Lịch sử phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước đây và công cuộc xây dựng đất nước sau này. Bách khoa Hà Nội không chỉ là cái nôi đào tạo nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao mà còn là đơn vị khởi đầu cho nhiều hoạt động xã hội khác như phong trào “Ba sẵn sàng” trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, phong trào tình nguyện của sinh viên và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”…
“Ra đi chỉ một lời thề, chiến thắng giặc Mỹ mới về Bách khoa”
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa lên đường nhập ngũ đã bổ sung kịp thời cán bộ khoa học kỹ thuật cho quân đội trong các quân chủng, binh chủng, nhất là đối với các binh chủng kỹ thuật như Không quân, Phòng không, Cơ giới, Công binh, Thông tin…
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Đế quốc Mỹ leo thang ra bắn phá miền Bắc bằng sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964, thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển sang một giai đoạn mới: Vừa học tập, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Đội ngũ các nhà khoa học của Trường đã góp phần quan trọng cùng quân và dân phá tan chiến tranh leo thang bắn phá và phong tỏa Miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Những tấm gương của các thầy giáo, cô giáo, của các cựu sinh viên Nhà trường; những người gác bút nghiên ra tiền tuyến; và cả những người ở lại ngày đêm bám trụ bảo vệ mái trường thân yêu tiếp tục giảng dạy và học tập đã đào tạo cho Tổ quốc hàng ngàn kỹ sư công nghệ trong công cuộc xây dựng hậu phương vững mạnh. Sự hy sinh, đóng góp của các thế hệ thầy và trò Đại học Bách khoa Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã tô thêm truyền thống vẻ vang của Nhà trường.
Từ những năm 1965 đến năm 1975, đứng trước vận nước lâm nguy, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc “Vì miền Nam ruột thịt” và hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành Đoàn Hà Nội, trong giai đoạn lịch sử này hơn 200 thầy giáo và 2.700 sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hà Nội, cùng với hơn 10.000 sinh viên các trường đại học đã “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.
Đặc biệt vào ngày 6/9/1971, trên 600 cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng thầy giáo và sinh viên của một số trường đại học khác đã tập trung tại Quảng trường C2 yêu dấu để lên đường nhập ngũ với quyết tâm “Ra đi chỉ một lời thề, chiến thắng giặc Mỹ mới về Bách khoa”.
Các thế hệ thầy giáo và sinh viên luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Nhà trường, trong đó chúng ta không thể nào quên trang sử sáng chói về những tấm gương của cán bộ và sinh viên đã lên đường nhập ngũ bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Chính lực lượng này của Bách khoa đã bổ sung kịp thời cán bộ khoa học kỹ thuật cho quân đội trong các quân chủng, binh chủng, nhất là đối với các binh chủng kỹ thuật như Không quân, Phòng không, Cơ giới, Công binh, Thông tin…
Những huyền thoại “Người Bách khoa” nơi chiến trường đỏ lửa
Cán bộ và sinh viên Bách khoa gia nhập quân đội chiến đấu trên khắp các chiến trường ác liệt như: Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Trung bộ, chiến trường Nam bộ, chiến trường Lào; và bảo vệ miền Bắc… Với lòng quả cảm, kinh nghiệm thực tiễn, các anh đã mang theo “Tinh thần và Trí tuệ Bách khoa” vào trong các trận chiến khốc liệt, góp phần cùng dân tộc chiến thắng sức mạnh quân sự hủy diệt của kẻ thù. Trong số các thầy giáo và sinh viên lên đường, hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam và trên đất bạn, nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Tiếp bước truyền thống cách mạng của cha anh, trong cuộc chiến đấu kéo dài hơn 10 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, gần 300 cán bộ và sinh viên Bách khoa các khoá K24, K25 và K26 sau khi tốt nghiệp đã lên đường gia nhập quân đội trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc tại các vùng chiến sự ác liệt thuộc các tỉnh Tây Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Thế hệ các anh đã làm rạng danh “Người Bách khoa” góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống lại quân xâm lược bạo tàn, Đại học Bách Khoa Hà Nội có nhiều Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, tấm gương của các anh, các chị sẽ sống mãi trường tồn cùng dân tộc.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Liệt sỹ Bùi Ngọc Dương – người chiến sỹ công binh được tôn vinh La Văn Cầu của Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch đường 9 Khe Sanh, Quảng Trị năm 1968, Anh bị một mảnh đạn phạt trúng cánh tay gần đứt hẳn. Anh đã nói với đồng đội: “Chặt cánh tay cho tôi đi, tôi còn chiến đấu được mà”.
Trước quyết tâm của anh, đồng đội đã giúp anh chặt bỏ cánh tay và băng bó lại. Anh tiếp tục chỉ huy đơn vị chốt trụ cứ điểm yểm trợ cho xe tăng của đồng đội tiến lên diệt cứ điểm địch. Hai ngày sau do vết thương quá nặng Bùi Ngọc Dương đã anh dũng hy sinh, tấm gương hy sinh quên mình của anh đã góp phần xương máu vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tên tuổi của Anh được các nhạc sĩ sáng tác thành bài hát như “Bùi Ngọc Dương, gương anh ngời sáng” (Huy San); “Noi gương Bùi Ngọc Dương” (Văn Hưng); “Bùi Ngọc Dương bài ca chiến thắng” (Trọng Loan).
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Liệt sỹ Vũ Xuân Thiều, trong trận chiến 12 ngày đêm tháng 12/1972 chống trả cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B-52 trên bầu trời Hà Nội, với tinh thần “Vì nhân dân quên mình” anh đã lao thẳng MiG-21 tiêu diệt siêu pháo đài bay B-52 đang chuẩn bị ném bom gây tội ác với nhân dân Thủ Đô. Tấm gương về lòng dũng cảm của người Anh hùng Vũ Xuân Thiều đã tô thắm thêm bản hùng ca chiến thắng của thế trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Việt Nam trên bầu trời Hà Nội – Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Thiếu tướng Trần Thanh Hải. Tháng 9/1971 anh nhập ngũ thuộc Bộ tư lệnh pháo binh, tham gia chiến đấu ở các chiến trường phía Nam và phía Bắc. Đất nước hoà bình anh chuyển sang giữ trọng trách Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Năm 2009 anh được điều động giữ chức Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần, quân đội nhân dân Việt Nam.
Trí tuệ Bách khoa góp phần phá tan chiến tranh leo thang bắn phá và phong tỏa
Cùng tham gia chiến đấu chia lửa trực tiếp với đồng đội nơi tiền tuyến, đội ngũ các nhà khoa học của Trường đã góp phần quan trọng phá tan chiến tranh leo thang bắn phá và phong toả Miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Phối hợp cùng Bộ Giao thông và Vận tải, thầy và trò Viện Vật lý Kỹ thuật – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu rà phá thuỷ lôi từ trường do đế quốc Mỹ phong tỏa ở cảng Hải Phòng, đặt tên chung đề tài là GK với tổ đầu tiên là GK1; đề tài thiết kế bơm xăng để vận chuyển xăng dầu trên đường mòn Hồ Chí Minh của Khoa Cơ khí Động lực; thành tích của thầy và trò Khoa Điện tử đã sửa chữa, phục hồi kịp thời 4 hệ thống thông tin Vi-ba của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, bảo đảm cho làn sóng phát thanh hoạt động thông suốt, nhất là phục vụ trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”,….
Các đề tài nghiên cứu khoa học của thầy và trò Bách khoa đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng hào hùng của dân tộc.
Sau chiến tranh, hơn 240 cán bộ và sinh viên đã trở lại trường tiếp tục học tập và giảng dạy, đóng góp công sức vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Với lực lượng đông đảo, trên 50 % Cựu chiến binh (CCB) là cán bộ giảng dạy, trong những năm qua trên từng cương vị công tác của mình, các anh CCB đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, nêu gương sáng cho sinh viên, cán bộ viên chức của Trường học tập, nhiều anh đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp trường và cấp khoa, viện, trung tâm nghiên cứu.
Nhà giáo ưu tú – PGS.TS Bùi Quốc Thái nhập ngũ tháng 6/9/1971 là một giảng viên, nhà khoa học với nhiều công trình nghiên cứu và giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học. Anh giữ trọng trách Đảng uỷ viên, Thường trực Đảng uỷ trường, Chủ tịch Công đoàn trường nhiệm kỳ 2007 – 2012, Chủ tịch hội Cựu chiến binh trường nhiệm kỳ 2005-2007 và 2012-2019.
TS. Lê Hải Hưng, anh là thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, anh nhận giải thưởng khoa học VIFOTEC năm 2008, các công trình nghiên cứu khoa học của anh đã được ứng dụng từ biên giới đến hải đảo phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…
Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Được sự quan tâm của Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh Thành phố, ngày 24/8/2005, Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội chính thức tổ chức Lễ thành lập Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do PGS.TS Bùi Quốc Thái làm Chủ tịch lâm thời.
Tuy ra đời muộn so với lịch sử của Trường nhưng Hội Cựu chiến binh trường đã thực sự trưởng thành, là hội Cựu chiến binh vững mạnh của khối 487 của Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Các đồng chí thành viên của Hội luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không chỉ là nững người lính trung kiên trên mặt trận mà còn là người cán bộ, viên chức gương mẫu trong thời bình; góp phần xây dựng Nhà trường, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh; nhiều đồng chí phát huy được phẩm chất trên mặt trận khoa học – công nghệ.
Với gần 200 hội viên, bao gồm 3 GS, 25 PGS, 15 Tiến sĩ, còn lại là ThS, Kỹ sư, hội viên của Hội đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp trường, các đề tài chuyển giao công nghệ; nhiều hội viên của Hội đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể, các bộ trao tặng.
Là một tổ chức Chính trị-Xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đã kết hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tham gia tích cực các hoạt động xây dựng Trường, giáo dục truyền thống cách mạng cho sinh viên. Hội Cựu chiến binh trường đã đẩy mạnh các hoạt động nghĩa tình, Hội đã tổ chức các đoàn thăm các gia đình liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các trại an dưỡng của thương binh nặng; thăm các nghĩa trang Liệt sỹ…
Hội CCB đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội CCB cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị có phong trào vững mạnh, năng động và hiệu quả, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường và phong trào của Hội CCB thành phố Hà Nội.
Sau 55 năm kể từ ngày thế hệ cán bộ và sinh viên đầu tiên lên đường nhập ngũ, tháng 12/2020, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội long trọng tổ chức lễ gặp mặt và tri ân các thế hệ thầy trò từng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây là dịp để các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từng nhập ngũ, cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc gặp mặt và ôn lại những ký ức hào hùng, đáng tự hào về “Bách Khoa – Một thời hoa lửa”, tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc; kết nối các cựu sinh viên – cựu chiến binh cùng thế hệ để họ có thể động viên nhau, chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như chúc mừng những thành công của các đồng đội.
Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, với tình cảm sâu nặng vì nghĩa, vì tình đối với những người đồng đội, ghi nhớ công ơn các thế hệ cán bộ và sinh viên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, tri ân tới Anh linh đồng đội năm xưa, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, và Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh đã quyết định xây dựng Tượng Đài “Cán bộ và Sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” tại quảng trường C2.
Phía trước Tượng Đài được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lời tựa ngày 1/9/2006: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.
Tượng Đài là nơi ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh thân mình vì một nước Việt Nam thống nhất và hoà bình, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của cha anh cho thế hệ trẻ. Ngày nay, hàng tuần Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường tổ chức cho các lớp sinh viên thực hiện nghi Lễ chào cờ kết hợp tuyên truyền và học tập tinh thần cách mạng của cha anh cho các lớp sinh viên.
HỘI CCB TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI VINH DỰ NHẬN:
Cờ thi đua của Trung ương hội CCB Việt Nam năm 2015;
6 Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của Trung ương hội CCB Việt Nam;
8 Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của Hội CCB Thành phố Hà Nội;
8 Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của Trung ương hội CCB Việt Nam cho 8 CCB;
30 Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của hội CCB Thành phố Hà Nội cho 30 CCB;
66 Kỷ niệm chương trao tặng cho 66 CCB.
Chủ tịch Hội CCB Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS. Nguyễn Nhật Trinh