiệp em hơi buồn vì theo chương trình sẽ ngồi riêng một khu chứ không được ngồi cùng các bạn trong lớp. Nhưng lúc lên sân khấu nhận bằng khen do thầy Phó hiệu trưởng trao tặng trong tiếng cổ vũ của bạn bè, các thầy cô trong viện và đặc biệt là nụ cười của mẹ, em đã thực sự rất vui, tự hào và xúc động.
Nguyễn Hữu Hoàng: Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi kết thúc chặng đường 5 năm Bách khoa được trở thành một trong những thủ khoa của Trường. Em cũng cảm thấy mình thật may mắn khi được cháy hết mình, phấn đấu hết mình, nỗ lực hết mình cùng bạn bè, thầy cô của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông trong suốt hành trình đó.
» Nếu ví cuộc đời là một chuyến tàu, có lý do nào khiến các em chọn Bách Khoa Hà Nội là điểm xuất phát cho chuyến tàu đó?
Bùi Thu Lê: Có thể em may mắn hơn các bạn khác rất nhiều khi ngay từ thuở bé đã gắn bó với Bách khoa. Nhà em ở gần Trường, ngày còn nhỏ đã rong ruổi chạy chơi khắp nơi trong Trường. Hơn nữa cả gia đình em đều từng là sinh viên Bách khoa nên hình ảnh và hai chữ Bách khoa đã in hằn trong tâm trí em suốt thời thơ ấu. Bên cạnh đó, em rất thích các ngành kỹ thuật, công nghệ, nhưng bản thân lại học khối D, đến khi tìm hiểu các ngành đào tạo bậc đại học thì không có lựa chọn nào phù hợp hơn ngành Tiếng Anh Khoa học – Kỹ thuật của Bách khoa Hà Nội nữa. Vậy là em quyết định chọn ngay.
Nguyễn Hữu Hoàng: Em có thế mạnh về môn Toán, bản tính lại rất thích lĩnh vực công nghệ nên đã có định hướng sẽ chọn các trường đại học công nghệ để theo học. Và Bách khoa là trường kỹ thuật hàng đầu cả nước nên đương nhiên nằm trong danh sách. Cùng với đó, em có anh trai là sinh viên của Trường, những ngày nghỉ, có thời gian là anh lại kể… Bách khoa đẹp lắm, Bách khoa học khó lắm, sau này ra trường sẽ nhớ Bách khoa lắm… Cứ thế chẳng biết từ lúc nào, Bách khoa đã trở thành lựa chọn duy nhất trong bảng danh sách vốn hơi dài kia! (Cười).
» Trong giới sinh viên vẫn thường truyền tai nhau câu nói “không học lại thì không phải là sinh viên”, các em đã chứng minh điều đó như thế nào?
Bùi Thu Lê: Thú thực thì em chưa từng học lại hay học cải thiện bao giờ nên nếu áp dụng câu nói trên vào bản thân mình thì em… vẫn là sinh viên (cười lớn)
Nguyễn Hữu Hoàng: Ôi! Thật ra em cũng muốn biết cảm giác học lại như thế nào lắm! Nhưng em chưa có cơ hội được trải nghiệm lần nào. Em cũng đã nghe các anh chị, cũng như các bạn nói đến câu nói trên nhưng đối với cá nhân mình em cảm thấy mình vẫn là sinh viên đích thực.
»Là những gương mặt của “con nhà người ta” các em có thể chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp học tập cá nhân để có kết quả học tập tốt?
Bùi Thu Lê: Đối với cá nhân em, vì là sinh viên ngành Tiếng Anh Khoa học – Kỹ thuật, nên em luôn quan niệm phải làm sao phải vừa nâng cao được khả năng ngôn ngữ vừa học được các kiến thức khoa học công nghệ. Nếu không làm được điều này, các bạn đã để lỡ mất một cơ hội tuyệt vời khi theo học ngành ngôn ngữ tại Bách khoa. Theo quan điểm cá nhân, cái sinh viên được học trong trường không chỉ là kiến thức mà là cách hình thành tư duy về một lĩnh vực nào đó. Lấy Nguyễn Hữu Hoàng – thủ khoa đầu ra hệ đào tạo kỹ sư năm 2018. một ví dụ: Khi bạn dịch tài liệu kỹ thuật, tài liệu không có những kiến thức đơn giản như khi học nhưng bạn vẫn sẽ dịch được vì đã có sẵn tư duy về kỹ thuật, bạn sẽ hiểu văn bản đang nói gì, biết nên đọc thêm tài liệu ở đâu hay tra từ ở nơi nào…
Em có định hướng hình thành tư duy về kỹ thuật từ đầu nên rất hay đọc các trang báo về khoa học như Live Science hay ScienceAlert, theo dõi các kênh youtube như Kurzgesagt – In a Nutshell, Life Noggin hay Seeker… Các nguồn thông tin này không chỉ giúp phát triển khả năng tiếng Anh, cung cấp thêm hiểu biết chung mà đối với các bạn năm thứ ba, thứ tư đây còn là nguồn tư liệu cho các bài tập dịch sau này nữa.
Nguyễn Hữu Hoàng: Nghe giảng đầy đủ, hoàn thành các bài tập được giao và học nhóm khi ôn thi cuối kỳ là các yếu tố cần nhớ đầu tiên khi bước chân vào môi trường đại học. Nghe giảng đầy đủ sẽ giúp các bạn nhớ kỹ kiến thức nền tảng, giải các bài tập giúp nhớ và phát triển tư duy đối với môn học và học nhóm, tranh luận giúp ôn lại kiến thức và làm sáng tỏ nhiều vấn đề khúc mắc. Thường thì sinh viên Bách khoa có thói quen học nhóm trước khi thi, cá nhân em nhận được rất nhiều lợi ích từ đó, không chỉ là cho bài thi mà còn nhiều kỹ năng khác như trình bày, phản biện, nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh. Song song với học tập là thực hiện một nếp sống sinh hoạt đều đặn, có lẽ vì sức khỏe yếu từ nhỏ nên mọi việc em làm đều có giờ giấc và được sắp xếp có khoa học. Việc này đảm bảo sức khỏe cho quá trình học cũng như khả năng tiếp thu bài giảng. Cuối cùng là các bạn nên hình thành thói quen chủ động tìm kiếm, học hỏi kiến thức từ sớm, đó là một ưu điểm rất tốt và là vũ khí quan trọng của bạn đối với môi trường học tập tại Bách khoa.
» Trường ĐHBK Hà Nội vừa chào đón hơn 6.000 các bạn tân sinh viên K63, với tư cách là những anh chị đi trước, các em chia sẻ gì với những tân binh vừa gia nhập ngôi nhà Bách khoa?
Bùi Thu Lê: Đại học là nơi các bạn khám phá bản thân, hãy tham gia các hoạt động để cải thiện kỹ năng mềm, thành lập các mối quan hệ hay thử sức ở một công việc nào đó. Học vẫn là công việc tiên quyết nhưng kiến thức chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ nằm ở cách các bạn phát triển bản thân và đại học chính là cơ hội phát triển cho tất cả các bạn.
Nguyễn Hữu Hoàng: Em chỉ muốn chia sẻ với các em tân sinh viên “4 chữ HÃY”. Thứ nhất: HÃY rèn luyện thói quen học tập làm việc đúng đắn: Lên đại học môi trường thay đổi, nhiều bạn xa nhà đi học, việc giảng dạy và học tập mang tính tự giác cao hơn, khối lượng kiến thức cũng nhiều hơn, vì vậy phải tự rèn luyện cho mình thói quen học tập và làm việc đúng đắn, các em sẽ dần bớt cảm giác bị choáng ngợp khi mới vào đại học, dần ổn định và thói quen này luôn có ích cho hành trình sau này. Thứ hai: HÃY tập trung vào những điều quan trọng: Mỗi giai đoạn lại có những vai trò khác nhau, học đại học là quá trình tích lũy kiến thức, sau đó mang ra áp dụng trong cuộc sống, vậy nên, hãy tập trung vào việc học lúc này. Thứ ba: HÃY giữ gìn sức khỏe: sinh viên thường hay thức khuya, có lúc do mải xem phim, chơi game, có lúc lại do bài tập lớn hay đồ án đến hạn phải cố làm. Đây không phải là thói quen tốt và không nên để diễn ra thường xuyên, việc thức đêm cũng ảnh hưởng tới giờ học. Cuối cùng: HÃY trau dồi đạo đức, giúp đỡ người khác tùy theo sức mình: Bách khoa Hà Nội có rất nhiều sân chơi cho các em thỏa sức trau dồi đạo đức và thiện nguyện: Tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện, tiết kiệm một cốc trà đá vào mỗi sáng thứ Năm…
» Cảm ơn hai em đã có cuộc trò chuyện cùng Đặc san Bách khoa. Chúc các em luôn vui và hạnh phúc trên những chặng đường sắp tới. ■
Sáng Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp