Xuất hiện trên truyền hình 30 phút, dừng cuộc chơi “Ai là triệu phú” nhận giải thưởng 40 triệu đồng, hình ảnh thầy Bùi Trọng Tùng – Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội lập tức lan tỏa trên mạng với tốc độ chóng mặt cùng những comment chúc mừng của các thế hệ học trò. Cô cậu sinh viên nào cũng tự hào giới thiệu “thầy tôi đó”, cá biệt có chia sẻ còn thật thà kể vì môn của thầy Tùng mà phải học 7-8 năm mới qua được “chuyến đò Bách khoa”. Kể thế thôi, tuyệt không thấy có lời oán thán, trách thầy. Ngược lại là tình cảm trân trọng, yêu thương khi nghĩ về thầy giáo cũ. Tò mò về nhân vật “triệu phú tình cảm” – thầy giáo Bùi Trọng Tùng, đặc san Bách khoa đã có cuộc trò chuyện nhanh với thầy!
ĐI THI ĐỂ THỎA MONG ƯỚC CỦA VỢ
– Xin chào thầy! Chúc mừng thầy vừa có được giải thưởng nhỏ sau cuộc thi Ai là triệu phú, vừa trở thành người nổi tiếng trong mắt học trò! Xin hỏi cảm xúc của thầy hiện giờ là như thế nào khi thi xong nhiều người gọi tên chúc mừng?
* Vì đang trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ nên tôi không đi ra đường và gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, một số bạn sinh viên nhận ra tôi trên vô tuyến nên đã đăng bài trên một số trang facebook. Tôi rất vui và bất ngờ khi thấy còn nhiều bạn sinh viên nhớ đến mình, trong đó có bạn đã ra trường gần chục năm nay.
– Một số người không thích đi thi trên truyền hình, họ nghĩ nếu chẳng may thể hiện không ưng ý lại lộ dốt trước bao nhiêu người, hỏng hết hình tượng, tốt nhất là ở nhà! Thầy có thấy bản thân đã liều lĩnh khi thi một cuộc thi về kiến thức trên truyền hình không? Thầy có “chiến lược” gì trước khi thi Ai là triệu phú không?
* Như đã chia sẻ trong chương trình, vợ tôi ước muốn được xuất hiện trên truyền hình nên tôi đăng ký tham gia trò chơi để tạo ra một kỷ niệm vui vui cho hai vợ chồng. Tôi cũng xác định kiến thức mà trò chơi đề cập đến rộng khắp các lĩnh vực nên đến câu nào không biết thì đi về, miễn là thỏa được mong ước của vợ, chứ không ngại việc thể hiện kém cỏi. Tất nhiên, khi đã được lựa chọn là người chơi thì ai cũng muốn có giải thưởng càng to càng tốt nên tôi cũng suy tính cách sử dụng các sự trợ giúp như thế nào cho hợp lý. Rất mừng là trong khi thi tôi đã sử dụng thành công các sự trợ giúp và cộng thêm khá nhiều may mắn để đi đến câu hỏi số 13.
THẦY GIÁO “KHÓ NHẰN” MÀ SINH VIÊN VẪN YÊU MẾN
– Các cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội luôn tự hào về cái được gọi là khí chất của người Bách khoa. Vậy theo thầy, thông qua một cuộc thi truyền hình, làm thế nào để không đọc, nghe giới thiệu mà nhận ra được thầy là “người Bách khoa”?
* Tôi nghe rất nhiều lời khen ngợi “người Bách khoa”, nhưng tôi cũng chưa định nghĩa của bản thân một cách hoàn chỉnh về “chất Bách khoa”. Có lẽ do thời gian tôi công tác ở trường chưa đủ dài để chiêm nghiệm đầy đủ về điều đó. Vì vậy, tôi cũng không biết rằng với 30 phút ngắn ngủi trong một trò chơi trên truyền hình thì đã thể hiện ra được “chất Bách khoa” chưa!
– Có một comment của SV khi nhận xét về thầy là một trong những thầy giáo “khó nhằn” nhất Bách khoa Hà Nội! Có những SV học đến năm 8 vẫn chờ qua môn của thầy để tốt nghiệp nhưng họ không hề oán thầy giáo mà tâm phục khẩu phục ôn thi để qua môn. Làm thế nào để giữ nghiêm việc dạy học nhưng để học trò vẫn yêu mến, thưa thầy?
* Để các bạn tâm phục khẩu phục thì trước hết tôi cho rằng sự nghiêm túc trong giảng dạy và việc đánh giá công bằng là những yếu tố quan trọng nhất. Có thể kiến thức trong môn tôi dạy sẽ không cần dùng đến khi các bạn đi làm, nhưng tôi mong rằng các bạn sẽ thu nhận thêm được những kỹ năng cần thiết khác. Điều này chắc chắn không chỉ đúng với các môn tôi dạy mà còn đúng với các môn của tất cả thầy cô khác trong trường.
– Điều gì khiến thầy cảm thấy hạnh phúc khi gắn bó với nghiệp phấn trắng bảng đen, gắn bó với ĐH Bách khoa Hà Nội?
* Có 2 điều mà tôi thấy vui nhất và cũng là lý do sau khi tốt nghiệp, tôi xin giảng dạy tại trường. Thứ nhất là tôi luôn được làm việc cùng các bạn trẻ, điều sẽ khiến tôi luôn được thấy mình trẻ trung. Thứ hai, không biết từ lúc nào tôi coi Bách khoa là tình yêu lớn, muốn gắn bó với những gì đã trở thành rất thân thuộc. Ở bên người mình yêu thì tất nhiên là hạnh phúc rồi.
TÌM THẤY TÌNH YÊU NHỎ TRONG TÌNH YÊU LỚN BÁCH KHOA
– Đồng nghiệp, học trò còn ngưỡng mộ thầy về một tình yêu đẹp, hạnh phúc. Thầy nói gì về điều này? Đó có phải là động lực để thầy thêm thăng hoa trong nghề nghiệp?
* Người bạn đời của tôi chính là tình yêu nhỏ mà tôi tìm thấy trong tình yêu lớn Bách khoa. Khi lập gia đình, tôi thấy có thêm nhiều niềm vui cũng như trách nhiệm mới, tạo thành động lực mới để làm việc. Với các bạn sinh viên, tôi rất cảm ơn các bạn đã có những lời chúc phúc rất tốt đẹp khi biết tôi lập gia đình. Tôi cũng nhắn nhủ tới các bạn sinh viên Bách khoa Hà Nội là “Lao động hăng say, tình yêu sẽ tới”.
– Các SV thường hay ngưỡng mộ thầy cô giáo, rồi mong sau này được giống thầy cô. Vậy lời khuyên thầy hay nói với SV nhất là gì?
* Khi các em sinh viên xao nhãng học tập, tôi vẫn hay mắng: “Các bạn phải sống có trách nhiệm với gia đình bằng cách học hành cho nghiêm chỉnh. Các bạn học ở Bách khoa không chỉ là niềm tự hào mà còn là cả sự kỳ vọng của bố mẹ”. Đứng ở một góc độ nào đó thì đây cùng là lời khuyên tới các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn năm nhất.
– Thầy có ý định dự thi một cuộc thi kiến thức nào khác không?
* Tôi đang chờ con gái lớn để tham dự một cuộc thi nào đó dành cho gia đình. Ví dụ tại ngày hội gia đình Bách khoa chẳng hạn 😀
– Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Gia Hân (thực hiện). Ảnh: NVCC