Con đường sự nghiệp của PGS Đỗ Khắc Uẩn – giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường ĐHBK Hà Nội có những bước ngoặt hết sức bất ngờ, thú vị: từ một sinh viên đăng ký vào ngành Điện tử sau lại bị “xếp” vào lớp Hóa môi trường và bây giờ trở thành chuyên gia phản biện của nhiều tạp chí uy tín quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ môi trường trong khi xuất phát điểm là một người không biết tiếng Anh.
Trở thành kỹ sư công nghệ môi trường từ một lần nhầm “tình cờ”
18 tuổi tốt nghiệp cấp ba ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, không người định hướng nên học ngành gì – với cậu thanh niên Đỗ Khắc Uẩn ngày ấy vẫn là ước mơ cháy bỏng được học nghề sửa chữa đồ điện tử (đài, ti vi) và nuôi hi vọng sau này mở được một cửa hàng như chú hàng xóm kế bên. Quyết tâm ấy khiến Đỗ Khắc Uẩn tự tìm hiểu và đăng ký thi vào ngành Điện tử của Trường ĐHBK Hà Nội. Thế nhưng, ngay buổi đầu tiên nhập học ở C2, Uẩn không khỏi “thất vọng” vì không hiểu sao mình đăng ký vào ngành Điện tử, nhưng lại “bị” xếp vào lớp “Hóa Môi trường”. “Tôi đã đem thắc mắc đó hỏi cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì được động viên: “Em cứ yên tâm học lớp Hóa Môi trường hết giai đoạn 1, sau đó xin đăng ký chuyển lại sang Điện tử cũng được!”. Sau 2 năm đại cương, tôi được chuyển thẳng, không phải thi giai đoạn. Lúc đó, tôi cũng chẳng muốn chuyển lại nguyện vọng ban đầu của mình nữa, vì nếu chuyển thì phải thi, nếu “thi trượt” chuyển giai đoạn thì “về quê” ngay” – PGS Đỗ Khắc Uẩn nhớ lại.
Lựa chọn quyết đoán ấy đã khiến cậu thanh niên Đỗ Khắc Uẩn bắt đầu chuyên tâm vào học một ngành mới, hoàn toàn ngoài dự định của mình. Với Uẩn, những trải nghiệm của anh ở Bách khoa đã làm nên con người anh ngày hôm nay. Năm học thứ ba, anh viết một bài về “Vấn đề ô nhiễm nước: Tiếng kêu cứu từ một làng quê” nhằm hưởng ứng cuộc thi “Phát hiện ô nhiễm môi trường quanh bạn và đề xuất những phương pháp khắc phục khả thi” của Tạp chí Hóa học và Công nghiệp Hóa chất. Đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của PGS Đỗ Khắc Uẩn: “Trong giờ học môn Hóa học Môi trường, tôi đã đem bài viết “khoe” với GS Đặng Thị Kim Chi – cô giáo mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi cảm giác đó như một cơ duyên khi thời điểm này cô giáo đang thực hiện các dự án và đề tài về mảng môi trường làng nghề. Cô tận tình đưa tôi đi theo để tham gia và phụ giúp các công việc liên quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất cũng như khảo sát các vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề ở miền Bắc, đặc biệt là các làng nghề tái chế chất thải. Trải nghiệm những ngày tháng ở trường đại học đã trở thành nền tảng giúp tôi dần định hình đúng về ngành nghề và niềm yêu thích công việc của mình”.
Tác giả của hàng loạt bài báo quốc tế ISI từ ngoại ngữ bằng “0”
“Đôi chân đã bước, trái tim đã đập, khối óc không thể ngừng suy tư”, PGS Đỗ Khắc Uẩn đến với với nghề giáo – nghề nghiệp cao quý vốn chẳng đơn giản, nhưng anh luôn giữ vững lòng tin rằng mình sẽ vượt qua mọi trở ngại. Tốt nghiệp loại giỏi tại Trường ĐHBK Hà Nội năm 1999, chàng trai Đỗ Khắc Uẩn được Viện Khoa học và Công nghệ môi trường giữ lại làm cán bộ nghiên cứu, tham gia thực hiện các đề tài, dự án về môi trường. Năm 2003, anh chính thức được Trường tuyển dụng làm cán bộ giảng dạy. Thời điểm này anh đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp, khi bản tính anh nhút nhát, cộng với nhược điểm nói ngọng “n” và “l”, đặc biệt trình độ ngoại ngữ gần như bằng 0 khiến mọi cơ hội đi du học để nâng cao trình độ đều bị khước từ. Những ngày tháng “bế tắc” về con đường mình đã chọn nặng nề trôi qua. Trong những lúc khó khăn như vậy, chính cô giáo Đặng Thị Kim Chi đã động viên, khuyến khích tôi “học ngoại ngữ không vội được đâu em” để tôi dần lấy lại sự tự tin cần thiết để vượt qua điểm hạn chế của bản thân. Càng khó khăn, Đỗ Khắc Uẩn càng bền bỉ lạ. Anh quyết tâm khắc phục được các điểm yếu để cố gắng làm tốt công việc của mình. Ngày đó, không có cửa hàng sách cũ nào ở Hà Nội mà anh chưa từng đặt chân đến. Mỗi ngày anh lại làm đầy tủ sách của mình một ít từ sách ngữ pháp, ngữ âm đến từ vựng. Anh cũng đã kiên trì theo cách trẻ con học tiếng Anh. Thế nhưng, việc học ngoại ngữ cũng không có kết quả. Thậm chí, hầu hết các giáo viên tiếng Anh đều từ chối dạy anh vì ngoại ngữ quá yếu.
Trong lúc “túng quẫn”, anh may mắn gặp được người thầy “có tâm và có tầm”, đã chỉ bảo cho anh bài học ngữ pháp về cấu trúc câu đơn “in dấu” mãi trong ký ức của PGS Đỗ Khắc Uẩn đến tận bây giờ về ngày đầu tiên chính thức học tiếng Anh (3/11/2001). Đỗ Khắc Uẩn cuối cùng cũng vượt qua hoàn cảnh ngoại lệ để hoàn thiện bản thân, trình độ ngoại ngữ ngày càng tiến bộ rõ rệt. Từ năm 2004, anh được Trường ĐHBK Hà Nội cử đi du học, thực tập ở nước ngoài (Thụy Sĩ 2004; Hàn Quốc: 2005-2009; Singapore: 2009-2011). Những ngày tháng trải nghiệm ở nước ngoài đã mang lại cho anh những bài học quý giá, đánh dấu một sự thay đổi trong sự nghiệp của PGS Đỗ Khắc Uẩn: “Khi thực tập ở Thụy Sĩ, tôi đã học được các kỹ năng và phương pháp lập kế hoạch để thực hiện một vấn đề, đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh. Ở Hàn Quốc, tôi đã rèn luyện được tính chăm chỉ, cần cù, làm việc có trách nhiệm, còn ở Singapore là tính thực tế và hiệu quả khi làm việc”.
Sự nghiệp giảng dạy của PGS Đỗ Khắc Uẩn thực sự bắt đầu từ năm 2011. Niềm yêu thích giảng dạy và nghiên cứu theo anh lớn lên từng ngày. Trở về Việt Nam, anh lao vào theo đuổi hướng nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ xử lý nước và nước thải; đồng thời cộng tác với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu về vấn đề xử lý bùn thải, làm sạch khí sinh học cho phát điện… Với mỗi nghiên cứu, anh đều “tận tâm tận lực”. Có lẽ vì thế mà anh nhớ như in cảm giác vui sướng khó tả khi bài báo đầu tiên được đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài, như chính mình tìm thấy một tia hi vọng lóe sáng mở ra chân trời mới. Ít ai có thể ngờ rằng, chàng trai với xuất phát điểm không biết tiếng Anh mà giờ đã là tác giả của 25 bài báo quốc tế ISI trong lĩnh vực công nghệ môi trường, 30 bài báo cáo tại các hội nghị quốc tế, 05 chương trong các sách chuyên khảo của các NXB uy tín thế giới; đặc biệt PGS Đỗ Khắc Uẩn hiện đang làm phản biện của 22 tạp chí uy tín quốc tế (ISI) về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật môi trường.
Không những thế, hiện nay, anh vẫn tiếp tục triển khai hướng nghiên cứu phát triển về các công nghệ xử lý nước và nước thải để lắp đặt cho các biệt thự, các nhà hàng. Đặc biệt, anh đang thử nghiệm công nghệ xử lý nước cấp cho các vùng nông thôn nghèo. Ngoài ra, anh cùng các đồng nghiệp đã hoàn thiện hệ thống làm sạch khí sinh học để sẵn sàng triển khai cho các trang trại hoặc cho các hộ gia đình chăn nuôi, đảm bảo việc sử dụng khí sinh học an toàn, hiệu quả. Anh luôn ấp ủ một hi vọng và ước mơ, trong quãng đời dạy học và nghiên cứu của mình, cũng sẽ có một “cơ duyên” nào đó sẽ lựa chọn được học trò có niềm đam mê và có năng lực tốt để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu mà các thầy cô như GS Đặng Thị Kim Chi và TS Vũ Văn Mạnh đã dạy dỗ và truyền lại cho anh.
Mỗi ngày làm thầy là một niềm vui
May mắn được đi nhiều nơi, được trực tiếp tham gia thực hiện nhiều công việc chuyên môn, đã trải qua nhiều khó khăn, anh nhận định: “xu hướng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào công nghệ môi trường – một ngành có tính liên ngành cao là tất yếu. Chính vì vậy, nguồn nhân lực thực sự phải có kiến thức chuyên ngành môi trường tốt, biết kết hợp với các tiến bộ kỹ thuật của các ngành khác để làm tốt hơn công việc của mình”. Anh luôn nhắc nhở học trò phải nắm chắc kiến thức cơ bản thật vững vàng, để các em trước hết phải hiểu được thực sự mình sẽ làm được việc gì. Anh luôn suy nghĩ lạc quan rằng, với sự phát triển chung của xã hội, trong tương lai, ngành Công nghiệp Môi trường ở Việt Nam cũng sẽ phát triển. Những sinh viên Bách khoa – những người có tố chất thông minh và được đào tạo bài bản sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển, khẳng định bản thân.
Hơn chục năm gắn bó với nghề giáo, PGS Đỗ Khắc Uẩn luôn ghi nhớ lời nhắn nhủ của GS Đặng Thị Kim Chi rằng “việc học là suốt cả cuộc đời” – “Tôi chỉ cần làm theo những lời dặn dò này là đủ để làm được nhiều việc có ích. Lúc nào tôi cũng biết ơn cô giáo tôi đã truyền dạy cho tôi làm những điều tử tế. Với anh đơn giản trong công việc, cũng như trong cuộc sống, làm nghề gì cũng cần bỏ nhiều công sức. Do vậy, mọi kết quả đạt được đều phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Khó khăn là thế, thách thức không nhỏ, nhưng không gì khuất phục được ý chí của người thầy giáo, nhà khoa học Đỗ Khắc Uẩn với một tinh thần thép và nỗ lực không mệt mỏi, với một tâm niệm duy nhất “Mỗi ngày làm thầy là một niềm vui”.
Cuộc sống của PGS Đỗ Khắc Uẩn là chuỗi ngày truyền lửa cho các lớp học trò trưởng thành, từ đó anh tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được làm điều mình yêu thích. Ấy là khi giảng dạy, anh phát hiện các sinh viên giỏi và giới thiệu đi học tiếp ở nước ngoài. Đấy là lúc anh giới thiệu việc làm cho sinh viên nghèo mới ra trường. Đó còn là khi anh được mời hướng dẫn các em học sinh THPT tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, vinh dự đạt giải nhất toàn quốc và được đi Mỹ trình bày về công trình của mình. Hay gần đây nhất, hướng dẫn em học viên người Pháp sang thực tập tại Viện KH&CNMT, chỉ sau hơn 4 tháng, hai thầy trò đã viết được bài báo khoa học và được đăng ở Tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín quốc tế. Và với anh như thế là đủ, chẳng mong muốn gì hơn bởi anh tâm niệm làm việc có ích thế là cuộc sống đã tốt đẹp rất nhiều rồi. ■
HOÀNG ANH
ẢNH: KIM CHI