Là người ngoại đạo, thật khó để theo kịp được các suy nghĩ khi trò chuyện với một nhà nghiên cứu nhiều năng lượng như TS. Đặng Thanh Tùng – người mới gia nhập gia đình Bách khoa theo Đề án Giảng viên xuất sắc, nhất là khi anh kể những câu chuyện chuyên sâu về Hóa học như về bảo vệ nhóm amino của nucleoside… Nhưng một điều rõ ràng có thể cảm nhận được là nhiệt huyết, sự say mê nghiên cứu, tính cách quyết liệt và theo đuổi đến tận cùng vấn đề của TS. Tùng.
Đi tìm chính mình
Năm nay 41 tuổi, nhưng gần 20 năm TS. Tùng ở nước ngoài: Làm tiến sĩ ở Đức, sau tiến sĩ ở Pháp, và cứ 1 đến 2 năm, khi hết thời gian hợp đồng, anh lại chuyển thành phố để làm sau tiến sĩ ở nơi khác. Tùng kể: “Tôi chuyển hướng nghiên cứu liên tục trong khoảng thời gian từ 2009-2021. Tôi cũng đã thử tìm cơ hội ở Anh, nhưng không hiểu sao cuối cùng rồi lại quay về làm việc ở Pháp”.
Ở Pháp, Tùng có một cuộc sống ổn định cùng gia đình nhỏ của anh. Cuộc sống của anh là mơ ước của nhiều người. Nhưng với riêng Tùng, bức tranh trong anh dường như vẫn thiếu mảnh ghép khi anh luôn cảm thấy không được là chính mình ở nơi đấy.
Có lẽ đó là khoảng trống, sự cách biệt về văn hóa. Tùng kể: Khi nhìn một biểu tượng, mình sẽ thấy được câu chuyện có mình trong đó. Như thấy Hồ Gươm là nhớ ngay đến sự tích Hồ Gươm, nhớ các kỷ niệm hồi đi học với bạn bè, thời thanh xuân nghịch ngợm; thấy Hoàng Thành là nhớ ngay đến cả một thời kỳ lịch sử hào hùng. Những câu chuyện đó là của Việt Nam, của chính mình!
Nhưng ở nước ngoài, nhìn các biểu tượng, hiểu được giá trị lịch sử, nhưng thấy nó xa lạ, sách vở. Sống ở một đất nước mà mình có tất cả mọi thứ nhưng nó lại không thuộc về mình về mặt văn hóa thì thật bơ vơ, lạc lõng.
“Điều kiện tuyển người của Bách khoa Hà Nội rất cơ bản để chuẩn hóa một người yêu thích và đam mê nghiên cứu.” – TS. Đặng Thanh Tùng
Với Tùng, làm khoa học ai cũng thích mình tác giả chính của bài báo và công trình nghiên cứu nhưng nếu công trình đấy xuất phát từ Việt Nam thì sẽ thú vị hơn nhiều so với được nghiên cứu tại nước ngoài! Xuất phát từ mong muốn sau này các con mình phải hiểu văn hoá Việt Nam và biết nguồn gốc của người Việt, Tùng ấp ủ dự định trở về quê hương để làm một cái gì đó “Made in Vietnam”.
Tùng đã lên kế hoạch trở về trước khi dịch Covid bùng phát. Khi đại dịch tràn đến, toàn châu Âu “lock down” như một cú hích cho nung nấu của Tùng. Đúng thời điểm đó, Tùng biết đến Đề án thu hút, tuyển dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Điều kiện tuyển người của Bách khoa Hà Nội rất cơ bản để chuẩn hóa một người yêu thích và đam mê nghiên cứu. Đó là chỉ số H-index (chỉ số đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học) và chỉ số Citation (chỉ số trích dẫn khoa học). Bản thân tôi nhận thấy mình đã đủ điều kiện để ứng cử vào Đại Học Bách khoa Hà Nội, về Trường với tư cách một giảng viên đồng thời là một nhà nghiên cứu”.
Đầu năm 2022, Tùng chính thức trở thành Người Bách khoa!
“Tôi muốn tạo ra một liên kết mới trong Hóa học!”
Với niềm tin lạc quan, TS. Tùng đã rời khỏi vùng an toàn của mình. Một mình về Việt Nam, người thân, bạn bè, gia đình ai cũng quá đỗi ngạc nhiên. Tùng vui với quyết định của mình, không cảm thấy có gì sai hay đúng cũng không cảm thấy có gì phải từ bỏ hay đánh đổi. Đơn giản đó chỉ là một sự chọn lựa, thấy vui là làm! Được sự chào đón của Bách khoa, được làm việc với những đồng nghiệp thân thiện, dễ mến, Tùng coi Bách khoa như là gia đình thứ hai của mình.
Có nhiều điều mà đến giờ, sau hơn 6 tháng làm việc tại Bách khoa Hà Nội, Tùng mới “vỡ ra” sau những “nghe nói” và Tùng tâm sự : “Sự năng động của Bách khoa Hà Nội cao hơn các nơi khác rất nhiều: Tính liên ngành cao hơn, tính thích ứng đối với xã hội cao hơn. Các bài toán khó của xã hội, của công nghệ, của khoa học đều được gửi về Bách khoa nhiều hơn các cơ sở giáo dục khác. Về Bách khoa Hà Nội nửa năm tôi mới hiểu ra điều này.
Tôi còn cảm nhận rõ quá trình chuyển mình của Bách khoa Hà Nội với nhiều bài toán mà những người như tôi cần phải giải. Với tôi, đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức. Mọi người thích tính ổn định, nhưng tôi lại thích trạng thái chuyển đổi liên tục. Lúc đó, tôi sẽ thể hiện được khả năng và đóng góp của mình”. Mỗi ngày trôi qua, Tùng càng thêm động lực để tìm lời giải cho bài toán anh theo đuổi!
Về Bách khoa Hà Nội theo Đề án Giảng viên xuất sắc, nhiệm vụ Bách khoa Hà Nội đặt ra cho Tùng không quá khó với một nhà khoa học nghiên cứu: Năm đầu tiên xuất bản 2 bài báo Q1 và Q2. Cái khó hơn là kết quả nghiên cứu sẽ mang lại giá trị gì sau đấy.
Hỏi Tùng về những dự định ở Bách khoa, câu trả lời không giống như các cuộc phỏng vấn khác. Bình thường nhân vật sẽ rất hào hứng chia sẻ về các kế hoạch, các sản phẩm tương lai có “hình hài” rõ nét. Còn với Tùng, anh có nhiều kế hoạch, mong muốn, có cái đã được viết cụ thể trên giấy, có cái đã khởi động, nhưng anh không mô tả nó. Nhà khoa học nhiều năng lượng này chỉ đơn giản chia sẻ: “Tôi có nhiều dự định ở Bách khoa Hà Nội, nhưng khi nào thành công thì mới là công trình hoàn chỉnh, còn không thì vẫn là dự án dang dở trên giấy nháp”.
Thấy ánh mắt có vẻ nghi ngờ của người đối diện, Tùng nghĩ cách giải thích cho người “ngoại đạo” hiểu về công việc của mình: “Tôi nghiên cứu tổng hợp toàn phần một hợp chất hữu cơ. Có khoảng 13-14 bước hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào chất. Đến bước cuối cùng tôi không thành công thì có nghĩa 12 bước trước đều vô nghĩa. Vậy nên làm nghiên cứu khoa học cơ bản quan trọng hoàn thành giai đoạn cuối cùng và có sản phẩm hoàn chỉnh. Không ai quan tâm mình thất bại như thế nào.
Một công ty đặt ra vấn để cần tôi giải quyết là làm sao để bảo vệ được nhóm amino của Nucleoside mà không ảnh hưởng đến các nhóm chức khác. Nếu bảo vệ và tách loại thành công, vấn đề đó sẽ được ứng dụng trong sinh học để xây dựng chuỗi mRNA.
Việc của tôi là phải nghĩ ra phương pháp bảo vệ nhóm amino trong phân tử Nucleoside. Điều kiện của phản ứng khá ngặt nghèo, tôi phải tập trung, kiểm soát nó. Các mono-nucleoside sẽ được ứng dụng để tổng hợp chuỗi mRNA nhân tạo. Chuỗi mRNA nhân tạo là một phần của công nghệ Vaccine thế hệ mới mà chủ nhân là GS. Katalin Karikó đã được giải VinFuture 2021.
“Tôi chưa sẵn sàng vào Bách khoa để tạo ra ngay một sản phẩm khoa học ứng dụng. Nhưng nghiên cứu cơ bản, tôi đã sẵn sàng rồi. Tôi muốn tạo nên một liên kết mới trong Hoá học”. – TS. Đặng Thanh Tùng
Giá trị đẹp nhất của khoa học
Để thực hiện được mong muốn nghiên cứu khoa học và công bố được những công trình nghiên mới, với các nhà khoa học từ nước ngoài trở về, điều đầu tiên họ hay bị “sốc” về những khó khăn về cơ sở vật chất.
Tùng không mơ mộng một viễn cảnh chỉ có sự cống hiến mà đã có sự chuẩn bị 2-3 năm về kinh tế cho cuộc sống ở Việt Nam, ở Bách khoa để làm sao trong 2-3 năm đó, anh chỉ chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Tùng lạc quan suy nghĩ: “Đối với nhà khoa học, khi giải được bài toán, chắc chắn họ sẽ thành công và ổn định về mặt kinh tế”. Có thể thấy, Tùng chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm và thế cho lần trở về này như thế nào.
Với nhu cầu của Tùng, lương Bách khoa cho anh một cuộc sống ổn định. Điều anh thích nhất là cách trả lương ở Bách khoa rất minh bạch và công bằng. Dù điều kiện về cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng Tùng không bất ngờ, không nản chí. Anh tin Nhà trường, nhiều bạn bè ở các trường đại học khác, các viện nghiên cứu sẽ luôn tạo điều kiện hỗ trợ anh về hóa chất, dụng cụ trang thiết bị thí nghiệm. Mỗi ngày đi làm, anh đều thấy mình đang có một sự khởi đầu tuyệt vời!
Nhà khoa học, TS. Đặng Thanh Tùng đặt mục tiêu 1-2 năm nữa, phòng lab của anh đủ điều kiện nghiên cứu khoa học cơ bản và quan trọng hơn cả là thắp lên niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên Bách Khoa Hà Nội”.
Hiện ở Bách khoa, ngoài công việc nghiên cứu, Tùng cùng 3 đồng nghiệp đồng hướng dẫn 8 sinh viên. Anh lên kế hoạch dài hạn các công việc cho sinh viên, hy vọng 1 năm sau, các bạn sinh viên trẻ sẽ đóng góp được một công trình nghiên cứu trong báo cáo hội nghị khoa học của Viện Kỹ thuật Hoá học.
Thêm vào đó, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội hợp tác trao đổi nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu quốc tế như ở Leuven ở Bỉ, Rostock ở Đức hay Rennes, Cergy-Paris ở Pháp. Với các công trình nghiên cứu này, các bạn sẽ có một điểm đẹp trong CV khoa học và có thể apply được các quỹ học bổng du học sau này.
Tùng rất thích sự thông minh và năng động của sinh viên Bách khoa. Anh luôn cố gắng truyền cho sinh viên tình yêu khoa học. “Điều khiến tôi theo đuổi khoa học gần 20 năm đó là trong khoa học 1+1 luôn bằng 2. Đó là giá trị đẹp nhất của khoa học. Tôi hy vọng sẽ truyền tải được tình yêu này cho sinh viên Bách khoa Hà Nội” – Tùng chia sẻ.
Một điều thú vị xin được kể để làm kết cho bài viết về một số lát cắt người ngoại đạo “cảm” về một nhà khoa học nghiên cứu cơ bản, đó là câu chuyện về ấn tượng của họ với nhà khoa học khác – giống như họ cảm nhận về chính bản thân họ vậy!
Câu hỏi đặt ra: Anh ấn tượng nhất về người nào ở Bách khoa Hà Nội?
Nhà khoa học Đặng Thanh Tùng: PGS. Nguyễn Công Tú, Viện Vật lý Kỹ thuật! Tôi biết Tú từ năm 2012, hồi cùng làm nghiên cứu ở Toulouse, Pháp. Điều tôi rất thích ở Tú là đến bây giờ, tình yêu khoa học và nhiệt huyết của Tú vẫn rất tràn đầy. Và tôi nghĩ tôi cần phải học hỏi Tú, để sau 10 năm nữa tôi vẫn còn giữ được tinh thần như vậy!
PGS. Nguyễn Công Tú: Tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục khi nói chuyện với anh Tùng. 10 năm trước, tôi và anh Tùng cùng ở Toulouse, Pháp và hay đi đá bóng cùng nhau. Khi đó anh Tùng có chia sẻ với tôi về các ý tưởng, các kế hoạch, các giải pháp cho các vấn đề thực tế trong công nghiệp cũng như kế hoạch về Việt Nam sau khi trải nghiệm đủ …. 10 năm sau, khi gặp lại ở Bách khoa, anh Tùng vẫn vẹn nguyên tình yêu khoa học, sự nhiệt tình và đặc biệt là nguồn năng lượng dồi dào toát ra từ anh ấy khi nói chuyện về những ý tưởng, bài toán anh muốn tìm lời giải ở Bách khoa. Tôi thực sự rất khâm phục sự quyết liệt, chất lửa và khả năng duy trì nguồn năng lượng dồi dào của anh Tùng trong cả công việc và cuộc sống!
“Ai cũng sẽ mường tượng đến bức tranh tương lai của mình như thế nào. Với tôi, bức tranh đấy sẽ liên quan đến lời giải bài toán khoa học tôi theo đuổi. Tôi muốn thể hiện mình qua những công trình công bố khoa học trên tạp chí quốc tế-Made in Vietnam” – TS. Đặng Thanh Tùng – bộ môn Hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Gia Hân. Ảnh: NVCC