Bách khoa thời hoa lửa

0
125
Những người lính từng là sinh viên, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Từ mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, những sinh viên Bách khoa đã chiến đấu anh dũng và đã để lại một phần máu thịt của mình vì sự toàn vẹn, bình yên của Tổ quốc thân yêu. Thời gian trôi qua nhưng những ký ức về một thời khói lửa, bom đạn cùng với tình yêu về hậu phương vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim những người cựu chiến binh ấy.

1.

Ông Phan Sơn sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương. Cùng với hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội nhập ngũ, đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng và Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân). Gia đình ông Phan Sơn thời điểm đó có người anh còn đang trực chiến ở một sân bay, sẵn sàng xuất kích. Dưới ông còn 3 người em nhỏ. Chiến tranh càng ngày càng ác liệt nên mẹ ông rất lo lắng khi con trai lại tiếp tục nhập ngũ đi chiến trường B.

Ngày 6/9/1971, tất cả sinh viên các khóa của Trường đều tập trung ở sân C1. Nhóm chia tay với bạn bè thì trao những chiếc khăn mùi soa hay những quyển sổ. Trong khăn mùi soa và những quyển sổ đó ghi những lời hứa hẹn và lời thăm hỏi nhau. Nhưng khi xe chuyển bánh, ở dưới quảng trường C1 là những cánh tay vẫy chào, có những cánh tay lau nước mắt.

2.

Tạm gác ước mơ giảng đường đại học, những người lính như ông Phan Sơn lên đường với khí thế sôi nổi của những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết. Trên đường đi mệt nhọc, gian khổ, họ đã cùng nhau hát vang bài ca ra trận “Mẹ Việt Nam ơi có nghe chăng, giờ này đàn con đã lên đường….”.

Có nhiều người là giảng viên, có người mới vào trường, có người thì học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Tất cả đều được đưa đi huấn luyện và cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại là cán bộ, sinh viên trường nào, họ được xếp vào binh chủng cho phù hợp.

Lá thư của một người lính – sinh viên Bách khoa gửi mẹ

Phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Bình – Trị – Thiên. Đầu năm 1972, toàn bộ chiến trường miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Quá trình huấn luyện diễn ra rất khẩn trương. Những người lính trẻ như ông Phan Sơn tràn đầy năng lượng, rất nhiệt tình, hăng hái. Nhưng những lúc đi gác đêm hoặc ngồi một mình thì họ nhớ người người thân ở hậu phương. Tất cả mọi câu chuyện đều xoay quanh về gia đình mình – về người mẹ, người vợ, bạn gái.

Bạn gái ông Phan Sơn là một nữ sinh nhỏ nhắn cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc chia tay ở quảng trường C1, cô tặng ông Phan Sơn một quyển sổ ghi những lời dặn dò giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả tâm tư của anh lính trẻ Phan Sơn lúc đó đều dồn vào quyển sổ. Tiếc là trong quá trình chiến tranh, kỷ vật đã nằm lại nơi chiến trường.

Có thời điểm ông Phan Sơn buồn lắm, đó là khi hay tin anh trai ông hy sinh trong một trận chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội. Trong thư từ với nhau, hai anh em ông vẫn hứa với nhau rằng trên mặt trận chiến đấu, ai cũng phải kiên cường, dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ.

Anh trai mất đi càng đặt trách nhiệm nặng nề lên vai ông Phan Sơn, làm thế nào để dũng cảm chiến đấu thắng lợi để đảm bảo chiến thắng, sau này giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước, trở về với gia đình. Đó là một trong những động lực để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quân ngũ.

Ông Phan Sơn còn may mắn được trở về với gia đình, nhiều thầy giáo, sinh viên Bách khoa – đồng đội của ông – đã lần lượt hy sinh mà thân xác chỉ được vùi tạm trong lòng đất nơi chiến trường bom đạn. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường, hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

3.

Để ghi nhớ những đóng góp của các thế hệ cán bộ và sinh viên lên đường nhập ngũ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, và Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh đã quyết định xây tượng đài “Sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc” tại quảng trường C2 vào đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường năm 2006. Phía trước tượng đài được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lời tựa: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

Tượng đài Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc được xây dựng trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội

Sau ngày thống nhất, những người lính lại trở về giảng đường, thầy giáo tiếp tục giảng dạy, sinh viên tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật và di chứng của chiến tranh. Nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế…

Hàng năm, những bạn bè cựu chiến binh – lại cùng về Trường, tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh trước tượng đài “Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc” trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội! Ngày ngày dưới chân tượng đài, các cựu chiến binh, các sinh viên đang học tập tại trường vẫn kính cẩn dâng lên những bông hoa tươi thắm để tri ân, tưởng nhớ về một thời hoa lửa.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – trong lễ tri ân “Bách khoa một thời hoa lửa” tháng 12/2020 đã tự hào nhắc đến tinh thần “Bách khoa là nhà” và tinh thần “hoa lửa” của các thế hệ thầy trò đi trước sẽ bất diệt trong mỗi con người Bách khoa Hà Nội.

Một cựu sinh viên Bách khoa khi xưa nay trở về công tác tại Trường đã vào tận chiến trường xưa, lấy một nắm đất ở thành cổ Quảng Trị và nước ở sông Thạch Hãn – nơi có xương máu của bao bạn học – đồng đội ông – mang về đặt tại Đài tưởng niệm. Và những sinh viên, giảng viên ấy vẫn có thể dõi theo nhịp sống hàng ngày, tự hào về sự phát triển của ngôi trường thân yêu – Bách khoa Hà Nội.

Hồng Nhung. Ảnh: Duy Thành

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here