Sau 11 năm cùng tập thể đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu đến quên ăn, quên ngủ, chương trình NCKH về phát triển công nghệ ứng dụng cho thiết bị lặn mini do PGS.TS Trương Việt Anh – Nguyên Trưởng Bộ môn Máy và Tự động thủy khí – Viện cơ khí động lực – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm Chủ nhiệm đã cho ra đời các mẫu thử nghiệm tàu lặn mini có người lái và không người lái cỡ nhỏ. Trong đó, sản phẩm thiết bị lặn mini không người lái Dolphin BK đã được lựa chọn tham gia triển lãm nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường và mới đây là Triển lãm 60 năm Thành tựu KHCN của Bộ Khoa học & Công nghệ.
Công trình liên ngành – thế mạnh trong nghiên cứu của người Bách khoa
Chủ đề nghiên cứu về tàu ngầm được thầy Việt Anh ấp ủ từ năm 2000, khi sang làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH Tohoku, Nhật Bản. Khi đó, ông nghiên cứu chuyên sâu về dòng chảy xâm thực trong máy thủy lực, gắn liền với những vấn đề kỹ thuật của thiết bị dưới nước.
Học tập ở đất nước phát triển về ứng dụng công nghệ, sau một lần ngồi vào khoang lặn xuống biển vịnh Tokyo, thầy giáo trẻ Việt Anh đã ấp ủ mở hướng nghiên cứu và hy vọng sẽ đến ngày nào đó tàu ngầm và thiết bị lặn thông minh được ứng dụng ở Việt Nam.
Năm 2006, thầy về nước và công tác tại Bộ môn Máy và Tự động Thủy khí – Viện Cơ khí động lực – ĐH BKHN. Thời điểm đó, đổi mới trong giáo dục đại học và hoạt động NCKH đang sôi động với nhiều cơ chế, chính sách mới của Bộ GD & ĐT và Bộ KH&CN. Hoạt động đổi mới về NCKH là nhiệm vụ trọng tâm của Trường trong nhiệm kỳ 2008-2013.
Với chủ trương phát triển nghiên cứu liên ngành, định hướng mục tiêu là các công nghệ cốt lõi đa dụng, các chương trình nghiên cứu (CTNC) của ĐHBK HN đã ra đời, là nét mới trong tư duy phát triển KHCN một cách hệ thống của Trường. CTNC “Nghiên cứu phát triển công nghệ ứng dụng cho tàu ngầm mini” là chương trình đầu tiên được nguyên hiệu trưởng, GS. Nguyễn Trọng Giảng phê duyệt.
Là người xây dựng và thiết kế chương trình, PGS. Trương Việt Anh được Ban giám hiệu quyết định giao là chủ nhiệm của CTNC này với sự tham gia của các giảng viên trẻ, các nhóm nghiên cứu từ các đơn vị: Viện Cơ khí động lực, Điện tử – Viễn thông, Điện, Cơ khí, CNTT, ITIMS, TT Polymer – Viện KT Hóa học.
Thời điểm ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng “Vấn đề nghiên cứu quá khó, nước ngoài cũng chỉ có 1 số nước mạnh có sản phẩm này, không làm được đâu,…”. Tuy nhiên, các cán bộ nghiên cứu của Chương trình vẫn quyết tâm triển khai với nhiệt huyết và “tinh thần Bách khoa”. Trong nghiên cứu, phải bắt tay vào đối mặt với vấn đề mới cần kết hợp liên ngành mới có thể tạo ra những giải pháp sáng tạo.
Với sự khích lệ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Trường, các nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thực hiện với sự say mê đúng với tinh thần khoa học, dù điều kiện phòng thí nghiệm còn nhiều khó khăn. Đối với anh em tham gia CTNC này, kết quả công việc luôn gắn liền với niềm tự hào của thương hiệu Bách khoa Hà Nội. Niềm hạnh phúc của mọi người là hiện thực hóa ý tưởng ban đầu thành sản phẩm, biến những bản vẽ nháp tay thành những mẫu tàu ngầm thực nghiệm.
Việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ ứng dụng để chế tạo tàu ngầm có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế biển và an ninh biển đảo. Vấn đề khó khăn lớn nhất trong việc điều hành các nhóm nghiên cứu là người chủ nhiệm phải hiểu được tổng thể của vấn đề, xác định và phân tích các bài toán liên ngành, kiểm soát những vấn đề kỹ thuật lớn, từ đó sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp cho từng nhóm, thành viên theo năng lực, chuyên môn để đồng bộ về tiến bộ, ăn khớp các vấn đề kỹ thuật khi triển khai.
Gỡ nút thắt đầu tiên, thầy Việt Anh đã đến các Viện tìm hiểu và đọc CV của từng người, tổ chức các cuộc họp, thảo luận với từng thành viên, sau đó phân công từng người vào các vị trí nghiên cứu thích hợp. Công việc nghiên cứu càng đi sâu càng gặp nhiều vấn đề cần tháo gỡ. “Có khoảng 40-50 bài toán khó cần giải quyết. Để hoàn thiện tất cả các bài toán đó phải có nguồn lực, con người, tài chính, thời gian” – Thầy Việt Anh chia sẻ.
Kết quả sau nhiều năm, nhóm nghiên cứu đã bước đầu làm chủ một số công nghệ cốt lõi và tích lũy kinh nghiệm trong các hướng nghiên cứu về tàu ngầm và thiết bị lặn. Việc xây dựng các CTNC của Trường đã có tác động nhất định trong chính sách KHCN của cấp quản lý nhà nước, hình thành các chương trình nghiên cứu theo khái niệm giải quyết các nhóm vấn đề, nhóm nhiệm vụ KHCN trong phát triển nghiên cứu liên ngành.
Quan điểm dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong nghiên cứu công nghệ cao của ĐHBK Hà Nội luôn là niềm tự hào, lan tỏa trong các thế hệ cán bộ của Trường và hệ thống giáo dục Việt Nam.
Ông thầy… tàu ngầm
Kể lại kỷ niệm về những ngày đầu gian khó với tàu ngầm, thầy Việt Anh nhớ những lần đem tàu đi thử nghiệm. Vì không có khu thử nghiệm riêng nên cả nhóm thường đem tàu ngầm ra khu bể bơi của Trường. Trước khi thử nghiệm, các cán bộ nghiên cứu trẻ hì hục dọn dẹp, vệ sinh mặt bằng, sắp đặt nhân lực, thiết bị cần thiết…
Công việc diễn ra vào những ngày đông cuối năm rét mướt, việc xuống bể bơi lạnh buốt thật không hề dễ chịu chút nào… Thế nhưng mọi người trong nhóm nghiên cứu vẫn rất hăng hái. Mỗi lần thử nghiệm như thế, anh em luôn được các thầy trong Ban Giám hiệu quan tâm, cổ vũ, động viên tinh thần.
Có những hôm các thầy hiệu trưởng, hiệu phó… cùng mọi người thức tới 1 – 2 giờ sáng. Khi thử nghiệm thành công, những “chú ong thợ” lọ mọ thâu đêm, suốt sáng cùng khẽ hò reo vui mừng trong không gian tĩnh lặng. “Chúng tôi reo lên: Lặn rồi!!, khi xung quanh tối om và mọi người đều đã ngủ” – PGS.TS Trương Việt Anh hóm hỉnh nói.
Nhìn lại chặng đường NCKH, điều mà thầy Việt Anh cảm thấy hạnh phúc nhất đó là được làm việc tại Trường ĐHBK Hà Nội – một môi trường nghiên cứu đầy nhiệt huyết, mọi người trong nhóm nghiên cứu luôn động viên, truyền ngọn lửa đam mê khoa học cho nhau và các học trò, chung tay đồng lòng khi khó khăn, vướng mắc… Sự chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu đó là những điều vô cùng quan trọng để thực sự trở thành nguồn lực lớn cho những thành công.
Các mẫu tàu ngầm có người lái và không người lái của chương trình nghiên cứu hiện đang đặt tại phòng thí nghiệm ngành Máy và Tự động thủy khí để cán bộ và sinh viên quan tâm cùng tiếp tục ấp ủ những ý tưởng nghiên cứu mới. Tại các triển lãm, chiếc tàu ngầm bóng loáng như viên đạn khổng lồ đã gây sự chú ý, thích thú, ngạc nhiên của khách thăm quan. Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên thường vui đùa đặt cho PGS. Trương Việt Anh “nick name” trìu mến: “Việt Anh tàu ngầm”, “Ông thầy tàu ngầm”…
Hỏi PGS Việt Anh, hiện là Trưởng phòng Quản lý chất lượng của Trường, liệu ông đã dứt khỏi mối duyên tàu ngầm khi sản phẩm nghiên cứu đã thành hình hài, ông hào hứng chia sẻ: “Cho đến giờ, tôi vẫn nói vui là để phát triển sản phẩm tàu ngầm, anh em có thể làm đến lúc về hưu vì sản phẩm công nghệ có quá nhiều thang bậc khác nhau. Một thiết bị thông minh đưa ra sẽ có những cải tiến liên tục, đặc biệt với thiết bị không người lái, để nắm được cái gọi là chìa khóa công nghệ thì còn cần phải đầu tư rất nhiều. Đây chỉ là thành công bước đầu trong chủ động công nghệ lõi và ứng dụng. Chúng tôi và anh em trẻ sẽ kết nối thế hệ và tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục phấn đấu!” – PGS.TS Việt Anh tâm huyết cho biết.
“Sáng tạo không thể nảy sinh ở một môi trường thiếu thông tin, kiến thức, nhiệt huyết,… Chỉ ở nơi tập trung được lực lượng lao động sáng tạo mới có thể nảy sinh sáng tạo. Nó sẽ là vòng lặp thúc đẩy sự phát triển dần lên. Trường ĐHBK Hà Nội chính là nơi hội tụ các điều kiện như vậy, là ngôi trường luôn quan tâm nâng bước giảng viên, sinh viên trong NCKH và thỏa sức sáng tạo” – PGS. TS Trương Việt Anh
Trần Việt Nga